HỒNG THỦY
(GDVN) - Trung Quốc lúc này, có lẽ là cứ để cho cả thế giới
lao vào chống ISIS, Trung Quốc đứng ngoài vỗ tay cổ vũ để tranh thủ đục nước
béo cò trên Biển Đông.
Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh: AP
Thời báo Hoàn Cầu hôm qua dẫn lời ông Chu Duy Quần, Chủ
nhiệm Ủy ban Tôn giáo Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt
Ma xung quanh những phát biểu của ông trên báo Ý La Stampa về việc, muốn đánh bại
tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay IS) thì cần học cách lắng
nghe và đối thoại với khủng bố.
Ông Quần giải thích ý của Đức Đạt Lai Lạt Ma theo cách
nhìn phiến diện và áp đặt của mình rằng: "Thông qua việc nói phải lắng
nghe, hiểu và tôn trọng khủng bố, nó phô bày rõ thâm tâm ông ta có sự cảm thông
hoặc tán thành của ông ta đối với ISIS".
Quan chức Trung Quốc này tuyên bố hùng hồn: "Nguyên
nhân của (cái gọi là) sự cảm thông của (Đức) Đạt Lai Lạt Ma với khủng bố là do
thực tế ông ta chưa bao giờ từ bỏ bạo lực trong cuộc đời chính trị của ông
ta."
Vậy bản thân nhà nước Trung Quốc đã làm được những gì để
góp phần chống tổ chức khủng bố ISIS nói riêng, chủ nghĩa khủng bố nói chung?
Chỉ
chống ISIS bằng miệng
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình,
Ngoại trưởng Vương Nghị cho đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều khẳng định,
chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù của nhân loại. Bản thân Trung Quốc cũng đang phải
đối mặt với chủ nghĩa khủng bố cả ở trong nước và nước ngoài.
Đầu tháng 11 vừa qua, Fan Jinghui, một công dân Trung Quốc
50 tuổi đã bị ISIS bắt cóc và hành quyết một cách dã man. Tiếp đó, ngày 20/11
khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại một khách sạn ở Bamako, thủ đô của Mali đã
làm 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng.
Ông Tập Cận Bình nhanh chóng lên án vụ tấn công này,
tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với quốc tế chống khủng bố. Ông Vương
Nghị thì nói: Trung Quốc cũng là một nạn nhân của khủng bố.
Nhưng cho đến nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói,
trong khi Mỹ và đồng minh, Nga, Pháp đã xắn tay vào cuộc.
Trước áp lực dư luận, ngày 26/11 Bộ Ngoại giao Trung Quốc
cho biết nước này sẽ tăng cường hợp tác với châu Phi chống khủng bố và chủ
nghĩa cực đoan.
Và đến thời điểm hiện tại, người ta chưa thấy Trung Quốc
có động tĩnh gì về việc tham gia chống khủng bố. Mặc kệ Hoa Kỳ, Nga và các nước
khác đã dội hàng tấn bom đạn xuống các địa điểm họ xác định là căn cứ, hậu cứ của
ISIS ở Syria.
Trong khi đó, Bloomberg ngày 16/6 cho biết, Trung Quốc có
khoảng 5 triệu công dân đang lao động ở nước ngoài, bao gồm các điểm nóng như
Nam Sudan, Yemen và Pakistan. Trong vòng 10 năm từ 2004 đến 2014, ước tính đã
có khoảng 80 công dân Trung Quốc thiệt mạng ở nước ngoài.
Tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã từng điều tàu hải quân đến
vùng biển Yemen để giải cứu 629 công dân nước mình.
Với vị thế kinh tế lớn thứ 2 thế giới và ngân sách quân sự
hàng năm đứng thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ, liên tục tăng trường, nếu nói rằng Trung Quốc
"chưa đủ khả năng" tham gia cuộc chiến chống khủng bố trong khi vấn
muốn có vị thế "quan hệ đối tác nước lớn kiểu mới với Hoa Kỳ" thì thật
khó tin.
Thế
giới lao vào chống khủng bố, Bắc Kinh đục nước béo cò ở Biển Đông
Ngày 6/12, tổ chức khủng bố ISIS tung clip tuyển mộ chiến
binh Trung Quốc bằng tiếng Quan Thoại lên mạng Internet. Đây không phải lần đầu
tiên ISIS để mắt đến Trung Quốc, từ tháng 7 năm ngoái trùm khủng bố ISIS Abu
Bakr al-Baghdadi đã xếp Trung Quốc vào đầu danh sách các quốc gia mà tổ chức
này nhắm tới, đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Điều đáng nói là, báo cáo mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc
tế cho biết, trong 25 quốc gia có vũ khí đang được sử dụng bởi khủng bố ISIS,
thì vũ khí cơ bản của các phần tử khủng bố IS có súng AR15 của Mỹ, AK 47 của
Nga, xe tăng và tên lửa do Nga và Trung Quốc sản xuất.
Tháng trước, chính truyền thông Nga RIA Novosti đưa tin,
ISIS đã mua được tên lửa phòng không vác vai FN6 do Trung Quốc sản xuất tại
Ukraine.
Như vậy, "thị phần vũ khí" tại các chiến trường
Trung Đông, châu Phi và các điểm nóng toàn cầu khác là các nhân tố các ông lớn
đều tính đến khi tham gia hoặc không tham gia cuộc chiến chống ISIS, vấn đề này
chúng tôi sẽ phân tích trong một bài viết khác.
Chỉ có điều, lợi ích trực tiếp của Trung Quốc ở Syria
trong cuộc chiến chống ISIS không bằng Nga và Mỹ. Nếu địa bàn hoạt động trọng
tâm của IS nổ ra ở Nam Sudan hay châu Phi, nơi Trung Quốc đang ra sức khai thác
tài nguyên, câu chuyện có thể chuyển sang một hướng khác.
Tuy nhiên, cái được lớn nhất của Trung Quốc lúc này, có lẽ
là cứ để cho cả thế giới lao vào chống ISIS, Trung Quốc đứng ngoài vỗ tay cổ vũ
để tranh thủ đục nước béo cò trên Biển Đông.
Hãy nhìn 7 hòn đảo nhân tạo bất hợp pháp mọc lên sừng sững
ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), 3 đường băng quân sự dài 3000 mét đã và sắp
hoàn thành ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã bố trí chiến đấu cơ J-11BH đồn
trú bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), đồng thời loan
tin máy bay ném bom chiến lược H-6K cũng đã được biên chế cho lực lượng tham
gia cuộc chiến xâm lược Hoàng Sa năm 1974.
Đó là chưa kể đến việc gấp rút triển khai hệ thống ra đa,
tên lửa và các vũ khí khí tài quân sự khác ra đảo nhân tạo.
Đây có lẽ là lý do chủ yếu Trung Quốc đứng ngoài cuộc chiến
chống ISIS, đồng thời cổ vũ nhiệt tình cho Mỹ, Nga và các nước tham gia. Hoa Kỳ
cho tàu tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thì cứ việc tuần tra, Trung Quốc vẫn
cứ tiếp tục các hoạt động xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma nói trúng "tim đen" Trung Quốc
Đang lúc hý hửng vì thấy các cường quốc toàn cầu, đặc biệt
là Hoa Kỳ buộc phải tập trung vào bàn cờ Trung Đông, nhất là sau khủng hoảng 17
giây Nga - Thổ hôm 24/11 mà lơ là Biển Đông, tạo "thiên thời" cho
Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa phi pháp, Đức Đạt Lai Lạt Ma lại chọc đúng
"tim đen".
Vị lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng bất ngờ nêu
giải pháp hòa bình để giải quyết tận gốc vấn đề khủng bố. Hãy học cách đối thoại,
lắng nghe lực lượng khủng bố bằng tâm từ bi, tìm hiểu nguyên nhân nào, động cơ
nào biến một người lương thiện thành kẻ khủng bố để tìm cách hóa giải tận gốc.
Bởi theo nhãn quan của ông, bom đạn không giải quyết được
vấn đề. Thực tế đã chứng minh điều này. Cuộc chiến chống ISIS ở Syria đang là
nơi các cường quốc phô diễn vũ khí, thúc đẩy thị phần và cạnh tranh chiến lược
nhiều hơn là chống khủng bố.
Điều này vô tình đã chọc vào đúng "tim đen", âm
mưu và ý đồ của Trung Quốc trong bàn cờ chính trị quốc tế.
Bởi nếu Nga, Mỹ thực sự xem xét nghiêm túc gợi mở của Đức
Đạt Lai Lạt Ma và có thể của cả Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi đối thoại với thế
giới Hồi giáo, nguy cơ xung đột ở Trung Đông thay vì bị tiếp tục đẩy lên cao
như dự tính của Bắc Kinh, lại bị xẹp xuống.
Mỹ quay trở lại Biển Đông ắt hẳn âm mưu độc chiếm vùng biển
này sẽ khó nuốt trôi. Đó là lý do tại sao Trung Quốc vội vã phản ứng một cách
gay gắt thái quá, đánh đồng đối thoại, lắng nghe với đồng lõa.
Làm như vậy, một phần Trung Quốc muốn Nga, Mỹ và phương
Tây cũng như các quốc gia Trung Đông tiếp tục lao vào các cuộc không kích, oanh
tạc ISIS ở Syria mà không biết đến khi nào mới đến hồi kết để rảnh tay độc chiếm
Biển Đông.
Một phần nữa là Bắc Kinh muốn hạ uy tín, ảnh hưởng của Đức
Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng mà họ xếp vào "thế
lực thù địch".
Thậm chí không phải ngẫu nhiên ông Bí thư Tây Tạng lúc
này bỗng nhiên lại lên báo chí kêu gọi vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 do chính
phủ Trung Quốc chỉ định phải chối bỏ vai trò lãnh tụ tinh thần của bậc thầy tâm
linh của cả dân tộc Tạng - Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14.
Dù lập luận vô lý, nhưng Trung Quốc vẫn đưa ra nhằm thu
hút sự chú ý của dư luận khỏi gợi mở đầy tính trí tuệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa
rồi sang sự công kích cá nhân nhằm vào ông.
Khi
lưỡi không xương, nhiều đường uốn éo
Lợi ích chi phối mọi quan hệ quốc tế cũng như các hành xử
của mọi quốc gia cũng là điều bình thường. Nhưng đánh tráo khái niệm, bẻ cong
luật pháp và công lý quốc tế, đổi trắng thành đen để đạt được các mưu đồ chính
trị không còn là cách hành xử của các nước tiến bộ trong xã hội văn minh ngày
nay.
Giấy không gói được lửa. Mọi âm mưu, ý đồ ma quỷ sẽ bị
ánh sáng trí tuệ của nhân loại và công luận quốc tế vạch trần.
Từ chuyện ông Chu Duy Quần "bẻ" ý phát biểu của
Đức Đạt Lai Lạt Ma và chụp vào nội dung ý nghĩa hoàn toàn áp đặt, duy ý chí của
Trung Quốc lại gợi cho người viết nhớ đến những phát biểu gần đây của các nhà
lãnh đạo cấp cao nước này.
Họ cam kết công khai với thế giới rằng, Trung Quốc không
quân sự hóa các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Những gì đã nêu ở trên
chứng minh rằng nó hoàn toàn ngược lại.
Khi thăm chính thức Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi
"giữ gìn đại cục", không làm phức tạp tình hình trên biển thì hôm sau
ông tuyên bố ở Singapore: "Các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc
từ thời cổ đại".
Tiếp đó, ông không trực tiếp nói ra nhưng để cho thuộc cấp
của mình lên tiếng hù dọa: Phải "kiềm chế lắm" Trung Quốc mới không
"thu hồi" các đảo. Liền đó người này nhấn mạnh: Trung Quốc có quyền
và khả năng làm việc đó?!
Tất nhiên hòa bình, ổn định, công lý và luật pháp quốc tế
cho Biển Đông và khu vực không chỉ là mong muốn của nhân dân Việt Nam, các nước
ven Biển Đông, mà của cả những người dân Trung Quốc chất phác.
Người Việt đang rất nỗ lực đấu tranh bảo vệ chủ quyền,
quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định và luật pháp quốc
tế trên Biển Đông một cách hòa bình, hợp pháp và thiện chí.
Tuy nhiến trước diễn biến mau lẹ của tình hình, thiết
nghĩ chúng ta cũng không thể chủ quan mà phải chuẩn bị các phương án đề phòng,
bởi lưỡi không xương thì nhiều đường uốn éo. Không thể để bất ngờ trong mọi
tình huống.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Khi-luoi-khong-xuong-post164044.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét