Nhân vụ ‘chủ tịch lớp’: Người lớn đang làm hỏng con trẻ
Thanh Niên online (TNO):
Làm sao con trẻ không nhiễm thói háo danh, không nhiễm thói quan chức
khi người lớn cứ nhồi nhét vào đầu con trẻ rằng “chủ tịch” là quyền lực?
Rằng bé tý đã là chủ tịch lớp, lớn lên hẳn là chủ tịch phường, chủ tịch
quận?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố bản dự thảo Điều lệ trường Tiểu học
để lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, các cá nhân. Điều 17 của dự thảo về
“Lớp học, tổ học sinh, điểm trường” quy định: “Học sinh được tổ chức
theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch
hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ
nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học”.
Tên gọi không quan trọng
Mô hình hội đồng tự quản trong lớp học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo
đề xuất sau một quá trình thử nghiệm mô hình trường học mới (VNEN) bắt
đầu từ năm 2013. Vấn đề nêu trên đã được dư luận xã hội quan tâm và bàn
luận với nhiều góc nhìn khác nhau liên quan đến các chức danh chủ tịch,
phó chủ tịch hội đồng tự quản. Có tờ báo đã giật tít: “Lớp trưởng được gọi là chủ tịch!” với nhiều tầng nghĩa ẩn dụ.
Một luồng dư luận cho rằng đây là cách làm hay, giúp học sinh chủ động
quyết định mọi việc và hình thành tính tự chủ, tự quản trong quá trình
học tập. Cách gọi các chức danh cán sự lớp như thế sẽ không ảnh hưởng
đến quá trình học tập mà còn giúp học sinh tự tin hơn, chủ động hơn như
những kết quả đạt được từ mô hình thử nghiệm.
Một luồng quan điểm khác chiếm số đông lại cho rằng các thuật ngữ về
chức danh này không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, sẽ gây căng
thẳng thêm cho học sinh và tạo cho con trẻ nhiễm “thói quan chức”, “thói háo danh”...
Luồng ý kiến này cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng một
chính sách thiếu thực tế và sẽ tạo ra sự tiêu cực trong môi trường học
tập như “chạy chức”, “ganh ghét”, “độc đoán”,...
Tạm gác việc tranh luận về tính hợp lý hay chưa hợp lý của mô hình này.
Tôi cho rằng người lớn chúng ta đã và đang làm hỏng con trẻ. Chúng ta
đang áp đặt con trẻ phải phải sống theo cách sống của người lớn, suy
nghĩ theo cách suy nghĩ của người lớn. Chúng ta đang cướp đoạt sự hồn
nhiên và tuổi thơ của con trẻ chỉ để thỏa mãn sự ích kỷ và ham muốn của
người lớn.
Tại sao tôi lại đánh giá vấn đề này như vậy? Hãy từ vụ việc gọi chức
danh cán sự lớp nêu trong dự thảo nói trên để nhìn nhận về vấn đề này.
Tôi cho rằng việc gọi chức danh cán sự lớp của các học sinh tiểu học là
lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng tự quản lớp không quan trọng. Bởi lẽ,
đối với các cháu ở độ tuổi này, gọi là cái gì thì cũng giống nhau mà
thôi. Còn việc cho rằng gọi là “chủ tịch” có nghĩa là “quan chức” thì
chính người lớn chúng ta đã gieo rắc điều đó vào đầu óc non nớt của các
cháu. Chính người lớn chúng ta đã làm hoen ố tâm hồn trong trắng của các
cháu. Với độ tuổi mới chỉ ăn no ngủ kỹ, thậm chí ăn còn phải ép, ngủ
còn phải ru thì các cháu có thể chưa hiểu những gì là chức vụ, là quyền
lực, là lãnh đạo. Chỉ có người lớn chúng ta với chủ nghĩa duy chức đã
hằn sâu trong tâm thức mới nhồi nhét, gieo rắc những điều đó vào đầu óc
các cháu, làm lệch lạc và méo mó nhận thức của các cháu.
Thủ phạm là người lớn!
Tôi cũng cho rằng người lớn chúng ta đang cố tình hiểu sai bản chất và
làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Đối với các cháu học sinh tiểu học, cho dù
được bầu là lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng tự quản, các cháu chỉ cần
biết đây là một nhiệm vụ được giao và phải cố gắng thực hiện tốt. Tôi
chắc chắn rằng hầu hết các cháu (vì sẽ có một vài trường hợp cá biệt)
không nhận thức đó là quản lý, là lãnh đạo, hay là quan chức để mà nhiễm
“thói quan chức”. Các cháu chỉ nhiễm “thói quan chức” và cho rằng các chức vụ này trong lớp là “quan chức” khi người lớn cố tình nhồi nhét tư tưởng đó vào đầu các cháu như đã nói ở trên.
Lâu nay, người lớn chúng ta vẫn có thói quen áp đặt cuộc sống của con
trẻ. Ví dụ việc con trẻ học cái gì, học như thế nào đều do người lớn
quyết định, kể cả trường hợp những đứa trẻ không đủ năng lực hoặc không
có năng khiếu. Việc áp đặt này luôn được người lớn biện minh là vì tương
lai con trẻ, nhưng tôi cho rằng đối với một bộ phận không nhỏ người
lớn, đó là sự ngụy biện và để thỏa mãn sự ích kỷ và ham muốn của người
lớn. Cha mẹ luôn muốn con cái phải học giỏi, phải đứng đầu lớp, phải
bằng bạn bè... bằng mọi giá mà thiếu sự quan tâm, chia sẻ về mong muốn,
sở thích của con trẻ. Trong cuộc sống, chắc nhiều người trong chúng ta
không còn xa lạ với những sự đay nghiến của nhiều bậc cha đối với con
cái họ rằng: “Sao không được như con người ta” hay “Nhìn thành tích con hàng xóm mà thèm”.
Chúng ta cứ phê phán ngành giáo dục mắc bệnh thành tích. Nhưng không ít
các bậc cha mẹ đang bị mắc căn bệnh này một cách trầm trọng. Việc tự hào
với thành tích học tập của con trẻ là chuyện rất bình thường và đúng
đắn của các bậc cha mẹ. Nhưng có rất nhiều bậc cha mẹ thích khoe cả
những thành tích ảo, những thành tích mà không phải từ năng lực thực sự
của con trẻ. Sự khoe khoang này không những chỉ trong nội bộ người lớn,
mà ngay trước mặt con trẻ, tạo ra một sự so sánh, đố kỵ, ghen ghét từ cả
người lớn và con trẻ, đồng thời đặt áp lực về thành tích lên con trẻ.
Chung quy lại, cũng chỉ để thỏa mãn sự ích kỷ của người lớn mà thôi.
Làm sao con trẻ không nhiễm thói háo danh, không nhiễm thói quan chức khi người lớn cứ nhồi nhét vào đầu con trẻ rằng “chủ tịch”
là quyền lực? Rằng bé tí đã là chủ tịch lớp, lớn lên hẳn là chủ tịch
phường, chủ tịch quận? Rằng con tôi được bầu làm chủ tịch đấy, con chị
có được như thế không?
Làm sao con trẻ không nhiễm thói háo danh, không nhiễm thói quan chức
khi người lớn nhồi nhét vào đầu con trẻ rằng, con phải phấn đấu để làm
chủ tịch lớp? Rằng vì tương lai của con nên mẹ “xin” cô cho con làm chủ tịch lớp? Rằng con làm chủ tịch lớp là con oai hơn hẳn các bạn trong lớp?
Rõ ràng rằng, nếu người lớn không nhồi nhét, gieo rắc những điều này vào
đầu con trẻ thì các cháu sẽ không có ý niệm về quyền lực, về quan chức
trong cái chức danh đó. Sao người lớn chúng ta không tự đặt mình ở lứa
tuổi học sinh tiểu học để nhìn nhận vấn đề đó một cách đơn giản, trong
sáng và hồn nhiên?
Chính người lớn chúng ta mới nhiễm thói háo danh, thói quan chức chứ
không phải con trẻ. Và chính người lớn chúng ta đang làm hỏng con trẻ./.
Tác giả: Trường Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét