Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Huế, Trận đánh Mậu Thân – Chương 7: Thành Nội





Phần một:
Vọng lâu trên cửa thành
Thật là một điều không hợp lý chút nào sau khi rút những người lính TQLC trang bị hiện đại ra khỏi những đám ruộng nước lầy lội thì lại đẩy họ vào chiến đấu ở một khu thành lũy xây từ thế kỷ 18 (thật ra là xây vào đầu thế kỷ 19, đời vua Gia Long -1802-1820 ngd), nhiều hồ ao chung quanh với tất cả những gì khó khăn.
            Thực ra, Huế có hai thành phố riêng biệt và TQLC phải chiến đấu trong hai chiến trường khác nhau. Với họ, khu Huế-nam đã được kiểm soát, giai đoạn hai là chiếm lại khu bắc thành phố: Thành Nội Huế.
            Cuộc chiến đấu ở khu nam đã gay go, ở khu bắc lại càng thêm gian khổ. Số thương vong thật khủng khiếp, giành từng tất đất, nhà cửa sụp đổ gia tăng từng ngày, ghi lại nhiều dấu vết ghê gớm như trong trận Monte Cassino ở Ý hồi năm 1944. Michael Herr, một trong những phóng viên theo chân TQLC trong Thành Nội, cố gắng giải thích sự kiện nầy:
“Trong những ngày tệ hại nhất đó, chẳng có ai hy vọng mình sẽ được sống sót… Tất cả họ đều biết trận đánh hết sức tồi tệ, tính chất khác thường của trận đánh trong thành phố nầy trở thành một câu chuyện đùa đáng ngại: Ai cũng muốn bị thương.”
            Lewis C. Lawhorn, là trưởng toán hỏa lực thuộc Trung đội I, Đại Đội Delta, Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 5, Sư Đoàn 1/ TQLC. Anh ta là người da đen, 21 tuổi, thông minh, quê ở thành phố thép Vandergrift, Pennsylvania. Anh ta trở lại Việt Nam hồi tháng 11 năm 1967, hơn hai tháng trước, và lúc ấy, anh ta biết những gì được gọi là dành cho người lính bộ binh. Cuộc sống anh ta quá gian khổ, như tất cả những người lính TQLC khác vậy: Lội bì bõm qua các ruộng nước, chịu đựng bọ chét, muỗi, những cơn mưa phùn gió bấc lạnh giá; không có buồng tắm, không có giường sạch, không có bia lạnh, chỉ có mặt trời nắng cháy, balô 50 pound trên lưng, hàng dặm đường rừng mồ hôi nhễ nhại, phá rừng đi tuần phòng. Đêm đêm, ngủ chút ít, trực máy điện đàm, phục kích đêm, và dĩ nhiên, địch luôn luôn rình rập.
            Lawhorn chẳng suy nghĩ gì nhiều về việc tại sao anh ta tham gia cuộc chiến nầy ở Việt Nam, nhưng anh ta tin tưởng một cách chân thành vào đất nước anh. Thế là đủ. Điều anh ta chiến đấu vì anh là một TQLC. Đó là điều anh ta tin tưởng. Đại úy Myron Harrington, đại đội trưởng là một người mới, Lawhorn muốn chờ xem anh ta chỉ huy như thế nào. Nhưng trung đội trưởng Trung Đội 1, thiếu úy Maurice là một chỉ huy giỏi. Các trưởng toán, hạ sĩ, trung sĩ trong trung đội là những chỉ huy tốt. Anh ta cũng như những binh sĩ khác, được đối xử như nhau. Anh ta từng nói:
“Tôi biết chẳng có vấn đề gì ở hậu tuyến, những rắc rối về chủng tộc ở hậu tuyến. Chúng tôi chẳng mất thì giờ với những vấn đề như thế. Chúng tôi quá bận bịu với những công việc như đào công sự để núp đạn, quần thảo với địch để sống còn. Binh lính CSBV khi bắn bạn, họ không cần bận tâm bạn có màu da gì. Đơn vị tôi – người thì ở miền Nam, người ở cực Nam, người ở Nữu Ước, ở Massachusetts, nhiều nơi khác nhau, giọng nói khác nhau, nhưng chúng tôi cùng chung một toán, một đơn vị. Chúng tôi có người đen, Porto-Ricô, da đỏ, da trắng; nhưng chúng tôi không có vấn đề gì hết. Chúng tôi gọi nhau là anh bạn da trắng, mắt xanh. Chúng tôi hòa hợp với nhau bởi một điều, chúng tôi là TQLC. Chúng tôi đến đây để thi hành xong nhiệm kỳ rồi về nước. Điều khác, chúng tôi phụ thuộc vào nhau. Đó là điều phải có trong ngành bộ binh, khi chúng tôi là những TQLC. Chúng tôi sống với nhau, ngủ với nhau, khóc với nhau, cầu nguyện cho nhau. Chúng tôi phụ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi là bạn của mọi người trong trung đội. Tất cả chúng tôi là bè bạn. Đơn vị tôi, chỉ huy giỏi, khả năng giỏi, và chúng tôi được tiếng tốt. Phương châm chúng tôi ở Đại đội Delta là Phục vụ cho Delta. Dù công việc khó khăn như thế nào, chúng tôi cũng đảm đương. Thi hành công tác nào, chúng tôi cũng vẹn toàn với niềm tự hào của người lính TQLC.”
            Lawhorn và những người khác cần có tự hào, tình đồng đội, can đảm và thực hành nhiệm vụ mình ở Thành Nội Huế.
            Đại đội trưởng Đại Đội Delta, đại úy Myron Harrington hơi lo lắng một chút. Ông ta, 27 tuổi, có gia đình, quê ở Georgia, phục vụ ở Việt Nam 6 tháng nhưng tại đơn vị tiếp liệu ở Đà Nẵng, mới làm đại đội trưởng Đại đội Delta hôm 23 tháng Giêng, không nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Ông ta và đại đội giữ nhiệm vụ bảo vệ Căn Cứ Hỏa Lực Đồi 147, phía bắc đèo Hải Vân khi cuộc tổng tấn công Huế bắt đầu. Tin tức anh ta nhận được chẳng có gì tốt lành. Tiểu đoàn đóng tại Phú Lộc, trên Quốc Lộ 1, cách Phú Bài khoảng 10 dặm về phía Nam, bắt đầu bị quân Cộng Sản pháo kích liên tục. Chỗ nầy cũng gần với các đơn vị hỗn hợp Việt Mỹ hoạt động ở cơ sở (làng – ngd). Các đơn vị nầy cũng đang bị tấn công. Nhiều đơn vị thuộc Đại Đội 1/ 5 được tăng phái giữ nhiệm vụ như đội cứu cấp tới giúp đỡ giữ làng kẻo sợ Cọng Sản chiếm mất. Tới ngày 1 tháng Hai, khi đơn vị hỗn hợp Việt Mỹ H-5 bị CSBV tràn ngập, thì trung tá Rebert P. Whalen, tiểu đoàn trưởng, đích thân dẫn đơn vị tiếp cứu. Đoàn xe bị pháo kích, trung tá Whalen bị thương nặng. Trung đội phản kích tiến tới trước thì lọt ổ phục kích trước khi bắt tay được với đơn vị hỗn hợp H-5. Một đơn vị thứ ba cũng bị cầm chân. Đó là cuộc tấn công thứ tư của Cọng Sản nhằm chiếm quận lỵ Phú Lộc. Ông đại tá và binh sĩ ông cách quận lỵ chỉ có 200 thước. Tình hình diễn biến rất tệ hại.
            Cuối cùng, ngày 3 tháng Hai, đại úy Harrington được lệnh tham chiến. Ông ta cùng đại đội phải di chuyển bộ 12 cây số từ Căn Cứ Hỏa Lực Đồi 147 xuống quận lỵ Phú Lộc nằm trên QL. 1 để tăng cường cho đơn vị ở đây. Chẳng ai trong tiểu đoàn biết rõ tình hình địch ở khu vực nầy như thế nào. Họ cho biết chẳng có địch trên đường di chuyển của Harrington. Anh ta để lại một trung đội để bảo vệ các khẩu pháo tại căn cứ nầy, rồi từ sáng sớm, cùng các trung đội còn lại tiến về Phú Lộc.
            Trên đường tiến quân, họ qua Thừa Lưu, một xóm nhỏ, xóm nầy nằm giữa những ngọn đồi thoai thoải và cách biển Đông khoảng một cây số, bên phía mặt. Lawhorn và các TQLC khác rất thích xóm Thừa Lưu nầy; người dân ở đây rất tốt. Khi đi tuần trong thị trấn nầy, chẳng bao giờ họ bị bắn sẻ. Nhiều lần đi phục kích đêm, những đêm mưa phùn ướt át, họ lẻn qua đêm ở đây, trong một gian nhà tranh của ai đó, gọi điện báo cáo giả địa điểm phục kích, có thể nghe tiếng đạn nổ bùm bùm đâu đó, hút thuốc, nghỉ ngơi. Nhưng tất cả chỉ là trước Tết mà thôi.
            Có tiếng súng AK-47 bất thần nổ ran phía trước khi họ mới vào tới rìa thị trấn. Lawhorn và đồng đội nằm sát xuống đất. Đại úy Harrington đang liên lạc truyền tin, nói rằng có lẽ có vài tên bắn sẻ nào đó, cứ tiếp tục di chuyển. Toán TQLC tiếp tục tiến qua thị trấn, mọi người càng lúc càng kinh hãi hơn. Nhà cửa đều trống không. Quang cảnh hoàn toàn vắng vẻ. Lawhorn nắm chặt cây M-16 nhìn chăm chăm từ nhà nầy qua nhà khác. Chắc có gì tệ hại sắp xảy ra đây. Qua được nửa xóm Thừa Lưu thì điều tệ hại đó xảy ra thật.
            Lawhorn đang quan sát những quán lều ở phía trước, thì một tràng đạn lửa nổ ran trước mặt. Hai TQLC đang di chuyển trên đường gục xuống, số còn lại tản ra. Đạn từ trên sườn đồi chung quanh thị trấn bắn xuống như mưa. Quân CSBV bắt đầu nã súng cối xuống. Đang tìm chỗ núp thì Lawhorn nghe tiếng đạn xé bên tai, hơi nóng phụt qua và viên đạn nổ ngay bên kia đường. Anh ta có cảm tưởng như tai anh ta bay mất. Anh trung sĩ chạy ngược lui, nằm tròn bên cạnh và nắm đầu anh ta. Nhưng anh ta không hề hấn gì. Anh ta coi như suýt nguy đến tính mạng mà thôi. Phía trước, anh ta thấy có bóng người di chuyển qua từng nhà. TQLC thì nằm bẹp sát đất, bắn như điên. Quân CSBV thì từ ba hướng bắn tới.
            Trên đường, Harrington và người hiệu thính viên đang khom mình xuống, tránh đạn, không biết việc gì đang xảy ra. Sau khi nhắm chừng hỏa lực địch là cở một tiểu đoàn CSBV, việc làm đầu tiên của Harrington là liên lạc bằng truyền tin, gọi chiến hạm Mỹ đang đậu phía ngoài biển gần đó bắn yểm trợ.
            Phía trước, hỏa lực địch mỗi lúc một yếu đi, Lawhorn và trung đội của anh bắn trả dữ dội, vừa bắn vừa rút lui, củng cố vị trí bên phía bờ con đường đất, ngập nước vì những cơn mưa mùa. Họ trụ lại, trong đám phân rác ngang tới bụng. Trung úy Green muốn tấn công vào thị trấn, – Ông ta không thể đứng hay ngồi trên bùn, dần dần thấy được trung đội của anh ta đang bị địch đánh tan, liền la to lên, ra lệnh tác xạ, cố kéo binh lính của anh về lại bên nầy bờ đường đất. Anh ta muốn di chuyển, nhưng một tràng AK nổ dòn khiến bùn và nước bay tung tóe chung quanh. Đạn trúng mắt cá, anh ta cúi xuống. Một TQLC khác, một người da đen, muốn vượt qua bên kia bờ đường thì té nhào xuống vì trúng đạn vào đầu. Ai cũng lo ngồi núp sát đất, bối rối và sợ hãi.
            Trên đường, họ thấy một chiếc trực thăng tải thương đang đáp xuống giữa lưới đạn. Người lính TQLC bị đạn ở đầu đang thở một cách chậm chạp. Lawhorn, hai TQLC khác, và một người bị thương ở vai cố đẩy anh ta vào một cái áo đi mưa. Cả bốn người trong bọn họ trèo lên mặt đường cùng với người bị thương, cố chạy thật nhanh để chuyển người bị thương tới chỗ trực thăng đáp. Họ phải chạy khoảng 15 thước, Lawhorn nghe tiếng đạn AK rít trên đầu, thấy đạn rơi trên mặt đường. Họ để người bị thương xuống thì Lawhorn vừa nghe có tiếng kêu bụp rõ ràng là tiếng đạn xé vào thịt, và nghe tiếng người lính TQLC bị thương ở vai la lên: “Đ. mẹ.” Một viên đạn khác xé rách cổ tay anh ta. Họ quay trở ngược bờ đất bên đường và nép xuống bùn.
            Lawhorn và một trong các TQLC nắm lấy mắt cá người lính bị thương ở đầu và kéo anh ta ra khỏi chỗ hai bên đang bắn nhau. Rồi họ lại bắt đầu chạy tới chỗ trực thăng đáp, mang theo người bị thương, đầu cúi thấp, cố chạy qua khỏi vũng bùn. Một chiếc trực thăng khác, to, hình dáng như châu chấu Sea-Knight vừa sà xuống nã đạn, vừa mở cửa hậu. Mấy người lính TQLC lao nhanh tới, mang những người bị thương theo. Lawhorn buông người lính da đen bị thương xuống sàn, chiếc máy bay vội vàng lắc mình lên. Lawhorn đeo vào chiếc trực thăng, hai chân đong đưa, nghiến răng khi một tràng AK nổ, bắn thủng tấm nhôm cửa hậu máy bay. Người y tá la to để phi công đừng đóng cửa sau lại, sợ Lawhorn bị chẹt, rồi nắm tay và vai anh ta cố kéo vào bên trong. Anh ta đứng lên, thở một cách nặng nhọc, áo giáp và quần anh ta đẫm đầy bùn và máu của đồng đội. Người xạ thủ đại liên nơi cửa nhìn anh ta như chưa từng nhìn thấy một anh TQLC nào kỳ cục dơ dáy như vậy cả.
            Chiếc Sea Knight đáp xuống Đà-Nẵng. Nhiều y tá khác dồn vào trong máy bay lo cứu cấp người bị thương. Phi công là một thiếu tá, xin lỗi Lawhorn về việc ông ta đã vội vàng cất cánh. Ông ta hỏi ở Thừa Lưu còn ai bị thương nữa không? Lawhorn trả lời có. Sau khi lấy thêm nhiên liệu, họ lại bay trở lại chỗ đang đánh nhau. Chiếc máy bay bay là là trên các đám ruộng ngoài rìa thị trấn, Lawhorn chạy lui núp phía sau máy bay. Súng còn nổ, và TQLC chạy ngược lui phía đường lộ, mang theo người bị thương. (Báo cáo hôm đó nói phía TQLC có 10 người bị thương nặng; phía CSBV có 12 chết). Chiếc máy bay lại bay lên. Khi đó Lawhorn tìm được tiểu đội của anh và toàn thể đại đội rút lui phía QL 1. Họ vẫn còn tiếp tục chiến đấu rất căng và vững nhưng không thể cầm cự lâu được, do đó, đại đội trưởng Harrington yêu cầu tiểu đoàn cho rút lui.
            Họ đi bộ khoảng hai hay ba cây số trở lại căn cứ hỏa lực và tối đó, ngủ qua đêm ở đó, nhìn đạn đại bác nổ liên tiếp ở phía Thừa Lưu. Buổi sáng ngày 4 tháng Hai, họ lại xuống QL 1 và lại bắt đầu từ đầu. Quân CSBV từ trong làng và ở những chỗ đất cao bắn ra và nã súng cối tới. TQLC bỏ đường lộ, núp trong các đám ruộng hai bên bắn trả. Họ nghe tiếng còi của địch thổi bên phía hông khi địch cố bao vây đại đội. Harrington lại gọi pháo binh phản pháo. Lại gọi thêm súng cối, đại bác và Hải pháo bắn vào làng, kêu trực thăng tới tải thương. Lần nầy thì có báo cáo nói phía TQLC có 7 bị thương và 11 CSBV bị giết. TQLC lại trải qua một đêm nữa ở căn cứ hỏa lực và biết rằng hôm sau lại phải trở lại Thừa Lưu. Mọi người cố nuốt sợ, chuẩn bị lại hành trang, nhưng có một anh TQLC, một anh da đen tên là Campbell, mới tới Việt Nam, bắt đầu nói chuyện với Lawhorn, cứ nói đi nói lại hoài rằng anh ta chẳng sợ chút nào cả.
            Đêm đó, họ quay lại ngôi làng, lặng lẽ tiến ngang qua làng và cuối cùng nhận ra rằng quân CSBV đã rút đi. Họ rút đi, để lại ngôi làng bị súng đạn tàn phá. Đại Đội Delta vượt qua con sông nhỏ, chỗ gần cây cầu đã bị đánh sập và tiếp xúc được với đơn vị của tiểu đoàn đang tiến xuống hướng nam để tăng cường cho Đại Đội Delta.
            Tới trưa, họ quay trở lại tuần tra đường phố, tiểu đội của Lawhorn đi theo các bụi cây bên đường, giữ an ninh mặt hông thì bỗng có một tiếng nổ kinh hồn trên đường, mọi người sẵn sàng nhưng không nghe súng nổ. Vì vậy, Lawhorn núp bên bờ đường nhìn theo dọc đường đi. Có làn khói cuộn lên cao trong không khí. Lính TQLC và y tá đang chạy lòng vòng. Lawhorn thấy có vài TQLC nằm lăn trên đất, bị thương. Có một TQLC khác nằm ngang mặt đường, nhiều mảnh áo quần thấm máu, chân một đường, tay một nẽo. Anh ta đạp nhằm một trái mìn chống tăng – 50 pound thuốc nổ TNT. Đó chính là anh lính mới: Campbell.
            Sau trận đó, Đại đội Delta bắt tay cùng các đơn vị còn lại của tiểu đoàn trong các cuộc tuần tiểu quanh Phú Lộc, đụng đầu với các tay bán sẻ, pháo kích, đánh nhau trong những ngày mưa gió ở một đất nước mà nhà nhà phân cách nhau bằng những thửa ruộng lúa.
            Có tin đồn Đại Đội 1/ 5 sẽ được đưa lên phía bắc để giúp giành lại thành phố Huế. Lawhorn hy vọng việc ấy không có. Trong đời, anh ta từng gặp nhiều trận đánh quá rồi.
&
            Ngày 10 tháng Hai, 1968, có lệnh cho đơn vị 1/5 tảo thanh quân địch ở Thành Nội Huế. Cho đến lúc đó, binh lính Nam VN đang đánh nhau với quân CSBV ở Huế. Đại đội 1/1 và 2/5 đang tảo thanh quân địch ở khu Huế-nam. Tướng Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh đang chỉ huy binh lính của ông chiếm lại Đại Nội.
            Buổi sáng ngày 31 tháng Một năm 1968, trong khi TQLC đang củng cố an ninh ở MACV, tướng Trưởng và binh lính của ông ở Mang Cá, đã dũng cảm đứng vững được, bảo toàn doanh trại của họ. Đại đội Hắc Báo, do đại úy Trần Ngọc Huế chỉ huy, cố thủ ở phi trường Thành Nội khi CSBV tấn công. Quân đội Nam Việt Nam xử dụng hỏa tiển đè bẹp ngay cuộc tấn công mở đầu. Một tiểu đoàn khác của quân CSBV tấn công bộ tư lệnh của tướng Trưởng, chiếm tới khu vực đại đội quân y. Một sĩ quan tham mưu, trung úy Nguyễn Ái, mặc dù bị thương ở vai, đã chỉ huy cuộc phản công gồm toàn những binh sĩ văn phòng, đẩy lùi cuộc tấn công đầu tiên của địch. Tướng Trưởng ra lệnh cho đại đội Hắc Báo tiếp viện, đơn vị nầy cùng hai trăm nhân viên văn phòng phản công và bảo toàn được bộ Tư lệnh.
            Việc tướng Trưởng tiên liệu cho tập họp ban tham mưu tại Bộ Tư Lệnh đã giữ được cấu trúc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Từ Bộ Tư Lệnh đang bị bao vây nầy, ông ta đã ra lệnh cho bộ binh, nhảy dù, thiết giáp trú đóng ở bên ngoài Huế tiến vào và tăng cường cho Bộ Tư lệnh. Đối đầu với cuộc tấn công dữ dội, chịu tổn thương và thương vong quá nặng, các đơn vị Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa đánh cận chiến với quân địch để tiếp ứng cho Bộ Tư Lệnh. Đến khi trận đánh chấm dứt, lực lượng của tướng Trưởng gồm các đơn vị sau đây: Đại Đội 1 và Đại Đội 2, (Trung Đoàn 1), Tiểu Đoàn 4, (Trung Đoàn 2, Trung Đoàn 3), Đại Đội Hắc Báo và Đại Đội Thám Sát; Chi Đoàn 1, Chi Đoàn 2 và Chi Đoàn 3 thuộc Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh; Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 7 và Tiểu Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn Dù, Tiểu Đoàn 1, Tiểu Đoàn 4 và Tiểu Đoàn 5, thuộc Sư Đoàn TQLC/ VNCH; Tiểu Đoàn 21 và Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân. Từ Bộ Tư Lệnh, họ dã có những cố gắng mãnh liệt để chiếm lại Thành Nội. Đối với binh lính Nam Việt Nam, chiến đấu trên đường phố là cuộc chiến cực kỳ khó khăn mà họ chưa quen. Nhiều người gia đình họ ở ngay trong thành phố, nên việc chiến đấu lại khó khăn thêm. Trong nhiều trường hợp, họ phải bắn sập nhà của họ để đánh đuổi địch quân ra khỏi nơi chúng ẩn náu.
            Đó là một thời kỳ giết chóc ghê gớm. Nhà nhà đều đóng chặt cửa nẻo, chỉ bị mất khi quân CSBV tấn công đêm bằng cách quăng giây qua tường để leo lên. Các tiểu đoàn Quân đội VNCH bị cắt đứt tiếp tế, phải tự chiến đấu trong nhiều ngày để bắt tay với Bộ Tư Lệnh. Không Quân Việt Nam được lệnh của tướng Lãm cho oanh tạc ngay Thành Nội, nhưng quân CSBV vẫn còn dai dẳng bám chặt vị trí của chúng. Ví dụ về một trong những trận đánh dữ dội ấy là trận xảy ra ngày 5 tháng Hai, Tiểu Đoàn 4, (Trung Đoàn 3) vượt qua sông Hương, tấn công 7 lần vào Thành Nội mà không thành công. Một đơn vị thiết giáp gồn 12 thiết vận xa vào Huế, tám chiếc bị bắn cháy. Cuối cùng, binh sĩ Quân Đội Nam Việt Nam bắt đầu mất tinh thần, ngay trong tuần đầu. Thật ra, họ muốn củng cố phòng thủ để chờ lệnh. Tướng Trưởng không phải là người chểnh mảng nhiệm vụ. Ông ta nhỏ con, ốm nhưng lại hoàn toàn có khả năng. Ông ta nhận nhiệm vụ Tư Lệnh Sư Đoàn năm 1966 trong tình hình suy sụp vì cuộc đấu tranh của Phật Giáo, và chấn chỉnh sư đoàn thành một đơn vị tác chiến giỏi. Tướng Wesmoreland đánh giá cao tài ba của tướng Trưởng. Nhiều sĩ quan Mỹ còn nói rằng họ tin tưởng tướng Trưởng, ông có thể chỉ huy một đơn vị quân đội Mỹ. Dù sao, việc Thành Nội bị địch chiếm đã làm cho Sư Đoàn 1/ BB mất năng lực chiến đấu. Chiến đấu với kẻ thù có nghĩa là vấn đề tiếp tế phải được đều đặn, binh sĩ được tăng cường bởi những người có tinh thần và sức chiến đấu còn cao, không yểm không bị hạn chế vì thời tiết xấu, không chịu thương vong nặng nề, không thiếu những vũ khí dùng để tác chiến trên đường phố như đại bác 106 ly không giật, và trên tất cả là một sức mạnh ý chí như TQLC Mỹ ở khu Nam Huế. Thiếu những điều kiện đó, Quân đội Miền Nam VN phải chuyển từ thế tấn công qua thế phòng ngự.
            Thiếu tá Swenson, sĩ quan liên lạc TQLC đã chiến đấu ở khu MAC.V sau đó được trực thăng đưa vào bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 giải thích tình hình lúc đó như sau:
“Tôi hết sức ngưỡng mộ tướng Trưởng và sĩ quan trong sư đoàn. Sư đoàn có các trung đoàn trưởng xuất sắc và họ chỉ huy rất giỏi, nhưng không phải lúc nào cũng được vậy. Tướng Trưởng là một vị tư lệnh cứng cỏi, khiêm nhượng và biết lắng nghe ý kiến người khác. Tuy nhiên, tôi có thể dám chắc với quí vị là chỉ có TQLC/HK, chỉ có họ mà thôi mới có thể chiến thắng ở Huế. Mặc dù Quân Đội Nam VN chịu nhiều hy sinh và nhiều đơn vị chiến đấu hết sức tài ba, tới ngày thứ tư của trận đánh, số thương vong của họ còn thấp và các cuộc hành quân tạm thời của họ vẫn được xem như dậm chân tại chỗ, và số thương vong không gia tăng thêm.”
            Quân Đội VNCH muốn nắm lấy vinh dự giải tỏa Thành Nội Huế, nhưng đến ngày 9 tháng Hai tướng Trưởng buộc phải yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ. Liên tiếp nhiều bức điện gởi tới cho tướng LaHue ở Phú Bài và cuối cùng quyết định Đại Đội 1/ 5 nhận nhiệm vụ giải tỏa Thành Nội Huế.
            Thành Nội Huế trở thành nơi biểu diễn tác chiến của TQLC/ Hoa-Kỳ. Thiếu tá Robert Thompson là sĩ quan chỉ huy Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 5. Ông ta 37 tuổi, to con, gầy giơ xương, tính tình tốt và nghiêm nghị, có gia đình và mấy con, quê ở Corinth, Mississippi. Ông ta nắm tiểu đoàn hôm 2 tháng Hai vì thiếu người chỉ huy chứ không có gì khác. Khi trung tá Whalen, một người bạn cũ của ông ta, bị thương khi làm trung đoàn trưởng trung đoàn 1 thì đại tá Bohn (có biết Thompson), ra lệnh ông ta rời chức vụ sĩ quan hành chánh tiểu đoàn để nắm chức vụ mới. Thiếu tá P.A. Wilson đang giữ quyền chức vụ nầy. Lúc đó, thiếu tá Thompson ở Việt Nam đã được 6 tháng, phục vụ tại bộ chỉ huy III MAF tại Đà Nẵng. Mỗi tối, ông ta uống bia lạnh, thịt nướng lò. Ngày đầu tiên ông ta ở mặt trận với Đại Đội 1/ 5 hoàn toàn trái ngược với cuộc sống thoải mái của ông ta ở Đà-Nẵng. Khi bước ra khỏi chiếc trực thăng chở hàng tiếp tế tới Phú-Lộc, quân CSBV đang pháo kích, và ông ta phải mất 5 phút đầu tiên của thời gian chỉ huy ở đây để chúi đầu vào hố cá nhân đầy bùn mà đồ trang bị cùng với mấy TQLC đang nằm chồng nhau để tránh pháo kích.
            Thompson chỉ có một tuần để tìm hiểu đơn vị của ông ta trước khi nhận lệnh tác chiến ở Thành Nội. Một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 101 Không Kỵ chuyển tới căn cứ của họ ở Phú Lộc, các TQLC bắt đầu nhảy như nhảy cóc từ phía bắc tới Phú Bài trong các ngày 10 và 11 tháng Hai, các đại đội chia thành từng trung đội hay tiểu đội di chuyển bằng trực thăng hay xe GMC. Tới Phú Bài là họ được chuyển đi Huế ngay. Hai trung đội thuộc Đại đội Bravo do đại úy Fern Jennings chỉ huy được chở bằng trực thăng thả xuống trong khuôn viên bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, nhưng chiếc Sea Knight chở Trung đội 3 bị trúng đạn, phi công bị thương nên phải quay lại Phú Bài. Thiếu tá Thompson tới Phú Bài hôm 11 tháng Hai bằng xe, tới ngay bộ chỉ huy của tướng LaHue để nhận lệnh mới. Tướng LaHue cho biết Đại Đội 1/ 1 và 2/ 5 do đại tá Hughes chỉ huy đã hoàn thành nhiệm vụ của họ ở khu Huế-nam, nhưng quân đội VNCH ở trong Thành Nội tiến rất chậm. Ông ta nói về phía Nam VN có rất ít tin tình báo và Thompson phải đưa đơn vị vào Thành Nội tác chiến, dưới sự hướng dẫn của đại tá Hughes. Tướng LaHue nhấn mạnh với Thompson là anh ta phải nhận mệnh lệnh từ đại tá Hughes chớ không phải từ tướng Trưởng. Để anh ta khỏi bị mặc cảm nặng từ vị tướng Việt Nam Cọng Hòa, LaHue phong cho Thompson hàm đại tá. Thompson từ chối, cho rằng việc ấy không cần thiết. Ông ta không mang loon trên người. Nếu tướng LaHue đồng ý, khi gặp Trưởng, ông ta sẽ tự giới thiệu là đại tá. Tướng LaHue đồng ý, chúc Thompson may mắn và hy vọng chỉ trong ít ngày Thompson sẽ đuổi quân CSBV ra khỏi thành phố Huế.
            Các Đại Đội Alpha, Charlie, Delta bắt đầu vận chuyển đến Huế-bắc. Thompson giã từ thiếu tá Wilson, chỉ huy hậu cứ tiểu đoàn ở Phú Bài rồi cùng ban chỉ huy nhỏ của ông, đi theo các đại đội bộ binh và trung đội còn bị kẹt lại. Xe GMC thả họ xuống ở MACV khu nam Huế. Thompson vào báo cáo cho đại tá Hughes. Hughes ra lệnh cho họ vượt qua sông Hương, và thực hiện một kế hoạch ngắn: Thompson cùng Đại Đội Alpha và Charlie, bắt tay với hai trung đội thuộc đại đội Bravo đã đến trước hiện ở trong thành Mang Cá (Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 1), tiến xuống phía nam, đẩy quân CSBV về phía sông Hương. Cùng lúc đó, Đại đội Delta tiếp tay với Đại đội 2/5.
            Buổi tối, họ dự trù chiếm đóng một vài tòa nhà chung quanh MAC.V, những nhà đã bị bắn lỗ chỗ. Thompson đang bận bịu công việc thì bỗng có một thiếu tá quân đội Mỹ xuất hiện. Ông nầy đội nón sắt, mặc áo giáp, mang súng Colt .45 bên hông, tự giới thiệu là linh mục McGonigal. Tên đầy đủ ông ta là Thiếu tá Aloysius P. McGonigal, tuyên úy Công Giáo Quân Đội Mỹ, 46 tuổi, quê ở Philadelphia, một người đeo kính cận, thích giao thiệp, tình nguyện qua Việt Nam và hiện làm việc ở MAC.V.
            Linh mục McGonigal nghe nói đại đội 1/5 không có tuyên úy nên ông ta xin với cấp chỉ huy ở MAC.V cho ông ta đi theo đại đội vào Thành Nội. Thompson không kiểm chứng ông ta có được phép hay không nhưng hoan hô ông ta cùng đi. Hôm đó, khu vực quanh MAC.V yên tĩnh.
            Buổi sáng không thấy mặt trời lên. Trời xám, mù sương và lạnh. Thiếu tá Thompson đi xuống bến tàu cùng ban chỉ huy, sắp xếp đưa đơn vị của ông vào Thành Nội. Họ chờ cả mấy tiếng đồng hồ để có tàu đổ bộ LCU qua sông. Nhưng mỗi khi họ thử bắn qua bên kia bờ để thăm dò tình hình, thì súng của quân CSBV bên sông bắn trả dữ dội. Quân CSBV bắn chừng vào bến tàu. Có khi lại có tiếng nổ lớn, có lẽ là B-40.
            Cuối cùng, tới chiều, tiếng súng bớt đi, và tàu đổ bộ tới. Thompson cùng ban chỉ huy, một trung đội của Đại Đội Bravo, các Đại Đội Alpha và Charlie chen nhau xuống tàu. Tàu tách khỏi bến, hướng theo phía hạ lưu, vòng theo khúc sông uốn cong để cập vào chỗ phía bắc Thành Nội. Quân CSBV núp trong các bụi rậm trên bờ bắn xuống. Đạn chéo nhau phía trên tàu, hỏa tiễn nổ, khói trắng tỏa ra. TQLC trên tàu bắn lại. Cũng may, trên tàu không ai bị thương.
            Tàu đổ bộ cặp vào Bao Vinh, chẳng bắn một phát súng. TQLC tập trung, đi dọc theo bờ thành hướng tây-bắc, trước mặt tiền nhà cửa dân chúng, các bụi rậm, đi về hướng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Thompson đi đầu. Toán binh lính đi xuống đường. Vài người Việt Nam tiến gần tới Thompson, đưa tay vẫy chào và nói chuyện với TQLC bằng một thứ tiếng Anh không sỏi. Họ chỉ cho TQLC thấy phía xa, có một toán CSBV đang phục kích ở đó. Thompson cũng không biết rõ còn có con đường nào khác nữa không. Người Việt Nam nầy dẫn TQLC đi theo con đường vào cửa sau Bộ Tư Lệnh (cửa Trài – ngd). Tại đây, họ gặp đại úy Jennings, đại đội trưởng đại đội Bravo và vài sĩ quan Việt Nam.
            Thompson nói ông ta muốn đưa binh lính ông ta vào trong thành. Sĩ quan VN không đồng ý, họ không thể để cho binh lính Hoa Kỳ vào trong thành được. Điều đó có thể làm cho Bộ Tư Lệnh bị Cọng Quân pháo kích. Thompson trả lời nếu cửa thành không mở, ông ta sẽ cho binh sĩ trèo thành vào. Một lúc sau, cửa thành mở, TQLC tiến vào.
            Thompson gặp tướng Trưởng cùng đại tá Adkisson, cố vấn Sư Đoàn 1 Bộ binh để tìn hiểu tình hình tại chỗ. Tướng Trưởng và đại tá Adkisson cho biết hiện quân CSBV đang bao vây bộ Tư Lệnh và khu thành tây bắc (cửa An Hòa – ngd), nơi Đại Đội 1/ 5 vừa mới tiến qua. Quân đội VNCH và TQLC đang chiến đấu dọc theo thành tây-nam (cửa Hữu, của Sập tức cửa Nhà Đồ – ngd). Quân CSBV hiện đang giữ chặt thành đông-bắc (cửa Đông Ba – ngd) và đông-nam (cửa Thượng Tứ – ngd), ở đó có khu Đại Nội. Cờ Cọng Sản còn treo trên cột cờ Ngọ Môn. Tin tình báo cho biết Cọng Sản có hai tiểu đoàn trong Thành Nội và một tiểu đoàn ở phía tây để bảo vệ đường tiếp tế của họ. TQLC Hoa Kỳ có thể củng cố an ninh khu thành đông-bắc (Mang Cá), tương tự như các chỗ khác, dài khoảng 250 thước, cao 20 bộ, bề rộng thay đổi từ 50 đến 200 bộ.
            Theo phóng đồ hành quân, lực lượng Nhảy Dù VNCH đang tiến dọc theo bờ thành đông-nam, giữa bộ Tư Lệnh và khu Đại Nội. Với tin tức như thế, Thompson thực hiện kế hoạch của ông ta. Ông ta cùng ba đại đội, cố gắng bắt tay với quân Nhảy Dù VNCH, và từ điểm xuất phát đó, mở cuộc tấn công. Đại Đội Alpha bên trái, tiến dọc theo bờ thành. Đại Đội Bravo tiến dọc theo những ngôi nhà bên phải, và Charlie là thành phần trừ bị. Thành phần còn lại của Trung Đoàn 3 BB sẽ tấn công bên phía phải, dọc theo thành tây-nam.
Tướng Trưởng và cố vấn Adkisson đồng ý kế hoạch nầy.
            TQLC nghỉ qua đêm trong Bộ Tư lệnh. Lại một đêm yên tĩnh.
            Hôm sau, thứ Ba, 13 tháng Hai, 1968, họ bắt đầu kế hoạch chiếm lại Nội Thành.
&
            Vào lúc 8 giờ sáng, đại úy J.J. Bowe và Đại Đội Alpha đi trước tiểu đoàn, tiến về phía những con đường khu thành đông-bắc, nơi quân Nhảy Dù VNCH đang trấn giữ.
            Đến 8giờ 15 sáng chiến sự bùng nổ dữ dội.
            Thompson đang đi với ban chỉ huy, đằng sau Đại Đội Alpha thì súng nổ. Tình trạng hết sức bối rối. Tiếng súng AK-47, hỏa tiễn B-40 nổ lộn xộn, lại thêm có tiếng súng cối phía sau dãy nhà dân và trên vọng lâu trên cửa thành bắn tới. Quân CSBV ẩn núp trên vọng lâu và ra dấu hiệu cho đồng đội khi thấy Đại đội Alpha tiến lên. Thompson lấy làm lạ, tự hỏi: “Quân nhảy dù VNCH ở đâu? Họ đã rút rồi chăng?” (Sau nầy, mới biết họ đã rút. Vì có TQLC/ HK tới nên bộ Tổng Tham Mưu QĐ/ VNCH rút các đơn vị nầy về Saigon. Đó là sự thất bại lớn trong việc điều hành thông tin Việt Mỹ). Quân CSBV tiếp tục tấn công Đại đội Alpha. Thompson ra lệnh phản công. Một toán súng không giật được lệnh tiến lên phía trước, bắn dọc theo con đường bên bờ thành, Đai Đội Alpha rút lui về phía con đường sau lưng họ. Cuộc chạm súng kéo dài cở 10 phút. Đại úy Bowe bị thương nặng, được chuyển ra phía sau, các thiếu úy đều bị thương hết cùng với 30 TQLC. Hai người chết còn nằm trên đường. Đó là phần Đại Đội Alpha, suốt buổi chiều còn lại là lo tải thương, đưa về trạm cứu cấp đặt trong Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1/ BB Thompson gọi máy cho trung úy Scott A. Nelson, chỉ huy Đại Đội Charlie, ra lệnh cho đại đội nầy tiến lên bên hông Đại đội Bravo của đại úy Jennings. Sau trưa một chút, họ lại cố tiến lên phía trước. Quân CSBV lại nổ súng một lần nữa. Hai chiếc xe tăng của TQLC tiến lên hỗ trợ, bắn vào vị trí địch nhưng chẳng ai tiến thêm được tấc đất nào.
            Khi mọi người bị thương, Thompson ra lệnh cho họ trở lại điểm xuất phát. TQLC rút lui thì CSBV tiến lên chiếm ngay vị trí TQLC mới rút. Súng lại nổ tiếp, đến 2giờ 55 chiều, Thompson nhận được lệnh của đại tá Hughes đang chỉ huy qua máy truyền tin:
“Giữ lấy tình trạng hiện tại, củng cố vị trí, tái tổ chức đơn vị, chuẩn bị kế hoạch tấn công với pháo binh yễm trợ tối đa. Những kế hoạch đề nghị tiếp tục tấn công là rất cần thiết và đặc biệt quan tâm.”
            Không giống tình trạng khu Huế-nam, áp lực địch bị hạn chế vì việc xử dụng vũ khí hạng nặng, TQLC trong Thành Nội có yễm trợ pháo binh cần thiết. Chẳng có cách nào khác. Năm phút sau khi nhận được yễm trợ hỏa lực, thiếu tá Thompson trả lời:
“Kế hoạch hiện tại tiếp tục tấn công căn cứ trên kế hoạch yễm trợ hỏa lực toàn bộ, pháo trước và bộ binh tiến theo sau. Pháo yểm là cần thiết và rất quan trọng. Pháo binh 8 inch và 155mm kết hợp cùng hỏa tiễn sẽ được xử dụng để phá thành. Xử dụng hơi cay trong khu Đại Nội.”
            Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, sau khi một TQLC của Đại đội Bravo bị bắn chết bên bờ thành, pháo binh tác xạ dữ dội khu phía trước tiểu đoàn. Không thấy báo cáo về thiệt hại địch. TQLC Hoa Kỳ cố thủ qua đêm tại khu nhà được xem là nơi quân Nhảy Dù/ VNCH đã cố thủ đêm hôm trước.
&
            Buổi tối ngày 13 tháng Hai, đại úy Harrington được lệnh đưa đại đội của anh vào Bộ Tư Lênh Sư Đoàn 1/ BB. Lúc đó, toàn bộ đại đội không có mặt đủ với anh ta. Trung đội 3 được biệt phái giữ an ninh cho đoàn xe vận chuyển Phú Bài – Huế. Vì vậy, anh ta đem hai Trung Đội 1 và 2 còn lại xuống bến tàu. Ở đây có 2 chiếc tàu đổ bộ LCU. Người và trang bị cùng xuống tàu. Harrington chỉ có thể tìm cho anh ta cùng ban chỉ huy và một tiểu đội một phòng nhỏ. Tàu đổ bộ thả họ xuống phía bắc Thành Nội, rồi quày đi.
            Đám lính TQLC ngồi chờ giữa những ngôi nhà trên bến tàu. Harrington gọi điện cho hai trung đội còn lại để di chuyển chuyến kế tiếp. Họ đang chờ trên bến tàu Tòa Khâm, Landry cùng những người khác trong toán súng cối đang chuyện trò. Hai chiếc tàu đổ bộ LCU cập bến, rồi rời khỏi bờ sau khi mọi người lên hết. Bất thần quân CSBV trên thành cao bắt đầu nổ súng xuống. TQLC bắn trả bằng súng cối và đạn hơi cay. Ra tới nửa sông, hai chiếc tàu phải đổi hướng quay trở lại bến. Cửa tàu vừa hạ xuống thì TQLC đổ dồn ra, thở và nôn mửa, có người thì khóc la đến cuồng loạn trong khung cảnh hết sức kinh hoàng. Hơi hay do họ bắn ra đã bị dội ngược lại tàu của họ mà TQLC lúc đó chưa chuẩn bị kịp mặt nạ. Landry và bạn của anh ta chạy lên bãi, kéo một số người vào trốn trong một căn nhà nhỏ, quạt cho họ, và đưa họ ít mặt nạ để có thể thở không khí sạch. Một người trong toán súng cối, hạ sĩ Raby, nắm lấy một viên thiếu úy đang la hét om sòm và tát vào mặt anh ta, mắng anh ta là đồ tồi, biểu lo tập họp trung đội lại.
            Từ phía thành bên kia sông súng lại nổ. Vài TQLC nằm dài ra trên đường, hoảng sợ và ho sặc sụa, bắn một cách điên cuồng vào một ngôi nhà trống. Landry la to lên, yêu cầu một viên thiếu úy ra lệnh cho binh lính anh ta rời khỏi đường lộ. Họ bắt đầu kéo lui. Một người trong bọn họ đi cà nhắc vì bị thương ở chân. Khi Landry đưa anh ta vào bên trong một căn nhà, anh ta rên rỉ: “Mày có thể tin… cục cứt nầy được không, chỉ còn 5 ngày nữa là tao hết thời hạn ở đây.”
            Thủy thủ trên tàu đổ bộ LCU miễn cưỡng cho tàu quay lại làm cho Đại đội Delta bị kẹt. Phía bên kia sông, Harrington vẫn còn ngồi chờ, rủa mình là đã tự tách ra khỏi đơn vị.
Ngày hôm sau, Đại Đội Delta lại ra bến tàu chờ được di chuyển. Trung sĩ Berntson đã chiến đấu ở Huế 14 ngày và ở Việt Nam được 10 tháng. Anh trung sĩ 22 tuổi nầy, một người trẻ lanh lợi, quê ở tiểu bang Idaho, có cách nói chuyện kín đáo nhưng chân thật theo cung cách của người Mỹ vùng đồng quê. Anh ta tới Việt Nam lần nầy là lần thứ hai. Bỏ học ở trường đại học khi TQLC/ HK đổ bộ lên Đà Nẵng năm 1965. Anh ta thấy trách nhiệm của mình và gia nhập TQLC vì ông chú yêu mến của anh là người từng chiến đấu trong đơn vị đánh chiếm Guadalcanal, Saipan và Tinian. Chú của anh ta chẳng bao giờ nói chuyện chiến tranh, chẳng bao giờ khoác lác chuyện đánh chác nhưng Berntson thì biết ông từng phục vụ trong TQLC/ HK. Tất cả ý nghĩa là ở đó. Sau khi huấn luyện, anh ta đã chiến đấu ở Việt nam một năm. Anh ta rời quân đội, cưới vợ. Chính sau khi lấy vợ, anh và vợ thấy cần xây dựng gia đình nên anh ta lại có kế hoạch qua Việt Nam một lần nữa, với loon hạ sĩ.
            Anh ta được chỉ định làm phóng viên cho phòng thông tin Sư đoàn 1/ TQLC. TQLC là những người có tính độc lập, khó trị, họ thấy mình như là sự kết hợp một nửa là Ernest Hemingway và một nửa là John Wayne. Berntson hợp sức với một viên trung sĩ trẻ để theo Trung đoàn 5 trong cuộc hành quân Liên Kết II. Họ đáp ngay xuống bãi đáp trực thăng nóng bỏng, chạy lung tung trong khi súng nổ lách cách trong khu vực đổ quân. Berntson lúng túng không biết phản ứng như thế nào, lặng người đi, đứng thẳng người trong lưới đạn thì một trung sĩ nắm tay anh ta kéo xuống, núp phía sau một bờ ruộng. Anh ta nằm đó, bất thần sợ muốn chết và run lẩy bẩy. Viên trung sĩ nói với anh ta: “Đây là vậy. Đây là Việt Nam.” Sáu ngày sau, trận đánh kết thúc, Berntson bay trở lại Đànẵng, nôn mửa tới hai lần, cái cảm giác tê dại đó cứ đeo đẳng anh ta hoài. Đó chỉ là trận đánh đầu tiên. Berntson và các phóng viên của lực lượng TQLC/ HK phải trải qua 27 ngày một tháng trên chiến trường. Họ lặn lội từ chiến trường nầy qua mặt trận khác, với những lệnh di chuyển chung chung để viết từng câu chuyện về lương thực binh lính Mỹ trên chiến trường hoặc bằng cái máy chữ hư hỏng, nhét vội bài viết vào túi một xạ thủ nào đó trên một chuyến quân xa, hoặc bằng bất cứ phương tiện nào kiếm được. Họ không viết về những trận đánh lớn, điều đó dành cho những người dân sự viết tin, những người, như Bertson mô tả, tới trận địa bằng máy bay, quay phim năm mười phút, rồi chui lên một chiếc trực thăng khác bay đi mất. Berntson viết về những trận đánh của TQLC mà anh ta biết rõ. Nếu quí vị không phải là người lính TQLC, quí bị sẽ chẳng viết được gì. Phương cách viết về họ, phải là một người trong bọn họ. Vì vậy, Berntson phải lê chân với họ qua những đám ruộng nước, giúp họ vác đạn dược, kéo những người bị thương, bị chết ra chỗ bãi đáp chờ trực thăng chuyển đi, đứng thẳng lên và bắn vào kẻ thù lúc súng đã nổ. Anh ta sống sót được sau trận bao vây ở Cồn Tiên, sau không biết bao nhiêu lần chạm súng với địch, và anh trở thành một người cứng cỏi, bất khuất, chai lỳ mặc dầu trên thân mình có biết bao nhiêu vết sẹo vì đạn, quên đi vợ con đang chờ đợi ở quê nhà. Anh ta đã bắt đầu viết những tác phẩm về thời gian anh quay trở lại Việt Nam. Anh ta nói rõ thêm về tình chiến hữu, những cam kết với bạn bè mà lúc ấy tuồng như mạnh hơn với những gì đã hứa hẹn với gia đình. Ở đây anh ta có biết bao nhiêu bạn tốt, những người như Tom Young, được kéo ra từ một cái hầm gần một căn nhà đang cháy, và Dale Dye.
            Berntson đến Huế với trung sĩ Dye, đi cùng lực lượng phản công 1/1 mà không biết rõ đang làm việc gì đây. Họ cố gắng gắn bó với nhau trong những ngày còn lại của trận đánh, cùng Đại đội Hotel 2/5 tấn công vào ty Ngân khố, tòa Hành Chánh tỉnh và tuyến phòng ngự của đại úy Christmas bị thương. Nhưng tới ngày 13 tháng Hai, mọi sự trở nên yên tĩnh, Đại đội Hotel trấn giữ dọc theo sông An Cựu, và Berntson quyết định đi quan sát mọi nơi trong thành phố Huế.
            Khoảng chạng vạng, anh ta bắt đầu trở lại MAC.V, đi dọc đường Lê Lợi (đường chạy dọc bờ sông Hương, phía tả ngạn – ngd), ngang qua những ngôi nhà chỉ còn trơ lại bốn vách tường, hết sức lo lắng sợ bị bắn sẻ. Tại MAC.V có một số TQLC thuộc Đại đội 1/5. Anh ta không thể tin được quang cảnh nơi nầy đang chờ anh: Walter Conkrite, bu chung quanh là một đám phóng viên báo chí và quay phim, đại tá Hughes đang đứng trước một máy vi âm. Ông ta phủ nhận việc TQLC có hành vi cướp bóc và cho biết họ đã làm hết sức mình để bảo vệ dân thường, v.v… Berntson nghĩ ông ta đúng đấy. Chúa ơi! Sau những hành động tàn ác của Cọng Sản thì TQLC là những ông thánh. Sau khi đạn súng cối bắn cháy một ngôi nhà, chính anh ta thấy TQLC chạy vào nhà để cứu một bà già Việt Nam, cũng chính anh ta thấy một y tá TQLC đã cứu một em bé gần tòa Hành Chánh trong khi súng đang nổ dữ dội. Và cũng chính anh ta thấy TQLC chia nhau chai rượu, miếng đồ ăn và đôi khi là máy ghi âm, máy ảnh. Tuy nhiên, bên cạnh những người chết đang nằm quanh đó, cũng thật là lạ nếu như còn ai đó quan tâm tới những thứ tài sản tầm thường đó.
Cuối cùng, anh ta rời chỗ ông đại tá cùng với đám phóng viên, đi tìm khẩu phần lương khô buổi tối và những y tá thuộc Đại Đội 2/ 5 mà anh từng quen. Họ tìm một chỗ xa đám người đang chen lấn nhau ở chỗ phỏng vấn. Họ ngồi trong góc phòng, nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà, nói chuyện nhỏ với nhau, chia nhau mấy điếu thuốc lá mà một y tá xoáy đâu đó. Xong họ tuyên bố có quyền hưởng hai cái giường nhỏ mà anh y tá tìm ra trong một phòng nào đó để ngủ qua đêm. Nếu như có ai muốn đuổi họ ra khỏi những cái giuờng nầy thì họ sẽ bảo anh chàng ấy phải lên giây cót cho căng mới làm được. Berntson nghĩ chắc ngủ được vài giờ đồng hồ trên cái giường khô ráo ấy, nhưng vì hai cái giường nầy lấy từ phòng bên cạnh, người ta đã để xác chết lên trên ấy, thành ra có mùi hôi, và cũng làm cho Berntson tưởng tượng chuyện chết chóc không hay.
            Họ đang nói chuyện thì có một TQLC thuộc Đại Đội Delta 1/ 5 vào. Berntson đã gặp anh ta hôm trước khi Đại đội Delta tạm thời tăng phái cho Đại Đội 2/ 5. Anh ta là người đen, nguyên là trùm một nhóm băng đảng ở Philadelphia, biệt danh Philly Do. Anh ta là xạ thủ súng M-79, mà TQLC thường gọi là tay quấy phá. Philly Dog đi vào, rõ ràng như có cái gì làm cho anh ta hào hứng lắm.
            Anh ta gọi Berntson:
            – “Nầy, anh chàng viết báo, anh có muốn đi với bọn tôi ngược sông Hương không?”
            – “Anh nói chuyện quái quỷ gì vậy?”
            – “Có chiếc tốc đỉnh kéo mấy chiếc ghe theo đưa chúng ta đi khỏi đây. Tôi và toàn thể đại đội đi ngược sông và đổ bộ lên đâu trên ấy, đá đít mấy thằng dơ dáy ra khỏi đây.”
-“Ai đi?” Berntson hỏi.
-“Đại đội Delta, thêm một nhóm bên Đại đội Alpha. Có thêm lính VNCH. Chúng nó chẳng làm gì tốt.”
            Berntson suy nghĩ: “Ngủ lại đây qua đêm với các xác chết hay đi theo Đại Đội Delta 1/ 5 tấn công vào Thành Nội.” Anh ta chọn cái sau, lôi ra một thứ kiếm được: Bản đồ thành phố Huế dành cho du khách tìm thấy trong đống gạch vụn ở cơ quan CORDS. Anh nhìn vào khu Thành Nội. Muốn tự tử hay sao mà vượt qua sông Hương chỗ gần bờ thành. Anh ta vạch ra một con đường đi theo hào thành, vượt qua được vị trí quân CSBV rồi từ trên mà tấn công xuống. Biết việc ấy có khó khăn, nhưng anh ta cũng đã thấy lá cờ Việt Cộng treo trên cột cờ Ngọ Môn đã hai tuần lễ và thấy thích thú nếu như hạ lá cờ ấy xuống được. Philly ở bên cạnh anh, tuồng như cùng hứng thú về việc đó.
            Philly Dog lại nói với anh ta:
            – “Nầy! Anh đi với tụi nầy, có muốn thành tay súng M-79 không?”
            – “Không.”
            – “Tôi đang kiếm thêm một xạ thủ M-79 nữa. Tôi giữ phía bên nầy, tại sao anh không giữ phía bên kia. Anh bắn M-79 được mà.”
- “Ấy, chắc chắn rồi. Tao bắn M-79 được. Berntsonừng bắn M-79 chính xác nhiều lần.”
            Philly Dog đi tìm một cây súng M-79 khác, áo vét đựng đạn rồi họ cùng đi.
&
            Trời tối đen, khoảng nửa đêm. Lúc đó, Đại đội Delta tập trung ở bến tàu. Khoảng mấy phút, có chiếc tốc đỉnh (chiếc nầy thuộc loại tàu PT của Hải quân, gắn đại liên 50) bì bỏm vào bến, đèn tắt hết, kéo theo ba chiếc thuyền gỗ của người Việt. Cột buồm và mui thuyền bị gở hết để lính có thể ngồi chen chúc trong thuyền. Tàu đi vào một cái hào rộng có một chiếc tốc đỉnh khác đi sau để hộ tống. Berntson và Philly Dog đi chiếc đầu. Một thủy thủ ngồi xổm đằng sau một công sự trên tàu làm bằng bao cát cao ngang cây đại liên 50 hai nòng. Anh ta ra dấu cho hai người kia núp xuống sau các bao cát. Berntson đứng bên trái, Philly Dog dứng bên phải. Tàu đi dọc theo hào thành, đèn tắt hết, không ai nói chuyện, sợ tiếng máy tàu làm cho địch nã súng xuống. Cái hào hẹp khoảng năm chục mét kể từ bên nầy tới bờ bên kia. Bên phải Berntson có thể thấy dãy nhà dân, cây cối và thuyền bè chen chúc nhau, một con đường phẳng, một nghĩa địa. Bên trái là bờ thành cao, in hình đen lên trên bầu trời đêm. Berntson nhìn chằm chằm lên phía bờ thành, biết chắc rằng mấy thằng con hoang có thể nã đạn xuống anh ta bất cứ lúc nào. Anh ta hy vọng sẽ không có gì xảy ra vì anh ta không biết chắc cách xử dụng cây súng M-79 mà anh đang ghì chặt trong tay.
            Khi họ bắt đầu qua khỏi nghĩa địa thì súng cối nổ. Quân CSBV đặt súng cối khoảng phía ruộng phẳng, bắn vào hào thành. Rồi đạn lửa bay ra xé rách màn đêm đen. Philly Dog la lên: “Bắn đi.” Anh thủy thủ quay cây súng và bắt đầu nhã đạn. Người trưởng tàu tống ga mạnh thêm, chiếc tàu chồm lên phía trước, kéo ba chiếc thuyền gỗ theo sau. Lính TQLC cúi đầu xuống, nắm chặt nhau. Philly Dog nã mấy phát đạn, Berntson cũng nã tiếp theo, chẳng cần nhắm mục tiêu: Mở cơ bẩm, cho đạn vào và đưa cao lên, hướng về phía địch, bóp cò. Họ bắn khoảng mười quả đạn. Chiếc tốc đỉnh hộ tống chạy bên cạnh, giữa họ và bờ phải, hướng mũi súng về phía nghĩa địa nổ ầm ầm.
            Khoảng mười phút, tiếng súng ngưng. Chẳng ai bị thương.
            Trong vòng hai mươi phút kể từ khi họ rời bờ phía nam, đoàn thuyền nhỏ tới cầu tàu, nơi đại úy Harrington đang đợi. Berntson thấy chỗ nầy trông chẳng giống một bến tàu chút nào cả, nó chỉ có mấy cây cột mà người Việt dùng để phơi lưới đánh cá. Chiếc tầu cố vào cho thật gần bờ rồi rút giây để mấy chiếc thuyền gỗ lại, TQLC dùng chèo chèo thuyền vào bờ. Họ lên bờ rồi chèo thuyền lui. Berntson, Philly Dog và các TQLC khác trên tàu lội bì bõm vào bờ. Họ gặp lại đại úy Harrington rồi tập trung trên sân một dãy phố nhỏ. Mặt trời vừa ló dạng ở chân trời. Họ bắt đầu đi vào cửa hậu thành Mang Cá, trên con đường bị pháo loang lỗ, hy vọng không còn bị pháo kích nữa.
            Phía trước, Berntson thấy bên đường có một đống đen lù lù, tới gần thấy rõ hơn, thì ra đó là một chiếc xe GMC bị cháy rụi, ca-bin xe bay mất. Tới gần hơn nữa, anh ta thấy có mùi hôi thối không chịu được. Có năm hay sáu xác lính VNCH nằm quanh xe, có xác nằm ngay bên hông xe, có lẽ là chỗ họ rơi ngay xuống đó. Mấy xác người khác thì cháy thành một đống đen. Có lẽ quá bận rộn nên người ta chưa có thì giờ dọn dẹp chỗ nầy.
            Ít phút sau, có tiếng súng nổ trên đầu, mọi người nằm rạp xuống. Có người la to súng từ lính VNCH bắn. Berntson bắn báo động về phía toán TQLC đi tiên phong. Một thông dịch viên la to bằng tiếng Việt về phía các người lính VN đang núp phía trong doanh trại. Berntson nằm sát đất, tự hỏi: “Nhóm đặc trách liên lạc làm việc quái gì thế nầy.” Hai sĩ quan VNCH xuất hiện ở hàng rào kẽm gai, la to qua lại cùng thông dịch viên. Một thông dịch viên là trung úy TQLC, chầm chậm đi tới hướng cổng, súng lắc lư bên hông, hai tay giang ra. Hai bên trao đổi với nhau ít câu qua hàng rào kẽm gai. Cuối cùng, cổng mở ra, mọi người đi vào.
            Berntson theo đám TQLC đi vào, nhìn quanh bộ Tư Lệnh, thấy một cái sân bóng nhỏ, mấy gian nhà lầu xây, trang trí theo kiểu Pháp, mấy hàng cây cọ, một cái hồ nước trong. Rồi anh ta đi qua phía trái, chỗ tường thành đông-nam giáp ranh với bộ Tư Lệnh. Phía lưng các dãy nhà đều bị đạn phá hỏng. Mọi thứ đều bị vết đạn bắn thủng, mấy chiếc xe bị hư nát kéo bỏ ngoài sân.
            Phía trong, Harrington gặp đại úy Jennings, đại đội trưởng Đại đội Bravo, kể chuyện đơn vị anh ta ở gần cổng thành, bị tấn công lần thứ hai. Anh ta nói: “Chắc ngày mai anh cũng làm vậy thôi.”
            Harrington chẳng thấy gì hơn ngoài lòng tự hào.
            Đại Đội Delta ở lại suốt buổi chiều trong bộ Tư Lệnh, nghỉ ngơi một chút và tổ chức lại, trong khi Đại đội Bravo và Charlie đánh nhau với địch trên đường phố. Trung úy Nelson của Đại đội Charlie bắt được một lính CSBV trốn trên đường. Do đó, bằng xe tăng và súng cối, họ hủy được một vị trí bắn hỏa tiễn của địch, giết sáu tên. Một TQLC thuộc toán hỏa lực cùng Đại đội Bravo của đại úy Jennings bắn hạ hai Việt Cọng nhưng đại đội lại bị địch bắn sẻ, một chết và bốn bị thương. Suốt cả ngày chiến đấu, hai đại đội tiến khoảng được một trăm thước, súng ở vọng lâu trên cổng thành bên trái bắn xuống rất dữ. Thompson ra lệnh cho binh lính rút lui. Pháo binh lại bắn. Trời u ám và mưa nên họ lại nghỉ một chút. Mấy chiếc máy bay phản lực của TQLC bay đến bắn hỏa tiễn, thả bom lửa và hơi cay xuống tường thành. Tất cả đều trúng mục tiêu nhưng rõ ràng phía địch chỉ bị thiệt hại nhẹ mà thôi.
            Qua ngày thứ hai, Đại đội 1/ 5 vẫn chưa có gì tiến triển. Chiều hôm đó, Harrington đến ban chỉ huy tiểu đoàn nằm ở căn nhà lợp ngói bên ngoài bộ Tư Lệnh. Thiếu tá Thompson nói với anh ta ngày mai đến phiên Đại Đội Delta tấn công vào cổng thành.
            Suốt cả buổi sáng, súng đại bác, súng cối và đại pháo Hải Quân từ biển bắn vào ầm ầm. Vọng lâu trên cổng thành rung rinh vì những tràng đạn đại bác bắn yễm trợ. Từng phần vọng lâu bị bắn vỡ rơi xuống chỉ còn lại bức tường đứng chơ vơ. Cát gạch ào ào đổ xuống trên đường. Những ngôi nhà cạnh cổng thành trở nên bình địa hay chỉ trơ lại bốn vách tường. Mưa dầm vẫn từ trên bầu trời xám rơi xuống khiến máy bay phản lực không hoạt động được. Harrington đã thấy một lần oanh kích khi đại đội anh ta còn ở khu Huế-nam, tiến hành càn quét địch cùng với đại úy Christmas nay đã bị thương. Đại Đội Delta đã đánh dẹp được một khu vực, khi hai chiếc phản lực F-4 bất thần bay đến bỏ bom khu vực đó, xa chỉ khoảng năm trăm mét, chẳng có sự hợp đồng nào hết. Tuy nhiên, cái vọng lâu trên cổng thành bị đánh phá hư hại thêm.
            Mưa và gió lạnh. Các binh lính TQLC nôn nóng chờ đợi tại ban chỉ huy. Cuối cùng, cuộc pháo kích chấm dứt, Harrington ra lệnh tiến tới. Hai trung đội của đại đội Delta tiến trước, dọc theo hai bên đường. Họ khom mình xuống, vượt qua các đống vữa, gạch, gỗ vương vải khắp nơi. Từ trên vọng lâu, súng AK-47 bắn xuống. Trung sĩ Berntson cùng với cọng sự của anh ta, trung sĩ Dye và một người trong tiểu đội, đi men bức tường lỗ chỗ đạn. Súng nổ từ phía trước và hai bên, các TQLC đi đầu lật nhào. Berntson và Dye cùng với mấy TQLC nép sát vào bờ thành. Đạn bắn kêu lụp bụp vào gạch và xi-măng quanh họ. B-40 nổ. Mảnh đạn cùng gạch đá bay lung tung. Các TQLC đi đầu gọi to y tá. Dye ló đầu lên một chút, thấy mấy cái bóng nhỏ núp phía sau vọng lâu đã bị sập. Có một tên địch ló đầu cao lên, đang xử dụng một cây súng tự động, hai bóng người lấp ló hai bên, đang nã hỏa tiễn xuống khiến binh lính TQLC nằm im không nhúc nhích được.
            Một chiếc xe tăng ầm ầm chạy lên. Đại bác 90 ly nổ. Súng CSBV ngưng bắn một chốc. Lợi dụng cơ hội nầy, Berntson, Dye và mấy TQLC phóng lên phía trước. Họ nắm lấy mấy người TQLC bị thương, cột giây vào áo giáp, vào chân, cổ tay rồi họ phóng lui chỗ bờ thành gần nhứt để núp. Súng đại bác trên chiến xa vẫn nổ, họ lựa cách kéo mấy người bị thương và chết vào sát bờ thành. Một anh y tá trẻ có gắn hình con nhện độc tarantula bằng cao su trên mũ sắt, vội vàng băng bó hết người nầy đến người nọ.
            Chiếc xe tăng tiến lên gần hơn, xạ thủ trên pháo tháp bắn đại liên 50 về phía địch. TQLC đẩy mấy người bị thương lên xe. Người y tá nhảy lên theo. Chiếc xe tăng rú ga quay xuống đường chạy về phía trạm cấp cứu.
            Tiểu đội tiếp tục tiến tới. Khẩu đại liên ở vọng lâu trên cổng thành lại nổ lạch cạch. Các TQLC nằm rạp xuống hay núp trong các lỗ hõm bên bờ thành. Dye nhìn xuống đường thấy hai TQLC đang chuẩn bị một cây đại bác 3.5inch để bắn. Súng nổ quanh họ khiến họ phải nhảy qua bên nầy đường. Họ nạp đạn vào súng rồi nhưng không thấy rõ mục tiêu nên không bắn được. Họ lại phóng qua bên kia đường, nhưng Dye và các người khác la to biểu họ cứ ở bên ấy. Họ chạy xuống đường, đạn rớt chung quanh, tự lấy súng 3.5 để bắn lấy, bắn ba phát, cây súng trên vọng lâu im tiếng.
            Lawhorn và tiểu đội của anh tiến tới từng tấc đất một. Anh ta trụ lại nơi trú ẩn trong khi đạn từ phía quân CSBV bắn vèo vèo qua đầu. Anh ta lại tiến xuống đường. Các TQLC khác bò phía sau các bức tường gạch và các ngôi nhà đổ nát, vừa bắn như mưa vào vọng lâu trên cổng thành vừa tiến tới. Lawhorn lùi lại, chạy và trượt chân, phóng tới chỗ núp sau bức tường gạch kế cận. Anh ta lại té, mồ hôi toát ra, thở không ra hơi. Anh ta thấy sợ, đạn và mảnh đạn bay tung tóe khắp nơi. Mọi người hô xung phong, bắn như điên. Anh ta chẳng biết có chuyện gì phía trước, sau lưng, ai bị thương, ai còn sống. Lawhorn ló đầu lên khỏi vách tường, nhìn qua lớp gạch vữa, tới nóc mái nhà phía trước. Anh ta thấy địch di chuyển qua đống gạch vụn trên vọng lâu, quăng các băng đạn AK rỗng về phía anh ta rồi lắp băng đạn mới. Chưa bao giờ anh thấy vậy. Chúa ơi! Mấy thằng xỏ lá láu cá. Cái vọng lâu cách khoảng một trăm mét phía trước nhưng Lawhorn tưởng như xa cả trăm dặm. Anh ta nắm cây M-16, bắn như điên vào mấy cái bóng nhỏ trên đó.
            Đại úy Harrington cùng với Trung đội 1 chạy lom khom qua đống gạch ngói vụn. Trong những phút tấn công đầu tiên, vì trung đội trưởng Trung đội 2, một trung sĩ và hiệu thính viên bị thương vì đạn B-40, nên trung đội lộn xộn. Anh ta chỉ còn Trung đội 1 ở bên trái. TQLC tiếp tục bò gần tới vọng lâu trên cổng thành. Cuối cùng, Harrington lọt vào được trong một ngôi nhà đã bị bom phá hủy ở ngay ngã tư đường, sát cổng thành. Anh ta gọi điện yêu cầu súng cối ngưng bắn vì binh lính của anh ta tới sát mục tiêu. Một tràng đạn bắn vào căn nhà anh đang núp, gạch đá gỗ bay lung tung. TQLC núp trong nhà tiếp tục bắn. Harrington gọi một xe tăng lên trợ chiến. Tiếng xe chạy rầm rầm bên cạnh ban chỉ huy tạm của anh ta. Trưởng xa tiếp xúc với anh bằng truyền tin, bắn ầm một phát đại bác theo hướng anh ta chỉ.
            TQLC bắn như mưa lên vọng lâu. Quân CSBV không còn bắn căng như trước.
            Trung đội 2 lúc nảy không người chỉ huy bây giờ được sắp xếp lại, do viên trung sĩ bị thương chỉ huy. Anh nầy là trung sĩ thuộc ban tham mưu, rất can đảm, tên là Robrt L. Thoms, cho trung đội tiến lên hỗ trợ cho Trung đội 1. Harrington gọi điện cho thiếu úy Jack S. Imlah, ra lệnh anh nầy đem một nhóm binh sĩ bò sát vách tường, tiến lên phía sau vọng lâu, trong khi Harrington cùng toàn thể Trung đội 1 và Trung đội 2 tấn công vào mặt tiền quân CSBV. Imlah đem một tiểu đội tiến theo bờ thành đông-bắc, tìm đường vượt qua các đống gạch vụn và hàng rào làm bằng cây xén, quăng lựu đạn vào toán quân CSBV đang đang lom khom phía sau các lỗ tường để bắn sẻ. Vừa bò, vừa chui, TQLC tới phía sau vọng lâu. Phía dưới đường, trung sĩ Dye bất thần nghe tiếng la to: “Chúng nó vào được bên trong.” Vô số kể tiếng M-16 nổ bên trong vọng lâu. Rồi lặng im.
            Harrington và lính của anh ta tiến tới cửa thành, trong đám khói thuốc súng và gạch cát mù mịt. Có xác chết địch trong đám gạch cát đổ nát ấy, có xác chết đã hai ba ngày trước, cứng đơ và sình, hôi thối khó chịu. Sau gần ba tiếng đồng hồ tấn công, bây giờ TQLC mới chiếm được vị trí. Harrington ra lệnh cho binh lính rút khỏi đống gạch ngói và họ bắt đầu chuẩn bị vị trí ngủ qua đêm trong những căn nhà đã bị đạn bắn hư hỏng ở gần cửa thành.
            Vọng lâu trên cổng thành là một địa điểm quan sát tốt. Đứng ở đây người ta có thể thấy rõ phía ngoài Đại Nội. Vì vậy, binh nhì Dennis S. Michaels, 21 tuổi, thuộc Trung đội 1 được lệnh chỉ huy một toán 5 người lên đó. Chờ trời tối, họ tìm đường lên vọng lâu trên cổng thành, tìm một cái hố giữa đống gạch đá ximăng để canh phòng qua đêm.
            Trời đen như mực – khoảng hai giờ sáng – bốn quả lựu đạn được quăng vào điểm quan sát. Quân CSBV xâm nhập. Một trái rơi vào lưng Michaels đánh huỵch một tiếng. Một trái khác rơi trúng chân. Anh ta sợ quýnh lên, nhìn vào hai trái lựu đạn, hoảng hốt cầu nguyện. Lựu đạn không nổ. Một anh TQLC khác thì chụp ngay hai trái lựu đạn ném ngay ra ngoài. Một trái khác nữa, nổ, khiến hai TQLC bị thương. Họ bò ra phía ngoài và bắn về phía địch quân đang bò qua các đống gạch vụn.
            Tại các ngôi nhà bên dưới, đại úy Harrington lo lắng khi bất thần thấy bóng người chạy quanh bên ngoài vọng lâu. Khoảng gần một trung đội quân CSBV nổ súng AK vào vị trí của toán Michaels và xuống vị trí của Harrington. Các lằn đạn lửa xanh đỏ bay chéo nhau trong bóng đêm. TQLC cố kìm toán CSBV giữa hai vị trí của họ. Địch vẫn bắn. Một phát đạn đại bác không giật của quân CSBV nổ trên mặt đường đi lên vọng lâu. Michaels và toán anh ta nằm rạp xuống vị trí tránh đạn. Có bóng người chạy lom khom trong đống gạch. Michaels lại thấy có một bóng đen nhỏ hiện ra trên rìa cái hố của anh ta, ném hai trái lựu đạn rồi biến mất. Hai trái nầy bị lép. Michaels cũng còn ngồi ngay tại chỗ, cám ơn Chúa!
            Súng còn nổ qua lại một lúc nữa, nhưng tới sáng thì ngưng hẵn. Toán của Michaels bò ra khỏi chỗ núp. Có khoảng 15 xác quân CSBV bỏ lại giữa hai vị trí của Michaels và Harrington. Chẳng có thì giờ để đếm xác. Pháo binh lại nổ, dọc theo tường thành, xa hơn một chút dọc theo con đường dài mà lá cây cau bị đạn xén như xắt lát vậy. Mấy chiếc xe bỏ hoang. TQLC lục soát quanh vọng lâu rồi tìm chỗ núp, hút thuốc và lấy muỗng nhắm phần C lương khô lạt lẽo, chờ khi pháo binh ngưng thì lại tiến tới.
            Điều đầu tiên thiếu tá Thompson chú ý hôm thứ Sáu ngày 16 tháng Hai là thời tiết. Hôm ấy trời tốt, không có nắng nhưng đủ sáng để máy bay phản lực oanh kích vài phi xuất, bỏ bom dọc tường thành, nghiền nát địch, rồi thả bom lửa. Hải pháo lại tiếp tục nã đạn vào. Các đại đội bộ binh tiến lên, giành thêm khoảng 150 mét.
            Cuộc chiến đã qua ngày thứ tư, đánh nhau từ bình minh cho tới hoàng hôn.
            Quá chiều, Thompson đang ở tại ban Chỉ Huy liên lạc truyền tin với Đại Đội Alpha. Họ lại gặp khó khăn. Đại đội nầy chưa được tăng cường đầy đủ sau ngày binh sĩ bị hao hụt hôm 13 tháng Hai. Đại úy Bowe bị thương và di tản, thêm nhiều người khác chết và bị thương, binh sĩ mất niềm tin nên Thompson cố giữ họ làm thành phần trừ bị, không tham gia những trận đánh chính. Một toán TQLC của Đại Đội Alpha tiến gần bờ thành khu Đại Nội thì bị cắt đứt và cầm chân. Vài người bị thương, chẳng có một ai trong Đại đội Alpha – gồm cả viên trung úy quyền đại đội trưởng trở lui được phòng tuyến bạn.
            Thompson đang cố vạch kế hoạch đem họ ra khi trung úy Patrick D. Polk vừa tới ban chỉ huy. Trung úy Polk gầy, cao, tóc vàng, sắp quá tuổi 21, quê ở Oshkosh, tiểu bang Nebraska. Anh ta là một người trẻ hết sức yêu nước mà thân sinh là một TQLC trong Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai. Hai người anh từng phục vụ ở Việt Nam. Anh ta là một sĩ quan tác chiến tuyệt hảo, hai lần bị thương, cá nhân hạ nhiều địch khi giữ nhiệm vụ trung đội trưởng ở Đại đội Charlie 1/5 và là sĩ quan liên lạc tiểu đoàn với binh đoàn TQLC Rồng Xanh của Nam Triều Tiên. Anh ta đã tới ngày về nước, nhưng vẫn còn hoạt động hâu tuyến, giữ nhiệm vụ phụ tá sĩ quan hành quân cho Đại đội 1/5.Đang ở Phú Bài thì anh được lệnh đưa một nhóm TQLC đi Huế. Mặc dù anh có thể từ chối vì đã đến ngày hồi hương nhưng anh ta lại đồng ý đi; viết thư cho bố mẹ, xin họ cầu nguyện cho anh ta, rồi lên xe cùng với một toán binh sĩ tạp nham phần nhiều là binh sĩ mới ra viện còn đi đứng được, TQLC mới đi phép về và một xe vận tải. Biết rõ số binh sĩ, và là sĩ quan duy nhứt, Polk xem xét lại các trường hợp phải xử dụng lựu đạn. Họ tìm đường vào Thành Nội. Polk bơi qua hào thành cùng với lựu đạn cầm tay (nên có biệt danh là Polk lựu đạn cầm tay). Các TQLC khác theo anh ta, chỉ bị bắn chút ít, rồi họ bắt đầu tìm tới Đại đội 1/5.
            Đối với thiếu tá Thompson, sự xuất hiện của Polk làm ông ta mừng như được của trời cho. Ông ta giải thích ngắn gọn tình hình đại đội Alpha cho Polk nghe. Viên trung úy không thiếu can đảm nhưng rõ ràng tình hình đó vượt quá khả năng anh ta. Anh ta được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại Đội Alpha và tìm cách cứu các TQLC đang bị mắc kẹt. Polk tới đại đội mới bằng một chiếc xe do một TQLC da đen ngang tàng lái, chạy ào vào giữa trận tuyến. Binh sĩ Đại đội Alpha đang trụ lại trong vị trí của họ và chẳng ai nghĩ ra cách nào để phản ứng đang lúc bị địch cầm chân.
            Thompson báo tin cho sĩ quan chỉ huy biết việc Polk giữ chức đại đội trưởng. Polk là trung úy mới thăng chức. Người anh ta thay thế là một sĩ quan trẻ mang lon sớm hơn anh ta một tháng, bối rối không biết tại sao anh ta bị thay. Dù sao, Polk cùng đã gặp binh sĩ và khuyến khích họ có sáng kiến, đừng than van khó khăn đang gặp mà phải khẳng định: “Mẹ kiếp, tao phải đưa binh sĩ ra khỏi đây.” Vài người sẵn sàng muốn đi, vài người còn lưỡng lự. Cuối cùng, có tám người tình nguyện: một trung sĩ tham mưu, một hạ sĩ súng cối và hiệu thính viên, một tiểu đội trưởng và toán hỏa lực của anh ta.
            Polk và toán của anh tiến lên, vừa bắn vừa mở đường, toán còn lại vẫn nằm tại chỗ để bắn che. Họ tiến vào một căn nhà đúc. Khoảng hai chục thước phía trước là toán TQLC đang bị mắc kẹt, nằm kê lưng với nhau dọc theo bức tường gạch. Họ có 5 người, bốn bị thương. Từ phía hàng cây bên kia, quân CSBV đang bắn qua đầu họ. Polk gọi súng cối 81 ly bắn tới, quân CSBV ngưng nổ súng. Polk và binh sĩ của anh chạy xông tới, kéo mấy người bị thương lui lại ngôi nhà đúc. Tới hoàng hôn, tất cả họ an toàn trở về phòng tuyến cũ.
            Họ đã cứu được người bị thương mà không ai bị thương thêm. Sau vụ nầy, Thompson thấy tinh thần họ thay đổi, tin tưởng trở lại, có cấp chỉ huy giỏi. Khoảng một tuần sau, Polk bị mảnh súng cối ở cổ và vai, nhưng anh ta vẫn ở lại với Đại Đội Alpha.
            Đại đội Delta bắt đầu một ngày di chuyển bên phải để hỗ trợ cho Đại đội Alpha. Quân CSBV đục lỗ bên vách tường dọc theo các tòa nhà, các vách tường bọc sân trong và bệnh viện (Thành Nội – ngd) để làm chỗ núp tác xạ. Các TQLC bò từ nhà nầy qua nhà khác, bắn, quăng lựu đạn vào từng vị trí một của địch. Họ kéo mấy xác chết Cọng Sản ra khỏi các lỗ tường đục đó, quăng súng AK-47 của họ bên cạnh xác chết, tiếp tục di chuyển theo bờ thành, vượt qua một vọng lâu bị đổ nát.
            Họ tiến qua từng nhà, trong khi quân CSBV bắn vào mặt tiền đại đội, làm cho TQLC bị thương vài người, nên phải đưa số binh sĩ còn lại lên bắn che. Trung sĩ Dye núp trong một căn nhà bên trái con đường trong khi có người gọi to y tá. Anh ta thấy y tá Rhino, một anh chàng to con, tóc đỏ, ít nói, núp sau một cánh cửa, chuẩn bị phóng lên dưới lằn đạn để tới chỗ người bị thương. Dye hoảng kinh khi thấy anh ta gục ngay khoảng giữa đường anh đang vượt qua. Rhino cố trườn mình tới. Vừa chống tay và đầu gối để vươn chạy thì một loạt thứ hai nổ, bắn gục anh ta xuống vỉa hè.
            Lawhorn nghe tiếng la “Rhino chết rồi”. Anh ta bị xúc động và không tin. Y tá Rhino, đối với toàn bộ binh lính trong trung đội, có ý nghĩa: Không bao giờ bỏ lơ đồng đội. Bây giờ anh ta bị địch giết chết. Một trong những TQLC biết rõ Rhino bỗng nhiên đứng thẳng dậy, bắn như điên về phía địch, vừa bắn vừa la. Lawhorn choáng váng nhìn người lính bắn hết một băng đạn qua bức tường gạch về phía địch, la to lên và run rẩy đến khi hai binh sĩ khác nắm lấy anh ta kéo xuống. Lawhorn không bao giờ thấy người ấy nữa.
            Mấy phút sau, hai TQLC chạy băng qua lằn đạn, kéo xác Rhino về chỗ ban chỉ huy trung đội. Họ không thể bỏ anh ta lại đây được. Đại úy Harrington đề nghị tưởng thưởng cho anh ta Hải Quân Chiến Công Bội Tinh, nhưng trước khi chết, anh chưa nhận được huy chương.
            Trước khi nghỉ qua đêm, Dye cùng ba người trong toán hỏa lực thuộc Đại đội Delta đi tuần thám các ngôi nhà bị đạn hư hại phía tây bờ thành. Họ bắt đầu đi quanh qua ba đống gạch đổ. Nhìn qua phải, Dye bỗng giật mình thấy một lính CSBV nằm sau đống đất đắp cao, một tay thì để trên cây súng AK-47, mắt mơ màng nhìn vào khoảng không. Dye đưa cây súng M-16 lên và bắn một tràng. Hai TQLC khác đang núp quanh đó bắn bồi thêm. Người lính CSBV oằn người xuống quằn quại.
            Họ vừa tiến đến gần xác chết, vừa nói thầm thiệt là may mắn. Anh ta có thể bắn họ trước. Họ đá cái xác chết qua một bên và tò mò nhìn vào chỗ người lính nằm. Chúa ơi! Cái gì của anh ta đây? Anh lính Cọng sản nầy gặp chuyện gì đây?
            Một lát sau họ thấy câu trả lời. Nơi nầy có nhiều lỗ vách tường đục. Có mấy xác Cọng Sản bị TQLC bắn chết. Khi họ nhìn vào những cái lỗ và mấy cái gói, họ tìm thấy nhiều gói đựng chất gì màu trắng như đường. Nhìn kỹ, hóa ra bạch phiến. Họ tìm thấy ống chích, diêm quẹt, muỗng cong có dấu bị cháy xém dưới đít, thứ giống như của một nhóm dân thành phố nghiện ma túy. CSBV luôn luôn chiến đấu một cách tài tình, và Dye không thể nào hình dung ra tại sao một số người trong bọn họ chiến đấu hết sức chai lì dù biết họ sẽ bị đánh bại hoàn toàn. Cuối cùng, Dye nhìn ra câu trả lời: Họ biết họ không có cơ may chạy trốn. Họ biết họ sẽ chết.
            Giả thuyết của trung sĩ Dye có thể đúng.
            Vào lúc 9giờ 50 tối, đêm 16 tháng Hai, thiếu tá Thompson nhận được điện của đại tá Hughes. Bức điện viết:
“Tin nhận được từ tin điện của địch cho biết, chỉ huy trưởng lực lượng địch tại Huế gởi cho các chỉ huy cao cấp biết rằng chỉ huy trưởng cũ đã chết, nhiều chỉ huy khác hoặc bị giết, hoặc bị thương. Họ đề nghị nên rút lui nhưng viên chỉ huy cao cấp ra lệnh cho chỉ huy trưởng mới của lực lượng tại Huế vẫn giữ vị trí và chiến đấu.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét