Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ






Tác giả: Lâm Tài Thạnh

Sáng Chủ nhật đầu năm 2010, mới 5 giờ sáng mà điện thoại reo vang! Làm ca đêm về mới vừa thiếp đi mà bị điện thoại quấy rầy tôi hơi bực mình nhấc máy:
_ Alô, ai đó, có việc gì mà gọi giờ này?
_Em đây ông thầy, em là Sơn tiếp liệu Đại Đội 1 của ông thầy đây.
Nghe người gọi là Hạ Sĩ Sơn tiếp liệu đại đội ngày xưa, tôi tỉnh ngủ ngay, thày trò ôn chuyện xưa miên man, bao khuôn mặt cũ hiện ra như đang cùng đồng đội hành quân vào Đức Cơ qua Darkto tiến ra Cồn Tiên v.v.. Sau khi dứt điện thoại với Sơn, tôi ngồi viết chuyện buồn vui về Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên.

Ngày 23 tháng 10 năm 1964, trên 1000 Sinh Viên Sĩ Quan khóa 17 trường Bộ Binh Thủ Đức làm lễ mãn khóa với cấp bậc chuẩn úy. Trong buổi lễ mãn khóa, có biểu diễn của Không Quân, nhưng chẳng may trục trặc kỹ thuật, một phi cơ rơi và phi công tử nạn! Sự việc đáng tiếc này làm không khí buổi lễ mất vui, u ám với những dị đoan bi quan vế tương lai cho toàn thể tân sĩ quan khóa 17/TĐ.
Tại hội trường rộng lớn, các tân sĩ quan tập họp để lựa chọn đơn vị gồm các sư đoàn BB, BĐQ, ND, TQLC. Chưa bao gờ không khí quân trường lại vui và náo nhiệt như thế nhưng cũng không kém phần hồi hộp, đó là giờ phút lựa chọn đơn vị. Mong sao lựa được đơn vị mình hằng mong ước, dù sau này khi ra đụng thức tế ngoài chiến trường thì chưa biết “Sẽ ra sao ngày sau”?.
Khi ban tuyển mộ TQLC tuyên bố tân sĩ quan nào tình nguyện về phục vụ Binh Chủng TQLC thì cả hội trường ồn ào chuyển động như bầy ong vỡ tổ, chen chúc xô đẩy chạy về khu vực dành riêng cho TQLC để được ưu tiên chọn. Số lượng quá đông, có thể gần 200 tân sĩ quan trong khi nhu cầu tuyển mộ chỉ cần có 37. Cung nhiều hơn cầu nên hai ông sĩ quan tuyển mộ bèn đi đường kén chọn, lựa người cao to, không cần trắng trẻo đẹp zai nhưng vẻ mặt phải “ngầu”. Thế là tôi trúng tuyển, dành được một vé trong số 37 vé VIP này.
Có những anh bị loại bèn mỉa mai những người được chọn:
_ “Cao to thì dễ dính đạn chứ báu gì”.
Thất vọng không được mặc bộ rằn ri thì nói vậy để tự an ủi thôi chứ ai cũng thừa biết rằng súng AK không có mắt, kẻ cầm AK không có tim, đàn bà, trẻ em thường dân vô tội mà chúng còn “phơ” thì đâu có phân biệt nhỏ to, đâu cần lựa chọn người cao thấp, xấu đẹp mà lại là người đi tìm chúng mà diệt.
Sau hai tuần nghỉ phép mãn khóa, chúng tôi về trình diện BCH/TQLC tại trại Cửu Long Thị Nghè. Đại Úy Nguyễn Ngọc Vinh hướng dẫn chúng tôi vào trình diện Tư Lệnh, Đại Tá Lê Nguyên Khang, ông hiểu thị về danh dự và trách nhiệm của quân nhân TQLC, chúc mọi người thành công trên đường binh nghiệp. Sau đó chúng tôi được phân chia về các Tiểu Đoàn 1, 2, 3, 4 và 5, TĐ.5 đang trong giai đoạn thành lập.
Trưa ngày 10 tháng 11 năm 1964, 5 chuẩn úy chúng tôi gồm Ninh, Nhẫn, Hân, Dũng và Thạnh trình diện BCH/TĐ.2/TQLC tại Tam Hà trong căn nhà lầu 2 tầng xây theo kiểu Pháp, nẳm chơ vơ giữa những mảnh ruộng trồng rau muống. Thiếu Úy Nguyễn Văn Diễn và Trung Sĩ Phiên, B1/TĐ, hướng dẫn chúng tôi đến trình diện Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Hoàng Tích Thông. Sau khi ông chỉ thị một vài điều cần thiết, chúng tôi được phân phối về các đại đội. Lâm Tài Thạnh về Đại Đội Chỉ Huy của Trung Úy Khái và làm phụ tá Ban 3 cho thiếu Úy Đặng Bá Sơ, một niên trưởng K12TĐ. Hai tuần sau, tiểu đoàn nhận lệnh tăng phái cho SĐ.22/BB để hành quân vào thung lũng An Lão, Bồng Sơn, Quy Nhơn.
Trong lúc chuẩn bị lên đường thì bất ngờ một tai nạn xảy đến với Thiếu Úy Sơ, ông được chở ngay đi bệnh viện cấp cứu nhưng không may, ông đã từ trần! Thế là tôi trở thành trưởng ban 3 bất đắc dĩ, nhưng nhờ sự chỉ bảo của tiểu đoàn trưởng và được các hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm giúp nên mọi việc cũng ổn, cuộc hành quân vào thung lũng An Lão không đụng lớn nên tôi không gặp rắc rối. Nhưng sau cuộc hành quân này, nhận thấy không thích hợp với tham mưu, tôi xin ra đơn vị tác chiến và được chấp thuận. Đơn vị đầu đời binh nghiệp mà tôi cầm súng chiến đấu là Đại Đội 1/TĐ.2/TQLC. ĐĐT là Trung Úy Phạm Nhã, ĐĐP là Thiếu Úy Phạm Dương Đạt (k17VB), anh là “sư phụ” đầu đời binh nghiệp của tôi.
Trận chiến đầu đời thực sự xảy ra là đêm 8 tháng 4 năm 1965 tại ấp Phụng Dư, xã Tam Quan, quận Bồng Sơn. Đã 45 năm rồi mà tôi còn như nghe tiếng gọi của B1 Lâm Khâm, phụ xạ thủ đại liên 30:
_ Thiếu úy lấy cho em thùng đạn và kiếm nước giải nhiệt cho gà cồ.

“Gà cồ” là cây đại liên 30, bắn nhiếu quá lòng súng nóng đỏ lên phải đổ nứơc vào cho nguội bớt đi thì đạn đạo mới chính xác. Tiếng Việt lơ lớ giọng Miên của Lâm Khâm bị mất hút trong tiếng nổ xé gió của AK, của thượng liên Đông Đức, súng cối 82 ly của VC đang tấn công vào vị trí ĐĐ.1 và BCH/TĐ. Không thấy xạ thủ đại liên đâu tôi hét lên hỏi Lâm Khâm:
_ Hạ Sĩ Mến xạ thủ đâu?
_ Nó bị thương đang nằm trong góc giao thông hào kia kìa ông thầy.
_ Nhớ bắn từng chặp 3 viên một, khoảng 15 viên thì di chuyển vị trí, tao chạy đi lấy đạn và nước rồi sẽ trở lại ngay.
_ Nhận rõ “thiếu úy”. (ở đơn vị anh em quen gọi th/u thay vì ch/u).
Ấp Phụng Dư là một ấp nhỏ, lèo tèo vài căn nhà lá nằm dưới các hàng dừa cao vút, nhận thấy địa thế không thuận lợi cho việc phòng thủ nên ĐĐ.1 đã cố gắng đào giao thông hào làm tuyến phòng thủ. Nửa đêm về sáng VC tấn công với tiền pháo hậu xung, cối 61, 82 ly, xung phong với AK, B40, B41, những loại vũ khí mới đem sử dụng ở chiến trường miền Nam trong khi quân ta còn dùng garant M1, trung liên Bar, đại liên 30, skz 57, cối 60, 81. Từng đợt, từng đợt xung phong liều chết của bọn thiêu thân Trung Đoàn 2/SĐ.3 Sao Vàng vào vi tí phòng thủ của của ĐĐ.1, có những lúc phòng tuyến đại đội tưởng như muốn bị chọc thủng! Nhưng nhờ ý chí chiến đấu dũng cảm, linh hoạt trong giao thông hào nên ĐĐ.1 đã cầm cự sau hơn 5 giờ, đồng thời nhờ các đại đội 2,3,4 tiếp viện nên địch đành phải rút lui khi trời sắp sáng. TĐ.2 đã chiến thắng vô cùng xuất sắc, bắt sống 10 tên, thu hơn 100 vũ khí cộng đồng và cá nhân, hơn 150 xác địch bị bỏ lại (trích Trận đánh Phụng Dư của NT Hoàng Tích Thông trong tuyển tập 2 TQLC).
Đây là trận chiến thử lửa gay cấn đầu đời binh nghiệp của tôi, tôi được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao bạc, nhưng điều quý giá hơn là tôi học hỏi được nơi Tr/úy Phạm Dương Đạt kinh nghiệm thực tế tại chiến trường, kinh nghiệm được đổi bằng máu và nước mắt, nhờ vậy mà sau này tôi có được những đường lối hành động hợp tình hợp lý khi chỉ huy, cám ơn NT Đạt.
Sau trận Phụng Dư, TĐ.2 có một thay đổi nhỏ là Tr/Úy Nguyễn Xuân Phúc coi Đại Đội 4 thay cho Đ/Úy Ngô Văn Định, ông được thuyên chuyển giữ chức vụ cao hơn. Riêng ĐĐ.1 thì có thêm Ch/Úy Nguyễn Xuân Quang, k19/TĐ. Tôi được lệnh bàn giao trung đội súng nặng cho Quang để thay thế anh Đạt cói Trung Đội 3
Bốn tháng sau, ngày 9 tháng 8/65, Chiến Đoàn A/TQLC, dưới quyền điều khiển của Trung Tá Chiến Đoàn Trưởng Nguyễn Thành Yên, gồm các Tiểu Đoàn 2 và 5/TQLC, Thiết Giáp, BĐQ tham dự cuộc hành quân giải tỏa địch đang bao vây trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ. Khoảng 2 giờ chiều, khi tiểu đoàn BĐQ tùng thiết vừa qua khỏi ngã ba Lệ Thanh thị bị VC chặn viện tấn công, hai chiến xa đi đầu bị B40 bốc cháy, BĐQ phải cận chiến với VC và bị thiệt hại nặng. ĐĐ.1/TĐ.2 được lệnh tiếp viện cho BĐQ, trung đội tôi được lệnh tiến chiếm và bảo vệ vị trí nơi TG và BĐQ vừa đụng để đơn vị bạn đến di tản những quân nhân bị tử thương.
Mặt trời dần ngả về dẫy núi phía Tây, nắng chiều lẫn vối khói bom đạn tạo thành một màu vàng úa nhuộm cả một vùng đồi núi đang ầm ì tiếng bom, đạn 105 ly xé gió vút qua đầu, hỗn chiến đang còn tiếp diễn quanh đây. Cầm bịch gạo xấy vừa đổ nước lạnh, trộn thêm hộp thịt ba-lát vốn dĩ đã không hấp dẫn lại càng khó nuốt khi quanh tôi những tử thi địch và ta không nguyên vẹn nằm bên nhau đủ kiểu! Vừa mới vài phút trước đây, họ cỏn là đối thủ không đội trời chung, chí trong chớp mắt, một tiếng nổ, họ nằm bất động bên nhau không còn hận thù, “RIP”! Chừng nào tới phiên tôi đây? Đoạn đường ai có qua cầu mới hay, hay rồi thì không biết gì nữa. chỉ còn cha mẹ vợ con biết đã mất một người thân yêu.
Lúc 1 giờ sáng, VC lại tấn công dữ đội vào tuyến phòng thủ của TĐ.2, nặng nhất là tuyến ĐĐ.4 có chi đội thiết vận xa tăng cường, một số tử thương, trong đó có Th/Úy Khôi và Ch/Uy Sinh. Riêng tôi lại may mắn hơn, vừa khi rời vị trí khẩu 57 ly để điều động tiểu đội bên cạnh thì té sấp vì tiếng nổ B40, quay lại nhìn qua khói bụi mịt mù cũng đủ nhận ra Hạ Sĩ Lâu, khẩu đội trưởng 57, nằm bất động không toàn thây, còn B1 Điền và B2 Hạnh thì đang lăn lộn rên la!
Tôi được ADBT ngôi sao vàng sau trận Đức Cơ, chỉ trong một thời gian ngắn, một chuẩn úy vừa nhập cuộc chiến đã có một Bạc, một Vàng thì đủ hiểu TĐ.2/TQLC vất vả vì có số “Sát Cộng” như thế nào. Nhưng đã chọn đúng đường đi, tương lai “không xanh cỏ thì đỏ ngực”, đỏ ngực vì máu hay vì chiến thương bội tinh cũng thế thôi, đường ta ta cứ đi.
TĐ.2 tiếp tục “được” tăng phái cho Quân Khu 2, nhất là cho Biệt Khu 24, chiến trường luôn sôi động quanh 2 tỉnh Pleiku và Kontum. Những địa danh khó nuốt với trận chiến ác liệt đẫm máu khó quên như Dakto, Daksut, Cheo-Reo, Tân-Cảnh, đèo Mang-Yang, Chu-Pao. Quân CSBV luôn ẩn hiện trong vùng rừng núi ngút ngàn, mây mù bao phủ, gió hú ngày qua ngày. Địa thế và thời tiết luôn gây khó khăn cho quân ta về tiếp tế và phi pháo nhưng lại là “đồng minh” của quân BV. Thời gian tham dự hành quân ở QK2 là những thử thách đáng nhớ cho các trung đội trưởng, đây thực sự mới là trường học về địa hình địa vật liên quan trực tiếp đến mạng sống đồng đội. Rừng núi chập chùng, đồi cao nhấp nhô, các trung đội trưởng là những người định điềm đứng đầu tiên, sai một ly, đi một dặm, có khi phải trả giá bằng máu và nước mắt chứ không “à-ơi” như khi học ở quân trường. Cũng may là có các ĐĐT, TĐT dầy dạn kinh nghiệm hướng dẫn chỉ bảo sau mỗi lần chấm tọa độ sai. Cám ơn cách “thử tài” dạy dỗ của các ông thầy.
Dakto
Cuộc hành quân giải tỏa quận lỵ Dakto chấm dứt, quân CSBV rút về bên kia biên giới Việt-Lào, lợi dụng thời gian dừng quân đế tái trang bị và nhận tiếp tế, anh em chúng tôi có những buổi vui chơi vội vã nơi phố núi sương mù “phố núi cao, phố núi đầy sương” nhưng “thiếu bóng đàn bà” để rồi lại vội vã lên đường vào rừng núi, vào “nơi gió cát” vùng Bồng-Sơn, Tam-Quan, An-Lão, Ba-Gia, Mộ-Đức Nghĩa-Hành, núi Thiên-Ấn, sông Trà-Khúc, đầm Trà-Ổ v.v..Nhiệm vụ vẫn thế, súng đạn lên vai, cơm vắt một ngày, một tuần gạo xấy! Cấp chỉ huy lần lượt thay đổi. ĐĐT Phạm Nhã trao ĐĐ.1 lại cho Tr/Úy Phạm Dương Đạt, rồi anh Đạt truyền “ngôi” lại cho bạn đồng khóa 17/VB là anh Trần Kim Hoàng.Tôi nói “truyền ngôi” cũng không quá đáng lắm đâu, ở TQLC với đất chật cao thủ đông thì cái mộng được làm “vua đại đội” đối với những “quan chuẩn” như chúng tôi thật xa vời, những cây đại tùng vẫn còn hiên ngang trước gió bão.
Trong lúc đại đội đang hành quân biệt lập cách tiểu đoàn chừng 5 km và đang phòng thủ chu vi trong một xóm nhỏ thuộc xã Tam Quan thì một hôm chúng tôi theo dõi và bắt được một thiếu nữ trong một căn nhà giáp tuyến đóng quân của Trung Đội 14 và Trung Đội 16 khi cô này khai đã chuyển sơ đồ vị trí đóng quân của ĐĐ.1 ra ngoài cho du kích địa phương. Nên nhớ dân vùng Tam Quan thời đó đa số có thân nhân “nhảy núi” (theo VC) và sử dụng mỹ nhân kế để thâu thập tin tức hoặc dụ anh nào thích ngọt ra xa để thịt. Chúng tôi báo sự việc này lên đại đội trưởng, anh Trần Kim Hoàng cho lệnh các trung đội kiểm soát lại vũ khí và vị trí phòng thủ, tăng cường gài mìn bẫy tối đa, đặt các toán tiền đồn, mật khẩu mật hiệu thay đổi ngay và chỉ phổ biến khi các toán tiền đồn xuất phát.
Mọi quân nhân ngủ ngay tại giao thông hào trên tuyến phòng thủ, các trung đội trưởng gồm Th/Úy Chung Văn Nghiêm, Ch/Úy Lâm Tài Thạnh, Lâm Văn Xuân, Nguyễn Xuân Quang phải thường xuyên kiểm soát. Với một mớ kinh nghiệm không nhiều nhưng chúng tôi đã khá quen và thuần thuộc về tấn công và phòng thủ, tuy tình hình khá nguy hiểm nhưng tinh thần chúng tôi không căng thẳng, đáng lẽ ra là phải thay đổi vị trí đóng quân ngay, nhưng anh Hoàng và các trung đội trưởng chúng tôi chọn giải pháp phòng thủ tấn công địch khi chúng tự mò về nạp mạng thay vì mỗi ngày cứ đi tìm và lùng sục khắp nơi mà chẳng thấy bóng dáng “các anh” đâu!
Hiệu thính viên Nguyễn Văn Nở vửa gọi tôi chưa kịp nói gì thì trung đội phó là Tr/Sĩ 1 Nguyễn Văn Cương chạy theo giao thông hào đến báo cho tôi biết toán tiền đồn đã rút về an toàn và báo VC kéo về đông lắm. Tôi liếc nhìn đồng hồ, đúng 2.30 giờ đêm, không chậm trễ tôi báo ngay tình hình lên anh Hoàng và cho các trung đội khác biết. Tất cả đã sẵn sàng trên tuyến, sẵn sàng mở khóa an toàn.
Vẫn thói tiền pháo hậu xung, sau vài đợt “ục-ục” tiếng cối 61 pháo kích là tới tiếng B40, B41, thượng liên Đông Đức và AK, đó là lúc chúng bắt đầu tấn công, những trái B40, B41 trúng thân các cây dừa trước tuyến nghe chói tai. Lính tác chiến chuyên nghiệp hẳn hiểu rõ phải làm gì, ban ngày tìm hoài không thấy, nay ban đêm chúng dẫn xác về nạp mạng! Bãi lựu đạn gài trong khu nghĩa trang trước tuyến Trung Đội 16 của tôi liên tục nổ chát chúa, cây trung liên Bar của B1 Phạm Cư cứ theo nhịp 3 viên một từng chặp từng chặp, Lại thêm hỏa lực yểm trợ cận tuyến của pháo đội đại bác 75 ly đóng trên Đồi Mười nên VC đành phải bỏ xác đồng đội lại để rút lui vào lúc gần sáng, tính ra hai bên súng nổ kéo dài chửng 3 giờ đồng hồ. Hậu quả là cháu ngoan ba-ác Hồ bỏ lại 20 xác tại bãi lựu đạn trong khu nghĩa trang, trước mặt xạ thủ trung liên Bar của Phạm Cư là 7 chú, tổng cộng trên toàn tuyến của ĐĐ.1 đếm được 45 xác và 30 vũ khí đủ loại.
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, Đại Đội Trưởng Trần Kim Hoàng mỉm cười vuốt sợi râu mọc dài từ nốt ruồi dưới cằm và ra lệnh thu gom xác địch vào sân đá banh kế bên trường học rồi xin xe ủi đất đào hố chôn 45 “đồng chí” sao cho mồ yên nhưng mả thì không đẹp.
Theo đúng bài bản, khi vị trí bị lộ là phải “mu” ngay, nhưng anh Hoàng và chúng tôi quyết định thử lửa chơi trò “gậy ông đập lưng ông” nên mới tóm gọn 45 chú, còn chúng mang đi bao nhiêu thì ai mà biết, chúng tôi lính tác chiến thật sự thì rất ghét cái trò báo cáo “có hằng trăm xác địch được đồng bọn mang theo” (!). Không biết chính xác lực lượng địch, nhưng căn cứ trên số xác bỏ lại và vũ khí sử dụng thì ít nhất chúng phải là cấp tiểu đoàn. Sau trận này anh em ĐĐ.1 được ân thưởng xứng đáng, anh Hoàng đề nghị thăng cấp đặch cách thiều úy cho tôi và khi về đến hậu cứ là tôi nhận được quyết định do Ban 1 đưa.
Tháng 11/1965, Thiếu Tá Lê Hằng Minh thay thế Th/Tá Hoàng Tích Thông. đồng thời TĐ.2/TQLC được bổ sung 5 thiếu úy Khóa 20 VBĐL gồm Nguyễn Quốc Chính, Phạm Văn Tiền, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Quang Minh và Hòang Như Liêm. Minh và Liêm về ĐĐ.1 với chúng tôi. Hai tuần sau, TĐ.2 thay thế ND để bảo vệ vòng đai thủ đô Saigon, trong cuộc hành quân ven đô ở Tân Thuận Đông, xã Long Kiển thì Th/Úy Nguyễn Quang Minh tử trận trong khi anh còn đi OJT! Sự ra đi quá sớm của Th/Úy Minh là một nỗi buồn của lớp sĩ quan trẻ cùng trang lứa và thấm thía với câu “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, bởi vì những ngày tháng sau đó thì Hoàng Như Liêm bị trong thương, trở thành người “chân thật, chân giả” rồi giã từ vũ khí! Còn Kiệt và Chính thì lần lượt hy sinh vì Tổ Quốc? Chẳng phải ai cũng coi “cái chết nhẹ tựa lông hồng”, nhưng sông chết đối với linh tác chiền sao mà nhanh thế, không ngac nhiên nhưng qua thảm thương, “kiếm củi 2 năm thiêu một giờ”, 5 anh thì đi đứt 3, loại khỏi vòng chiến 1, chỉ còn lại 1!
Khoảng tháng 3/1966, TĐ.2 dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Lê Hằng Minh, hành quân lục soát vùng Tam Quan Bồng Sơn, vẫn lại cái vùng du kích đông và dai như đỉa đói, khi tiến chiếm mục tiêu là ấp chiến lược An Quý thì bị VC bố trí sẵn trong giao thông hào quanh ấp chiến lược, bên ngoài có hàng rào kẽm gai, bắn xối xả vào ĐĐ.3 đi đầu đang dàn quân giữa đồng trống, không còn cách nào hơn là TQLC phải ào ạt xung phong thẳng vào chiếm mục tiêu, nhưng ĐĐ.3 và ĐĐ.2 vẫn bị cầm chân ngay bờ rào ấp chiến lược, Tr/Úy Nguyễn Ngọc Điệp ĐĐT/ĐĐ.3 (K17VB) đã hy sinh!
Đại Đội 1 đang làm trừ bị liền được tiểu đoàn điều động bọc hông đánh vào sườn phải của VC, trung đội 14 của Th/Úy Hoàng Như Liêm và trung đội 16 của tôi dàn hàng ngang xung phong chiếm đoạn giao thông hào hắc-ám (mà khi chiềm được rồi mới biết xác VC bị xích chân vào gốc dừa) khiến Hoàng Như Liêm bị trọng thương (sau này bị cưa chân) và 2 binh sĩ tử thương ngay khi vừa xung phong, nhưng những người khác thì cứ hét tướng lên “xung phong” khiến lực lượng VC ở kháng tuyến chính nao núng rồi phân tán, đó là thời điểm “VC bị lưỡng đầu thọ TQLC”, ĐĐ.2 và ĐĐ.3 ào lên như nước vỡ bờ, chiến trường được giải quyết khi trời vừa sập tối. Trong trận này tôi được ADBT với ngôi sao đồng.

Cầu Bồng Sơn – 1967
Tháng 6/1966, sau khi ổn định vụ biến động miền Trung tại Đà Nẵng và Huế, Chiến Đoàn B gồm TTĐ.1 và TĐ.2 tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 283, từ Gia Đẳng 1 đến Gia Đẳng 2, dồn TĐ/808 VC vào ngã ba sông Định, Bích La thôn, và diệt gọn chúng tại đây, (Th/Uy Nguyễn Tuấn Kiệt tử trận tại GĐ). Sau đó Chiến Đoàn A về Huế tham dự mừng chiến thắng. Sau đó thì TĐ.1 xuôi Nam tăng phái cho SĐ.22/BB tại QN, TĐ.2 tiến Bắc tăng phái cho SĐ.1/BB tại QT.
Sáng 29/6/1966 TĐ.2/TQLC di chuyển ra QT bằng quân xa trên QL1 theo thứ tự các Đại Đội 1, 2, CH, 3,4. Khi đến cây số 17 thuộc Quận Phong Điền thì bị phục kích khiến TĐ.2 bị tử trận 42 người, trong đó có Anh Cả Lê Hằng Minh!
Cố Trung Tá Lê Hằng Minh
Sau khi tham dự vào việc ổn định tình hình xáo trộn tại ĐN và Huế của những kẻ “buôn thần bán thánh”, TQLC chịu hai thiệt hại lớn với nhiều nghi vấn;
1/ TĐ.5/TQLC chuẩn bị ngày hôm sau về hậu cứ để bổ sung và tái trang bị thì bị sư đoàn được tăng phái “vắt chanh” thêm một ngày nữa để hành quân lục soát (!) một xóm làng tại Mộ Đức, QN! Một đơn vị tổng trừ bị mà dùng chỉ để hành quân lục soát thôi ư? Đó là nhiệm vụ của địa phương. Và rồi TĐ.5 bị đưa vào thế trận đã sắp sẵn, và TĐ.5 bị thiệt hại nặng nề, Tiểu Đoàn Trưởng tử thương.
2/Sáng 29/6/1966, TĐ.2 di chuyển bằng quân xa từ Huế ra Quảng Trị và đã bị lọt vào thế trận phục kích xe ngay trên QL1 tại cây số 17, gây cho Anh Cả Lê Hằng Minh tử trận cùng 41 quân nhân các cấp, chưa kể 95 người bị thương.
TĐ.2 di chuyển theo thứ tự Đại Đội 1, 2, ĐĐCH, 3, 4. Tôi, Lâm Tài Thạnh, Trung Đội Trưởng TĐ.16/ĐĐ.1 đi xe đầu tiên của đoàn xe, ngồi chung với tôi có Tr/Úy Tài ĐĐP, đi trước xe tôi là xe Jeep của trưởng đoàn quân vận, có nhiệm vụ hướng dẫn và duy trì vận tốc đoàn xe. Khi xe chúng tôi đi qua cầu Phò Trạch khoảng hơn 2 km thì bỗng dưng tôi thấy xe Jeep phía trước bật đèn pha và chạy thật nhanh. Tôi quay sang nói với Tr/Úy Tài: “Coi kìa xe jeep kia “pha-cốt” làm gì? Tại sao Jeep dẫn đầu mà lại chạy nhanh thế? Vừa dứt câu thì nghe ì ầm súng nổ, đoàn xe phía sau bốc cháy. Biết là đoàn xe bị phục kích, nhưng ĐĐ.1 đi đầu đã lọt ra ngoài tuyến phục kích của VC nên anh Trần Kim Hoàng ra lệnh tất cả xuống xe, chiếm cao điểm và đánh ngược trở lại để tiếp ứng BCH.
Trong bài viết này tôi không đi vào chi tiết trận TĐ.2 bị phục kích mà chỉ đưa ra những điều bất thường, đầy nghi ngờ như sau:
_Lực lượng VC đông phục kích đoàn xe di chuyển cấp tiểu đoàn dài gần 3 km, chúng di chuyển đến và dào hầm hố ngay sát QL1, tại cây số 17 ở một địa thế trống trải, rất gần Huế mà tình báo địa phương không hề hay biết? Đoạn cuối tuyến phục kích nằm gần đồn nghĩa quân giữ cầu Phò Trạch trên QL1 mà đồn này không hề hay biết?
_ Lệnh di chuyển cho TĐ.2 bị hoãn lại một ngày mà không có lý do.
_ Buổi sáng trước khi TĐ.2 di chuyển ra QT thì đã có một đoàn xe của HK di chuyển từ QT vào Huế trên QL1 này.
_Tại sao xe jeep của trưởng đoàn xe có nhiệm vụ duy trì tốc độ cả đoàn xe lại bật đèn pha rồi nhân ga vọt nhanh đúng vào lúc mọi vũ khì cộng đồng từ sườn đồi cao phía Tây QL khai hỏa vào đoàn xe, rồi quân phục bên đường xung phong lên. Chính tên trưởng xa đoàn quân vận này đã “bật đèn xanh” ra lệnh cho VC nổ súng. Nhưng xét cho cùng thì hắn chỉ là một trưởng đoàn xe mà thôi. Đàng sau hắn phải là một thế lực đen tối, một giới chức cao cấp nội tuyến, ly khai đem bán TĐ.2!
_ Trong số các tử thi của VC để lại trên trận tuyến, có một số bị nhận dạng là quân nhân ly khai trong vụ biến động miền Trung với bàn thờ Phật “xuống đường” theo lệnh của Thích Trí Quang.
Chỉ trong vòng hơn nửa tháng mà hai tiểu đoàn TQLC từng gây tan nát cho VC tại QK1và trị yên bọn phản loạn miền Trung thì cả hai đơn vị này đều bị thiệt hại nặng, cả hai tiểu đoàn trưởng đều tử thương ngay trên chính mảnh đất mà TQLC được tăng phái đến để giúp sương máu cho họ. Thật là mỉa mai và đau sót vì bị đâm từ sau lưng.

Niên trưởng Lê Hằng Minh là một cấp chỉ huy tài đức vẹn toàn, sống hòa đồng cùng thuộc cấp. Chúng tôi, những hậu sinh của Tiểu Đoàn Trâu Điên mãi mãi tưởng nhớ đến Anh, người Anh Cả khả kínhcủa tiểu đoàn.
Ngô Văn Định
TĐ.2/TQLC đón nhận vị tân tiểu đoàn trưởng ngay trong ngày tại mặt trận là niên trưởng Ngô Văn Định và ông dẫn tiểu đòan về trung tân huấn luyện Vạn Kiếp (Vũng Tàu) để tái trang bị, bổ sung và huấn luyện và rồi TĐ.2 lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ tìm và diệt địch xung quang Cồn Tiên, C1, C2, C3 với mùa Đông mưa gió giá buốt, mùa Hè cháy da. Chưa xong thì lại lui về Trường Sơn với địa danh quen thuộc An Lão, Tam Quan, đụng “cố tri” SĐ.3 Sao Vàng BV hoặc tiếp viện khẩn cấp cho các đơn vị bạn đang bị đụng nặng trên khắp bốn vùng chiến thuật. Là đơn vị tổng trừ bị chúng tôi thật hãnh diện với những nhiệm vụ này, nhưng cũng rất phiền, rất chán khi nơi xin TQLC đến chỉ làm nhiệm vụ lục soát thay cho lực lượng địa phương được nghỉ ngơi! Và những lần như thế thì người “có-chức”, có thẩm quyền của địa phương mà TQLC bị tăng phái đến thì họ tha hồ sắn tay áo “vắt chanh” cho đã tay, cho cạn kiệt!
Sau khi TĐ.2 bị phục kích xe tại Phong Điến Huế, ngoài tân tiểu đoàn trưởng thì còn có sự thay đổi khác: NT Nguyễn Xuân Phúc giao ĐĐ.4 lại cho anh Trần Văn Hợp để lên giữ nhiệm vụ TĐP (Đ/Uy TĐP Nguyễn Văn Hay (Hai Chùa) về phòng thanh tra SĐ). Anh Trần Kim Hoàng giữ ĐĐCH và bàn giao ĐĐ.1 lại cho anh Nguyễn Kim Đễ. Một thời gian sau, khoảng 1967, anh Phúc đi nhận nhiệm vụ mới, anh Đễ thay thế chức TĐP. Vậy thì ĐĐ.1 sẽ lọt vào tay ai?
Nếu không phải là TQLC, thì tôi có quyền mơ và sờ vào chức vụ này lắm chứ, bởi vì thâm niên và liên tục sống chết với đại đội này từ 64 đến 67. Nhưng với Binh Chủng TQLC thì chưa, chức vụ đại đội trưởng, dù tiểu đoàn trưởng có thương, muốn nâng đỡ thì vẫn phải chờ BTL “coi giò”, thế là tôi hỏng cẳng, chức ĐĐT/ĐĐ.1 lại về tay một ông “thâm” hơn từ ĐĐ.4 qua, mà ông vốn là gốc TĐ.5 bị về TĐ.2 với bút phê không được vui, đó là Tr/Úy Tô Văn Cấp. Bù lại thì NT Đễ đề nghị cho “con gà đá độ” Lâm Tài Thạnh đi học khóa Tác Chiến Trong Rừng Rậm ở Mã Lai (Jungle Warfare School Malaya) trong thời gian 6 tuần lễ.
Thực ra thì học chẳng có bao nhiêu, vì những người đi học khóa này đại đa số là ND, TQLC, BĐQ, các Sư Đoàn BB, là những sĩ quan đã từng tham dự trận mạc, nhiều năm với thực tế chiến trường, kinh nghiệm đầy mình nên được thượng cấp thưởng cho đi “thư dãn” một thời gian để họ khỏi “than dữ”.
Ngày mãn khóa học, trở lại VN, vừa bước chân xuống phi trường Tân Xuân Nhất thì được sĩ quan hậu cứ báo cho biết TĐ.2 vừa đụng nặng tại kinh Cai Thia, quận Cai Lậy, và Tr/Uy Nguyễn Quốc Chính, ĐĐP/ĐĐ.1 đã bị tử thương..
Khi tôi được lệnh đi học Mã Lai thì Tr/Úy Nguyễn Quốc Chính (K20VB) đang là ĐĐP/ ĐĐ.4 được thuyên chuyển qua ĐĐ.1 làm ĐĐP, không ngờ sự việc lại buồn như thế! Nhưng đời lính tác chiến mà. Tôi trở về ĐĐ.1 làm ĐĐP kể từ ngày 4 tháng 1 năm 1968, tính cho sát thì phải hơn 3 năm tôi mới nắm được chức vụ này. Đối với các đại đội trưởng trước thì thâm niên và tuổi tác khá chênh lệch, còn đối với anh Cấp thì chúng tôi sàn sàn tuổi tác và thâm niên nên dễ làm việc hơn, có đôi lúc anh Cấp còn khôi hài nói tôi “thâm” hơn anh. Điều này không sai, nếu thâm niên binh chủng thì tôi hơn anh khoảng một tháng.
Sau trận kinh Cái Thia, đêm hưu chiến 31/12/1967 (!) TĐ.2 tiếp tục hành quân quanh vùng quận Giáo Đức, Cai Lậy, mở rộng vòng đai an ninh dể cho dân chúng chuẩn bị vui xuân Mậu Thân 1968. Sau khi kiểm soát tuyến đóng quân theo lệnh đại đội trưởng, tôi nghĩ “ông này” có vẻ kỹ đây thì đệ tử là B1 Nghĩa nói:
_ Tr/Úy, tối nay thầy trò mình ngủ trong nhà, có một cái hầm tốt lắm.
Vùng Cai Lậy Giáo Đức là vùng trũng, đào hầm hố xuống là có nước ngay, nên dân vùng này thường đắp “tăng-xê” nổi trong nhà, trên nắp hầm là ván gỗ dầy để nằm, nếu có súng nổ là lăn vào hầm khô tránh pháo. Tôi hỏi lại Nghĩa:
_ Tr/Uy ĐĐT ngủ ở đâu?
_ Ổng ngủ ngoài vườn, cạnh bờ mương, ổng chuyên vậy không hà.
Tôi mỉn cười nói với Nghĩa, một “ô-đô” cũ thân tín của tôi:
_ Này, cậu tính hại tôi hay sao? ĐĐT căng poncho ngủ ngoài vườn còn ĐĐP thì lại ngủ trong nhà! Thôi mang đồ đạc sang ngủ với Trung Đội 16.
Lúc này ĐĐ.1 gồm có Th/Úy Nguyễn Xuân Quang (K19TĐ) coi Trg Đội 12, Th/Úy Huỳnh Vinh Quang (K22VB) coi Trg Đội 14,Trung Đội 16 là trg đội cũ của tôi, hiện nay do Th/Uy Ngộ K3 đặc biệt nắm, Trung Đội 18 do Ch/uy Hà (mập), còn trung đội vũ khí nặng thì do Thượng Sĩ Lâm Khâm coi. Lâm Khâm chính là B1 phụ xạ thủ đại liên 30 sai tôi đi lấy đạn trong trận Phụng Dư.
Đêm đó VC pháo kích 61 ly vào vị trí đóng quân ĐĐ.1, chẳng may một trái xuyên mái nhà rớt trúng nắp hầm, ông chủ nhà nằm trên đó banh thây! Đúng ra chỗ đó là nơi mà B1 Nghĩa định dành cho tôi, nhưng tại thấy anh Cấp nằm ngoài vườn nên tôi ngại mà né thôi. Số mạng sống chết trong gang tấc.
Sáng 30 cuối năm, tiểu đoàn về đóng quân dọc hai bên bờ sông quận Cai Lậy để anh em “kỳ cọ” đón Xuân. Chiều 30 tết, theo phong tục tập quán của ông bà và nhân dịp “Một chiều hành quân qua thôn xưa, lúc nắng Xuân chưa nhạt màu”, anh Cấp và tôi đi thăm các trung đội và chúc tết. Mừng “ông thầy” cũ trở lại, chia vui với ông thầy vừa né được trái 61 ly, anh em ép làm tôi “quá chén”! Đêm đó VC lại pháo mà tôi có biết trời trăng gì đâu, mọi việc đốc chiến hay phản pháo do một minh anh Cấp lo. Cũng may là VC chỉ pháo chơi thay cho pháo giao thừa, không tấn công nên đại đội không có thiệt hại gì.
Chưa kịp vui Xuân thì lệnh cuốn gói gấp được ban hành, cuộc hành quân trực thăng vận về giải cứu Thủ Đô Saigon, trực thăng Chinook ào ào đến bốc rồi vụt bay đi, để lại nhiều vấn vương lưu luyến với dân địa phương :“Trâu Điên dễ thương quá!” nên sau này đã có một số cô về làm dâu họ nhà Trâu.
TĐ.2 đổ quân xuống BTTM, ngay sân cờ trước dinh của Tổng Tham Mưu Trưởng, các đại đội được chia ra từng mục tiêu riêng, ĐĐ.1 giải tỏa địch khu vực phòng Tổng Quản Trị, khu ấn loát, trường Sinh Ngữ Quân Đội, địch chỉ là những tên đặc công cố bám trụ để chờ quân tiếp viện và chờ “dân chúng tổng nổi dậy” như VC đã tuyên truyền, vì thế tuy quân số chúng ít nhưng không dễ gì thanh toán. Nhưng cuối cùng thì cũng vẫn bị TQLC diệt gọn hoặc bắt sống.
Trong suốt thời gian tết Mậu Thân, các đại đội TĐ.2/TQLC thường được tăng phái cho Biệt Khu Thủ Đô, Tổng Nha Cảnh Sát v.v, Đại Đội 1 được biệt phải chạy theo xe của ông “Sáu Lèo”, ông là Không Quân, làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát nên ông đánh giặc theo lối “tài tử”, nghe ở đâu có VC là ông lên xe jeep phóng đi trước với một ít Cảnh Sát Dã Chiến, còn đại đội TQLC thì chạy theo sau, đến mục tiêu ông cũng nón sát áo giáp ôm súng đi trước trong khi TQLC đang xuống xe thì đã nghe “cắc-bù”, ông bị bắn vào chân trong con hẻm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm giữa cầu xa lộ Phan Thanh Giản và đài phát thanh PĐP.
TĐ.2/TQLC là đơn vị hành quân lâu nhất, gần 10 tháng, trong lòng thủ đô SG và vòng đai, gặt hái nhiều chiến công, nhưng điều đáng nói là dân thủ đô phải cảm phục. Phải công nhận một điều là tinh thần chiến đấu và giữ gìn quân phong quân kỷ của quân nhân TĐ.2 trong thời gian tham chiến tết Mậu Thân tại Saigon rất cao, gần như hoàn hảo nên đã tạo được sự quý mến và thương yêu của người dân thành phố mà trước đó thường có ý nghĩ thiếu thân thiện.
Riêng ĐĐ.1 được Đại Bàng Đồ Sơn giao cho “trấn thủ” bưu điện trung ương và đài phát thanh Phan Đình Phùng trong thơi gian dài hơn một tháng, NT Cấp dẫn đại đội trừ về thủ đài phát thanh, một nơi vắng vẻ còn giao cho tôi và 2 trung đội phải giữ bưu điện, xin nghe anh ĐĐT kể lại chuyện xưa:
“Bưu điện trung ương ở ngay trung tâm Saigon, sát bên là BTL/SĐTQLC, trước mặt là dinh Độc Lập, cả 2 nơi đều có “Mặt Trời” ngự trị nên thời tiết nóng quá! Nóng quá! Đối diện ngay trước mặt là Vương Cung Thánh Đường, là “ một nơi dễ tìm thấy thiên đường” như tựa truyện của nhà văn Phú-Phét. Điều nguy hiểm hơn nữa là giai nhân dập dìu trên phố, dạo quanh công trường Hòa Bình, ra vô bưu điện cả ngày, nói theo truyện Kiều là “ngổn ngang gò đống kéo lên”, phụ nữ đẹp đi qua trước mặt lại còn nháy mắt khiến các anh Trâu Điên muốn phát điên, toan huýt sáo, nhá tín hiệu hẹn hò nhưng lại sợ! Thân trâu chẳng chợ lấm bùn, nhưng sợ BTL, lỡ tiếng huýt sáo ghẹo gái lọt đến tai “ngài” thì chỉ có thác! Thôi thì Trâu Điên ĐĐ.1 chỉ còn biết ngước mặt lên trời, nhe răng cười cho hạ hỏa chứ biết làm sao bây giờ! Sau hơn một tháng sống trong vòng lửa của Tướng, Vua, Chúa mà hai trung đội của Th/Úy Quang và Ngộ không có ai “bị thương” là nhờ khả năng chỉ huy và tài tâm lý của Lâm Tài Thạnh, phần thưởng cho anh là dân chúng quanh vùng thương yêu Mũ Xanh” (trích: NT VK/TQLC của TVC).

Tôi đã là trung đội trưởng của các anh Phạm Dương Dạt, Trần Kim Hoàng, Nguyễn Kim Đễ và là ĐĐP cho anh Cấp, mỗi anh một vẻ, vui nhiều mà buồn cũng không thiếu, nhưng tất cả chỉ vì công vụ mà không vì cá nhân. Chuyện cá nhân là đi với anh Cấp thì được ăn cà pháo mắm tôm, riêu cua canh rau đay và giả cầy, nhưng “cờ tây” thiệt thì tôi chịu thua, bù lại, chuyện tình thời loạn ly Mậu Thân 68 và hôn nhân vào năm 1970 của tôi là kết quả do anh Cấp giao nhiệm vụ trấn thủ bưu điện, một nơi “khó khăn” cho tôi, mãi đến bây giờ nhắc lại vẫn thấy vui.
Đồng thời đồng tuổi nên chúng tôi sống thân mật và bình dân với nhau hơn nên dễ dàng cùng nhau đồng ý trong việc điều quân, thường xin yểm trợ hỏa lực tối đa mỗi khi phải chiếm MT bằng “mọi giá” trong khi cái giá sinh mạng của đồng đội là không có gì so sánh được. Chúng tôi và các trung đội trưởng luôn tìm chiến thuật ít thiệt hại nhất, một khi không còn cách gì hơn thì anh em cùng nằm chung một tuyến, “chung lưng đấu địch”.
Sau hơn 9 tháng sàng lọc, tát ao bắt VC, đem thanh bình cho người dân thủ đô SG tiếp tục xập xình với đèn đỏ đèn xanh thì anh Trâu Điên lại tiếp tục lên đường “mười hai tháng anh đi” về rừng núi Tây Ninh, mật khu Hố Bò, Bời Lời, Cầu Khởi, Khiêm Hanh v.v..TĐ.2 dưới quyền điều động của Đồ Sơn đã đánh tan Trung Đoàn 33 CQBV và Tiểu Đoàn 14D chủ lực Tây Ninh. Trong cuộc hành quân này ĐĐ.1 chúng tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đáng hãnh điện.
Khi còn ở Saigon, trong hơn một tháng, ĐĐ.1 được giữ bưu điện và đài phát thanh, sáng sáng café đen, trưa phờ, tối cơm sườn thì các đại đội 2,3,4 của các niên trưởng Đinh Xuân Lãm, Trần Kim Đệ, Trần Văn Thương, Vũ Đoàn Dzoan sắn quần lội sình đi lùng địch trong khu cù lao Thanh Đa, Bình Quới đến chiều trở về thì nước đã dâng lên tới cổ! Xướng khổ khác nhau, cho nên khi từ biệt SG, tới Khiêm Hanh là ĐĐ.1 lãnh ấn tiên phong, nhảy diều hâu vào vùng Cầu Khởi.
Lệnh Đồ Sơn cho ĐĐ.1 trang bị nhẹ, vũ khí nặng để lại chỉ nhẩy với 3 trung đội tác chiến 90 người thôi, chạm địch thì cầm cự để tiểu đoàn nhẩy xuống diệt. Vì là hành quân tìm địch nên không có cô Loan.19 đi theo, không PB dọn bãi, yếu tố bất ngờ là ưu tiên. LZ hình chữ nhật, không rộng nhưng khá dài, khi chân vừa chạm đất là ĐĐ.1 xung phong vào bìa rừng ngay, dù có dịch hay không, đó là bài học vỡ lòng của MX mỗi khi nhẩy trực thăng. Bình an vô sự nhưng khi xác định vị trí thì mới biết trực thăng đổ quân sai, mục tiêu đầu bãi, nó đổ cuối bãi, cách nhau gần km chứ ít sao! Ổn định đội hình, tam giác ngược đi trước và men theo bìa rừng tiến về phía mà trên bản đồ có chữ MT khoanh tròn bằng viết chì mỡ màu đỏ, tiến được 2/3 đoạn đường thì súng nổ, hai trung đội đi đầu dàn hàng ngang bố trí theo từng gốc cây su ngay, và chẳng mấy chốc “rừng lá thấp” phía trước rung động và di chuyển bao chúng tôi lại, chúng tôi đang bị TĐ 14D bao vây. Như vậy là tin tình báo chính xác, chỉ có trực thăng đổ sai MT thôi, nhưng nhờ đổ sai vị trí nên anh em ĐĐ.1 đã không lọt vào “thềm bắn”, không là những tấm bia đi động khi dịch đã điều chỉnh biểu xích và “thế bắn nằm thủ thế”.
Bài viết này không có mục dích diễn tả lại chi tiết các trận đánh nên chúng tôi chỉ xin lướt qua và mời đọc giả nghe thẩm quyền của chúng tôi tâm sự:
_ “Như vậy là chúng tôi bị lọt vào vòng vây của TĐ.14D, chúng đang điều động ép vào cánh của Thạnh đang ôm sát các cây cao su khiến các gốc sao su muốn chảy mủ, và chảy thật, đạn hai bên trao đổi qua lại ù tai, chẳng còn phân biệt là loại gì nữa. Chúng cố mong trộn trấu để tránh hỏa lực yểm trợ của ta. Phải thú thật rằng đã có một vài anh em nhấp nhổm tính gài số “de”! Nhưng vừa quay lại thì đụng ngay “Lâm tài cao”, anh đứng thẳng đậy móc colt “pằng pằng”. Lúc này mà lui thì một mống cũng không còn, Thạnh đã làm anh em vững tinh thần, vững tay súng, đồng thời Đồ Sơn cho hỏa lực yểm trợ tối đa, cả PB lẫn KQ, nhờ vậy mà dù chỉ còn gần 80 anh em chúng tôi vẫn giữ bám trụ được cho tới ngày hôm sau tiểu đoàn đến tiếp viện” (trích Từ Cầu Khởi Tới Bời Lời của TVC).
Trong trận này, anh em chúng tôi bị loại khỏi vòng chiến hơn 10 người, trong đó có Ch/Uy Hóa và một đại úy cố vấn Mỹ. Xin nói rõ lại là vào khoảng 11 giờ đêm khi trực thăng đến tải thương thì anh cố vấn tự động leo lên đi luôn, dù anh ta không hề hấn chi cả, có lẽ chỉ bị ướt quần.
Ba ngày sau TĐ.2 lại nhẩy trực thăng xuống Bời Lời, vì ĐĐ.1 vừa mới nhẩy một minh xuống Cầu khởi thì lần này được nhẩy sau cùng. Tiểu đoàn dàn sẵn đội hình để trực thăng xuống bốc theo thứ tự các đại đội 4, 2, CH, 3,1. Khi trực thăng đang trên đường đến bốc ĐĐ.4 thì gần đó một đoàn “convoi” GMC Hoa Kỳ bị phục kích, bãi bốc mất an ninh nên Đồ Sơn liền thay đổi ngay thứ tự, “bốc thằng một” trước, rồi tới ba. Thế là ĐĐ.1 lại được “ưu tiên” nhẩy đầu Khi ĐĐ.3 của NT Trần Văn Thương (k12VK) vừa xuống xong là dụng lớn ngay, bãi đáp không còn dùng được, tiểu đoàn (-) kẹt lại.
Lần này có thêm ĐĐ.3 chia xẻ địch quân nên chúng tôi an tâm hơn, cả hai đại đội cầm cự cho tới sáng hôm sau tiểu đoàn mới xuống tiếp cứu được. Trận này khá gay cấn, gần sáng chúng còn tấn công lần chót, xác địch đã nằm ngay trên tuyến của ta, H/S1 Thà mang máy cho anh Cấp bị tử thương, H/S Tha, ô-đô của tôi cũng hy sinh ngay trên tuyến! Nhưng kỷ niệm vui lại là chuyện mấy “ông” cố vấn.
Đại úy CV đi với Cần Thơ, khi mới xuống, súng nổ quá anh ta hoảng vội gọi xin tải thương, và sinh mạng CV là quý nên anh ta được toại nguyện. Một tr/úy CV khác đến thay thế, trực thăng thả lọt anh ta ra ngoài phòng tuyến, anh ta bị thương và đang bị VC bao vây bắt, ĐĐ.1 cứu được và tải thương ngay, thay tr/úy này bằng một th/tá CV khác. Tải thương tr/úy xong kiếm không thấy th/tá CV đâu, khiến Cần Thơ nổi cáu, sát sa-von Chuẩn Úy Trần Thành Nghĩa, người có nhiệm vụ “đưa đón” CV. Nghĩa K27/TĐ vốn là thông dịch viên của LLĐB Mỹ, ham vui nên xin theo TQLC, anh Cấp còn cho đi OJT với nhiệm vụ nhận và truyền lệnh của đại đội trưởng cho CV. Cuối cùng Nghĩa cũng tìm ra CV này đang co mình dưới một hố sâu. Nhưng chính nhờ th/tá CV này điều khiển gunships suốt đêm nên chúng tôi ít thiệt hại còn xác VC thì hơi nhiều. Có điều tôi hơi ngạc nhiên là Cần Thơ có vẻ không hạp với cố vấn, hai trận thay 4 CV! Và lần sau cùng khi hành quân Chương Thiện dười quyền Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc, anh cấp bị “vạ lây” gẫy chân tay vì có CV đi bên cạnh, và ông này cũng bị cụt tay luôn!
(Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói một tí về vai trò cố vấn Mỹ đi với TQLC. Mỗi một tiểu đoàn TQLC khi đi hành quân đều có 2 cố vấn Mỹ đi theo, CV trưởng đi với cánh A (TĐT), cố vấn phó đi với cánh B (TĐP), Nhiệm vụ chính của CV là xin yểm trợ hỏa lực của HK và tải thương. Nếu một đại đội đi riêng với nhiệm vụ khó khăn thì sẽ được tiểu đoàn cho một CV đi theo. Các CV đi với TQLC không bao giờ dám xen vô việc điều quân của các đơn vị trưởng)
Ngày 23/2/1969, sau khi dẹp xong tụi VC tấn công vào khu Tân Hiệp Biên Hòa, đại đội nghỉ dưỡng quân ở khu Lò Than, tôi đang đấu láo với Th/Úy Sơn-mập và Ch/Uy Nghĩa-đui thì hiệu thính viên Vũ Văn Tám, tự Tám-nhót đến báo:
_ Trung Úy, hối lộ em một điếu Salem, có tin giật gân mới ra lò;
_ Muốn hút tao cho một điếu, đừng có ba sạo nghe mầy.
Trần Thành Nghĩa xen vào:
_ Cho nó một trái mãng cầu đi tiền đồn là hết sạo ngay.
_ Thật mà trung úy, tiểu đoàn vừa báo xuống Đ/Úy Cấp chuẩn bị giao đại đội lại cho trung úy để sang coi ĐĐ.3, Ban 1 đang chuyển công điện xuống.
Th/Úy Vũ Đình Sơn giật ngay bao Salem trong tay tôi đưa cho Tám:
_ Thưởng cho mày nguyên gói, chừng nào báo tên tao, tao cho một cây.
Thế là tôi trở thành ĐĐT/ĐĐ.1/TĐ.2 Trâu Điên sau 4 năm 3 tháng, một thời gian dài miệt mài cùng đồng đội Mũ Xanh trên khắp bốn vùng chiến thuật. Đối với Binh Chủng TQLC, để có đủ khả năng chỉ huy một đại đội thật không dễ đàng, tốn khá nhiều máu và nước mắt để có kinh nghiệm thực tế chiến trường. Tôi tiếp tục là đại đội trưởng ĐĐ.1 dưới quyền chỉ huy của các Tiểu Đoàn Trưởng Tr/Tá Nguyễn Xuân Phúc rồi Th/Tá Trần Văn Hợp, tiếp tục sát cánh với đồng đội trên khắp các mặt trận, hành quân vượt biên Căm-Bốt, Hạ-Lào, mùa Hè 1972 cho tới tháng 5 năm 1972 thì thuyên chuyển về TĐ.8 Ó Biển làm phó cho Phu Nhân.
Đoạn đưởng dài 7 năm 9 tháng chiến đấu cùng một đại đội thì có biết bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn, vui ứa nước mắt mỗi khi sau chuyến hành quân không thiệt hại, buồn ứa nước mắt khi vừa gặp nhau đó thì đồng đội đã ra đi vĩnh viễn. Tôi xin cám ơn các anh đại đội trưởng đã cho tôi kinh nghiệm chỉ huy và xử thế. Xin cám ơn các đồng đội của tôi, từ các trung đội trưởng đến khinh binh, chúng ta đã đồng cam cộng khổ để đem thành quả tốt đẹp về cho Đại Đội 1 nói riêng và Tiểu Đoàn 2 nói chung, từ B2 Cư, đến B1Tám, các HSQ Lâm Khâm, Nguyễn Văn Cương, Trần Tráng, Trần Xịa, các sĩ quan Quang-To, Quang-Nhỏ, Hà-Mập, Sơn-Mập, Ngộ-Ngố, Nghĩa-Đui v.v.. Xin ghi nhớ đến các anh em ĐĐ.1 đã tô thắm màu áo binh chủng bằng chính máu của mình để rồi sống với thương tật. Xin nghiêng mình trước anh linh các quân nhân Đại Đội 1 đã ngã xuống cho chúng tôi được tiếp tục đứng lên, các anh đã hy sinh cho tổ quốc và đồng bào. “Tôi viết tên (các) anh trên lá trên hoa, tôi viết tên (các) anh trong trái tim tôi”./.
Mùa Xuân 2010.
Tây Đô Lâm Tài Thạnh.
Nguồn Thủy Quân Lục Chiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét