Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

KINH BANG TẾ THẾ !!!




Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống 151222
"Vùng Oanh Kích Tự Do"


Đầu Năm Bói Quẻ Mai Hoa

 * Janet Yellen thả ông thần *


Trong tiệc rượu cuối năm, khi quần hào đang luận về chuyện năm tới thì khách có người hỏi kẻ viết một việc lảng nhách là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ lần đầu tiên nâng lãi suất khỏi sàn kể từ cuối Tháng Chạp năm 2008.

Lảng nhách vì quần hào và thực khách chẳng ai chơi stock hay đầu tư vào thị trường trái phiếu và bàn tiệc nhìn vào hồ sơ kinh tế thấy tối mò mò như… Kinh Dịch! Thấy khách khẩn thiết và không say, người viết tin là khách hỏi thật.

Bèn hát đồng dao, bài Thả Đỉa Ba Ba của con nít. Lời rằng:

Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu,
Đổ niêu nước chè,
Đổ phải nhà nào
Nhà đó phải chịu!

Thấy cử tọa lặng thinh nhìn nhau ái ngại cho tâm thần của người viết, mình biết là đã lôi kéo được sự chú ý của bàn tiệc.

Năm 2008 đó, Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh manh nha từ đầu năm, tới Tháng Chín thì tổ hợp Lehman Brothers và các đại gia khác đổ ụp giữa trận suy trầm kinh tế khởi sự từ Tháng 12 năm 2007. Sau đó, hai đời Tổng thống (George W. Bush và Barack Obama) cùng hai đời Thống đốc Ngân hàng Trung ương (Ben Bernanke và Janet Yellen) ráo riết bơm tiền để kích thích kinh tế. Người ta hạ lãi suất tới sàn (từ 0 tới 0,25%) rồi mua vào trái phiếu và trả bằng tiền… điện, tới mấy ngàn tỷ đô la, gọi là “quantitative easing”.

Nhờ vậy, kinh tế Hoa Kỳ có thể đã tránh được một vụ Tổng khủng hoảng ai cũng nhắc tới, như thời 1929-1933, với nỗi sợ hãi. Loạt biện pháp cực kỳ bất thường ấy - chưa từng thấy kể từ khi Ngân hàng Trung ương Anh quốc bắt đầu lập thống kê về lãi suất vào năm 1694 - mở ra một kỷ nguyên mới về kinh tế học. Mới và lạ, nhưng chửa chắc là đã hay!

Thấy người viết như đứng trên bục giảng bài, khách bắt đầu ngao ngán. Chắc là chàng say! Mà, nhà bác này, chuyện ấy liên hệ gì đến “thả đỉa ba ba”?

Vì trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, khác hẳn ngày xưa, thì gạo tiền như nước của Mỹ cứ đổ mắm đổ muối vào nhà thiên hạ. Tiền nhiều và rẻ như nước đã chan hòa thị trường làm tổng số nợ trên toàn cầu tăng 30% so với cái đỉnh đã quá cao của năm 2008. Các nước đang phát triển mắc nợ nhiều nhất. Và nay lãi suất tại Mỹ lại tăng thì đấy là cái nạn “đổ phải nhà nào, nhà đó phải chịu!”

Các quốc gia mắc nợ thầm mong lãi suất tại Mỹ chỉ tăng chầm chậm trong vài năm tới, để sợi dây thòng lọng đừng xiết vào quá lẹ. Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng dự trù là chỉ tăng 100 điểm căn bản (1%) trong vòng năm tới và dự đoán rằng từ nay đến 2019, kinh tế Hoa Kỳ sẽ không bị suy trầm. Người viết này không mấy tin như vậy. Và nếu quẻ “Dịch” ấy đúng - tức là kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nữa - thì sao? Thì lãi suất vừa nhích tới 0,50% sẽ lại bị cắt để kích thích kinh tế.

Nghĩa là trở lại số không nữa! Và đom đóm sẽ lại bay qua, thầy tưởng là ma thầy ù thầy chạy….

Khách ngồi bên có vẻ bất cần tới dự đoán ngược ấy mà lấy tay chấm chấm quanh bàn tiệc như con trẻ hát khúc đồng dao. Rồi la lớn như một phát giác: “Hèn gì thiên hạ ghét Mỹ!”

Đệ nhất siêu cường này có đệ nhất ngoại tệ là đồng Mỹ kim. Khi hữu sự thì Hoa Kỳ bơm tiền ào ạt để giải quyết bài toán của mình và nhà nào ham rẻ mà cứ đi vay như thổi bong bóng thì ráng mà chịu. Bấy giờ bàn tiệc mới thấm thía bài đồng dao kinh tế!

Nhưng mà ghét Mỹ cũng thừa… và cách ngôn ở đây là cũng nên chừa cái tật lừa Mỹ!


***


Bị quần hào làm rộn về chuyện kinh tế, người viết bèn đáp lễ bằng chuyện kinh bang tế thế.

Đấy mới là nội dung quẻ bói đầu năm.

Trước khi có Marx và đám cải mả ở Ba Đình nói phét về “kinh tế chính trị học Mác-Lenin”, ông tổ về kinh tế thị trường là Adan Smith đã dùng chữ “kinh tế chính trị” như hai mặt của một đồng tiền. Kinh tế cũng là chính trị, và quốc gia là nơi mà cả hai khái niệm đều vận hành.

Dù sau, và nhờ đi sau, ta sáng hơn người đi trước. Chữ “kinh tế” như chúng ta hiểu ngày nay là cách viết tắt về thuật “kinh bang tế thế”. Khởi đầu là bang, là quốc, là nước, nhưng tột cùng của mở rộng là thế, là đời. Và đối tượng luân lý của kinh tế nằm ở chữ “tế”, viết với bộ “thủy”, có nghĩa là vượt sông, là cứu người! “Ra tay tế độ cứu người trầm luân” cũng là kinh tế vậy….

Khách có người lại xoa cái đầu láng bóng và hỏi vặn: “Chẳng hóa nhà bác lại ưa chuộng văn hóa Trung Hoa đến vậy sao?” - Thưa rằng khổng khồng không!

Tới cuối thế kỷ 19, các nước Tây phương mới dại dột tách riêng kinh tế học khỏi chính trị học, như một bộ môn độc lập, trong khi Minh Trị Thiên Hoàng của nước Nhật lại yêu cầu học sĩ trong triều tìm ra một từ để phiên dịch với nội dung bao trùm lên cả hai, là kiến quốc và cứu đời. Chữ “kinh bang tế thế” ấy là sản phẩm Phù Tang, Made in Japan, chứ không phải của Chệt Luộc.

Chỉ vì từ Adam Smith đến tư tưởng canh tân của Nhật, người ta không hề tách rời thị trường khỏi quốc gia.

Thị trường là nơi vận hành của quy luật lời lỗ mà ta gọi là kinh doanh, và nếu quốc gia mà quên lý tưởng tế thế thì nhà nước, chính quyền, sẽ tác động vào thị trường để trục lợi cho tay chân. Đấy là “kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước”, đầu nguồn của hiện tượng “tư bản thân tộc”, crony capitalism, có thể thấy chạy dọc từ Bắc Kinh đến Hà Nội và chan hòa trong thành phố mang tên Bác - như một xác nhận khá tục tĩu! Từ đó mới có nạn bất công xã hội là một thiểu số ở trên lại có chức có quyền và có tiền hơn hẳn quần chúng nhân dân lao động nhếch nhác ở dưới….

Bấy giờ khách vỡ lẽ, bèn vén môi cười tồ tồ: “Quan bác mới đểu làm sao!”

Nhà tớ có đểu thì cũng chưa bằng đảng ta, là nơi bọn sai nha bồi bút trong ban Tuyên huấn Trung ương vẽ ra những nghị quyết hươu vượn để biện minh cho việc cướp đất và bán nước - hầu “tiến lên xã hội chủ nghĩa”.

Trên bàn tiệc, có người im lìm chẳng nói một câu, khi ấy mới bật hỏi: “Không nói về kinh tế mà luận về Kinh Dịch thì nhà thầy thấy gì trong năm Thân này?”

Bèn bói!


***


Nhìn đồng hồ và tung gói tăm đếm quẻ Mai Hoa, đây là những gì có thể xảy ra từ năm Thân:

Nước Mỹ lấy của đi thay người, sẽ còn là siêu cường số một, và duy nhất, suốt vài chục năm tới, trong niềm thất vọng của Obama. Trung Hoa vằng vặc thì ngáp ngáp và tăng cường độc tài cho tới khi rã nát. Đối diện, Nhật Bản lại lên ngôi cường quốc lãnh đạo Đông Á về cả kinh tế lẫn quân sự. Ở giữa, Âu Châu thu gọn mục tiêu và lý tưởng, với sự lụn bại của nước Đức và nhường vị trí lãnh đạo cho Ba Lan cùng các nước Đông Âu cũ, trước sự phân hóa của Liên Bang Nga thành nhiều mảnh….

Thế còn khủng bố ISIS?

Cứ như quẻ này thì ISIL sẽ còn bành trướng, nhưng càng mở càng mỏng cho tới khi bị Thổ Nhĩ Kỳ chọc thủng. Xứ Thổ, chứ không phải Iran của dân Ba Tư, sẽ lấn vào thế giới Á Rập và tìm lại vị trí xa xưa của Đế quốc Ottoman!

Nước Việt tôi đâu?” Có ai đó thất thanh. Ngườì viết bèn nhìn lại quẻ Mai Hoa Dịch Số và nâng ly: “Sẽ ra khỏi cái nghiệp quận huyện của Trung Quốc!”

Con Bé Con ngồi bên mới, lần đầu tiên trong đời, tự rót cho mình một ly Cognac….

Happy Near You.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

88 NGUYÊN NHÂN SÂU THẲM !!!



. Đinh Tấn Lực
Bạn nghĩ rằng bạn đã từng nghe qua, và biết chắc danh ngôn nào là thuộc về ai? Nào, mời bạn tham gia cuộc vui, vừa đoán tên vừa bổ sung. Và chúc bạn thật nhiều may mắn” ĐTL
  1. Xe cháy vì lửa
  2. Nhà cháy bởi lửa
  3. Thành phố úng ngập là tại nước
  4. Đường xá hư ngửi xong biết ngay là tại nắng (và mưa)
  5. Trẻ con chích ngừa bị chết là tại thuốc
  6. Nghi phạm chết là bởi rửa bát bẩn
  7. Côn đồ ra tay hành hung là vì các luật sư lái ô-tô tung bụi bẩn
  8. Tỉnh ủy kênh kiệu bỏ lệnh phạt là do lòng trắc ẩn dễ tha thứ
  9. Học trò đọc sách ngược trước truyền hình là bởi sách dán “lộn cái bìa”
  10. Thầy giáo hãm hiếp trò gái lớp ba là tại ma ám
  11. Lô vũ khí khủng tới Tân Sơn Nhứt do bởi nhầm địa chỉ
  12. Cán bộ tham ô & chiếm đoạt 26,5 tỷ đồng là bởi thua cá độ
  13. Phi công VNA bị Nhật tạm giữ chỉ vì mua hàng hiệu mà quên trả tiền
  14. Học trò ăn mì tôm là bởi ngán thịt
  15. Đờn ca Tài tử Bạc Liêu tiêu phí tiền tỷ là do thiếu kinh nghiệm
  16. Số 8B Lê Trực cao dư 5 tầng là bởi có người ký cấp phép
  17. Phó giám đốc mới 30 tuổi là nhờ việc bổ nhiệm đúng quy trình
  18. Việt kiều biểu tình chống chủ tịch nước thăm Mỹ là cản con đường hội nhập của VN
  19. Vấn đề an toàn thực phẩm gây “chết từ từ” người VN không phải do quản lý tròng chéo
  20. Không thể nào, bởi vì không lăn ra chết thì làm sao áp dụng luật mà xử lý
  21. Hoa hậu đeo dải băng “Viet Nem” không phải kém văn hóa, bởi đó là lỗi ngoại giao
  22. Cần phải dẹp, bởi bán dâm là một nghề phi pháp, còn mua dâm thì không
  23. Hà Nội đang ra phần mềm quản lý mại dâm, bởi vì (phần cứng) lo không xuể
  24. Hà Nội bầu chủ tịch rất nhanh, vì không có ứng viên thứ hai
  25. Không để thí sinh bỏ thi vì lý do khách quan
  26. Sinh viên không nên lo ra trường làm trái nghề, bởi chắc chắn sẽ “có chỗ đứng”
  27. Nên đi bán vé số, vì đó là nghề có thu nhập cao
  28. Cần bắn pháo hoa thường xuyên, bởi sẽ giúp người nghèo quên nghèo
  29. Đừng lên án bọn cướp lộc, vì đó là truyền thống cướp có văn hóa
  30. Đi thăm Hàn Quốc trước khi về hưu là bởi cần quán triệt môn “xổ số học”.
  31. Đưa bé qua Sing chủng ngừa là vì hội chứng Quinvaxem
  32. Tôi rất vui mừng vì được trở lại thăm nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới
  33. Du lịch VN thua Lào & Cambodge là do bởi khác biệt về tư duy quản trị
  34. Phản đối dự luật biểu tình là bởi có tư cách nhà “biểu tình học” duy nhất của VN
  35. Tôi để cho nhiệm kỳ sau trả lời, tại vì hết thời gian rồi, biết sao giờ
  36. Chớ lo xa, bởi giáo viên sẽ dư sức sống bằng lương, kể từ 2010
  37. Chuyện cấp sổ đỏ hơi bị chậm chỉ vì nó vướng chỗ này chỗ khác
  38. Bởi vì không chỉ ra được thì đừng bảo ai vào nhà nước cũng phải “chạy”
  39. Nguyên chủ tịch Hà Nội phải đi Lexus (3000 trâu ) vì xe Camry bị người khác sử dụng
  40. Cấp thứ trưởng phải đi xe xịn, bởi đi xe ôm trông không được đẹp
  41. Hãy tin tưởng, bởi vì nhiều anh em đã dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón
  42. Không phải lỗi tự thân, vì xưa giờ bộ GD không viết mà chỉ tổ chức viết SGK
  43. Có cử nhân mà đi làm công nhân thì đã sao, bởi làm công thì cũng là việc làm vậy
  44. Những kẻ sở hữu nhiều biệt thự hoành tráng là nhờ làm thối cả móng tay
  45. Không thăng hàm tướng rất khó, vì anh em rất tâm tư
  46. Luật sư ta rất giàu, bởi thực chất luật sư ở VN chỉ bào chữa cho những người có tiền
  47. Xin sụt tuổi là đáng yêu, bởi ngày xưa khai tăng tuổi là yêu nước, để được vào bộ đội
  48. Thủ đô nhếch nhác sau lũ lụt là bởi bây giờ người dân ỷ lại nhà nước lắm
  49. Phải nghĩ cách, bởi vì tham nhũng như ngứa ghẻ, rất khó chịu
  50. Khó phát hiện lắm, bởi vì tham nhũng càng ngày càng tinh vi
  51. Không dễ đâu, tại vì bất cứ cuộc thanh tra hay vụ giải quyết án nào cũng có “chạy”
  52. Tham nhũng là tự nhiên, bởi không muốn tham nhũng cũng động lòng tham
  53. Xử lý người nghỉ hưu dễ hơn, bởi người đương chức họ “chạy” dữ lắm
  54. Cẩn thận, bởi kỷ luật không khéo sẽ sinh ra thù hằn, ân oán, bè phái, rối nội bộ
  55. Không cần bắn, bởi chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi là đủ… xấu hổ
  56. Miễn án tử, bởi vì giao nộp lại ¾ đã là một hy sinh & thiện chí hợp tác phá án lớn lắm
  57. Không nói được, bởi lãnh đạo địa phương dặn rất kỹ là đừng đụng tới tham nhũng
  58. Không được lãng phí, bởi vì điều đó xúc phạm đến lòng tin của dân
  59. Bởi vì QH tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai
  60. Cần biết cân đối, vì chúng ta phải coi tiền của dân như tiền của mình
  61. Lạm phát ta không cao, bởi rau muống của ta rẻ hơn Thượng Hải
  62. Kinh tế khó khăn là do bởi giá dầu xuống
  63. Kinh tế bị kềm hãm là bởi không khắc phục được tham nhũng & lợi ích nhóm
  64. Ta khác, bởi vì dân chủ ta bản chất cao hơn gấp vạn lần dân chủ tư bản
  65. Không phải hỏi dân, bởi vì chặt cây là nhiệm vụ quản lý của chính quyền
  66. Trận đánh này có thể viết thành sách, bởi tôi nghĩ nó rất hay
  67. Ta cần bảo vệ Tổ quốc VN vì phải bảo vệ cái sổ hưu
  68. Đây là mô hình hiếm có, bởi bỏ phiếu tín nhiệm hết cả lãnh đạo thì trên thế giới chưa có
  69. Đất nước chưa giàu mạnh là bởi ta hát quốc ca không rưng rưng
  70. Dân giàu là nhờ có vàng, nhưng đất nước chưa mạnh là vì chưa giữ vàng giùm dân
  71. Không nên, bởi thu hồi xe công mua vượt giá thì bãi sông Hồng cũng không chứa hết
  72. Xin thông cảm nếu ATM hết tiền vì lý do khách quan
  73. Ngân sách cạn kiệt tại vì nhà nước hết tiền
  74. Ta mắc nợ là tại đi vay
  75. Chứng khoán VN tuột dốc chưa từng thấy là bởi TQ
  76. Mọi chính sách thất bại là bởi lỗi hệ thống
  77. Chỉ nhận trách nhiệm chính trị thôi, bởi tôi chưa ra quyết định nào sai
  78. Cỗ xe xuống vực chỉ vì người lái không biết lùi, và xe bị hỏng phanh
  79. Mọi lỗi lầm của lãnh đạo là do thằng đánh máy
  80. Không từ chức là bởi sứ mệnh được đảng giao phó
  81. Không thể, bởi cách chức hết thì bầu không kịp, lấy ai làm việc
  82. Ủng hộ Nga, vì mỗi chiến thắng của Nga đều như là chiến thắng của chúng tôi
  83. TQ cắt cáp tàu Bình Minh 2 & Viking 2 chỉ vì “yêu cho đòn cho vọt”
  84. Khoan ra luật biểu tình, bởi vì VN chưa đủ tiền đài thọ cho một sự ô danh
  85. Phải giữ, bởi bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát
  86. Không lo, bởi đời ta không đòi được thì con cháu ta đòi
  87. Ngư dân phải bám biển, vì đó là hành động bảo vệ chủ quyền quốc gia
  88. Ngư dân bị bắn chết trên ngư trường truyền thống là do xâm phạm lãnh hải nước bạn !
02/12/2015 – Ngày Quốc Tế Phế Trừ Chế Độ Nô Lệ
Blogger Đinh Tấn Lực

KIỂM TOÁN CUỐI NĂM : TÁM NẺO ĐƯỜNG CÙNG !!!




dead-end

Kiểm Toán Cuối Năm:
Tám Nẻo Đường Cùng

. Đinh Tấn Lực

“Phỉnh phờ đê tiện
Bả bẫy tù đày
Máu chảy đầu rơi ngày tháng
Ngót thế kỷ bạo quyền
Không dập tắt nổi nén nhang”
(Phùng Cung)

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó bắt dân làm con tin.

Mỗi con tin được thả ra khỏi tù trước ngày mãn án là một chặng đường thoát hiểm giai đoạn của chế độ: Lê Quốc Quân (2007), Nguyễn Quốc Quân (2007 & 2012), Cù Huy Hà Vũ (2014), Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (2014), Đỗ Thị Minh Hạnh (2015), Tạ Phong Tần (2015).
Những người được “đặc xá”: Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu.
Những người mãn án khá đông, tạm liệt kê: Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, Thích Không Tánh, Nguyễn Khắc Toàn, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Công Định, Phạm Minh Hoàng, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Túc, Phạm Bá Hải, Phạm Hồng Sơn, Vũ Văn Hùng, Trần Đức Thạch, Vi Đức Hồi, Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyễn, Huỳnh Nguyên Đạo, Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Anh Hùng, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Phương Uyên, Trần Thị Hài, Nguyễn Xuân Nghĩa,  Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tình, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Đinh Nhật Uy, Cấn Thị Thêu, Chu Mạnh Sơn, Dương Kim Khải, Đặng Ngọc Minh, Đậu Văn Dương, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Paulus Lê Sơn, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Thích Thiện Minh, Thích Nhật Ban, Võ Văn Bửu, Nguyễn Trung Tôn, Thân Văn Trường, Trần Ngọc Anh, Trương Minh Đức, Võ Văn Thanh Liêm…
Những người còn đang bị giam cầm: Nguyễn Văn Lý, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Ngọc Già, Bùi Thị Minh Hằng, Đinh Nguyên Kha, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương…
Gần nhất, người vừa mới bị kết án là công dân Nguyễn Viết Dũng, can tội mặc áo trận của VNCH đi biểu tình bảo vệ cây xanh Hà Nội. Phiên tòa tiêu biểu này không có nhân chứng, vật chứng, với bản án đã có sẵn trước giờ khai mạc; chủ tọa liên tục cắt lời luật sư, sau cùng, đuổi một luật sư ra ngoài, khiến cả ba luật sư cùng ra ngoài phản đối. Bên ngoài tòa án, hàng nghìn người biểu tình lên án phiên tòa áp án bất công.
Có mấy điểm đáng ghi nhận về bước đường cùng này của chế độ:
Một, án tù loại này được sử dụng để khiến người ta hãi, thì ngược lại chỉ khiến dân khinh.
Hai, tù nhân (chống chế độ) được trui rèn trong môi trường tập trung dễ quảng bá cho lý tưởng tự do dân chủ hơn cả thời ở ngoài.
Ba, mỗi người tù (chống chế độ) ra khỏi tù đều được đón chào như những anh hùng (vừa tốt nghiệp “đại học CS”, theo cách nói của các lão thành cách mạng).
Bốn, người ra tù và những người chuẩn bị vào tù gắn bó khắng khít hơn, trò chuyện thoải mái hơn, cả về những tổ chức/đảng phái mà họ từng giữ kín kẽ trước đây.
*

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó núp bóng côn đồ.

Án tù không làm dân sợ, nhà nước tập trung dồn sức vào việc ra đòn tay chân, tuýp sắt. Côn đồ vừa là giải pháp vừa là phương tiện. Cả côn đồ trong tù trị tội đồng sự “rửa bát bẩn”, lẫn côn đồ đường phố hành hung luật sư “lái xe tung bụi”. Hoặc, chuyên viên cưa đá, giật giải băng tang, đánh người đổ máu/gãy chân/bể sống mũi. Lại còn “ĐM nhà báo hả? Tẩn bỏ mẹ nó đi!”…
Rõ là côn đồ thì xứ nào cũng có ít nhiều. Song, nhà nước phải núp bóng côn đồ như một thứ chính sách chiến lược để cai trị nhân dân, và lập luận cực kỳ trẻ con để bao che cho côn đồ, thì thế giới chỉ có một.
Nó là chứng cứ “không thể chối cãi” về một nhà nước vô chính phủ, một đảng cầm quyền tự đánh đồng với băng đảng xã hội đen, đến mức LHQ kêu gọi chính phủ VN điều tra các vụ hành hung giới hoạt động vì nhân quyền, và Tổ chức Quan trắc Nhân Quyền (HRW) nói bạo lực kiểu này sẽ chỉ làm cho nhà nước “giống côn đồ”.
Nói thế không đúng. Nhà nước VN không hề giống côn đồ. Nhà nước VN chính là côn đồ!
*

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó ăn mày cả tiếng nói của nước ngoài.

Không chỉ ăn mày các thứ viện trợ phát triển và bỏ túi riêng. Chủ tịch nước xứ này ăn mày cả tiếng nói của nước ngoài, thông qua đề nghị QH Đức có tiếng nói mạnh mẽ về Biển Đông”, sau khi đã bắn 21 phát đại bác và trải thảm đỏ mời Tập Cận Bình ban huấn từ tại phòng họp Diên Hồng của QH Việt Nam chỉ già 2 tuần trước đó.
Còn thủ tướng xứ này thì quanh đi quẩn lại chỉ có thể tự đánh bóng bằng những bài cậy đăng trên báo rác nước ngoài. Cả báo rác của Đức, của Hàn trước đây, và mới đây là Boston Global Forum do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn được phân làm chủ nhiệm.
Lòe thiên hạ trong nước bằng các bài “báo nước ngoài” viết sai chính tả bét nhè trên trang web quả thật không phải là một cách nên làm, trong thời buổi thông tin như điện chớp này.
Quả thật, cũng chẳng ai ngờ lãnh đạo xứ ta bị dí vào đường cùng bởi các tay tổ truyền thông ở tận đẩu đâu mà cũng chẳng ân oán hận thù gì!
*

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó trấn áp dân để lấp cái hèn.

Tám năm trước khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết trên ngư trường truyền thống Biển Đông, nhà nước ta đã phóng tay đàn áp các cuộc biểu tình chống Tam Sa 2007, chống rước đuốc Olympic 2008, chống Haiyang-981… Hàng chục, thậm chí, hàng trăm công dân VN bị bắt bớ, tù đày, triệu tập… vì đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối vừa kể.
Ba tuần trước khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết, lãnh đạo Ba Đình đã xếp hàng trải thảm đỏ, rót sâm banh đón tiếp chủ tịch nước giặc bằng 21 phát đại bác, và mời giặc ban huấn dụ cho toàn thể đại biểu quốc hội VN, tức là cho toàn thể 90 triệu dân Việt!
Bốn ngày sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết và chuyển thi thể ướp đá vào bờ, bộ quốc phòng đứng đón tại bờ và tuyên bố vào cuộc điều tra, với 2 kịch bản dạo đầu là (1) hung thủ người Philippines; và (2)Không loại trừ khả năng vi phạm lãnh hải nước bạn”, ngay trên ngư trường truyền thống của ta. Đồng nghĩa với sự thừa nhận rằng Trường Sa là của TQ?
Hai tuần sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết trên ngư trường truyền thống Biển Đông, bộ quốc phòng vẫn im tiếng.
Xem ra trấn áp dân dễ hơn là lấp cái hèn.
*

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi mỗi cá nhân của nó tự tìm đường rút.

Lãnh đạo Bảo Việt đồng loạt thôi chức. Lãnh đạo Mía đường Thành Thành Công đồng loạt thôi chức. Một loạt quan chức cấp đầu tỉnh đầu huyện xin thôi chức, nghỉ hưu sớm. Lãnh đạo Trầm Bê của Sacombank xin thôi chức. Lãnh đạo Eximbank dọa từ chức tập thể
Ngược lại là hiện tượng đồng bộ đưa thân nhân trẻ tuổi trong giòng tộc vào các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh ủy, giám đốc sở…
Bên cạnh đó là khai thác “tình hình lớn mạnh của thế lực thù địch” để làm đòn bẫy sửa đổi cơ chế đặc biệt (thêm hạn tuổi) mà giải quyết nhân sự trong tiến trình sắp xếp đại hội XII.
Hiện tượng “vét cú chót” được phô diễn công khai. Cũng không hề có điều gì cấm kỵ để bàn về quy trìnhhoàng hôn nhiệm kỳở khúc cuối đường cùng.
*

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó chịu thua hệ truyền thông đại chúng.

Sức mạnh của độc tài phần lớn phải dựa vào tuyên truyền dối trá một chiều. Các bức màn sắt/màn tre là để ngăn chiều Sự Thật dội ngược. Nhà nước độc tài quen thói phỉnh dân và tự phỉnh nhau, cứ ngỡ Tuyên Giáo TW vẫn còn là guồng máy tạo ra lực cuốn.
Tuyên giáo ngủ quên trên xe bò, không hay thời nay truyền thông nó đi nhanh hơn máy bay phản lực siêu thanh. Báo in chỉ được dùng ở mỗi chức năng của giấy. Bài đăng trên báo mạng chỉ chực giờ gỡ xuống. Thậm chí, báo hình chiếu hình trẻ con cầm sách ngược mà vẫn đọc xuôi. Lời chạy tội còn ngô nghê hơn cả thằng bé cầm sách kia. Truyền thông cho quảng đại quần chúng thu gọn lại ở một phần nhỏ quần chúng đảng. Ngay chính Tuyên giáo cũng phủi tay với quần chúng dư luận viên nhất mực trung thành.
Nhà nước đe dân phải xài mạng xã hội nội hóa, không xong. Cả chính phủ cũng phải hòa mạng FB. Nhà báo có thẻ nghiện FB hơn mạng chính quy. Báo chính quy lại phải lấy tin từ FB.
Không ai kể hết được những bước lùi của nhà nước khi Facebookers lên tiếng. Thế nhưng vẫn còn lắm kẻ cứ ngỡ trị tội FBkers cũng không khác gì quân dưới trướng,  nên lãnh đạo thi đua nhau “thánh phán” phát ngôn xằng, sau đó là thỏ thẻ rút lệnh phạt, mà không ngờ mỗi lần phán xằng một việc cỏn con lại làm lộ ra hàng tá chuyện tối mật vĩ đại khác…
Đường cùng của độc tài là một sự chọn lựa không mấy dễ: Muốn đối đầu với nhân dân, phải đối đầu (và chiến thắng) các mạng xã hội đang thực sự là hệ truyền thông đại chúng.
*

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó hết tiền.

Nhà nước không cần giấu diếm gì tình trạng cạn kiệt ngân sách. Có lẽ cũng không thể giấu diếm điều gì vào thời buổi này. Bạc Liêu & Cà Mau đã báo cáo cạn ngân. Hải Phòng & Đắc Lắc hết tiền trả cho bác sĩ, y tá & công nhân viên các bệnh viện. Tình hình các địa phương kêu đòi cứu đói giáp hạt có thể tăng cao hơn các năm trước.
Tình hình là trung ương cũng khánh tận. Đi vay không dễ. Đi xin càng khó. Muối mặt đã xình như mắm. Giải pháp là mỗi địa phương “hồn ai nấy giữ”. Thuế tăng, phí tăng, xin khất lương công nhân viên chức… là điều tất yếu. Cũng là tất yếu khi mọi người chỉ tay vào nhau: Lỗi không ở tôi. Nó mới là thủ phạm!
Trung ương chạy vạy thế nào? Đâu là mốc điểm giới hạn việc gật nợ qua lại? Nghị quyết 11 TTCP đánh sập bao nhiêu vạn doanh nghiệp? Nợ xấu thủng trần bao lâu rồi? Nợ công thật sự tương đương với mấy lần GDP?
Liệu có là muối bỏ biển khi QH thông qua bổ sung Điều 216 bộ luật hình sự nhằm cứu nguy tài chính: Trốn đóng BHXH/BHYT/BHTN bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 – 7 năm?
Liệu là đảng & nhà nước sẽ cầm cự được khúc cuối đoạn đường cùng này cho tới lúc tuyên bố đại hội 12 thành công mỹ mãn?
*

Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó sợ dân.

Dân ới tin cho nhau cực nhanh. Dân viết băng-rôn nhanh như chớp. Dân biết có quyền chụp ảnh, quay clips. Dân đoàn kết đòi người. Dân rành luật giao thông hơn cả CSGT. Dân có nghìn cách kháo chuyện, và có nghìn lẻ một cách bẻ lý côn an.
Nhà nước ngày càng giỏi trong việc sản xuất ra thêm thành phần chống đối, sau Dân Oan.
Dân Oan không chỉ đòi đất đòi nhà riêng. Dân Oan đòi cả lãnh thổ đã mất vào tay giặc. Dân Oan đòi cả công lý và quyền làm người cho mọi thành phần dân tộc.
Nhà nước hãi tuổi sinh viên (Nguyễn Viết Dũng/Nguyễn Phương Uyên).
Nhà nước sợ người làm việc thiện nguyện. SợƯớc Mơ Của Thủyở tầm thách thức chế độ. Sợ lời thơHiên ngang sống và hiên ngang yêu nước – Chả khi nào thẹn với núi sông ơi”. Sợ cả “Tiếng Hát Cho Biển Đông & Quyền Con Người”. Sợ cả những nốt nhạc có dấu chấm hỏiViệt Nam Tôi Đâu?”. Sợ cả lời nhạc có dấu chấm than “chống quân xâm lược! chống kẻ nhu nhược bán nước hại dân!”.
Nhà nước đang cần gấp tấm phao cứu đuối. Cả đuối hơi, đuối lý lẫn đuối lực.
Càng phô trương bạo lực, nhà nước càng chóng thu ngắn cái chết lâm sàng ở khúc cuối đường cùng!


15/12/2015 – Tròn 76 năm lần đầu công chiếu bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió
Blogger Đinh Tấn Lực

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

CHUYỆN MỘT NGƯỜI MANG TÊN NGUYỄN THỊ DI TẢN



Chuyện Một Người Mang Tên Nguyễn Thị Di Tản

 Tên tôi là Nguyễn thị Di Tản. Cái họ Nguyễn của tôi đã chứng tỏ tôi là người Việt Nam chính hiệu con nai vàng. Song có điều tôi là đứa bé Việt Nam chào đời ở một miền đất lạ xa – đảo Guam – một nơi chốn thật lạ lẫm với quê hương tôi. Theo lời mẹ tôi kể tôi chào đời vào những tháng ngày buồn thảm nhất của miền Nam Việt Nam. Tôi đã nằm trong bụng mẹ, theo mẹ trên con đường di tản của dân tộc tôi.


Tôi đã là một chứng nhân của lịch sử. Tiếng khóc chào đời của tôi ở một quần đảo nơi quê người đã giúp mẹ tôi nhiều can đảm vượt qua những thử thách, gian truân của cuộc đời. Tôi đã là Nguyễn Thị Di Tản từ ngày ấy. Thế mà đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ 30 tháng 4 năm ấy. Thế mà đã 35 năm qua…


Đã 35 năm qua. Tôi đã lớn. Đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg buồn hắt hiu như tâm sự “Người di tản buồn” của mẹ. Mẹ rất yêu bản nhạc “Người di tản buồn” của Nam Lộc. Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ bảo đêm nào không nghe bài hát ấy tôi không ngủ. Đến lúc tôi bập bẹ biết nói mẹ dạy tôi hát. Tôi vừa quấn quít bên mẹ vừa đỏ đẻ hát:


Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau.
Rồi đêm đêm hằn lên đôi mắt sâu
Thời gian đâu còn những phút nhiệm mầu
Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vươn dài bóng mát
Cho tôi yêu lại từ đầu, bên người yêu dấu ngày xưa

Chiều nay có một người di tản buồn
Nhìn quê hương còn ai, hay mất ai ?
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu ?
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù ?
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều !
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn khi rừng khuya vang tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nước không còn
Cho tôi xin lại một lần, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bìa rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lời chào, chào bao nhiêungười đã khuất
Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi !


Tôi hát như sáo. Mẹ hát sao tôi hát theo vậy. Mẹ bằng lòng lắm. Dần dà tôi có thể hát được cả bài. Bạn bè của mẹ đến nhà chơi mẹ, đem con sáo của mẹ ra khoe. Mẹ bắt tôi hát. Mỗi lần hát xong các bác các cô, bạn của mẹ ai cũng đều rươm rướm nước mắt. Có lần tôi thỏ thẻ hỏi mẹ “Sao con hát hay mà mẹ với các bác lại khóc”.

Mẹ ôm tôi vào lòng và nói “Bao giờ con lớn con sẽ hiểu tại sao”. Cái trí óc non nớt ngày ấy của tôi mơ hồ cảm nhận có một điều gì khác thường ở mẹ, một cái gì mất mát lớn lao trong đời mẹ. Những lúc rảnh rỗi, sau giờ cơm chiều mẹ dạy tôi nói, tôi đọc:
-Con là người gì ?
-Dạ thưa con là người Việt nam
-Con tên gì ?
-Con tên là Di Tản
-Con có yêu nước Việt Nam không ?
-Con yêu Việt Nam lắm !

Tôi đã thuộc nằm lòng những câu mẹ dạy. Tôi đã quen thuộc với cái tên Di Tản. Tôi thấy tên tôi nó ngồ ngộ, dễ thương làm sao. Đến lúc tôi lên năm, mẹ dắt tôi đến một ngôi trường tiểu học ở gần nhà để ghi tên đi học. Từ ngày còn bé tôi chỉ loanh quanh ở cái apartment mẹ ở mà thôi. Chung cư nầy đa số là người Việt nam. Lần đầu tiên đến trường, một khung cảnh mới, người mới. Các học sinh cùng lớp với tôi hoàn toàn là những khuôn mặt lạ xa.

Cô giáo cũng thế. Không giống mẹ. Không giống các bác, các cô đến chơi nhà mẹ. Lúc mẹ chào cô giáo ra về. Tôi ở lại trường với tâm trạng thật lạc lõng, bơ vơ. Tôi muốn khóc. Tôi muốn theo mẹ ra về làm sao. Tôi ngồi cô đơn một góc lớp. Cô giáo rất trẻ, đến bên tôi nhỏ nhẹ hỏi
– “What is your name ?”.
Tôi cúi mặt, bặm môi chừng như rướm máu, lí nhí đáp bằng cái giọng Việt Nam đặc sệt “Dạ .. Di Tản”. Cô giáo chừng như không hiểu, cô xem lại quyển sổ và hỏi lại tôi “your name is Đaithen”. Tôi lắc đầu và lập lại “Di Tản”. Cả lớp rộ lên cười. Tôi bật khóc. Tôi khóc ngon lành như bị ai ức hiếp.


Sau buổi học, mẹ đến đón tôi về. Trên suốt quãng đường từ trường về nhà Tôi lặng thinh, không nói một điều gì cả với mẹ. Mẹ âu yếm hỏi tôi “Con đi học có vui không”. Chừng như tôi chỉ chờ mẹ hỏi, Tôi òa lên khóc và bảo:
– Sao mẹ không đặt cho con một cái tên nào dễ kêu như Helen, như Cindy hay Linda như tụi nó mà mẹ đặt tên con là Di Tản. Cô giáo đọc không được tên con, mấy đứa cùng lớp tụi nó chọc ghẹo con.

Mẹ tôi dịu dàng, từ tốn bảo:
– Con có biết cả nước Canada nầy có biết bao nhiêu là Helen, là Cindy không con. Còn tên Di Tản chỉ có mỗi một mình con. Con không thấy con đặc biệt sao con. Con phải hãnh diện vì cái tên rất là Việt Nam của con mới phải. Tôi nũng nịu pha một chút hờn dỗi:
– Mà cô giáo đọc là Đaithen mẹ thấy có kỳ không ?
Mẹ trìu mến đưa tay vuốt tóc tôi, hiền hòa khẽ bảo:
– Tại cô giáo không biết cách phát âm của ngươì Việt Nam mình đó thôi. Con phải đọc lại cho cô biết rồi từ từ cô sẽ đọc đúng.
Giọng mẹ thiết tha hơn, chùng xuống, sũng đầy nước mắt.
– Mẹ đã mất tất cả rồi con ơi. Mẹ chỉ còn cái tên Việtnam mẹ gửi cho con. Con có biết như thế không ?
Đầu óc của một đứa bé lên năm làm sao tôi hiểu đuợc hết những gì mẹ nói, song tôi biết mẹ buồn lắm. Có một cái gì làm cho mẹ khổ tâm lắm. Tôi cảm thấy ân hận. Tôi ôm mẹ, hôn me, và bảo:
– Con xin lỗi mẹ. Con làm mẹ buồn lắm phải không mẹ.
Tôi thấy mắt mẹ long lanh ngấn lệ.
– Không phải đâu con, con của mẹ ngoan lắm.


Đó là câu chuyện ngày lên năm của tôi. Mãi cho đến những năm sau nầy tên tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Cái chọc ghẹo cho vui chứ không có một ác ý nào cả. Lúc tôi vào Highschool tôi đã lớn lắm rồi. Tôi đã hiểu những u uất của đời me. Tôi thương mẹ hơn bao giờ hết.

Thấm thoát mà tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái mái tóc dài chấm lưng với khuôn mặt Á Đông của tôi vẫn là một đề tài nổi bật nhất.

Lại thêm cái tên Di Tản nữa. Lúc nầy tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ được tôi huấn luyện cách phát âm nên đọc tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ lớ nhưng tạm được. Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp mỗi khi các giáo sư mới gọi tên tôi. Giáo sư nào cũng thế. Ngập ngừng một hồi lâu rồi mới đọc.


Tôi cũng không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư người Canada đọc một cái tên lạ quơ lạ huắc chưa bao giờ thấy và gặp trong lịch sử dân tộc. Trên tay cầm bài Test của tôi, ngập ngừng rồi vị thầy gọi “Đai then”. Cả lớp ồ lên một loạt  “Oh, my god”. Vị giáo sư lúng túng, đảo mắt nhìn quanh lớp. Cả lớp nhao nhao lên như bầy ong vỡ tổ. Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, “nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mà. Con Linhda ngồi cạnh, hích nhẹ cùi chỏ vào tôi và khẽ bảo:
– Ditan, ổng đọc sai tên mầy rồi kìa, mầy sửa cho ổng đi.
Tôi đỏ mặt. Tôi chưa kịp nói gì cả thì tụi con trai ngồi sau lưng tôi ào ào lên như chợ nhóm “Ditản, Ditản not Đai then”. Vị giáo sư lúc đó mới vỡ lẽ ra, mới biết là mình phát âm sai, ông gục gặt đầu nói lời xin lỗi và lập lại “Ditản Ditản”.


Lúc nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây Tàu, Canadian nữa đều “cứu bồ” tôi mỗi lần có tình trạng như trên vừa xảy ra. Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương. Đến bây giờ nhớ lại những lời mẹ nói với tôi ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ đã cho tôi. Tôi thương mẹ vô cùng.


Cái đất nước Việt Nam khổ đau muôn chiều đã gắn liền với mẹ tôi như hình với bóng trong cuộc đời lưu lạc xứ người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng “dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương, nhưng không có một hoàn cảnh nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được”. 

Mẹ sống như chờ đợi, như mong mỏi một điều gì sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của bố tôi. Mẹ vẫn nuôi hy vọng Bố còn sống và sẽ có lần gia đình tôi laị đoàn tụ như xưa. Nhưng định mệnh đã an bài. Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ con tôi di tản. Bố hứa Bố sẽ gặp lại mẹ sau.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng Bố bảo sao, mẹ nghe vậy. Một mình mẹ bụng mang dạ chửa mẹ đã lên phi cơ, theo đoàn người di tản và mong có ngày gặp lại Bố.

Nhưng niềm hy vọng đó đã vơi dần theo năm tháng cho đến một ngày mẹ được tin Bố đã nằm xuống nơi trại cải tạo.

Mẹ như điên loạn.

Rồi mẹ tỉnh lại.

Mẹ biếng cười, biếng nói.

Cuộc sống của Mẹ đã thầm lặng bây giờ càng thầm lặng hơn xưa.


Ngoài giờ ở sở. Về nhà cơm nước xong, trò chuyện với tôi đôi lát rồi Mẹ vào phòng. Cái khoảng đời quá khứ ngày xưa. Những kỷ niệm ngọc ngà ngày nào của Bố và Mẹ như chút dấu yêu còn sót lại. Thời gian không làm nhạt nhòa mà ở Mẹ không một hình ảnh nào mà Mẹ không nhớ. Mỗi lần nhắc tới Bố, Mẹ như trẻ lại. Mắt Mẹ long lanh ngời sáng. Mẹ kể cho tôi nghe chuyện tình của cô sinh viên Văn khoa với chàng thủy thủ Hải Quân.

Tôi thuộc nhiều bài hát Việt Nam lắm nên tôi ghẹo Mẹ “Mẹ và Bố giống em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến quá”. Ngoài tình mẹ con ra, tôi như một người bạn nhỏ để Mẹ tâm sự, để Mẹ trang trải nỗi niềm nào là “con biết không Bố hào hoa và đẹp trai lắm .. v.v… và v.v…

Tôi nịnh Mẹ:
– Bố không đẹp trai làm sao cua được Mẹ.
Mẹ cười thật dễ thương.

Một điều mà tôi biết chắc chắn rằng không ai có thể thay thế hình bóng Bố tôi trong tim Mẹ.

Tôi không ích kỷ. Song điều đó làm tôi yên tâm hơn. Tôi muốn cùng Mẹ nâng niu, giữ gìn những kỷ niệm dấu yêu, ngọc ngà của Mẹ và Bố cho đến suốt cuộc đời.


Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ 35 của Bố. Con muốn thưa với Bố một điều. Con cám ơn Bố Mẹ đã tạo cho con nên hình, nên vóc. Dù chưa một lần gặp mặt Bố. Dù bây giờ Bố đã nằm xuống. Bố đã đi thật xa, không có lần trở lại với Mẹ, với con. Song với con Bố vẫn là một hiện hữu bên con từng giờ, từng phút.


Con nghĩ Bố đã che chở Mẹ con con hơn một phần tư thế kỷ nay. Xin Bố hãy giữ gìn, che chở Mẹ, con trong suốt quãng đời còn lại. Con mong làm sao ngày nào đất nước thật sự thanh bình Mẹ sẽ đưa con trở về thăm lại quê hương. Con sông xưa sẽ trở về bờ bến cũ. Ngày ấy ở một phía trời nào đó của quê hương con thấy bố mỉm cười và Bố nói với con .. Bố sung sướng lắm, con biết không ? Con yêu dấu!


    Hoàng thị Tố Lang