Ngày 30/11/2012 Trung Quốc đã bắn
một tên lửa DF-31A từ Wuzhai . Tên lửa DF-31A được cho là có tầm bắn
khoảng 11.200 km, có khả năng mang 5 đầu đạn hạt nhân cùng lúc. Với tầm
bắn này DF-31A có thể vươn tới nước Mỹ.
Hoàng Phúc
BLA: Ngày 29/8/2014, tổng thống Nga Putin nhắc nhở các nước phương Tây hãy nhớ Nga là một cường quốc hạt nhân, đừng có giỡn mặt. Cũng trong tháng 8/2014, cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc đều hăm có thể giáng đòn vũ khí hạt nhân đến tận đất Mỹ. Vũ khí hạt nhân có lẽ là điều khủng khiếp và đáng tiếc nhất của lịch sử xã hội loài người. Tất nhiên không có nghĩa rằng ai có vũ khí hạt nhân thì sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh, nhưng sẽ thật khủng khiếp dù chỉ một quả bom nguyên tử được kích hoạt trên trái đất này, cho dù với bất kỳ lý do nào.
Người ta cho rằng hiện nay Trung Quốc là quốc gia đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn hàng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga. Đất nước thuộc dạng nghèo này (tính theo thu nhập bình quân đầu người) đã dùng những phương cách gì để đạt được thành tựu đó? Hiện nay năng lực quân sự hạt nhân của Trung Quốc ra sao?
Mao Trạch Đông thèm khát vũ khí hạt nhân
Ngay từ những năm đầu thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị nước này đã thể hiện rõ mong muốn xây dựng một quân đội mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại, bao gồm vũ khí hạt nhân (bom nguyên tử).
Mao Trạch Đông từng tuyên bố: “Trong thế giới ngày nay chúng tôi không thể bằng lòng khi không có nó (vũ khí hạt nhân)…, thế giới phương Tây tỏ thái độ coi thường Trung Quốc bởi vì chúng tôi không có bom nguyên tử, chỉ có lựu đạn”.
Để thực hiện tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, từ năm 1950, Trung Quốc thành lập Viện Hàn lâm Khoa học. Một nhà khoa học có tên là Tiền Tam Cường được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc đầu tiên của Viện này. Ông này được coi là cha đẻ của bom nguyên tử Trung Quốc.
Trước đó, mùa hè năm 1937, Tiền Tam Cường được Bắc Kinh đưa đi nghiên cứu sinh ở Viện radium Đại học Paris (Pháp). Khi đó, ông vinh dự được nhà khoa học Frederic Joliot-Curie dẫn dắt.
Năm 1940, Tiền Tam Cường đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, và tiếp tục làm việc ở Pháp. Năm 1947, nhà khoa học này đã được trao giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp.
Năm 1941 Tiền Tam Cường trở về Trung Quốc.
Dự án phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc tất nhiên cũng có sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học tài năng khác của Trung Quốc. Trong số họ phải kể đến hai nhà vật lý Ganpan Wang và Zhao Zhongyang từ Đại học Illionois (Mỹ). Sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài đã có mặt tại Trung Quốc trong thời kỳ đầu của dự án phát triển hạt nhân. Chính họ đã mang rất nhiều bí mật hạt nhân và những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế ở nước ngoài về cho quê hương.
Thời điểm này, quan hệ giữa hai quốc gia đàn anh trong hệ thống XHCN là Liên Xô và Trung khá tốt đẹp. Mùa xuân năm 1953, một số thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc có chuyến làm việc tại Liên Xô để học hỏi giao lưu, mở rộng kiến thức về công nghệ hạt nhân.
Dù vậy, vũ khi hạt nhân luôn là một trong những bí mật quốc gia có giá trị nhất. Khi chuẩn bị đón đoàn Trung Quốc, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Alexamder Nesmeyanov đã khuyên các cơ quan có thẩm quyền phải cận trọng khi làm việc với phái đoàn Trung Quốc và Tiền Tam Cường, chỉ nên giới thiệu một số công trình khoa học có tính chất chung chung mà không giới thiệu vấn đề định hướng.
Tháng 10/1954, Mao Trạch Đông đề nghị Moscow giúp Bắc Kinh chế tạo vũ khí hạt nhân nhân dịp Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khushchev viếng thăm Bắc Kinh. Khi đó, Khushchev đã không đưa ra bất kỳ lời hứa đảm bảo nào, thậm chí Nikita Khushchev còn khuyên Mao Trạch Đông nên từ bỏ dự án hạt nhân vì Trung Quốc chưa có nền tảng khoa học kỹ thuật, công nghiệp và tiềm lực kinh tế cần thiết.
Tuy nhiên, thời gian này khao khát về vũ khí hạt nhân của các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Trung Quốc càng dâng cao, trong bối cảnh nước này tham gia cuộc chiến ở Triều Tiên (1950-1953) và xung đột Trung - Mỹ leo thang ở eo biển Đài Loan (năm 1958).
Từ vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được mối đe dọa Mỹ khi họ có bom nguyên tử. Chính vì thế, tại cuộc họp mở rộng của ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 15/1/1955, Mao Trạch Đông đã đưa ra chỉ thị: Trung Quốc phải phát triển bằng được bom nguyên tử với sự giúp đỡ của Liên Xô hoặc là không có sự tham gia của Liên Xô.
Khrushchev nhượng bộ
Nhằm tăng cường nguồn tài nguyên uranium thô (sẽ nhận được theo cam kết từ phía Trung Quốc trong trao đổi để giúp đỡ về việc thăm dò uranium) ngày 20/1/1955, chính phủ Liên Xô nhất trí ký thỏa thuận với Trung Quốc về kế hoạch cùng nhau nghiên cứu địa chất ở Tân Cương và phát triển mỏ uranium.
Việc tìm kiếm mỏ uranium, ngoài sự tham gia của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc còn có một số nhà khoa học đến từ Đông Âu. Địa điểm đầu tiên tìm thấy nguồn trữ lượng uranium là ở khu vực Tây - Bắc Trung Quốc (Tân Cương) và nơi đây cũng đã bắt đầu triển khai công tác khai thác mỏ từ năm 1957.
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khruschev trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 1958.
Tiếp theo, ngày 7/4/1956, hai bên đã ký một thỏa thuận. Theo đó, Liên Xô sẽ cung cấp viện trợ để xây dựng các công trình dân sinh và quân sự, gồm tuyến đường sắt từ Aktoga đến Lanzhuo (Lan Châu) để chuyên chở các trang thiết bị của Trung tâm thử nghiệm vũ khí nguyên tử đầu tiên ở Lop Nor.
Mùa đông 1956, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định “phát triển năng lượng hạt nhân”. Trong dự án này có hai lĩnh vực cơ bản, chế tạo tên lửa chiến lược và vũ khí nguyên tử.
Từ năm 1956-1967, tất cả các tinh hoa của nền khoa họcTrung Quốc và hơn 600 nhà khoa học Liên Xô đã làm việc theo kế hoạch phát triển khoa học đầy tham vọng này. Kế hoạch này gồm phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, nghiên cứu công nghệ phản lực, chế tạo công nghệ bán dẫn và phát triển máy tính …Để thực hiện những kế hoạch này, Bắc Kinh đã yêu cầu Liên Xô và các nước “hỗ trợ một cách toàn diện và nhanh chóng”.
Cũng trong giai đoạn này, Liên Xô đã cam kết xây dựng hàng trăm nhà máy công nghiệp Quốc phòng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà Bắc Kinh muốn nhất vẫn là Liên Xô giúp đỡ phát triển trong lĩnh vực hạt nhân và quốc phòng.
Tình hình bất ổn ở Ba Lan và Hungary xảy ra năm 1956 cũng khiến cho Khrushchev rất cần sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc về mặt chính trị, do đó đã quyết định mở rộng hợp tác với Trung Quốc. Trước đó Khrushchev vừa trải qua cuộc “sàng lọc” nội bộ với Molotov và những người thân cận, chính vì thế Khrushchev muốn Mao có mặt trong Đại hội Đảng Cộng Sản tại Moscow năm 1957. Khrushchev muốn thành công trong quan hệ với Trung quốc để tăng cường vị thế của mình ở Liên Xô, và nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rất khôn khéo sử dụng tình thế này. Mao tuyên bố sẽ đến Liên Xô chỉ sau khi ký kết thỏa thuận kỹ thuật - quân sự, bao gồm cả việc chuyển giao nguyên liệu và mô hình để Trung quốc sản xuất vũ khí nguyên tử.
Ngày 15/10/1957, Trung - Xô đã đặt bút ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân cho Trung Quốc. Moscow chỉ từ chối chuyển giao các tài liệu liên quan đến xây dựng tầu ngầm hạt nhân.
Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, khi đó Liên Xô cũng đã cung cấp hai mẫu tên lửa tầm ngắn đất đối đất cho phía Trung Quốc. Đây là cách mà người Trung Quốc đạt được mục đích tiếp cận với công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân của Liên Xô.
Cũng từ đó, bắt đầu từ năm 1958, Trung Quốc là nơi đến của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô. Trong giai đoạn 1950-1960, đã có khoảng 10.000 các chuyên gia ngành công nghiệp hạt nhân Liên Xô đến làm việc tại Trung Quốc, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, đã lựa chọn, xây dựng bãi thử nghiệm hạt nhân Lop Nor.
Vào tháng 9/1958, các nhà khoa học Liên Xô đã giúp đỡ để khởi động lò phản ứng thí nghiệm hạt nhân nước nặng đầu tiên của Trung Quốc và xây dựng máy gia tốc thực nghiệm. Đồng thời Liên Xô đã tiếp nhận và đào tạo 11.000 chuyên gia và 1.000 nhà bác học cho Trung Quốc.
Đổ vỡ tình đồng chí Trung - Xô
Có thể thấy lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đã không quá e ngại khi quyết định hỗ trợ trang bị vũ khí nguyên tử cho Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học Liên Xô thì lại không muốn điều đó. Theo hồi ký của Viện sĩ hàn lâm Abram Loffe, đã cố tình “phá hoại” các quyết định này. Họ chỉ muốn chuyển giao cho người Trung Quốc những dự án cũ, nhằm mục đích làm chậm chương trình hạt nhân này.
Cố vấn Liên Xô về vấn đề hạt nhân cho Chính phủ Trung Quốc, ông Zadikyan đã phát hiện được sự việc này và báo cáo lên cấp trên. Kết quả là Liên Xô đã chuyển giao công nghệ hạt nhân tiên tiến nhất và gây ra “khoảng cách” đầu tiên trong quan hệ Liên Xô - Trung Quốc.
Năm 1958, lại một lần nữa Bắc Kinh yêu cầu Liên Xô giúp đỡ để phát triển một hải quân hiện đại được trang bị tàu ngầm hạt nhân. Tại cuộc họp với Mao Trạch Đông diễn ra ở Bắc Kinh (ngày 1/7/1958), đại sứ Liên Xô ở Trung Quốc, Paul Yudin cho biết, vấn đề này đã được thảo luận ở Moscow nhưng việc xây dựng hạm đội tàu ngầm hiện đại là một việc hoàn toàn mới và rất đắt tiền, ngay cả với Liên Xô.
Đại sứ nói thêm rằng, ở Liên Xô đưa ra một phương án khả thi và mong muốn xây dựng một lực lượng hải quân liên minh hiện đại với Trung Quốc. Đại sứ còn cho biết, bờ biển bao bọc Trung Quốc là vị trí cực kỳ quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lực lượng Hải quân ở khu vực Thái Bình Dương.
Moscow đã đề nghị tiếp tục các cuộc hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai và Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài. Thế nhưng Mao Trạch Đông lại đưa ra vấn đề về quyền sở hữu và quản lý hạm đội, nên đại sứ Liên Xô từ chối thảo luận chi tiết của dự án.
Ngày hôm sau, đại sứ Yudin đã được mời tham dự cuộc họp với Mao Chủ tịch cùng các ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc. Tại đây, Mao Trạch Đông nói rằng, Bắc Kinh sẽ không thành lập căn cứ hải quân của Liên Xô trong thời bình, ông mời liên minh để hỗ trợ việc xây dựng hạm đội mà “chúng ta sẽ làm chủ” và như thế là đề xuất việc viếng thăm Moscow của Chu Ân Lai và Bành Đức Hoài bị từ chối. Kéo theo đó, kế hoạch phát triển hạm đội chung bị “đóng băng”.
Sau này, Moscow bắt đầu đặt câu hỏi về một số kiểm soát của Liên Xô đối với ngành công nghiệp hạt nhân và lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Ngày 31/7/1958, Khrushchev đến Bắc Kinh và gặp Mao Trạch Đông. Trong cuộc hội đàm Khrushchev đưa ra lời khuyên, bom nguyên tử đối với Trung Quốc không phải là quá cần thiết, bởi Liên Xô sẽ sẵn sàng bảo vệ “hàng xóm” như “chính bản thân mình”. Thế nhưng Mao đã khẳng định, Trung Quốc là nước rộng lớn, độc lập và có chủ quyền. Do đó cần phải có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, Mao đòi Liên Xô chuẩn bị chuyển giao vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ để chế tạo bom nguyên tử cho Trung Quốc.
Nhằm dàn xếp các bất đồng, vào mùa hè năm 1958, Mao và Khrushchev gặp nhau một lần nữa. Trong cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo Liên Xô cố gắng khai thông ý tưởng phát triển hạm đội chung và căn cứ cho các tàu ngầm của Liên Xô ở Trung Quốc. Thế nhưng, Mao Trạch Đông không đồng ý vì “trong quá khứ, đã nhiều năm Trung Quốc bị người Anh và một số nước khác chiếm đóng”.
Mao khẳng định, khi có chiến tranh, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng cung cấp hạ tầng cơ sở ven biển, lãnh thổ của mình cho các lực lượng vũ trang Liên Xô, tuy nhiên, việc điều hành trực tiếp trên lãnh thổ Trung Quốc phải do người Trung Quốc. Ngoài ra, Mao còn đưa ra điều kiện, nếu có chiến tranh, Quân đội Trung Quốc có quyền hoạt động trên lãnh thổ Liên Xô, gồm cả Vladivostok.
Tự lực tự cường sau khi Liên Xô rút
Mùa hè năm 1959, mọi việc đã trở nên quá rõ ràng, Moscow không chuyển giao cho Bắc Kinh công nghệ đầy đủ để chế tạo bom nguyên tử. Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố, trong 8 năm Trung quốc sẽ tự chế tạo bom nguyên tử mà không cần bất cứ trợ giúp nào (!?)
Những năm đầu 1960, Liên Xô rút 1.292 chuyên gia từ Trung Quốc, làm cho Bắc Kinh có phần lúng túng. Thế nhưng 6.000 chuyên gia của Trung Quốc do Liên Xô giúp đỡ đào tạo đã phần nào lấp được khoảng trống đó. Dù từ năm 1960, quan hệ Trung - Xô xấu đi nhưng Bắc Kinh vẫn không từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc đã chọn căn cứ thí nghiệm hạt nhân La Bố Bạc ở tận Tân Cương xa xôi, với đại quân đông tới hàng triệu người làm việc. Đó vùng sa mạc Gôbi, điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, đời sống khó khăn. Lúc bấy giờ, tại Trung Quốc liên tục mất mùa, đói kém. Nhiều ý kiến trái chiều về công nghiệp hạt nhân nhưng Mao vẫn phê chuẩn kế hoạch sản xuất tên lửa và bom nguyên tử. Trần Nghị nói, dù còn cái dải quần cũng phải làm bom nguyên tử!
Bãi thử bom nguyên tử Mã Lan bị bỏ hoang trong một thời gian dài và đang chuẩn bị được biến thành điểm du lịch (cuối 2012)
Một Uỷ ban chuyên môn được thành lập, do thủ tướng Chu Ân Lai làm chủ nhiệm nhằm tăng cường lãnh đạo, tổ chức các ngành nghiên cứu khoa học, các cơ sở sản xuất, bồi dưỡng, bổ sung lực lượng nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Người Mỹ đã sản xuất ba quả bom nguyên tử, trong đó có hai quả thuộc loại nhiệt hạch, một quả thuộc loại phân hạch. Quả bom nguyên tử đầu tiên TQ chế tạo thuộc loại nhiệt hạch. Nhiệt hạch là sự bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và nén đầu mang tritium, deuterium hoặc lithium, từ đó xẩy ra phản ứng nhiệt hạch, giải phóng năng lượng ra ngoài.
Hàng trăm vấn đề kỹ thuật quan trọng gặp phải trong quá trình chế tạo bom nguyên tử được giải quyết. Trung Quốc bố trí hơn 20 ngàn hạng mục nghiên cứu sản xuất các sản phẩm đồng bộ, các vật liệu đặc biệt.
Trước những diễn biến trên, Mỹ, Anh và Liên Xô đồng loạt phản đối Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc là “con buôn chiến tranh”. Trước tình hình đó, Mao vẫn kiên quyết nói, có phải mất 100 năm cũng quyết làm bom nguyên tử! Có cách nào khác được? Không có vũ khí trong tay, tiếng nói không có trọng lượng.
Sau khi đã làm chủ các kỹ thuật, Trung Quốc cho tiến hành quay một bộ phim tuyệt mật, bắt đầu giới thiệu từ lúc tập kết chi tiết, việc nghiên cứu sản xuất các bộ linh kiện, đến nạp thuốc nổ, rồi lắp ráp các bộ phận lại, từ trong ra lớp vỏ ngoài, thể hiện từng lớp, từng lớp một, cuối cùng là lắp thành một quả cầu, dây điện dẫn ra chi chít. Đó là quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc, chỉ còn công đoạn lắp vật liệu hạt nhân U235 vào là chưa thực hiện. Chu Ân Lai và các ủy viên Ủy ban chuyên môn xem phim xong đều vô cùng phấn khởi.
Trung Quốc chọn phương án nổ quả bom nguyên tử đầu tiên trên tháp sắt, tức là lắp ráp bom nguyên tử xong ở dưới mặt đất, sau đó cẩu lên đỉnh tháp, tiến hành cố định, kiểm tra, cuối cùng mới lắp ống dẫn cháy. Trương Ái Bình, người sau này là Bộ trưởng Quốc phòng TQ, chỉ huy tối cao cuộc thí nghiệm. Ông ta yêu cầu Bộ công nghiệp cơ khí và các nhà khoa học ký tên, xác nhận đảm bảo trên 99% là nổ thành công.
Ngày 16/10/1964 đã trở thành một ngày trọng đại của người Trung Quốc, vì đó là ngày đất nước này tiến hành vụ nổ nguyên tử đầu tiên.
Vào lúc 15 giờ, từ tháp sắt lóe lên một tia chớp sáng lòa, sau đó là một quả cầu lửa khổng lồ cuộn bay lên rồi một tiếng nổ long trời lở đất. Dần dần quả cầu lửa và khói bụi từ mặt đất cuộn lên quyện vào nhau tạo thành một chiếc nấm mây lớn.
Hình ảnh vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc
Tin tức được truyền nhanh đến Trung Nam Hải, Chu Ân Lai rất mừng, lập tức báo cáo với Mao Trạch Đông. Mao rất vui nhưng cẩn thận hỏi, đúng là nổ bom nguyên tử chứ? Thế là Chu Ân Lai yêu cầu căn cứ La Bố Bạc xác nhận lại, đúng là quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ thành công.
Như vậy, Trung Quốc chỉ cần 5 năm để chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, thay vì kế hoạch ban đầu là 8 năm. Thủ tướng Chu Ân Lai đã thay mặt Mao Trạch Đông thông báo về thành công của cuộc thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên (dự án 595).
Cuộc thử nghiệm đã được diễn ra ở bãi thử hạt nhân Lop Nor (gần hồ Lop Nor). Quả bom có đương lượng nổ 22 kT, sử dụng Uran-235.
Chi phí khổng lồ
Theo tính toán của các chuyên gia phương Tây, chi phí của chương trình bom nguyên tử này lên đến 4,1 tỷ USD.
Jung Chang và Jon Halliday, trong tác phẩm Mao: The Unknown Story cho rằng, số người chết vì Mao chế tạo bom nguyên tử đã vượt quá 100 lần số người chết vì hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản. Nếu TQ không xuất khẩu nông sản để đổi lấy kỹ thuật quân sự thì sẽ không có ai bị chết đói. Và nếu Trung Quốc dùng tiền chế tạo bom nguyên tử để mua lương thực thì cũng không có người chết đói.
Một số nghiên cứu cho rằng, chi phí chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên khoảng 2,8 tỷ nhân dân tệ và toàn bộ kế hoạch hạt nhân kết thúc vào năm 1990 tiêu tốn khoảng 30 tỷ nhân dân tệ. Kế hoạch hạt nhân của Trung Quốc tương đương với hai cuộc chiến tranh triều Tiên trong 10 năm.
Sau thử nghiệm, Trung quốc chính thức trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân, sau Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp. Sau vụ thử nghiệm, Bắc Kinh tuyên bố học thuyết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn ưu tiên sản xuất vũ khí nhiệt hạch, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược.
Ngày 14/5/1965, lần đầu tiên Trung quốc thử nghiệm bom nguyên tử thả từ máy bay.
Đến tháng 10/1966, Trung Quốc khởi động lò phản ứng hạt nhân ở Chzhuvan để sản xuất plutonium. Vào mùa xuân năm 1967 bắt đầu hoàn thiện thiết bị nhiệt hạch đầu tiên.
Ngày 17/6/1967, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên chế tạo từ Uran-235, Uran-238, Li-6 và hidro nặng. Vụ nổ được tiến hành ở bãi thử Lop Nor với công suất 3,3 MT. Quả bom nhiệt hạch được thả xuống từ máy bay ném bom H-6 (bản sao của Tu-16, Liên Xô) từ độ cao 2.960 m.
Sau sự kiện này, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ tư sở hữu bom nhiệt hạch, sau Mỹ, Liên Xô và Anh.
Đến ngày 27/12/1968, Trung Quốc thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch chế tạo từ plutonium.
Ngày 23/9/1969, Trung quốc thử nghiệm vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất. Cũng trong thời gian này, Trung quốc bắt đầu triển khai máy bay ném bom mang vũ khí hạt nhân.
2014: Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có 3.000 đầu đạn?
Năng lực hạt nhân quân sự của Trung Quốc tại thời điểm 2014 là một bí mật đối với thế giới bên ngoài.
Trung Quốc đang thu hút sự chú ý lẫn quan ngại trong khu vực với các động thái tăng cường sức mạnh và hoạt động quân sự của mình. Tuy nhiên, lâu nay dư luận hầu như tập trung vào hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hay máy bay chiến đấu J-15 trong khi số lượng đầu đạn hạt nhân thật sự của nước này, do Quân đoàn pháo binh chiến lược 2 quản lý, đang là một câu hỏi lớn.
Theo báo The Japan Times, các nước châu Á, bao gồm Nhật Bản, đang lo ngại rằng do phải tập trung cắt giảm chi phí duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình, Mỹ có thể không lưu tâm đầy đủ đến những bằng chứng rằng Bắc Kinh đang sở hữu lượng vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều so với các ước tính chính thức. Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách về vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga. Điều này sẽ gây tổn hại cam kết của Mỹ về việc bảo vệ các đồng minh châu Á nguy cơ tấn công hay đe dọa hạt nhân. Hậu quả cuối cùng là các nước trong khu vực có thể bị cuốn vào một cuộc chạy đua hạt nhân.
Tại diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa qua, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc không công khai về kho vũ khí hạt nhân mà chỉ nói nước ông cam kết không tấn công hạt nhân trước, theo AFP.
Đa số giới chức phụ trách kiểm soát vũ khí và chuyên gia phân tích của Mỹ vẫn cho rằng Bắc Kinh có khoảng 240-400 đầu đạn hạt nhân, quá khiêm tốn so với 7.700 đầu đạn của Washington và 8.500 đầu đạn của Moscow. Mới đây nhất, AFP dẫn báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển công bố ngày 3.6 cho biết Trung Quốc hiện sở hữu 250 đầu đạn hạt nhân, tăng thêm 10 đầu đạn so với năm ngoái. Tuy nhiên, theo rất nhiều nguồn tin, số lượng thực tế cao hơn nhiều.
Tờ The Washington Times dẫn lời tướng Viktor Esin, cựu chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, hồi tháng 12.2012 tiết lộ: “Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có khoảng 1.600 - 1.800 đầu đạn, bao gồm 850 đầu đạn sẵn sàng để phóng”. Trang tin Defense News thì trích báo cáo của đội nghiên cứu thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) cho rằng Trung Quốc hiện có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân được cất kỹ trong một hệ thống hầm ngầm chằng chịt dưới lòng đất. Nhiều đầu đạn được gắn trên tên lửa đạn đạo hoặc trên những bệ phóng di động rất khó phát hiện.
Bên cạnh đó, trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ hồi tháng 5 về tình hình quân sự an ninh liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm Góc nói nước này đang phát triển những loại tên lửa mới, nâng cấp các hệ thống cũ và vạch ra phương pháp đối phó những hệ thống lá chắn trong khu vực.
Trung Quốc “Rất không minh bạch”
Trong báo cáo mới, SIPRI nhận định Trung Quốc “rất không minh bạch” khi nói đến kho vũ khí hạt nhân của mình. Vì thế, theo giới quan sát, việc làm sáng tỏ những bí mật hạt nhân của Trung Quốc mà không có sự hợp tác của nước này gần như là “điệp vụ bất khả thi”, dẫn đến nhiều đồn đoán và lo ngại. Tháng 8 năm ngoái, trang Washington Free Beacon của Mỹ dẫn lời giới chức nước này loan tin Trung Quốc vừa cho bắn thử 2 loại tên lửa liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân là DF-41 và JL-2. Các chuyên gia cho rằng các tên lửa tầm ngắn hơn là DF-31 và DF-31A được nhằm vào Nga và Ấn Độ còn DF-41 được thiết kế để xuyên phá hệ thống phòng thủ của Mỹ. JL-2 thì có tầm bắn ước tính hơn 7.400 km, được trang bị cho tàu ngầm.
Mỹ còn lo ngại về hệ thống hầm ngầm có tổng chiều dài gần 5.000 km được cho là nơi cất giữ vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Theo báo cáo của ĐH Georgetown, hệ thống trên trải dài gần như toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc với độ sâu và quy mô khác nhau với một số cửa vào tại Nam Dương thuộc tỉnh Hà Nam hoặc Côn Minh ở tỉnh Vân Nam. Khu vực hầm tại Côn Minh có thể là nơi cất giữ tên lửa DF-31.
Theo tướng Esin của Nga, quan ngại về năng lực hạt nhân của Trung Quốc là một trong những lý do khiến nước ông và Mỹ vẫn chưa thể an tâm cắt giảm kho vũ khí của mình. Ông cho rằng để nỗ lực giảm thiểu vũ khí hạt nhân thành công thì phải có sự tham gia của Bắc Kinh./.
http://dandensg.blogspot.com/2014/09/trung-quoc-co-uoc-qua-bom-nguyen-tu-au.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét