Hãng Reuters hôm 10/7 đưa tin, Nhật Bản đang có ý định gia nhập liên minh phát triển tên lửa SeaSparrow của NATO.
Điều này sẽ cho phép Tokyo lần đầu được thể nghiệm nhiều kế hoạch quốc phòng.
Động thái của Nhật cũng nhận được sự ủng hộ của Hải quân Mỹ, bởi đây chính là “bước đệm” để nước này lãnh đạo các mối quan hệ đối tác quân sự tương tự ở châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Reuters, đại diện Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết, các quan chức Hải quân nước này đã tham gia hội nghị của NATO tại The Hague, Hà Lan hồi tháng 5 nhằm tìm hiểu rõ hơn về liên minh tên lửa nói trên.
Liên minh phát triển tên lửa của NATO được thiết lập vào năm 1968 bao gồm 4 quốc gia trong đó có Mỹ và việc có thêm Nhật Bản tham gia sẽ giúp giảm mức đóng góp của các nước cho dự án này.
Bên cạnh vấn đề chi phí, điều quan trọng mà Washington nhận thấy là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hiện đại hóa quân sự, cũng như ngoan cố với chủ trương bành trướng khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại, Tokyo có thể phát huy vai trò dẫn dắt các đối tác quân sự của Mỹ-Nhật.
Tên lửa SeaSparrow được phóng từ một tàu hải quân
(Ảnh AP)
“NATO châu Á” sắp thành hiện thực?
Trên thực tế, từ năm 2001, chuyên gia các vấn đề châu Á Sol Sanders đã đề cập tới khái niệm “NATO châu Á”.
Ông nhận định sai lầm lớn của Mỹ sau Thế chiến II là việc nước này chưa thể thiết lập một cơ chế bảo đảm an ninh đa phương giống như NATO tại châu Á.
Một trong những nguyên nhân chính là Washington chưa giải quyết được sự đối đầu giữa 2 đồng minh thân cận nhất trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản, cho phép Mỹ thiết lập một liên minh đa phương đúng nghĩa.
Ý tưởng về liên minh này, không cần nghi ngờ, là sự phản ứng trực tiếp đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Shigeru Ishiba – một chính khách bảo thủ thuộc đảng Tự do dân chủ cầm quyền của Nhật Bản – đã nói hồi tháng 3/2014 rằng nếu quyền tự vệ tập thể được giải phóng, ông này sẽ tìm cách cản trở “NATO châu Á” đối đầu và kiềm chế Trung Quốc
Dù vậy, dưới sự cầm quyền của Nội các Thủ tướng Shinzo Abe, triển vọng Nhật Bản giải phóng quyền tự vệ tập thể đang rõ rệt hơn bao giờ hết. Và ý tưởng “NATO châu Á”cũng bắt đầu trở nên khả thi.
Học giả Sanders cũng dự đoán: “Dù xét trên cơ sở quan hệ song phương hay khả năng Tokyo phát huy tác dụng lớn hơn trong một cơ cấu đa phương, Nhật vẫn là quốc gia đóng vai trò trung tâm trong hệ thống an ninh của Mỹ tại châu Á.”
Quan điểm của Sanders vào năm 2001 không hề tạo được bất kỳ phản ứng nổi bật nào trong dư luận. Nhưng 14 năm sau, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thực thi chiến lược“xoay trục châu Á”, khái niệm này một lần nữa được nhắc tới, và Nhật Bản vẫn là cái tên mấu chốt.
Năm 2012, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Lee Armitage và giáo sư ĐH Harvard Joseph Nye đã cùng nhau đưa ra bản báo cáo có sức nặng mang tên “Liên minh Mỹ-Nhật – Chỗ dựa để ổn định châu Á”.
Báo cáo liệt kê hàng loạt thay đổi về chính sách an ninh mà Washington kỳ vọng ở Tokyo, trong đó nội dung cốt lõi là Mỹ yêu cầu Nhật giải trừ những rào cản quân sự trong Hiến pháp nước này và đóng vai trò tích cực hơn trong cục diện an ninh châu Á-Thái Bình Dương.
Giới quan sát cho rằng, những cải cách chính sách an ninh của Shinzo Abe như dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, giải phóng quyền tự vệ tập thể, tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông… đa phần dựa trên báo cáo của Armitage/Nye.
Ông Shinzo Abe đang biến ý tưởng “NATO châu Á” mà Washington thúc đẩy thành hiện thực.
Ảnh: Reuters.
Nhật sẽ có quyền chủ động “khai chiến”
Tờ Nhật báo Phương Nam (Southern) của Trung Quốc cho hay, Hiệp hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc (CSCPA) hôm 30/6 đã công bố “Báo cáo đánh giá quân lực Nhật Bản 2014″.
Theo đó, chính sách an ninh và phòng thủ của Nhật Bản đang có những điều chỉnh quan trọng nhằm tìm kiếm bước đột phá kể từ Thế chiến II tới nay.
Southcn cho hay, trong rất nhiều nội dung cải cách quân đội Nhật Bản, quyền quyết sách được trao cho Hội đồng tham mưu (JSC) là một chi tiết đặc biệt đáng chú ý.
JSC trực thuộc Bộ quốc phòng Nhật Bản, là cơ quan tham mưu và chỉ huy tối cao mà Bộ quốc phòng nước này sử dụng để chỉ huy, quản lý JSDF.
Nhiệm vụ chủ yếu của JSC là thống nhất và điều chỉnh việc chỉ huy, vận hành, điều động các Lực lượng phòng vệ trên bộ, trên biển, trên không của Nhật.
Theo CSCPA, phương án sửa đổi “Luật bố trí Bộ quốc phòng” do Nội các của Thủ tướng Abe đề xuất năm 2014 đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua.
Theo phương án này, quyền quyết định tác chiến sẽ được trao cho một lãnh đạo của JSC có vai trò tương đương phó Tổng tham mưu trưởng.
Điều này có nghĩa là, nếu các dự luật an ninh của Nội các Thủ tướng Abe được thông qua, quân đội Nhật Bản hoàn toàn có thể điều động lực lượng ra nước ngoài mà không cần thông qua Quốc hội.
Nói cách khác, Thủ tướng Nhật Bản sẽ là người trực tiếp ra lệnh, sau đó JSC chấp hành nhiệm vụ thực hiện quy trình tác chiến.
Giới phân tích hầu hết đều ghi nhận, những động thái quân sự rõ rệt nói trên của Tokyo đang mở đường để Nhật “thay mặt Mỹ” trở thành đối trọng với Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.
“NATO châu Á” – nếu trở thành hiện thực – sẽ chính là “cái tát” mà Mỹ và đồng minh đánh thẳng vào những ảo tưởng bá quyền khu vực của Bắc Kinh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét