Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Mỗi lít xăng gánh hơn 10.000 đồng tiền thuế - đừng vắt kiệt sức dân!!!




BLA: Hai bài báo dưới đây đăng cùng trong ngày hôm nay. Trong một đất nước nói chung, nguồn thu duy nhất cho ngân sách là từ tiền thuế do người dân và doanh nghiệp đóng. Hoặc phải đi vay (rồi phải trả nợ + lãi). Các cơ quan hành chính của Đảng và Nhà nước, quân đội, công an ... - không làm ra được một xu nào (vì không có chức năng kinh doanh). Vậy nên xin đừng tận thu, vắt kiệt sức dân. Cần khoan sức dân để duy trì và ổn định nguồn thu, ổn định nền kinh tế, cũng là cho người dân được có cái ăn, cái mặc, có chút của để dành khi trái gió, trở trời, cho con đi học. Chẳng lẽ tình hình đã khó đến mức phải thế?

Thuế xăng tăng gấp ba, ngân sách thu thêm bao nhiêu tỉ?


Tối qua 5-5-2015, giá xăng trong nước tăng 1.950 đồng/lít. Trước đó, từ 1-5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng cũng tăng gấp 3 lần, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít.

Những diễn biến nói trên trái ngược hẳn với lời hứa của Bộ trưởng Tài chính trước đó khi trình bày về lý do tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên gấp 3 lần. Điều này cũng khiến nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao thuế bảo vệ môi trường lại đột ngột tăng quá cao như vậy và tiền thuế này được dùng để làm gì?

Thuế bảo vệ môi trường là một trong các thành phần thuế cấu thành giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu. Theo quy định, loại thuế này sẽ được tính vào giá bán ra của sản phẩm. Việc tăng thuế môi trường lên 300% khiến người tiêu dùng phải gánh thêm chi phí, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao.

Theo Luật thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu là một trong 8 nhóm hàng hoá sau thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường bởi đây là nhóm hàng hóa lớn mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng. Người nộp loại thuế loại là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế. Đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra. Luật quy định khung thuế môi trường với mặt hàng xăng là từ 1.000-4.000 đồng/lít, dầu diesel 500 – 2.000 đồng/lít, dầu hỏa 300-2.000 đồng/lít,…

Theo đề xuất của Bộ Tài chính được Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 10-3 và có hiệu lực từ 1-5, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay sẽ điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đ/lít; mặt hàng dầu diesel tăng từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít,…(Tương đương 300%). Ngân sách nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỉ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết do Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình (Thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35% xuống 20%). Điều này khiến nguồn thu ngân sách nhà nước giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia khoảng 6.000 đồng/lít, do đó xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường lên gấp ba lần.

Theo lí giải của Bộ Tài chính, mục đích của thuế bảo vệ môi trường là điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm... Khi áp thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu, cùng với chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp, nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ trong nước.

Trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu hiện hành, mỗi lít xăng cõng thêm rất nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,…chưa kể các loại phí khác. Khi thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng thì tổng các loại thuế mà mỗi người dân phải chịu khi mua một lít xăng khoảng 7.888 đồng/lít. Tuy nhiên khi thuế môi trường tăng lên 3.000 đồng/lít, tổng mức thuế, phí người tiêu dùng sẽ phải chịu hơn 10.000 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc Bộ Tài chính lý giải tăng thuế bảo vệ môi trường từ mức 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng lít để bù đắp một phần giảm thu ngân sách do phải thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế xuất nhập khẩu là không phù hợp. Bởi thuế môi trường và thuế nhập khẩu là tách bạch nhau, không thể lấy một loại thuế này để bù đắp cho một loại thuế khác.

Về nguyên tắc thuế môi trường được dùng để khắc phục các hậu quả về ô nhiễm môi trường do xăng dầu gây ra. Nay tăng lên gấp ba lần so với mức cũ thì lẽ ra phải được dùng để tăng chi cho bảo vệ môi trường chứ không phải là để bù đắp cho thuế nhập khẩu giảm.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng phải sử dụng đúng mục đích là bảo vệ môi trường. Số tiền thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường hằng năm là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, Tổng cục Môi trường cũng không biết được. Việc thu, chi các loại thuế, phí bảo vệ môi trường là việc của Bộ Tài chính. Hằng năm, Bộ Tài chính lập dự toán, sau đó Quốc hội phê duyệt. Chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường ở nước ta hằng năm không quá 1% tổng chi ngân sách quốc gia, phân bổ cho trung ương và địa phương.

---------------------


Người Việt gánh thuế phí cao nhất ASEAN: Đi ngược mong muốn!
Bích Ngọc/ báo Đất Việt

Thuế phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải chỉ vắt kiệt khả năng đóng góp của doanh nghiệp và người dân. 

PV: - Nhìn từ góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn được coi là xương sống của nền kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, lại thua thiệt đủ đường so với khối FDI và DNNN, việc tăng thuế, phí hàng loạt sẽ tác động tới sức tồn tại của các doanh nghiệp này như thế nào? Có đúng không khi xương sống của nền kinh tế lại là khu vực thua thiệt nhất dẫn đến triệt tiêu sức tồn tại?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Mặc dù năm 2014 được xem là năm có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn kỷ lục, tăng thêm hơn 10% so với năm trước, lên tới 67.000 doanh nghiệp. Kể cả bước sang quý I/2015 số doanh nghiệp chết vẫn tăng hơn 10%.

Như vậy rõ ràng về phía doanh nghiệp những khó khăn chưa hề được giải tỏa. Năm nay có một số điều thấy đáng lo ngại đó là cơ quan quản lý muốn đánh thuế với các hộ kinh doanh gia đình giống như với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy một mặt tăng thêm gánh nặng thuế cho người dân, mặt khác sẽ tăng thêm chi phí của nhà nước để phục vụ đội ngũ đi thu phí, thuế.

Chúng ta vừa giảm từ 872 giờ xuống còn 171 giờ nộp thuế chắc chắn phải cắt giảm được biết bao công chức trong ngành thuế. Nhưng tôi ngờ rằng giảm được giờ nộp thuế cho doanh nghiệp lại tính chuyện đi thu thuế của các hộ gia đình – tức là họ vẫn muốn nuôi bộ máy thuế khổng lồ hiện nay.

Nhưng theo cách đó thì tất cả những cải cách hành chính thất bại. Một trong những nguyên nhân lâu nay chậm trễ và không đạt được kết quả bao nhiêu cũng là vì cả bộ máy khổng lồ vẫn muốn duy trì cả và không ai muốn giảm biên chế.

Khi đó nền kinh tế sẽ không có được đà phục hồi một cách vững chắc. Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp bao giờ cũng là lực lượng làm ra nhiều nhất của cải cho xã hội và tạo ra tăng trưởng. Thế nhưng doanh nghiệp cứ tiếp tục chết như vậy thì lấy đâu ra tăng trưởng?.

FDI cũng đóng góp có giới hạn, tỉ lệ đóng góp vào GDP cũng chỉ hơn 20%. Doanh nghiệp nhà nước thì đang trong quá trình tái cơ cấu nên cũng không thể đòi hỏi họ có tăng trưởng mạnh vì chúng ta đang đòi hỏi họ rút bớt việc đã đầu tư ngoài ngành… thì cũng không tạo được tăng trưởng như trước.

Trong khi đó khu vực tư nhân vẫn chết rất nhiều vậy thì tăng trưởng từ đâu? Thực tế vẫn gây ra những lo ngại kinh tế chưa phục hồi.

Trong khi doanh nghiệp gặp khó thì đội ngũ công chức vẫn đang quá đông và số tiền phải nuôi bộ máy cũng là gánh nặng

PV: - Khi thước đo sức khỏe của nền kinh tế là doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại ốm yếu vì muôn vàn khó khăn. Giá dầu giảm được xem là cơ hội để phục hồi ‘sức khỏe’ nay lại bị đè bởi thuế, phí khiến cho doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội đổi mới, nâng cấp đầu tư. Cùng với đó là khả năng tạo ra việc làm không còn. Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra nền kinh tế sẽ ngày càng teo tóp nếu không có đà phục hồi. Quan điểm của bà như thế nào? Cái vòng luẩn quẩn này cần phải được tháo gỡ từ đâu và như thế nào?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Phải cải thiện môi trường kinh doanh như tiêu đề mà Ủy ban kinh tế của Quốc hội vừa đưa ra đó là: "Cải thiện môi trường kinh doanh: biến lời nói thành hành động”. Tôi nghĩ điều này rất đúng.

Cải thiện môi trường kinh doanh nếu thể hiện qua bằng số nghị quyết, các Luật được thông qua, văn bản chỉ đạo....thì cũng nhiều rồi. Nhưng trên thực tế môi trường kinh doanh vẫn đầy rẫy khó khăn, chưa cải thiện được bao nhiêu.

Nếu lấy chỉ số rõ ràng nhất là con số mấy nghìn doanh nghiệp chết như vậy thì chứng tỏ môi trường kinh doanh cũng còn rất nhiều vấn đề đang tồn tại. Do đó tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh thì rất đúng nhưng quan trọng là cam kết của tất cả các cấp triển khai, thực hiện.

Vẫn có những mong muốn làm công trình to mà chưa thực sự cần thiết. Những mong muốn của các cơ quan vẫn quá nhiều đến mức ông Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thốt lên choáng váng khi yêu cầu của một bộ đã bằng tổng ngân sách cho đầu tư.

Tình trạng đó là rất vô lý. Thành ra trong điều kiện khó khăn ngay bản thân nhà nước phải thắt lưng buộc bụng chứ không phải chỉ có người dân và doanh nghiệp.

Tôi cho rằng nếu không cải thiện tình hình này, các thuế phí tính thu theo kiểu vắt kiệt thì nền kinh tế sẽ kiệt sức.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét