Đối với người Triều Tiên, ảnh hay tượng các nhà lãnh đạo thiêng liêng đến mức họ sẵn sàng hy sinh tính mạng chính mình hay người thân để bảo vệ.
Năm 2007, một trận lụt nặng đã khiến nhà cửa ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp Triều Tiên bị nhấn chìm trong nước. Trước khi cố gắng chạy ra khỏi ngôi nhà đang bị nước lũ tấn công, anh Kang Hyong Kwon, công nhân làm việc tại Ich’on chỉ kịp mang theo hai điều quý giá nhất của cuộc đời mình: cô con gái 5 tuổi và những bức ảnh của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.
Dòng nước lũ quá mạnh đã khiến cô bé 5 tuổi tuột khỏi tay bố và bị nước cuốn trôi. Song ngay cả trong tình thế cấp bách này, anh Kang vẫn ôm khư khư những bức ảnh, nhất quyết không để chúng bị nước lũ làm hại.
Một tháng sau đó, người công nhân họ Kang được tất thảy báo chí Triều Tiên tung hô về sự trung thành tuyệt đối với lãnh đạo. Nhiều người thậm chí còn gọi anh là anh hùng.
Đầu tháng 5 vừa qua, nữ cảnh sát Ri Kyong Sim, 22 tuổi được Quốc hội Triều Tiên phong anh hùng vì đã liều mình dập ngọn lửa bùng phát gần một bức áp phích tuyên truyền có ảnh lãnh đạo Kim Jong Un.
Nữ cảnh sát giao thông Ri Kyong Sim được phong anh hùng vì dập tắt một đám cháy gần tấm áp phích có hình ông Kim Jong Un.
Đối với những người dân Triều Tiên, việc có được ảnh của cố lãnh đạo thực sự là một vinh dự lớn. Trước đây, chỉ những nơi trang nghiêm như văn phòng chính phủ, các đơn vị quân đội và trường học mới được phép treo ảnh của ông Kim Nhật Thành. Mãi tới khoảng năm 1972, những người dân nước này mới được cho phép treo ảnh của ông Kim Nhật Thành và Kim Jong Il trong nhà - nhưng phải theo quy tắc.
Ngày nay, mỗi gia đình Triều Tiên được cho là sẽ phải treo 3 bức ảnh ở vị trí trang nghiêm trong phòng khách. Ngoài hai bức chân dung của ông Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, là một bức ảnh được lựa chọn theo địa vị của những người trong gia đình.
Đối với các gia đình dân thường, bức ảnh thứ ba này sẽ là ảnh cả hai nhà lãnh đạo quá cố đang bàn luận về việc nước. Còn các gia đình có chút địa vị hoặc cán bộ cao cấp sẽ được treo ảnh của bà Kim Jong Suk, thân mẫu ông Kim Jong Il.
Michael Bristow, một phóng viên của BBC đã rất ngạc nhiên khi ngỏ lời xin chụp ảnh cô hướng dẫn viên du lịch đứng trước bức chân dung nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il được treo tại cổng vào một hội chợ hoa ở Bình Nhưỡng: “Cô ấy đã nhắc nhở rằng khi chụp ảnh, tôi phải cẩn thận và phải chụp lấy cả người hai nhà lãnh đạo trong khuôn hình. Cô ấy nói “Đó là lãnh tụ của chúng tôi và chúng tôi kính trọng họ từ tận sâu trong tim. Chúng tôi không cho phép ai đó cắt ngang hình của họ””.
Người Triều Tiên tôn thờ tượng hay ảnh của các nhà lãnh đạo như chính người thật. Việc cố tình xâm hại - dù là nhỏ nhất - hay phá hủy chúng được quy kết là tội phạm chính trị nghiêm trọng.
Ảnh chân dung tiêu chuẩn với kích cỡ lớn của ông Kim Nhật Thành luôn được treo ở cửa chính của các văn phòng, trường học, cơ quan quân đội và các sự kiện văn hóa, chính trị của đất nước.
Bức tượng đồng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong Il (phải) tại Trung tâm nghệ thuật Mansudae (Bình Nhưỡng).
Người ta cho rằng có những hầm trú ẩn đặc biệt bên dưới lòng đất dành riêng cho việc bảo quản, cất giữ những bức tượng này, đề phòng các trường hợp khẩn cấp hoặc chiến tranh bùng nổ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét