Xe cháo huyết của bà xẩm
đó nằm trên vỉa hè phía đối diện với rạp
hát Casino Đakao, gần trụ đèn xanh đèn đỏ. Thành ra khi đi về hướng
Gia Định, gặp đèn đỏ, ngừng xe lại là thấy nó ngay ở bên tay mặt.
Hồi mới “giải phóng”, còn chút đỉnh
tiền, chiều đi làm về tôi hay tấp vô đó “làm”
một tô cháo huyết có kèm theo một dĩa giò-cháo-quẩy
cắt khoanh. Không biết có phải tại vì buổi
trưa ăn không đủ no thành ra chiều nghe đói sớm
hay sao, mà lúc nào tôi cũng thấy cháo huyết của bà xẩm
đó thật là ngon ! Cháo nấu
nhừ, huyết cắt vuông thành từng miếng vừa vặn
nhỏ để được nằm gọn trong lòng cái
muỗng sành. Múc một muỗng vừa có cháo vừa
có huyết đưa lên môi thổi cho bớt nóng trước
khi cho vào miệng, mà nghe thơm phức
làm chảy nước miếng. Còn giò-cháo-quẩy
cho vào cháo, dù đã được cắt khoanh, nhưng vẫn
giử nguyên cái giòn của nó. Cái “béo” của
giò-cháo-quẩy làm cho cái “bùi” của cháo càng thêm đậm
đà, và cái “giòn” của giò-cháo-quẩy thì thật “ăn
rơ” với cái mềm mềm cứng cứng của huyết.
Ngon không chê được !
Bà xẩm gọi tôi bằng
“thầy Hai”.
Sau “giải phóng”, từ ngữ cũng đã được
đổi thay – cho nó hạp với... tác phong cách mạng –
không còn gọi “ông A, bà B” gì nữa. Không còn xưng hô “thầy X, cô Y” gì nữa. Mọi
giai tầng xã hội đều được xóa bỏ,
mọi chênh lệch tuổi tác hầu như được
sang bằng. Trong... “xã giao thường thức”, để
gọi nhau, người ta chỉ còn dùng có hai từ “anh” và
“chị”, vừa ngắn gọn lại vừa... bình đẳng
nữa ! Thành ra thấy được xử dụng rất
thoải mái và... xả láng ! (Một hôm,
một thằng bé cỡ tuổi cháu tôi đã gọi tôi bằng
“anh”... ngon lành ! Có lẽ
trong lòng nó cũng khoái được trịch thượng
như vậy. Bởi vì nó biết “thằng chả
không làm gì mình được” ! Đổi
đời... sướng ở chỗ đó
!).
Vậy mà bà xẩm vẫn gọi tôi bằng “thầy
Hai”, thản nhiên không ngượng nghịu gì hết ! Có lẽ tại thói
quen. Cũng như tôi vẫn gọi bả bằng
“thím xẩm” chớ không là... “chị xẩm”
với tiếng “chị” rất... thời trang từ ngữ
!
Mặc dù bây giờ người ta hay nghi ngờ,
dè dặt, bà xẩm, đối với tôi, vẫn nói chuyện
một cách thật tình cởi mở:
- Tôi nhớ hồi trước thím đâu có cái xe cháo huyết này.
- Thầy Hai nói đúng đó. Hồi trước
là cái tiệm. Nó nằm sau lưng tôi nè.
Hồi đó buôn bán khá lắm, thầy Hai à.
Tiệm có bốn năm cái bàn lận.
- Tôi biết mà. Hồi đó,
lâu lâu tôi có chở vợ con lại đây ăn. Tôi ở bên Gia Định, gần xịt hè.
- Ủa ! Mà hồi đó
thầy làm việc ở đâu vậy ?
- Tôi làm trong ngân hàng ở Chợ Cũ. Lái xe đi về trên đường này nên mới
biết tiệm của thím đó chớ.
- Giải phóng rồi thầy cũng còn làm
việc ở sở cũ hả ?
- Đâu có ! Mấy
ổng đổi tôi xuống làm việc ở nhà máy ve chai
Khánh Hội.
- Cha... Xa quá há ! Đạp
xe chắc mệt hả thầy Hai ? Bây
giờ ai cũng đi xe đạp hết
trọi.
- Rồi cũng quen hà. Ủa ?
Mà tại sao thím dẹp tiệm đi ?
- Thời buổi khó khăn mà thầy Hai. Giữ chi cái tiệm cho họ để ý. Làm
ăn nhỏ nhỏ thôi. Như thiên hạ
vậy mà.
- Rồi mấy đứa con thím đâu ? Tôi nhớ hồi đó trong tiệm
có mấy đứa...
- Đi hết rồi. Đi trước
giải phóng.
- Sao thím không đi ?
- Thầy Hai nghĩ coi. Tôi già rồi.
Không biết tiếng, không biết chữ.Đi đâu ? Còn mồ mả chồng tôi, mồ mả
ông già bà già ở đây mà đi đâu ?
Còn thầy ? Sao thầy không đi ?
- Tôi kẹt !
Lâu lâu ăn cháo huyết của
bà xẩm được một thời gian thì Nhà Nước
đổi tiền. Tôi... trở tay không
kịp. Vậy là kẹt cứng. Có khi cả tháng không dư được một
đồng. Lấy gì ăn cháo huyết
?
Để tránh... thấy hàng
cháo huyết, mới đầu tôi thay đổi lộ
trình. Tôi đi ngã cầu sắt, vòng qua chợ Bà Chiểu,
xa hơn, hôi hơn (vì đi ngang chợ) và mệt hơn.
Được mấy tuần, tôi bỗng nảy ra một
sáng kiến (Nhà Nước đã chẳng dạy: “Ta phải
luôn luôn phát huy sáng kiến” à ?). Đó là vẫn
đạp xe theo lộ trình cũ. Nhưng khi đến cách đèn xanh đèn đỏ
độ vài chục thước, tôi rà thắng, mắt
nhìn đèn ở đằng xa. Nếu là
đèn đỏ, tôi bóp thắng ngừng ngay, đợi.
Nếu là đèn xanh, tôi cắm đầu
phóng nhanh đi tuốt. Thật là... thích
thú. Tôi phục... tôi quá chừng !
Chiều hôm đó, đi làm về, mặc dù bụng
đói meo, tôi vẫn áp dụng sáng kiến
“canh đèn để vọt” kể trên. Nhưng
không hiểu sao đèn đang xang bỗng bật đỏ
ngang không qua đèn vàng, khi tôi chỉ còn cách nó có vài thước.
Nếu tôi... nhắm mắt chạy luôn, chắc
cũng không sao. Đằng này, “bản
năng” của một người công dân tốt trong tôi...
bóp thắng. Xe đạp lết bánh một khúc rồi
ngừng ngay trước xe cháo huyết !
Tôi chống chân chờ, mắt
nhìn đèn đâm đâm. Bỗng tôi nghe tiếng bà xẩm, giọng niềm
nỡ :
- Thầy Hai ! Thầy Hai à ! Trời ơi sao đâu mất vậy ? Vô ăn cháo đi !
Tôi làm bộ giật mình rồi nhìn về phía bả,
mỉm cười cho... lấy có:
- Thím mạnh hả ?
Giọng của bà xẩm trở nên ân cần:
- Vô ăn cháo đi thầy
Hai. Lâu quá mà...
- Tôi không có tiền ! (Tôi
đã nói như vậy – dám nói như vậy – một cách thẳng
thừng và không chút ngượng nghịu !).
- Không có sao !
Vô ăn đi ! Chừng nào
trả cũng được. Mình quen mà... Thầy
Hai !
Tôi lại nhìn đèn đỏ.
Sao nó không xanh cho rồi, để tôi có cớ mà hối hả
đạp đi, tránh được cái mùi thơm hấp
dẫn của cháo huyết và tránh được lời mời
rất thân tình của bà xẩm. Đèn vẫn đỏ !
Như... cố tình đỏ lâu để tôi có thời
gian “đấu tranh tư tưởng”: một bên là “cái
đói”, kéo thêm “cái thèm”, còn một bên là “cái xấu hổ” của
một người chưa quen ăn chịu.
Tiếng bà xẩm vang lên:
- Thầy Hai đừng ngại
mà... Vô ăn đi rồi mai mốt trả. Không
có sao !
Lần này,
“cái đói” cộng thêm “cái thèm” đã thắng. Tôi
nuốt nước miếng bước xuống xe đạp thì đèn bật xanh. Nhưng trễ rồi. Thằng
người hạ cấp trong tôi không còn đếm xỉa
gì đến đèn xanh đèn đỏ. Nó chỉ còn
thấy có tô cháo huyết ! Nó dẫn xe đạp lên lề khóa xe cẩn thận
rồi nó bước lại ngồi lên ghế đẩu
trước mặt bà xẩm. Nó còn mỉm cười chào
bả một cách rất tự nhiên, không có vẻ gì của
một người sắp sửa ăn
chịu. Bà xẩm hỏi:
- Sao lâu quá không thấy thầy
Hai vậy ?
Nó trả lời... gọn
ơ:
- Tôi mắc về dưới
tỉnh.
- Bà con ở dưới cũng
mạnh hết hả ?
- Dạ, mạnh.
Bà xẩm múc cháo, rắc tiêu, rồi
đẩy tô cháo đến trước mặt nó:
- Thầy Hai cứ ăn đi. Chừng nào có tiền trả cũng
được, đừng lo !
Nó nuốt nước miếng,
cầm muỗng múc cháo lên đổ cháo xuống cho mau nguội
mà mắt sáng rỡ, mũi hít từng hơi mùi thơm mời mọc.
Giọng bà xẩm ôn tồn:
- Thời buổi bây giờ,
đâu phải ai cũng còn tiền đâu thầy Hai. Hồi
trước, làm ăn dễ, có đồng
ra đồng vô. Bây giờ, càng ngày càng khó
khăn, ai cũng chăm bẵm hết.
Ngừng một chút rồi tiếp:
- Chỗ quen biết, tôi
nói thiệt. Thầy Hai cứ tới ăn
tự nhiên, đừng ngại. Chừng nào
thầy Hai trả cũng được hết. Mình
với nhau mà... Phải thông cảm với nhau chớ ! Thầy Hai hiểu tôi không
?
Đến đây, bỗng thằng
người hạ cấp trong tôi biến đâu mất ! Để lại tôi
ngượng nghịu cúi đầu nhìn tô cháo, chỉ nói
lí-nhí được có mấy tiếng “Cám ơn thím. Dạ...”, rồi nín thinh. Tô cháo trước mắt
tôi bỗng như to hơn, đầy hơn, đậm
đà hơn... Bởi vì tôi
thấy nó phải như vậy mới tương xứng
với lòng tốt của bà xẩm. Và lần này, tôi
có cảm tưởng như tôi ăn tô cháo đó chẳng
bao giờ cho hết !
Tôi cúi đầu
húp được vài muỗng thì bà xẩm đẩy tới
một dĩa giò-cháo-quẩy. Tôi vội xua tay:
- Không ! Không
! Tôi không ăn giò-cháo-quẩy đâu thím
!
- Không phải đâu. Đây là tôi cho thầy
Hai mà ! Không tính tiền !
Tôi ngước lên nhìn bà xẩm,
dò xét. Bả
nhìn tôi, hiền hòa, gật đầu nhè nhẹ như
để nói “Thiệt mà ! Ăn đi !”. Miếng cháo tôi đang nuốt bỗng
nghe như bị nghẹn ngang ở cổ họng, làm tôi ứa
nước mắt... Tôi không dám nhìn bà xẩm
nữa. Tôi nhìn tôi đang cúi đầu húp từng muỗng
cháo, trịnh trọng như trong đời tôi lần
đầu tiên tôi được ăn
món này, món cháo huyết đậm tình người của bà
xẩm Đakao...
Tiểu Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét