Ngay từ nhỏ, người Triều Tiên đã được dạy rằng phải tôn kính lãnh tụ hơn bố mẹ mình, nếu không thể hiện được thật tốt điều đó thì chắc chắn bị phạt.
NBC News (Mỹ) từng dẫn nguồn tin từ Daily NK cho biết, những công dân Triều Tiên, hoặc không khóc, hoặc khóc không chân thành trong đám tang của nhà lãnh đạo Kim Jong Il đều bị bắt đi trại cải tạo lao động ở vùng xa xôi hẻo lánh, sống xa gia đình.
Nguồn tin từ tỉnh Bắc Hamkyung cho biết: “Nhà chức trách đã ra lệnh phạt ít nhất 6 tháng tại trại cải tạo lao động với bất cứ ai không tham dự đám tang, hoặc có tham gia đám tang nhưng không khóc hay tỏ ra không thật lòng thương tiếc”.
Những người Triều Tiên khóc không đủ chân thành được cho là bị đưa đi cải tạo lao động
Ông Hwang Jang Yop, cựu quan chức Triều Tiên hiện đang sống ở nước ngoài cho biết những hình phạt tương tự như vậy đã từng xảy ra với người Triều Tiên khi cố lãnh tụ Kim Nhật Thành qua đời năm 1994.
“Đảng sẽ tiến hành một cuộc điều tra xem ai là người đau buồn nhất, và cho đó là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự trung thành của các đảng viên… Những người uống rượu và tỏ ra vui vẻ sau khi nghe tin lãnh tụ qua đời đều phải chịu trừng phạt”.
Bị xử bắn vì uống rượu trong thời kì quốc tang
Điều mà ông Hwang nói lẽ không phải là quá lời. Tháng 1/2012, báo chí Hàn Quốc và phương Tây đưa tin Thứ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Chol đã bị xử bắn vì uống rượu trong thời gian 100 ngày quốc tang nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il.
Giới truyền thông Hàn Quốc còn cho hay, ngoài ông Kim Chol, còn có 13 quan chức chính phủ và quân sự khác cũng bị xử bắn hoặc bị “xử lý” bằng một hình thức nào đó vì uống rượu hoặc dính líu tới các bê bối tình dục trong quãng thời gian “nhạy cảm” này ở Triều Tiên.
Trong suốt thời gian quốc tang ở Triều Tiên, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã ra lệnh cho tất cả người dân phải ngừng uống rượu, nhảy múa, cười nói vui vẻ, bất cứ ai vi phạm cũng đều phải chịu hình thức xử phạt rất nặng.
Cựu nữ điệp viên Triều Tiên Kim Huyn Hee, người từng khiến hơn 100 người thiệt mạng trong vụ đánh bom máy bay dân sự của Hàn Quốc, nay đang sống ở nước ngoài tiết lộ: “Ở Triều Tiên, chúng tôi được dạy phải đặt lãnh đạo Kim Nhật Thành cao hơn bố mẹ mình… Bạn phải học từ khi còn nhỏ câu nói: “Cám ơn lãnh tụ đã cho tất cả mọi thứ. Và khi bạn nói điều gì sai, thậm chí là sảy miệng, cũng sẽ phải đi trại cải tạo””.
Kim Jong Un và các lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên trong lễ tang nhà ông Kim Jong Il.
Không chỉ tôn thờ lãnh tụ, người Triều Tiên còn phải tôn thờ và trân trọng ảnh, tượng của lãnh tụ như chính người thật vậy.
Mọi gia đình Triều Tiên khi treo ảnh hoặc bày tượng của cha con cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il đều không được phép để bụi bám vào. Đặc biệt, không ai được làm nát, làm rách hoặc làm cháy những tờ báo có đăng hình của 2 cố lãnh đạo. Nếu vi phạm, cả nhà sẽ bị phạt.
Thậm chí, năm 2006, chính quyền Triều Tiên ra quy định, trong mọi sự cố như thiên tai, hỏa hoạn, bất kể có gây thiệt hại gì về người hay không, thì tranh ảnh, tượng lãnh tụ và bất cứ các hiện vật gì có liên quan tới các nhà lãnh đạo đều phải được bảo quản vẹn toàn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét