TRƯ CUỒNG
(Tiếp theo phần 3) - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Ngày … tháng …
Tám cho tôi xem một mục trong Bách Khoa Lợn.
RAU
Rau rất cần cho sự phát triển cơ thể lợn. Trong rau có rất nhiều
vitamin, chất khoáng, và một lượng nhỏ đạm, đường, chất béo.
Điều thú vị là một số nhà bác học phát hiện cho ta biết rằng: Muốn lợn tăng
trưởng nhanh thì ta cần cho lợn ăn nhiều đạm; còn đối với lợn nái, muốn cho đẻ
tốt thì cần phải cho ăn nhiều rau.
Vậy có thể nói: Đạm phát triển cá nhân con lợn, còn rau phát triển nòi
giống lợn cho đông đàn dài lũ.
Điều phát hiện trên thấy đúng cả với loài người. Nền văn minh phương
tây, nếu đứng về góc độ thức ăn mà nói, là nền văn minh đạm; nó chú trọng vào
sự phát triển cá nhân. Người phương tây chăm chỉ ăn đạm nên vóc dáng ngày càng
to, và ngày càng thưa đẻ. Nền văn minh phương đông là nền văn minh rau. Người
Ân Độ, Trung Hoa, người Việt Nam
ăn rau nhiều nên vóc dáng nhỏ và ngày càng đẻ khoẻ. Trong văn minh rau, loài
phát triển mạnh và cá nhân chỉ là những bóng mờ.
Chủ nghĩa thực dân là sự chiến thắng của Văn minh Đạm đối với Văn minh
Rau.
Rau là biểu tượng của sự đói khổ đi đến cuồng dại. Rau là biểu tượng của
sức sống bản năng, của phần tăm tối nhưng đẹp đẽ trong con người. Đạm là biểu
tượng của sự giầu sang đi đến phè phỡn. Đạm là biểu tượng của sức sống lý trí
kiêu căng, và khôn ngoan đến ngu ngốc.
Thiếu đạm thừa rau, và thừa đạm chê rau là hai đối cực dẫn loài người đến
khủng hoảng huỷ diệt. Chao ôi! Rau thì điên cuồng nổi loạn, còn đạm thì kệch
cỡm, cứ tuởng mình toàn năng. Sẽ có lúc rau và đạm sẽ làm rối bời trái đất và
con người trong cuộc quyết chiến Rau - Đạm này đang gào thét, kéo nhau lăn vào
hố thẳm.
Hỡi những kẻ ăn đạm, đừng khinh miệt sức mạnh của rau. Và hỡi những kẻ ăn
rau, đừng tưởng rau chỉ mang phép thần kì. Rau cũng mang trong nó những ngòi độc
mà ta không lường nổi.
Hơn nữa, những ai chiến thắng, chiếm được đạm thì lập tức họ cũng thuộc
ngay về đạm, vì đạm sẽ tiêm truyền cho họ cái máu chuếnh choáng của sự kiêu sa
ngu ngốc.
Tôi không muốn như con lợn Tây, suốt ngày gào rú chỉ đòi ăn đạm. Và tôi
cũng chẳng hề muốn giống loài lợn ỉ, những con lợn mặt nhăn cổ đại, với chiếc
bụng to đùng như trống nhưng mổ ra chỉ thấy rau bèo.
Đêm khuya. Tôi đọc xong trang giấy và nằm dài im lặng. Tôi, một con vật
người nhai rau đang nghĩ suy về đạm. Ơ bên kia vách, con lợn Bò của tôi cũng đang
tóp tép nhai rau. Lợn ơi! Mày có nghĩ ngợi gì khi mày cắn một cọng rau, một lá
bèo trong miệng? Không biết, vào giờ này, có một con người -đạm nào còn thức và
trằn trọc như ta không?
Ngày … tháng …
Lân đánh giá con lợn Bò của tôi đã lớn gấp rưỡi con lợn ỉn. Về mặt kinh
tế, Lân khen tôi đã thắng lợi. Nhưng về mặt tinh thần, anh cho là tôi đã thất
bại, bởi vì tôi đã mang thân đi hầu hạ một con lợn vô liêm sỉ, một con lợn to thân
xác nhưng lại sợ những con vật bé nhỏ hơn mình, thậm chí còn lấm lét, khúm núm
với chúng.
Lân đứng bên chuồng lợn, và nói giọng điên điên khùng khùng, anh động
viên con lợn Bò:
- Nào! Tiến lên! Đừng sợ hãi! … Hãy
vứt bỏ cái thói vô liêm sỉ … Hãy chống lại thói quen hèn hạ … Nào! Hãy cắn …
Hãy vồ … Hãy xé xác bọn ỉn thử xem sao …
Tôi mỉm cười, cố xoa dịu Lân. Tôi cũng đùa cợt:
-Ông bạn ơi!
Ông định làm kẻ đầu sỏ, khuấy động gây bất bình trong đàn lợn của tôi sao? Anh
nên nhớ đây là chuồng lợn …
Tôi chợt
ngừng lại giữa chừng câu nói vì nhìn thấy con mắt nghiêm trang của Lân. Thì ra
người không biết đùa, hay là người đã quên mất thói quen đùa cợt, hay là người
vẫn lạc trong những cơn mê chiến trận, ở đó bên cái chết con người chỉ mặc bộ đồng
phục nghiêm trang. Anh nhìn sâu vào mắt tôi rồi giảng giải:
- Ý anh muốn nói chuồng lợn
không phải là sân khấu chính trị?
- Sao? Tôi giật mình vì Lân đang kéo
tôi vào một cuộc nói chuyện mà nhiều lần tôi đã cố tình lảng tránh. Còn Lân anh
vẫn nói phăng phăng, rất hùng biện.
- Anh là kẻ đọc sách mà ý nghĩ vẫn thô
sơ. Anh nên nhớ trái đất chúng ta đang nồng nặc ngột ngạt mùi chính trị. Đâu
người ta cũng dạy dỗ, lôi kéo, hướng dẫn con người làm chính trị. Đó là thứ men
nồng trên miếng đất ta ở … Phải! Men chính trị đã thấm vào ta từ thủa bào thai
…
Lân chỉ vào
mặt tôi:
- Anh định lẩn trốn chăng? Sợ hãi chăng?
Định làm trò khoác cho mình một bộ áo cà sa chăng? Ha ha … Con lợn Bò … lợn Bò
… Nhưng dù có chui vào hang, vào hầm, vào hố, vào xó, vào xỉnh … dù có trốn lên
rừng, hay lặn xuống biển thì chính trị cũng đuổi theo anh … lôi anh nhập cuộc.
Tôi bàng
hoàng nhìn người bạn rồ dại của tôi. Nhưng có thực anh ta điên không? Anh đang
moi móc tim gan ra và phơi bầy dưới ánh mặt trời. Tôi lúng túng trả lời:
- Anh biết đấy … từ lâu rồi … tôi đâu
còn quan tâm tới điều đó. Anh cũng thấy đấy … Tôi đang lo miếng cơm … Và nói
thật, tôi cũng thích nghề nuôi lợn …
- Anh thích nghề nuôi lợn?
- Thích … Thậm chí … Ừ nhỉ ta có thể
biến nghề nuôi lợn thành một nghệ thuật … Có thể được không?
- Ha ha … Vòng vo! Vòng vo!
Tôi giật
bắn người. Còn Lân vẫn cười. Anh không biết là anh đã chạm vào một điểm rất
nhậy cảm của đời tôi. Tiếng cười của Lân làm tôi bỗng chợt lùi về dĩ vãng.
”Vòng vo!” tiếng nói đó vang lên trong óc.
*
* *
…Tôi nhớ lại cái phòng hỏi cung trần trụi mà năm
ấy tôi vẫn thường ngày phải lui tới hai buổi chăm chỉ, đều đặn như một chú học
trò. Chiếc phòng rộng, ở giữa kê một chiếc bàn và hai chiếc ghế, một chiếc dành
cho người cán bộ an ninh, và một chiếc ghế dành cho tôi. Căn phòng trần trụi
mầu trắng lạnh, không có một vật gì thừa. Chỉ một chiếc bàn và hai chiếc ghế,
một mẩu giấy lộn cũng không, một cái đinh vô dụng cắm bâng quơ trên tường cũng
không, một con gián, một con nhện cũng không. Không có một sinh vật nào, một đồ
vật nào nằm ngoài mục đích lại được phép có mặt; có lẽ người ta sợ một sự phân
tán, một sự liên tưởng nào đấy có hại cho sự tập trung của kẻ bị hỏi. Của đáng
tội, cũng có hai vật thừa. Đằng trước mặt tôi, tức là dằng sau người cán bộ an
ninh, phía trên cao tường có treo một bằng khen, ông bộ trưởng đã ngợi khen một
tổ trinh sát số 3 nào đó đã phá tan một vụ án chính trị nào đó, một cách xuất
sắc. Vụ nào nhỉ? Những ai bị bắt? Họ là những người ra sao? Những người phe
phái, hay những kẻ lý tưởng điên cuồng, hay những con người vô tội chỉ thèm
khát sự công bằng, những kẻ bị bắt vì còn chút lương tâm? Thế đấy! Có lẽ tờ
giấy trên tường kia tồn tại cũng chỉ vì mang một công năng đàn áp, muốn đè bẹp
ý chí của kẻ bị hỏi cung ngay từ phút đầu nhìn thấy nó. Nó như muốn cười mỉm
một nụ cười bí mật và khoe rằng: đừng có ảo tưởng che giấu, chúng tôi biết hết,
chúng tôi có nghìn mắt nghìn tay. Và sau lưng tôi cũng có một vật thừa thứ hai:
cái ba lô bộ đội trong chỉ có chiếc bàn chải đánh răng, vài bộ đồ lót, một
chiếc áo bông … Người cán bộ an ninh đã bảo tôi phải mang đến:
- Anh hãy mang ba lô đến hàng ngày. Để
ở góc phòng ấy. Anh bướng lắm. Ngoan cố. Không khai hết sự thật. Kẻ cầm đầu đã
khai hết rồi. Bạn bè anh đã khai hết rồi. Còn anh, sao anh vẫn quanh co? Nếu
còn tiếp tục vòng vo thì sẵn ba lô đấy, chúng tôi phải bắt buộc có biện pháp
cứng rắn, cho anh ngồi vào một phòng giam để anh suy nghĩ …
Tôi im lặng.
Thì ra cái ba lô cũng chẳng phải vật thừa. Nó là của tôi; chiếc ba lô tôi đã được
phát trong bộ đội, năm 1953. Nó đã theo tôi lang thang lên rừng, xuống biển.
Bây giờ nó lại ở bên tôi. Trước kia khác, bây giờ khác, cả chiếc ba lô vô tri
vô giác kia lúc này cũng chống lại tôi. Cái vật dụng thân quen mà tôi vẫn cõng
trên lưng ấy, lúc này cũng là một vật nhắc nhở, đe dọa.
Người cán bộ an ninh chăm chú đọc tờ lời khai tôi viết hôm trước. Trên
trán anh bỗng xuất hiện những nét cau có. Cuối cùng, anh ngẩng đầu lên, bỏ
chiếc kính ra. Rồi anh đứng dậy giảng cho tôi như giảng cho một chú học trò:
- Ha ha! Thật
là bác học. Anh dẫn ra nào là Nguyễn Du, là Mác, Là Đốt, là … Thôi đi! Anh định
làm trò gì, chúng tôi đã đi guốc vào bụng anh. Anh định đóng kịch, làm trò
thông thái rởm … Thoát bào nhượng vị. Cởi áo bào ra, trốn lủi, để chúng tôi đuổi
theo cái vỏ áo bào tư biện. Chúng tôi không có thì giờ cãi cọ với anh về lý
luận.
- Chúng tôi
sai về tư tưởng … vì vậy tôi kiểm điểm tư tưởng …
- Không phải sai tư tưởng mà là hành động.
Anh đã hành động.
- ???
- Đảng nói A, anh cãi lại B. Nói cho
người khác nghe tức là vận động kẻ khác theo mình. Nói khác tức là đã hành động
chống đối. Anh hiểu chưa?
- ???
- Lại còn vờ vĩnh: ”Tôi không làm
chính trị”. Bộ anh ngây thơ đến thế sao? Sở dĩ anh muốn trốn hai chữ chính trị
vì anh có ý thức là anh đã mắc vào một tội ác to nhất trong xã hội chúng ta:
tội chống Đảng.
- Không! Tôi là người viết báo, viết văn.
Người cán bộ
an ninh đập bàn và con mắt sau cặp kính của anh bỗng long lanh tức giận. Anh
nói to, dằn từng tiếng:
- Các anh đã tổ chức chống Đảng.
- Tổ chức?
- Tổ chức! Đúng vậy! Tổ chức chính trị
khéo léo.
Tôi im lặng.
Tôi đã hiểu từ lâu người ta muốn dẫn tôi đến cái nút ấy, cái thòng lọng ấy. Khi
cái thòng lọng đã quàng vào cổ rồi, nhưng do bản năng tự vệ, tôi vẫn cố rãy
rụa, cố bào chữa. Tôi đứng lên và nói rất to:
- Các ông
không có chứng cứ. Làm gì có tổ chức …
Người cán bộ an ninh chỉ vào mặt tôi và cũng quát:
- Ngồi xuống!
Tội của anh càng nặng thêm vì cố tình vòng vo trốn tránh …
“Vòng vo! Vòng
vo! ” …
Những tiếng vang kỷ niệm xa xôi ấy, lúc này bỗng lại sống dậy trong óc
tôi. Tôi cố ôm lấy đầu, che kín đôi tai, để khỏi nghe tiếng của Lân. Nhưng che
làm sao được. Giọng của Lân khích nộ, cũng có tính chất rao giảng như giọng của
anh cán bộ an ninh hôm xưa.
- Khi ta yêu một điều gì, ghét một điều
gì tức là ta đã làm chính trị. Chỉ khi nào hết yêu ghét, tức là đến ngày tận
thế, thì bấy giờ mới hết chính trị. Chính vì vậy, khi nói không làm chính trị,
ta đã tự lừa dối, ta đã hèn nhát lẩn trốn. Anh nói nuôi lợn như một nghệ thuật,
tức là anh đã tự phỉnh nịnh, tự coi mình hơn kẻ khác, trong khi đó thực chất
anh đang tôn vinh cho sự vô liêm sỉ, sự nô lệ… Chính vì vậy nên tôi khinh bỉ
con lợn Bò …
Lân im lặng nghỉ
một lát rồi tuyên bố:
- Chuồng lợn cũng là một sân khấu
chính trị.
Tôi cúi đầu,
không cãi lại. Trong lòng tôi bỗng dấy lên một nỗi buồn phiền mơ hồ. Hôm nay,
tôi hình như đã hiểu thêm một chiều độ của bản thân. Có lẽ Lân nói đúng. Tôi đã
trốn chạy, và hình như tôi đã lập lờ … ngay cả khi nuôi lợn.
Trời ơi! Tôi muốn trốn lên núi quá. Người xưa lên núi để trốn việc đời.
Ngày nay, trên núi cũng có đời. Nuôi lợn là một cách ”trốn vào núi” hiện đại.
Nhưng hoá ra, trong chuồng lợn cũng có đời.
Ngày … tháng …
Kỳ lương dạy học tư đầu tiên của con tôi, Linh mang về ba ki lô gam tóp
mỡ. Cậu sinh viên mê triết học ấy cười khanh khách:
- Bố ơi! Đúng là cách mạng. Đảo lộn
hết cả nếp đời. Mọi cung cách sống thay đổi đến tận gốc rễ. Hết mọi sĩ diện,
mọi đài các, mọi thớ lợ. Khi con bưng rổ tóp mỡ đi dọc phố xá, những người quen
thuộc nói: ”Cậu Linh trúng rồi nhé. Bao nhiêu là tóp mỡ!” Có người hỏi mua, trả
mười lăm đồng một ký, nhưng con không bán. Con dành cho lợn của bố.
Tôi cười:
- Thế là cậu còn sĩ diện hão. Đáng lẽ
ra cậu nên bán đi hai ki lô, như vậy cũng được ba chục bạc đỡ mẹ cậu mua gạo.
- Linh vẫn cười ròn:
- Đúng như bố đã tưởng tượng ra cảnh
trả lương. Chú Hợi bắc cái cân ra, treo bên cạnh dò phong lan tai trâu, rồi cân
trả lương cho con. Cân xong, ông ấy bốc thêm một nắm, vứt vào cái rá và nói: ”Đây
là phần thưởng thêm cho cháu đã giúp chú tháng qua rất tốt.”
Hôm nay, bà
vợ tôi, cả gia đình tôi bỗng nhiên vui hẳn lên; có lẽ không khí ấy do mùi ngầy
ngậy của tóp mỡ tạo nên.
Vợ tôi hôm
nay cũng biết nói đùa:
- Nhà chú Hợi có hai cô con gái. Cái
Lan học lớp bẩy mày đang dạy thì còn bé. Chị nó là cái Cúc làm thợ dệt năm nay
thường dễ đã hai mươi. Con bé hay đáo để, Linh nhỉ?
Đôi tai con
tôi bỗng đỏ nhừ, nhưng nó vẫn vui vẻ:
- Cô ấy rất hay, mẹ ạ.
-
”Hay” nghĩa là thế nào? Tôi hỏi.
- Nghĩa là cô ta khác hẳn tính ông bố.
Ông bố bông phèng, còn cô ta kín đáo. Ông bố tính toán, còn cô ta thì thờ ơ vô
tư lự trước tiền bạc…
- Cái tính ấy có lẽ hợp với mày Linh ạ
- Tôi cười – A, mẹ mày thích mày có vợ rồi đấy.
Tai con tôi
đỏ thêm. Cậu ta lắc đầu:
- Khó lắm bố ơi!
- Sao lại khó?
- Bởi vì chú Hợi yêu cầu rể của chú
phải có một điều kiện. Một hôm chú ấy tuyên bố: ”Đứa nào lấy cái Cúc nhà tao,
dứt khoát phải biết làm nghề đồ tể”.
- Đồ tể?
Cả nhà tôi
cười ròn. Linh giải thích thêm:
- Điều kiện ấy của chú Hợi rất khôn ngoan.
Thứ nhất: nếu chàng rể là đồ tể, thì người đó không thể nào coi thường ông bố
vợ vốn gốc gác là đồ tể. Thứ hai: nghề đồ tể hiện nay là nghề kiếm nhiều tiền
nhất; chỉ vài tiếng đồng hồ buổi sáng sớm người ta có thể kiếm tiền bằng một
tháng lương. Thứ ba: chú Hợi muốn tìm vây cánh. Bố nên nhớ chú Hợi là người
giỏi nghề chính trị.
- Cả đến lò mổ cũng là một sân khấu chính trị?
- Dĩ nhiên, bố ạ.
Ngày … tháng …
Từ ngày có
tóp mỡ, con lợn Bò lớn nhanh như thổi. Hàng tuần, tôi đo lồng ngực và chiều dài
của lợn. Tuần này, số đo lồng ngực lợn tăng bốn cm, như vậy theo bảng thống kê
tổng kết, tương ứng với lồng ngực, lợn Bò đã tăng thêm năm cân.
Con lợn Bò đã
gần ba mươi cân, vóc dáng nó đã to gần gấp đôi chú lợn ỉn.
Với cái vóc
dáng đồ sộ ấy, lúc này lợn Bò đã được lũ ỉn cho phép nằm ngang hàng. Tuy nhiên,
Bò vẫn phải chịu một chỗ nằm lép vế, nghĩa là bao giờ Bò cũng phải nằm ngoài
cùng, chịu đựng gió rét và làm tấm bình phong, tạo ấm cho lũ ỉn. Có những lúc
Bò ta tỏ ra tinh ma, khi ăn xong, vội vã tranh vào nằm sát tường tức là chỗ ấm
nhất; khi ấy, lập tức lũ ỉn không chịu khoan nhượng, chúng leo lên lưng, cắn
tai, húc vào bụng con lợn Bò, cho đến lúc con lợn quỉ quái ấy không chịu nổi,
bắt buộc phải đứng dậy để chấp nhận vị trí nằm lép vế của mình, thì cuộc tranh
chấp mới kết thúc.
Ngày … tháng …
Đài phát
thanh Hà Nội báo tin có đợt gió mùa Đông bắc tràn về, và nhiệt độ sẽ giảm xuống
tới mười một độ. Để chống rét cho lũ lợn, tôi vứt hai cái bao tải vào trong chuồng.
Rét về, lũ
ỉn ăn kém hẳn đi. Riêng Bò vét đĩa vẫn ăn hung như trước. Nó ăn thêm phần thức ăn
bỏ dở của lũ ỉn, nên hôm nay bụng nó căng phồng. Ăn xong, nó lùi lũi vào chỗ ấm
nhất, ủi cái bao tải sù ra phía trước, rồi nằm xuống, ung dung chúi mõm vào đống
bao tải, để bảo vệ, để gây ấm cho cái mũi vốn là cơ quan nhạy cảm và quí giá nhất
của loài lợn. Lũ lợn ỉn vừa đói, vừa rét nên càng tức tối. Cả đàn cả lũ, chúng
hùng hổ xông ngay lại, cưỡi ngay lên lưng con Bò. Con lợn Bò liền đứng ngay
dậy, lắc mình hất tụi lợn ỉn xuống, nó chúi đầu đứng gầm gừ, đối mặt nhìn lũ
lợn ỉn, khiến bọn này phải dừng lại ngay không dám tấn công. Lợn Bò vốn tính
hiền, nên cuộc chiến tranh đã không xảy ra. Tuy vậy, hôm nay nó bỗng sáng kiến
nghĩ ra một cách ngủ khác trước; nó chiếm phắt ngay một cái bao tải dành riêng cho
mình, nó dùng cái mõm ủi bao tải ra một góc khác; nó dùng chân, dùng mõm, khéo léo
trải cái tải thừa ra phía ngoài; vậy là đằng trước tải, một bên vách, một bên
tải, nó che ấm được cả mõm và hai bên sườn. Nó đắc chí, nằm ngáy pho pho, và mặc
xác lũ lợn ỉn tranh giành kéo co nhau chiếc tải thứ hai.
Cứ bảo con
lợn Bò ngu ngốc. Hôm nay, nó đã tỏ ra không ngốc một tí nào. Nó đã biết tẩy
chay bọn ỉn.
Ngày … tháng …
Tôi thông
báo thái độ mới của con lợn Bò cho Lân biết. Lập tức, Lân khoác áo bông sang
nhà tôi ngay. Nhà chuyên gia chăn lợn ấy đã đứng bên chuồng lợn, vứt nắm rau
muống xuống trước mặt lợn Bò, rồi vuốt ve nó khi nó đang ngấu nghiến nhai rau.
- Khá lắm! Có thế chứ! Chẳng lẽ mày
lại hèn. Ở đâu có áp bức là khắc có đấu tranh. Hãy tiến lên Bò ạ.
Tôi ôm bụng
cười:
- Quỉ quái chưa! Ông lại tin có cả đấu
tranh giai cấp trong chuồng lợn?
- Chứ sao! Đây là một chàng khổng lồ đang
mơ ngủ. Ngủ chán, nó sẽ dậy. Này! Hãy nghe lời tôi khuyên. Cần phải hết sức chú
ý, kẻo rồi lại xảy ra rắc rối trong chuồng lợn.
Ngày … tháng …
Việc quan
sát sự phát triển của chú lợn Bò phải tạm dừng bởi lẽ gạo tăng quá nhanh.Mấy
hôm trước giá gạo tám mươi, mấy hôm sau gạo đã tăng mỗi ngày vài giá. Tám mươi,
lên tám lăm, rồi chín mươi, hôm nay gạo tròn một trăm. Cơn sốt gạo Hà Nội cứ ít
lâu lại xảy ra như một bệnh dịch đe doạ người nghèo. Lo âu. Ngắc ngoải. Người
ta đồn đại chính phủ sắp thả nổi gạo. Phần lớn dân Hà Nội sẽ phải ăn gạo giá
ngoài. Trong khi đó, thằng Minh, đứa con thứ hai của tôi cũng đang bén máng như
chú lợn Bò. Bữa cơm, nó có thể ngồi ăn lì không biết no.
Vợ tôi cáu
kỉnh, hễ về nhà là gắt đủ điều:
- Thằng Linh! Còn nằm ườn ra mà đọc
sách hả? …
- Thằng Minh đâu rồi? Sáng hôm nay mày
chỉ đi chơi, sao không xếp hàng rau? Chỉ được cái ăn là giỏi.
- Lợn Bò với lợn Bê! Bán mẹ nó đi cho
rảnh mắt.
- Hạn chế lại! Nấu cháo mà húp! Tao
không còn hơi sức đâu mà chạy gạo cho chúng mày ăn.
- Cả nhà nay có ai thương tôi đâu.
Người ta còn đọc sách, còn đi chơi, còn suy nghĩ, còn nghiên cứu cơ … Còn tôi
thì lăn lưng vào mà vẫn chẳng kiếm ra đủ cho các ông con ăn. Đi làm xí nghiệp
về, lại đi đưa bánh đa, hai xu một chiếc. Đạp xe thắt ruột lại… Hào quà cũng
chẳng dám ăn… Thế mà…Thế mà có ai biết xót xa cho tôi đâu.
Tôi bực bội
và tê tái đi vì những lời than oán kể khổ ấy. Tôi cố gắng ngọt ngào:
- Thôi! Tôi xin bà. Đừng có làm rối
lên như thế. Kêu ca nào có ích gì. Có đỡ khổ đi chút nào đâu. Cần phải bình
tĩnh mới được.
- Tôi không bình tĩnh.
Cáu quá,
tôi vặc lại vợ:
- Thôi! Câm mồm đi!
- Anh nói như thế mà nghe được? Có học
đấy! Đọc sách đấy! Đạo đức đấy! Lúc nào cũng lý thuyết! Lý thuyết suông!…Đạo đức
giả!
Tôi im lặng,
không nói nữa. Nhưng tôi càng im lặng vợ tôi càng nói già, nói dai:
- Tôi lấy anh thật phí cả đời. Tôi là
người công nhân. Đáng lẽ ra tôi lấy một người công nhân, thì những lúc này
người ta còn biết thương tôi. Ôi chao! Lúc nào anh cũng tử tế, nhân nghĩa. Anh
là kẻ đạo đức giả. Anh khinh tôi không có học, nên anh mới dám ăn nói như thế
- Ai khinh cô?
- Anh chửi tôi.
- Ai chửi cô?
- Anh bảo tôi: câm mồm, tức là anh
chửi tôi.
Tôi phát điên lên:
- Đồ vu vạ! Thôi! Bà chiến sĩ thi đua
của tôi ơi! Bà lại học được cái trò nam nữ bình đẳng nửa mùa để đem về áp dụng
ở gia đình rồi … vứt mẹ cái trò dớ dẩn ấy đi.
- Hừ! Giỏi quá nhỉ! Không khéo cái mồm
ấy, có lúc người ta gô cổ lại. Bình đẳng nửa mùa! Rồi có lúc lại rũ tù.
- Ai gô cổ? Ai rũ tù? Đứa nào bắt tao?
Cô định doạ nạt hả? Giở thói cải cách ruộng đất ra hả? Vợ mà như thế hả? Doạ
tao à? Đểu! Đồ đểu.
Vợ tôi, khi
thấy tôi la hét thì bặt lặng. Cô ta biết đã lỡ lời. Cô ta đã ngoáy một lưỡi dao
nhọn vào vết thương của tâm hồn tôi. Sự vu cáo … Những ngày thẩm vấn … Sự đe
doạ tù đày triền miên …sự theo dõi, bóng gió doạ nạt … sự thỉnh thoảng hỏi thăm
nhắc nhở … tội chống Đảng … cắt việc … rồi treo bút cấm viết … những ngày lao động
cải tạo nhục nhằn những nghề nghiệp lầm than mà tôi dấn thân chỉ cốt kiếm được đồng
tiền nhỏ nhoi cũng được đó là tất cả những điều mà tôi đã trải qua. Và tôi vẫn
tự hào là trong cơn bão, vẫn giữ lại được một gia đình toàn vẹn, với người vợ
chịu đựng cùng tôi, với đời sống lương thiện mà chưa bao giờ tôi phải hổ thẹn,
với đàn con khổ sở đấy nhưng ngoan ngoãn … Nhưng hôm nay, niềm tự hào cuối cùng
của tôi cũng đang bị lung lay. Gia đình tôi bắt đầu nghiêng ngửa, hay nó đã rạn
nứt từ lâu rồi mà bộ óc u mê của tôi chẳng nhận thấy. Hừ! … Có thể lắm chứ …
Những người đàn bà yếu đuối … Một người bạn gái đã phản lại tôi … Vợ một anh
bạn đi tù đã tố cáo chồng, ly dị vắng mặt chồng, thậm chí bắt con không được
nhận bố… Nhưng lẽ nào …Vợ tôi cũng thế hay sao? …
Những dòng
suy nghĩ u uất lướt qua bộ óc. Tôi rên lên:
- Đồ đểu! Đồ đểu! Đồ khốn nạn!
Tôi cầm
chiếc điếu cày đập mạnh xuống nền nhà. Cái điếu vỡ, đổ ùa ra một dòng nước đen
sì, lênh láng, hôi hám. Bên kia vách, đàn lợn rống lên đòi ăn. Sặc sụa lợn!
Ôi! Ô nhiễm!
Ô nhiễm! Tôi ném nốt bình trà xuống đất và cổ họng tôi nghẹn lại. Tức thở! Tắc
thở!
Vợ tôi lặng
lẽ đi khỏi nhà lúc nào chẳng hay. Còn tôi thì ngồi thừ cay đắng trên chiếc ghế
bành cà khổ, nơi mà tôi vẫn hằng ngồi hàng giờ để suy ngẫm, tưởng tượng viển
vông. Chiếc ghế bành chỉ biết run rẩy chứng kiến những giấc mơ bất tận, hôm nay
đã tận mắt chứng kiến một sự thực cay đắng …
Lần đầu
tiên, tôi thấy lộ nguyên hình sự nanh ác của vợ tôi. Cũng lần đầu tiên sự nanh
ác của tôi xuất hiện phũ phàng chẳng kém. Tôi thầm hiểu lúc đó tôi muốn tát vào
mặt cô ta …
Cũng lần đầu
tiên, tôi cảm nhận được sự giả dối của đời sống vợ chồng. Sự biết điều, sự nhẫn
nhục chẳng qua là trò đóng kịch. Tôi muốn chạy trốn, không dám nhìn vào sự thật
đau đớn. Chúng tôi làm gì còn tình yêu. Cuộc sống vợ chồng tôi chỉ còn là một
sự cộng sinh.Những thói quen, chỉ còn tồn tại do sợ hãi một cuộc chia ly, sợ
hãi rơi vào một cuộc phiêu lưu mới không có gì đoan chắc là ổn định. Mà thực
vậy. Tại sao cô ta cứ phải gánh chịu mãi cái số phận lênh đênh hình ngục nan đào
của tôi. Tôi là một quả đắng cay đối với người đàn bà nào dính líu với tôi …
Tôi bỗng
dưng nghe thấy một tiếng động. Tôi quay đầu nhìn và thấy thằng con trai lớn vẫn
ngồi thản nhiên ở một góc giường. Cặp mắt của nó lặng lẽ không biểu hiện, nhưng
tôi cũng thoáng đọc thấy trong ánh mắt ấy một nụ cười mỉm. Anh mắt ấy như muốn
bảo: ”Thưa bố! Màn kịch đã hạ rồi!” Đột nhiên, cái nhìn của đứa con làm những
nộ khí trong tôi bỗng xẹp xuống. Con tôi không nhìn tôi nữa, nó lên gác xép đọc
sách. Cơn tức giận tan nhanh, để lại một chỗ trống cho nỗi buồn đen thăm thẳm
choán ngập linh hồn tôi. Tôi vẫn ngồi thừ trên chiếc ghế bành cà khổ, mắt nhắm
không buồn nhúc nhích, và tôi đã vào một giấc mơ ngủ lung linh mà không ai đánh
thức nổi, từ đây.
Ngày … tháng …
Chiến tranh
lạnh!
U ám gia đình!
Tôi không
nói. Vợ tôi không nói. Mẹ tôi không nói. Con tôi không nói. Vợ tôi không nói
chuyện vì giận tôi. Mẹ tôi không nói vì buồn phiền. Còn con tôi không nói vì
chán nản. Những đứa trẻ vốn là diện mạo tinh thần của gia đình. Nhìn lũ trẻ, ta
có thể xem tướng một gia đình. Trẻ con tươi tắn, cởi mở, đôn hậu, là gia đình đang
vượng. Trẻ con ủ rũ là gia đình đang biến. Trẻ con khùng loạn là gia đình đang
suy.
Cậu Linh dạo
này lại đọc tới Nam Hoa Kinh của Trang
Tử. Con ơi! Mày định ru hồn vào giấc mơ bướm của Trang Tử hay sao? Thì cứ mơ đi!
Giấc mơ đôi lúc cũng cứu người. Ta chỉ sợ cái thực đời đến một ngày nào đó sẽ
giết hết giấc mơ của ngươi. Mất Phật, mất Chúa, con người đã mất một giấc mơ
lớn. Mất giấc mơ lớn, con người lồng lộn săn đuổi những giấc mơ nhỏ nhoi thường
nhật, nhưng rồi cũng chẳng đạt được. Cuối cùng người ta phỉ báng sự mơ. Con
người trở nên què quặt, bất túc.
Con ơi cha
cũng đang trở nên bất túc đây.
Ngày … tháng …
Ta bỏ bê
”cơn lợn”. Ta mặc xác con lợn Bò. Ta cưỡi xe đạp dong chơi phố phường Hà Nội.
Ta trốn chạy cái nhà ta ở. Ta sà vào quán nước, quán rượu. Ta lê la các nhà bạn
bè để nói những chuyện tầm phơ. Ri-gân đắc cử ư? Một người phẫn chí tự thiêu ư?
Cải cách giáo dục ư? Chủ nghĩa Mao man rợ ư? Cải cách nội các ư? Chuyện một bà
lớn áp phe kim cương ư? … Để rồi, đêm ta về nhà, bật chiếc đèn ngủ, mà nghe lợn
kêu, mà mông lung chán phèo … Buổi chiều, Tám đưa ta một mảnh giấy. A! Một mảnh
Bách Khoa Lợn. Nào, thì đọc.
NGƯỜI LỢN và LỢN NGƯỜI
Văn chương
thế giới và đời sống thực đều có những chú ”Lợn Người“. Trư bát giới là lợn người.
Phải kể thêm con lợn Chiến sĩ của Lân cũng là một thứ lợn người. Có lẽ nên để
bạn đọc tự rút ra định nghĩa về khái niệm ”Lợn Người“.
Còn khái
niệm ”Người Lợn” cũng thấy sách sử ghi lại. Tư mã Thiên có nói Lã hậu chặt
chân, chặt tay người phi yêu dấu của Hán Cao Tổ, vứt vào nhà xí và gọi đó là
con lợn. Sợ rằng xác định khái niệm người lợn như vậy là quá ư thô thiển.
Tôi đọc sách thấy có nhiều đoạn nhắc đến thứ
Người Lợn, vậy xin ghi lại tham khảo.
Thời nhà Lê,
thời kỳ cực thịnh của phong kiến Việt Nam có khá nhiều người lợn. Cái hồi
Trần nguyên Hãn và Nguyễn Trãi mới gặp Lê Lợi ở Lỗi giang, Hãn bảo Trãi: ”Tướng
Lê Lợi là tuớng lợn, người ấy chỉ có thể vui với ta lúc đói nghèo gối đất nằm
sương, chứ không thể chung hưởng với ta khi phú quí.” Quả nhiên về sau, Lê Lợi
giết Trần Nguyên Hãn đầu tiên khi kháng chiến thành công. Té ra Lê Lợi là một
thứ người lợn. Cháu chắt ông ta là Tương Dực Đế xây Cửu trùng đài cũng được dân
Thăng Long gọi là Vua Lợn. Quan lợn thời Lê cũng có. Thời Lê Nhân Tông, trong Đại
Việt Sử Kí Toàn Thư có ghi: ”Đến khi thi đình, vua thân ra đầu đề văn sách, hỏi
về lễ nhạc hành chính, cho Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng nguyên… Nghiêu Tư đã từng
thông dâm với mẹ vợ… Có người hát ở đường cái rằng: ”Trạng Nguyên Trư, Nguyễn
Nghiêu Tư” nghĩa là ”Trạng nguyên lợn, Nguyễn Nghiêu Tư”
Té ra ngày xưa có cả ông nghè
lợn.
Đêm đen.
Chẳng thấy
gì. Chỉ nghe tiếng con lợn Bò ngáy ngoài chuồng lợn …và tiếng vợ ta thở dài
trong giấc mơ.
Ta ngủ sao
nổi. Cứ nghĩ vẩn vơ mãi. Có ai thì thầm trong óc: ”Hãy suy nghĩ cho kỹ. Có phải
anh cùng một duộc với Nguyễn nghiêu Tư hay không?”
Thằng Linh mê
ngủ bỗng thét lớn: ”Đồ tể! Đồ tể!” Và con lợn Bò giật mình cũng rống lên hồng
hộc.
Ta bịt tai
lại. Phải rồi! Đúng rồi! Ô nhiễm! Đúng nhà ta đang bị ô nhiễm như hôm nao Tám đã
tiên tri.
Ngày … tháng …
Nói theo
kiểu cô Sa-gan nước Pháp: ”Chào cái buồn”(Buồn ơi, chào mi). Còn nói theo kiểu của ta: ”Thôi, cút
đi, cái buồn” . Ư, ta cần gì cái buồn, ta cần cái vui cơ. Thì vui. Thì say sưa.
Một người bạn rủ ta đi uống rượu, nào ta đi uống cho say.
Bạn ta tổ
chức một tiệc rượu. Có hoa, có ảnh, có đàn, có hát, có bánh ga tô … có lòng
lợn, có tiết canh, có xôi, có thịt … có hoạ sĩ, có giáo sư, có nhà thơ, có nhạc
sĩ và nhiều người cầm bút. Đấy, cái
lương tâm thời đại. Đấy, cái gương mặt Hà Nội … Người bạn già vẽ phố đổ, mặt xiêu … Tiếng lảnh lót ngâm thơ về một dòng sông mộng mơ cổ kính Người ta luận đàm
về những phạm trù triết học, sử học …
Xin lỗi các
bạn. Tôi không nhớ gì cả, tôi không cần gì cả, lúc này, chỉ mỗi một điều tôi
thèm khát: cái vui. Và cả theo định nghĩa của tôi, người ta chỉ vui khi người
ta thật, nghĩa là ta lột vỏ, là ta nguyên hình, là ta bình đẳng, là ta …tuyệt đối.
Hãy tung hê hết mọi ước lệ, mọi quá khứ, mọi qui định, mọi trói buộc …để trở về
với cái thần ngây thơ và lung linh. Những phút hiếm.
Giấc mơ xác định
nhân dạng tôi: ”Anh là Người Lợn”. Hỡi ôi! Tôi đích thực là giống thô bỉ. Chối
sao được. Có người định nghĩa tôi: thằng hề. Có bạn bảo tôi: thằng khùng, thằng
say. Một nhà nhân đạo chủ nghĩa nhận xét tôi: thằng gàn … Tôi biết chọn tính từ
nào để mặt cho hợp cái dáng lom thom gày guộc, để đắp cho tròn cái típ người –
phổi lép kẹp. Tôi biết chọn thứ ngôn từ phấn son nào để xoa kín những nếp nhăn
nhó trên khuôn mặt quắt queo xám ngoét hằn in những dấu vết của số phận nguyền
rủa. Không! Tôi không thèm phấn son. Tôi thèm khát một loã thể, dù một loã thể
nhăn nheo. Trong những giấc mơ xưa, tôi bị chôn sống trong một đống ngôn từ óng
ánh sắc cầu vồng. May mà tôi thức dậy kịp. Bây giờ thì tôi dị ứng sắc cầu vồng.
Cám ơn các
bạn đã tặng tôi thứ tính từ xam xám. Tức là các người đã nhân đạo với tôi, đã
thể tất(bỏ qua) cho tôi. Cám ơn! Cám ơn!
Nhưng có lẽ
các bạn không hiểu, trong khoảnh khắc tiệc ấy, tôi đã nhìn thấu sự trần truồng;
không gian trần truồng và người trần truồng, tôi uống rượu. Tôi đã xem tướng và
ngây thơ muốn giao cảm với các bạn:
- Sao mọi khi anh thành thật, mà lúc
này anh dối trá?
- Cớ sao anh run rẩy và cổ kính?
- Đừng có lên mẽ ông tướng, dù là phò
mã. Hãy ngồi cho bằng tròn, ngang phẳng, và dốc chén cho cạn. Chén rượu sẽ làm
con người thực sự bình đẳng, anh em.
Tôi bảo:
- Ta là thế giới.
Bạn ta chỉnh
lại:
- Ta là dân tộc.
Tôi khăng khăng:
- Ta là bất đồng.
Tôi
muốn nói đến ”vết cắt”. Một lưỡi dao sắc ngọt xả đôi ta ra … Vết cắt tức
là giã từ, là siêu vượt, là lột xác, là trở về cái đích thực ta, cội nguồn ta.
Ôi! Giã từ thật khó khăn. Ai thét lên như người đau đẻ? Ai giơ dao lên đâm chém
tương tàn trong trái tim ta? Tôi say như muốn khóc lên trong cõi bơ vơ. ”Ta là
dân tộc”. “Không! Ta là thế giới”.
Giã từ sao
mà đứt ruột. Nhớ chứ! Yêu chứ! Tôi vẫn yêu con sông Đuống mộng mơ của anh, bởi
vì chính từ con sông nên thơ ấy, ta mới hành trình đến được ”vết cắt”. Tôi cũng
yêu cả những dãy phố nghiêng nghiêng cổ kính của anh, bởi vì nó là khởi đầu
”vết cắt” Tôi yêu cả cái dân tộc của anh, bởi vì chính chúng ta đã chập chững
tập đi, tập nhảy từ cái phạm trù thần thánh ấy. Nhưng ta không dừng lại ở những
bước đi, điệu nhảy; chúng ta còn muốn vươn lên khoảng không bao la, muốn vươn
khỏi cái hạn hẹp để hành trình đến cái đích thực nhân đạo.
- Tôi đếch cần mọi thứ linh thiêng.
- Thằng say nói bậy.
- Bậy nhưng mà vui.
Ta vui
trong nỗi lo âu run rẩy, bởi vì ta là nô lệ, ta là hèn hạ.
- Tôi đéo vào sự nô lệ.
- Tôi đếch cần cái buồn.
- Tôi đéo vào sự vô sỉ.
Bạn ơi! Tôi đang
kể cho bạn nghe về con lợn Chiến sĩ đó. Thật ngoắt ngoéo. Thật mập mờ.Nhưng mà
vui. Bởi vì trong cái mập mờ, ta đã nhìn thấy, qua tấm màn tuyn, một loã thể,
một trần truồng: đó là cái vui.
Tôi cứ mê man đi trong cái nửa thật,
nửa mơ như vậy. Cái bảng lảng theo chiếc xe đạp chếnh choáng của tôi diễu binh
trên phố vắng đêm Hà Nội. Đến tận mười hai giờ khuya, tôi mới lần được về đến trước
cửa nhà tôi.
Thằng Linh vẫn nằm đọc Trang Tử, nó
thò đầu ra khỏi màn và hỏi:
- Bố ăn cơm chưa?
- Tao mới chỉ uống rượu.
- Bố say rồi.
- Có để phần cái gì không? Có lẽ nhắm
ít ngũ cốc vào bụng là hết say.
- Hôm nay không có gạo bố ạ.
- Thì mì sợi.
- Mì hết.
- Thì sắn.
- Mẹ không có tiền mua.
- Thì tớ nhịn vậy.
Thằng con tôi chợt cười:
- Có món đặc biệt đấy bố ạ.
- Thứ gì?
- Hôm nay, con thử nấu cháo bằng cám
ngô.
- A! Ăn tranh của lợn.
- Cám ngô rắc ít tóp mỡ. Ngon tuyệt!
Thơm phức! Béo ngậy!
Thế là hành
trình của tôi đã đi từ một bữa tiệc đến một bữa cháo cám. Bát cháo cám chợt làm
tỉnh cơn say. Cuộc hành trình bắt đầu từ một cơn vui điên cuồng đi đến một lặng
lẽ tư lự. Chắc chắn tên gọi của nó là: Cái buồn. Tôi nhắc lại câu nói của Sa
gan: ”Chào cái buồn!” và nước mắt tôi ứa ra. Tôi uống rượu trong khi các con
tôi ăn cháo cám, tranh phần lợn. Có thể gọi đó là tội lỗi. Đừng có bẻm mép lý
thuyết thêm nữa; đừng tìm cách biện hộ. che giấu. Trong lúc này, không lo đủ
miếng ăn cho lũ con, đó là tội lỗi. Cớ sao anh phè phỡn. Anh dửng dưng chăng?
Anh còn lo hão những chuyện to tát đâu đâu chăng? Anh còn tự phỉnh nịnh ru ngủ
bằng cái nghèo đẹp đẽ, bằng những ngôn từ vĩ đại sáo rỗng đến buồn nôn chăng?
Anh là kẻ vô sỉ, thứ Người – Lợn. Tâm hồn tôi rưng rức khóc; và những giọt nước
mắt nóng hổi tràn rụa trong lòng khiến toàn thân tôi rung lên.
Ôi chao! Sao
ta bất lực.
Ngày … tháng …
Vẫn chiến
tranh lạnh. Suốt ngày tôi không nói với vợ con một câu. Suốt ngày tôi ngồi im
lặng trong chiếc ghế bành cà khổ ấy, và buồn rầu lạc vào cái vương quốc tưởng
tượng mà chỉ mình tôi biết, ở đó cả lũ quỉ và cả những ông thánh đều là những
vị khách thân quen.
Không hiểu
sao hôm nay tôi lại lạc về căn phòng hỏi cung trần trụi mà tôi đã nhiều lần
phải có mặt.
Tôi nhớ đó là
cuộc hỏi cung lần thứ hai mươi thì phải. Người cán bộ an ninh đeo kính trắng
hôm ấy có vẻ nóng nẩy sốt ruột, đó là một tâm lý mà người hỏi cung thường không
bao giờ để lộ ra trên nét mặt hay sắc điệu của giọng nói.
Anh ta nhìn tôi chằm chằm, không chớp mắt.
Tôi biết mình đang nằm trong một giai đoạn đấu tranh kịch liệt nhất, và anh ta
quyết định đánh gục tôi hôm nay. Anh mắt anh ta nóng bỏng áp đảo, còn ánh mắt
tôi cố giữ vẻ điềm tĩnh phớt đời. Anh mắt thôi miên ấy bỗng lóng lánh vẻ tinh
quái:
- Này, có phải anh tự cho rằng anh chỉ
là con người ưa trầm tư suy ngẫm chứ không phải con người muốn hành động?
Tôi đột nhiên
bị lúng túng, vì không hiểu ẩn ý của câu hỏi là gì? Phải chăng anh ta châm biếm
chế nhạo tôi? Phải chăng trong câu hỏi có gài một cái bẫy? Tôi nghĩ ngợi rồi
trả lời:
- Nói chung ai chả hành động …
- Không nói chung. Riêng anh thì sao?
- Tôi ư? Cũng thế thôi. Nhưng không
phải hành động chính trị.
- Này, thế cái ”Que faire” thì sao?
Tôi chợt nhìn
anh ta trừng trừng
- Anh nói gì?
- Que faire.
- A...a …
Tôi choáng
váng không tin ở tai mình nữa. Và hai tiếng ”Que faire” như một điệp
khúc bỗng vang vang trong trí não tôi. Thì ra họ biết cả chuyện ấy nữa ư? Một
cảm giác vừa tức giận, vừa sợ hãi, vừa buồn bã bỗng xâm chiếm toàn thể con
người tôi, chắc nó đã làm cho gương mặt tôi sạm lại. Anh ta tiến công tôi liên
tục không cho tôi kịp hồi tỉnh:
- Người ta đã khai hết cả rồi. Ngay cả
X người cầm đầu cũng khai lời nói của anh ra. Vậy mà anh, anh còn cố quanh co
che giấu cho họ làm gì? Sao anh dại vậy. Trong nhóm chống Đảng anh chỉ là một
quân tốt đen. Người ta thí tốt, vậy thì anh cần gì phải bảo vệ cho họ …
Tôi lặng lẽ
ngồi trước tờ giấy trắng. Và trong óc tôi thì dấy lên biết bao ý nghĩ …
Hôm đó, gia đình
tôi tiếp khách. Khách gồm có anh X, một cô bạn gái mà một thời tôi đã yêu, một
anh bạn trai viết văn vốn là bạn nối khố với tôi. Về phía gia đình có tôi và vợ
tôi.
- Anh nhớ lại đi, hôm ấy X mang đến
chai rượu Liên Xô, vợ anh rang lạc, còn cô bạn gái pha cà phê … có đúng không
nào? Tiếng nói của anh cán bộ an ninh gợi ý như muốn đưa cho tôi một cái cột
mốc để níu lại những bóng mờ dĩ vãng.
Tôi cần gì
một điểm bấu víu. Buổi hôm ấy tôi nhớ rành rành.
Que faire?
(Làm gì?)
Que faire?
(Làm gì?)
Đó là tên
cuốn sách của một nhà văn nổi tiếng Nga thế kỷ 19. Tôi không phải người sính
dùng tiếng nước ngoài nhưng bởi vì tôi chú ý đến câu nói đó, mà hai tiếng Que
faire lại gợi cho tôi một âm hưởng đặc biệt nên tôi cứ hay dùng hai chữ đó để
thay thế cho hai chữ làm gì. Thú thực, tôi đã cố gắng đọc cuốn tiểu thuyết đó
mấy lần, nhưng chịu không đọc nổi, đọc vào cứ bật ra, không nhớ nổi nội dung
câu chuyện. Có lẽ cuốn sách không hợp khẩu vị của tôi. Nhưng điều kỳ lạ, cái
tên cuốn sách lại hấp dẫn tôi ghê gớm. ”Làm gì? Làm gì?“. Tôi cứ hay thầm nhắc
trong óc câu hỏi ma quái đó. Lắm lúc trong những đêm trắng nằm bâng quơ buồn rã
rượi tôi lại cứ tự hỏi tôi ”Làm gì đây?
Làm gì?” Ô hay! Đời đang vui, đời đang lên, sao ta lại hỏi ”Làm gì?“. Số kiếp
tôi là số kiếp những kẻ mua dây buộc vào mình nên cứ hay lẩn thẩn như vậy. Khi
con người ta đứng trước dông tố, đứng trước một bước ngoặt, đứng trước cái sống
và cái chết, phải đối mặt giữa cái thiện và cái ác, thì câu hỏi ”làm gì”
là câu hỏi của lương tri. Lúc đó con người phải lựa chọn, phải tra vấn
lương tâm mình, phải ra quyết định cho thái độ của mình. Lúc đó, biết mà dửng
dưng, mà trốn chạy câu hỏi đó lại là một tội ác.
Tôi là thằng điên,
hay thằng gàn, hay một kẻ mộng du … vì thế chính cái hôm ấy, trong bữa ăn vui,
tôi dã hỏi mọi người:
- Que
faire?
- Sao?
- Làm gì?
Vợ tôi lẽ dĩ
nhiên im lặng vì không phải lĩnh vực của cô ấy. Người bạn nối khố của tôi thì
lặng lẽ buồn rầu. Anh X thì nắm tay tôi thông cảm:
- Hoàng nghĩ vậy là phải.
Còn người đàn
bà có một thời đã yêu tôi, thì lúc tôi tiễn cô ra về, đã nói:
- Hoàng ơi! Hoàng vẫn kỳ cục như xưa.
- Nghĩa là cô đã thất vọng vì tôi chăng.
- Sao lại thất vọng. Có lẽ càng thích
thêm thì có.
- Đừng có đùa.
- Mình nói thật. Thấy tiếc Hoàng rồi đó.
- Lúc nào cũng đùa dai.
- Tôi quay đi để tránh những kỷ niệm
cũ bỗng hiện về. Và người bạn gái thở dài bắt tay tôi từ biệt.
… …
Tiếng người
cán bộ an ninh khêu gợi cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi:
- Đấy, hành động bắt đầu từ buổi họp
mặt hôm ấy. ”Làm gì” đó là những câu hỏi để dẫn tới những kế hoạch, chương
trình, dẫn tới những giải pháp tổ chức. Hôm ấy X có nói: ”Không tổ chức! Ở Xã
hội chủ nghĩa tổ chức là chết“. Hắn ta làm động tác giả đấy. X là một con cáo
già, đã tù Tây ở Sơn La, đã tham gia hoạt động thời bí mật, hắn hiểu rõ hoạt động
chống đảng không thể bàn ở một cuộc họp như vậy, mà phải cực kỳ bí mật, khéo
léo...
Thực ra trước khi anh hỏi ”làm gì”, hắn đã có sẵn một tổ chức chống Đảng
rồi.
Tôi không
nghe thấy tiếng hắn nữa, dòng suy nghĩ của tôi làm chìm tiếng nói của người cán
bộ an ninh đi. Lúc này trong tôi là day dứt.
Chúng tôi năm
người hôm ấy. Vậy thì ai là người đã khai chuyện đó ra với an ninh? Anh X ư? Vô
lý, đó là người mà nhân cách của anh tôi vô cùng kính trọng. Anh bạn nối khố
của tôi ư? Hay là người bạn gái thân thương đã một thời dan díu cùng tôi? Vô
lý! Vô lý! Hay là vợ tôi? Máu ghen của ngưới đàn bà … Sự trả thù của người đàn
bà … Sự yếu đuối của người đàn bà … Kể cả có thời khi tôi đã sa cơ thất thế quá
chừng, khi tôi đã là kẻ khố rách áo ôm, khi tôi luôn bị rình rập đe doạ … thì …
thì tất cả đều có thể lắm chứ … Chính vợ tôi đã kể lại cho tôi nghe rằng một bà
phó giám đốc đã thương vợ tôi hồng nhan bạc mệnh, lấy phải thằng văn sĩ gàn mà
phản động, nên đã giới thiệu cho cô ta gặp gỡ một cậu thiếu tá công an … Cũng
chẳng hiểu cái duyên nợ nào đã trói buộc cô ta ở lại với tôi.
… … …
Trong chiếc
ghế bành tả tơi rách nát ấy, tôi liên tục rít thuốc lào để lạc về những hồi ức
tối đen, chúng từ những đáy thẳm lãng quên lồm cồm thức dậy, làm trĩu nặng
lương tâm, tạo ra những màn khói ngờ vực hận thù kéo mờ ý thức.
“Làm gì?”
“Làm gì?”
Câu hỏi khi
xưa lại trở về tra vấn tôi. Tôi chợt thở dài. Cũng may ở đời còn có câu hỏi đó.
Ngày … tháng …
Tôi vẫn đêm
ngày ngồi trên chiếc ghế bành cà khổ để suy ngẫm, để kết tội mình, để kết tội
người, để cho độc tố của sự căm giận thấm dần vào từng thớ thịt từng tế bào.
Phải chăng thứ nọc độc quái quỉ ấy đã tạo ra một khoái cảm nào chăng? Có thể là
như vậy, bởi vì có như thế thì tôi mới chịu đắm mình lâu như thế để tắm đẫm cái
thứ nước nhờ nhợ nhớp nhúa ấy, cái thứ nước có lẽ người ta vừa thấy thích vừa
thấy ghê ghê. Cơn xung nộ âm ỉ ấy làm những giác quan bên ngoài của tôi hầu như
bị tê liệt: lưỡi tôi đắng chát ăn chẳng biết ngon; tai tôi dửng dưng với mọi âm
thanh, mọi thứ tiếng lợn kêu, người nói lúc này chỉ là những âm sắc thấp cao
không ý nghĩa; mắt tôi chỉ thèm những bóng mờ; còn mũi tôi thì điếc đặc. Tôi
khoá kín tôi trong cái hình hài lom thom gày guộc để nó tự giãy dụa tuyệt vọng,
tự tìm ra lối thoát bằng những hồi ức, những liên tưởng, những độc thoại … Ừ!
Tại sao nhỉ? Tại sao tôi lại tập trung vào cái người đàn bà đã sống hơn hai
chục năm cùng tôi? Tại sao tôi lại trút nghi ngờ, và căm giận lên đầu cô ta. Vì
cô ta đã làm vỡ nốt cái ảo vọng cuối cùng của đời tôi chăng? Vì cô ta đã phá vỡ
nốt cái lô cốt cuối cùng, cái tế bào gia đình mà tôi đã cố công xây dựng làm ốc
đảo của đời mình chăng? Có thực là cô ta đã phản bội tôi không? Cô ta đã nói
nhịu, nói lỡ mồm: ”Không khéo rũ tù!”. Rồi cô ta lại bĩu môi, cái bĩu môi đầy
hàm nghĩa. Có người bảo rằng cái nói nhịu mới là những ý nghĩa thầm kín trung
thực nhất của con người mà bao giờ con người cũng cố giấu kín đi. Vậy chắc
chắn, trong thẳm sâu, cô ta muốn tôi đi tù. Chắc chắn, trong thẳm sâu, cô ta căm
thù tôi. Thế đấy! Sự thực cay đắng đến thế đấy. Nhưng, cũng có thể lý giải tình
cảm theo một cách khác. Có thể cô ta chỉ là một cái cớ để trút giận. Thực ra
tôi oán giận một cái gì đó to lớn hơn, bao trùm hơn, và tôi đã chuyển di nỗi
hờn giận ấy lên cô ta. Người đàn bà mềm yếu đáng thương của tôi chỉ là một cái
thùng để tôi nôn mửa những nọc độc ghê tởm chán chường của cuộc đời mình vào đó
chăng … Và nếu như vậy, đối với cô ta tôi đã bất công, và có tội …
Những ý nghĩ
giằng xé ấy cuối cùng đã dẫn tôi đến một liều thuốc ngủ. Cũng may, liều thuốc
ngủ tôi có trong tay chỉ đủ để tạo cho tôi một giấc ngủ dài suốt một đêm ngày.
Giấc ngủ
triền miên ấy là một liều thuốc an thần; cũng may loài người cơ cực còn có giấc
ngủ xoa dịu; nó đẩy lùi mọi đắng cay, chôn vùi mọi thất vọng vào tận thẳm cùng
những miền âm ti sọ não, nó tắm rửa sạch sẽ những bụi bặm của kiếp sống, khoác
cho tâm hồn ta một bộ áo tươi mát, đôn hậu, ban cho ta một tinh lực mới để khi
tỉnh dậy ta mới có đủ can đảm để sống tiếp.
Tôi đã may
mắn gặp được giấc ngủ đầy ơn phước và quên lãng ấy. Khi tôi tỉnh dậy thì lòng
tôi chỉ còn một chút bùi ngùi. Giá như tôi lại tiếp tục nhận được những kích thích
mới, có thể tôi sẽ điên rồ trở lại. Nhưng, vợ con tôi đều lặng lẽ và ân cần; có
thể họ đã bàn luận với nhau trong khi tôi ngủ, có thể họ còn chút thương tôi,
còn chút luyến tiếc với cái ốc đảo mà họ đã cùng tôi bao năm chắt chiu xây
dựng; và tôi chắc rằng trong tôi cũng còn chút lương tri, tôi cúi đầu xuống
tránh gặp ánh mắt ngơ ngác dò hỏi của vợ tôi Cầu xin cho màn sương lãng quên đôn
hậu hãy phủ xuống chúng tôi, đẻ xoá kín những vết rạn nứt của kiếp sống bọt
bèo; cầu xin cho sự bằng an đã bao năm ở cùng chúng tôi lại trở về trên ốc đảo,
xứ thiên đường ảo tưởng của chúng tôi …
Ngày … tháng …
Thường dễ đã
nửa tháng, hôm nay tôi mới lại ngó đầu vào chuồng lợn. Tôi giật mình; con lợn
Bò của tôi đang đứng sững im lặng trước chậu cám, vẻ tư lự. Tôi gọi:
- Linh ơi! Lợn làm sao? Hôm nay, con
lợn Bò không ăn.
Linh cười:
- Cậu ấy làm điệu đấy. Thùng tóp mỡ
vơi rồi. Hôm nay, cám ít tóp mỡ nên cu cậu biếng ăn
- Sao không cho thêm vào? Được đến đâu,
hay đến đó. Hết lại tính sau.
Linh rầu rầu:
- Bố không biết là nhà ta đã hết gạo,
hết tiền phải ăn cháo cám ư? Và cả cám ngô cũng sắp hết. Lợn biếng ăn là dĩ
nhiên. Mẹ con bảo: người trước tiên … sau đó mới đến lợn.
Tôi im lặng,
nhìn chú lợn Bò. Con Bò nghiêm trang nhìn tôi như muốn bảo:
- Các ngừơi đã ăn tranh tóp mỡ và cám
của ta.
Tôi bực bội
với con con lợn láo xược:
- Chính ngươi mới là kẻ ăn tranh phần
của chúng ta. Chúng ta phải làm quần quật để nuôi ngươi. Con ta hết cái ăn; còn
ngươi, mỗi ngày ta vẫn phải cung phụng cho hàng chục bạc.
- Khi ta mới về, ngươi săn sóc, chăm
chút ta, ta cứ tưởng ngươi là kẻ thông hiểu sự đời. Mi tưởng ta hèn hạ ư? Hãy
nhìn vào cơ bắp ở vai ta, ở lưng ta, ở mông ta … Hãy nhìn vào chiếc miệng bẹ
dừa to lớn của ta … Mi thấy chưa? Ta là quý tướng.
Rồi con lợn
bỗng cười to, và giọng nói trở nên hùng hồn, kỳ dị:
- Quý tướng! Ngươi biết không? Rồi …
ta sẽ là bão tố … là khủng khiếp … là tuyệt đối … là tất cả … Ngươi hãy chiêm
nghiệm lời ta … Rồi sẽ thấy. A, mà ta cần gì tranh cãi nhỉ … Bây giờ đây, ta đang
chỉ cần tăng nhanh sức vóc của ta … Rồi ta … tương lai … tương lai sẽ là của ta
… Tất cả sẽ là của ta …
Tôi ngây
người, có pha chút sợ hãi trước những lời tiên tri đầy bí ẩn và quỉ quái của
chú lợn lông hung vàng, mà trước đây tôi cứ tưởng là ngây ngô, chẳng biết gì.
Con lợn Bò
bỗng không thèm nhìn tôi nữa. Nó cúi xuống, và mặc dù trước mặt nó là máng cám đầy
bèo, nó cũng ăn ngon lành. Nó ăn với một tốc độ kinh hoàng. Tộp! Tộp! Tộp! … Nó
ăn như vỗ tay reo, không ngơi nghỉ. Tộp! Tộp! Tộp! … Tiếng ăn ròn rã tưởng như
súng nổ liên hồi. Tôi ngây người nhìn con lợn. Thật hay là ảo? Có phải, đúng là
con lợn đã nói với tôi lúc nãy? Một thoáng gai gai, rờn rợn, chạy dài suốt dọc
sống lưng tôi. Kìa! Cái máng ăn đã như chùi sạch nhẵn. Con lợn Bò ngước mắt
nhìn tôi bằng đôi mắt to mầu nghệ hay mầu trắng nhởn. Ma quái!
Ngày …tháng …
Ít lâu nay,
Tám liên tục viết cuốn Bách Khoa Lợn. Nhà giáo hí hửng trao cho tôi một đoạn
bản thảo. Anh nói:
- Đoạn này, tôi nghiên cứu chồng chéo
sang cả lĩnh vực ngôn ngữ học. Có lẽ … thú vị chăng?
- Nhà sinh vật cả gan thật! Dám đặt
chân sang cả mảnh đất ngôn ngữ. Không sợ cấm địa sao?
Tám rụt rè:
- Thì cũng thử một chút xem sao.
Tôi đeo kính,
trang trọng cúi đọc.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét