Hôm 14 tháng 7 năm 2015, chúng tôi có mặt tại khu nghĩa địa thuộc ấp Knong Prek, xã Prek Koy, huyện Sa Ang, tỉnh Kandal. Khu nghĩa địa này có diện tích khoảng nửa héc-ta với hơn 300 ngôi mộ của người Việt theo cả Công giáo và Phật giáo. Theo quan sát của chúng tôi, trong số hơn 300 ngôi mộ này có 16 ngôi mộ bị đập phá cây thánh giá và phần bia, một số ngôi mộ bị đập nát phần di ảnh của người quá cố. Những ngôi mộ bị đập phá này nằm ở hàng phía trước, dọc bên đường, riêng những ngôi mộ ở phía sau không bị gì.
Nhiều lần đập phá
Chúng tôi đến Nhà thờ Họ đạo Sa Ang, một trong những nơi phụ trách quản lý khu nghĩa địa này. Tiếp xúc với chúng tôi, Thầy Nguyễn Văn Thọ, phụ trách thánh lễ ở nhà thờ này hơn 20 năm cho biết đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. “Trước kia, trong lúc lộn xộn, đợt bầu cử trước (năm 2013) thì nó đập đất thánh của người Công giáo hai lần, mới đây thì đập thêm của Phật giáo”.
Cũng theo Thầy Thọ, cơ quan chức năng của Campuchia đã tìm ra thủ phạm, tuy nhiên, do những người này nghe nói bị tâm thần nên không bị truy cứu trách nhiệm gì.
Khu nghĩa địa này nằm ở khu vực đồng vắng, cách xóm của người Việt khoảng 2 km nên người ta ít khi đến đây ngoại trừ các dịp lễ lộc như Tết, Thanh minh, hay chôn cất người mới. Nhiều người cho biết việc đập phá phần mộ diễn ra thường xuyên, hầu như vào mỗi dịp Thanh minh đều phải sửa chữa hay xây mới. Tuy nhiên, đây chỉ là hành vi phá hoại của một số người nghiện ma túy, không có mục đích rõ ràng và chỉ đập phá phần thánh giá và một số chi tiết nhỏ. Nhưng nay, cũng theo người dân ở đây thì việc đập phá được thực hiện có quy mô và gây thiệt hại cao, hơn nữa những người này còn cố ý quay video phát tán chứng tỏ đây là hành vi cố ý phá hoại và gây hấn.
Nhưng nay, cũng theo người dân ở đây thì việc đập phá được thực hiện có quy mô và gây thiệt hại cao, hơn nữa những người này còn cố ý quay video phát tán chứng tỏ đây là hành vi cố ý phá hoại và gây hấn |
Chúng tôi mang vấn đề này trao đổi với ông Phó Cảnh sát Trưởng huyện Sa Ang thì ông này cho biết không thể đưa ra bình luận gì vì sự việc vẫn đang nằm trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng.
Bức xúc, đau buồn nhưng không dám kiện
Theo văn hóa Việt Nam, mồ mả ông bà có ảnh hưởng rất lớn đến con cháu, những người còn sống. Một khi âm trạch bị ảnh hưởng, hay động mồ động mả sẽ khiến con cháu gặp nhiều bất ổn, thâm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Khi phát hiện mộ phần của người thân bị đập phá, người dân hết sức lo lắng cho vận mệnh bản thân và gia đình. Ông Phạm Út Em có phần mộ của cha bị ảnh hưởng chia sẽ: “Luôn luôn lúc nào cũng vậy hết, động mồ động mã sẽ gây ra nhiều chuyên khó khăn lắm, nhưng mà mình cũng phải dằn lòng lại. Mình cũng cúng vái để cho qua cái vụ động mồ động mã này. Chỉ có ngày Thanh Minh và ngày 25 Tết mới mình có quyền phát mồ phát mã (xây dựng và sửa chữa lại) thôi. Cũng buồn lắm chớ nhưng mà chỉ để bụng thôi chứ biết làm sao bây giờ”.
Bức xúc, đau buồn nhưng khi được chúng tôi hỏi rằng liệu họ có kiện để cơ quan chức năng xử lý những đối tượng phá hoại hay không, ông Út Em và một số người có mộ phần tổ tiên bị phá cho biết: “Bây giờ kiện cáo thì ý muốn kiện nhưng mà tôi cũng không biết làm sao mà nói nè. Mà nếu có kiện thì cũng không biết mấy anh (giới chức Campuchia) có giải hòa giải quyết cho vụ này được hay không. Bây giờ chỉ muốn từ đây trở về sau đừng có cho đập nữa. Sợ kiện cáo nó thù, nó ghét, nó đập nữa. Ở đây mình đi làm. Việt Nam ở đây cũng khó lòng lắm. Mình thưa gửi, gợi lên quá khứ thì làm ăn khó khăn lắm”.
Bây
giờ kiện cáo thì ý muốn kiện nhưng mà tôi cũng không biết làm sao mà
nói nè. Mà nếu có kiện thì cũng không biết mấy anh (giới chức Campuchia)
có giải hòa giải quyết cho vụ này được hay không. Bây giờ chỉ muốn từ
đây trở về sau đừng có cho đập nữa. Sợ kiện cáo nó thù, nó ghét, nó đập
nữa
ông Út Em |
Trong khi đó đối với người Việt ở huyện Sa Ang thì dường như việc bảo vệ nơi yên nghĩ của thân nhân là một việc gì đó nằm ngoài khả năng của họ. Bà Nguyễn Thị Gương vui mừng khi mộ phần chồng của bà may mắn không bị ảnh hưởng sau ba lần phá hoại nhưng bà không chắc chắn rằng liệu lần thứ 4 có xảy ra thì chồng bà có được yên hay không. Bà Gương, 64 tuổi chia sẽ: “Tùy theo mấy ổng đi. Có đập thì đập chớ biết làm sao bây giờ. Lo thì có lo, buồn cho ổng chết rồi mà không yên, nằm không yên. Thì kệ chứ biết làm sao bây giờ. Mấy đứa nhỏ con tôi cũng nói má ơi giờ phần số ba bị đập vậy thì cũng êm thôi chứ biết làm sao bây giờ. Có nói gì bây giờ đâu”.
Cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài đông nhất và định cư lâu đời tại Campuchia. Tuy nhiên người Việt cũng là cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở xứ chùa tháp này. Do nhiều lý do về lịch sử và chính trị, người Việt tại Campuchia không được nhà nước Campuchia bảo hộ và họ cũng không được sự thừa nhận từ chính quyền cộng sản Việt Nam.
Sơn Trung tường trình từ Campuchia.
Sơn Trung
phóng viên RFA
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét