Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

LỊCH SỬ QUÂN ĐỘI VNCH KHÁI LƯỢC VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỦA QUÂN LỰC VNCH


( Trần Hội - Trần Đỗ Cẩm )

Hoàn cảnh chánh trị lúc Quân Ðội Quốc Gia VN ra đời

Lịch sử thành lập Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa là một tiến trình khá phức tạp trải dài trong nhiều năm, và gắn liền với những diễn biến của giòng lịch sử Việt Nam cận đại. Ðể độc giả có một ý niệm khái quát về sự hình thành đó, chúng tôi xin tóm lược hoàn cảnh chính trị của nước nhà vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam bắt đầu bùng nổ.

Sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, quân đội viễn chinh Pháp trở sang Ðông Dương đem theo lực lượng hùng hậu chiếm đóng ba xứ Việt, Miên, Lào, với manh tâm đặt lại nền đô hộ trên các thuộc địa cũ theo chánh sách thực dân cố hữu của người Pháp. Tướng De Gaulle bổ nhiệm đô đốc Thierry d'Argenlieu làm cao ủy Ðông Dương và danh tướng Leclerc de Haute Cloque làm tư lệnh quân đội viễn chinh. Vào cuối tháng 9 năm 1945, quân đội Pháp đã núp bóng quân đội Anh do tướng Gracey chỉ huy để giải giới quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở xuống.

Cuộc xâm lăng mới của Pháp này đã gặp sức kháng cự mạnh mẽ của người Việt Nam, nhất là các đoàn thể võ trang như Việt Minh, Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên trong miền Nam, và các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Ðại Việt ở miền Trung và Bắc. Mặc dù tinh thần kháng chiến chống thực dân của dân ta rất cao, nhưng vì vũ khí thô sơ và tổ chức còn rời rạc, nên các lực l ượng võ trang này bị quân Pháp đánh bại mau lẹ. Ða số phải rút về thôn quê hay vào bưng biền để tổ chức trường kỳ kháng chiến. Tuy một số dân chúng còn lại ở các thành phố và vùng bị chiếm đóng đã phải ngả theo Pháp vì lý do sinh kế hoặc muốn được yên thân, nhưng trong lòng đa số dân Việt lúc đó đều nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, mong sớm phục hồi được độc lập và thống nhất cho quốc gia.

Trong số những người phải ra cộng tác với Pháp, một số đã gia nhập quân đội viễn chinh và được gọi là Thân Binh Ðông Dương (Partisans Indochinois). Về sau, vì nhu cầu chiến tranh bành trướng mau lẹ, người Pháp đã tuyển mộ lính địa phương tại chỗ và lập thành các lực lượng phụ thuộc (forces suppletives) do sĩ quan Pháp chỉ huy. Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng: không phải ai hợp tác với người Pháp cũng đều là Việt Gian. Ngược lại, nhiều người là những phần tử Quốc Gia chân chính chỉ muốn nhờ cậy vào thế lực của Pháp để chống lại bọn Cộng Sản Việt Minh.

Sang năm 1948, giải pháp Bảo Ðại ra đời với chủ trương đoàn kết các lực lượng quốc gia để chống Việt Minh, vì lúc đó thành phần này đã ngả theo phe Cộng Sản quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Nga, Tàu để chống lại khối dân chủ tây phương.

Theo hiệp ước Élysée ký ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa quốc trưởng Việt Nam Bảo Ðại và tổng thống Pháp Vincent Auriol, nước Việt Nam được trao trả nền độc lập, có quân đội và chính sách ngoại giao riêng. Do đó, quân đội Việt Nam được chính thức thành lập và lấy tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam.
Thời kỳ phôi thai (1946-1949)

Do nghị định quốc phòng ngày 13 tháng 4 năm 1949, quân độc Việt Nam được thành lập, lúc đầu lấy tên là Vệ Binh Quốc Gia (Garde Nationale). Quân Ðội Việt Nam lúc này có qui chế riêng và lương bổng được hưởng tương đối cao hơn phụ lực quân lúc trước. Ba đơn vị chiến đấu đầu tiên được thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1949 là các tiểu đoàn bộ binh số 18, 2, và 3, gọi tắt là BVN (Batallion Vietnamien hay Bê Vê En). Lần lượt, các lực lượng quân sự phụ thuộc khác như Cộng Hòa Vệ Binh trong Nam, Bảo Vệ Quân ở miền Trung (sau đổi tên là Việt Binh Ðoàn) và Bảo Chính Ðoàn ở Bắc, v.v. được thuyên chuyển qua hoặc sát nhập vào Quân Ðội Quốc Gia. Còn các lực lượng võ trang của các giáo phái như Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên tại miền Nam Việt Nam hoặc trở về hợp tác với chánh phủ quốc gia, hoặc rút vào bưng, nhưng sau đó cũng bị tiêu diệt lần hồi. Quân số Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam vào cuối năm 1949 là 45,000 người, không kể các lực lượng còn trong hệ thống quân đội Pháp.

QLVNCH trong thập niên 1950
Thời kỳ thành lập (1950-1952)

Ngày 11 tháng 5 năm 1950, thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân Ðội Quốc Gia với lập trường chống Cộng, gia tăng quân số lên 60,000 người, do ngân sách quốc gia đài thọ 40%, phần còn lại do Pháp gánh chịu. Viện trợ Mỹ cũng bắt đầu giao thẳng cho các đơn vị Việt Nam, chứ không qua trung gian quân đội Pháp theo chương trình Viện Trợ Hỗ Tương Quốc Phòng MDAP (Mutual Defense Assistance Program). Trưởng phái bộ viện trợ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam là đại tướng O'Daniel. Các quân trường lớn được bắt đầu thành lập trong thời kỳ này gồm có: Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, Trường Sĩ Quan Thủ Ðức và Nam Ðịnh. Trường Sĩ Quan Trừ Bị sau này được đổi tên là Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Các trung tâm nhập ngũ dùng để huấn luyện binh sĩ quân dịch cũng được thành lập tại Quang Trung (Nam Việt), Phú Bài (Trung Việt) và Quảng Yên (Bắc Việt).

Ðến năm 1951, sau khi bị thất bại nặng tại vùng Cao-Bắc-Lạng, Pháp muốn tăng cường Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam để nhận lãnh trách nhiệm bình định và an ninh lãnh thổ. Do đó, tướng De Lattre de Tassigny đã đề nghị thành lập nhiều tiểu đoàn hoàn toàn Việt Nam do các sĩ quan người Việt chỉ huy.

Ngày 5 tháng 5 năm 1951, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới thật sự thành hình, với những cơ cấu tổ chức đầu não như Bộ Tổng Tham Mưu, Nha Quân Pháp, Nha Thanh Tra, Tổng Nha Hành Chánh & Quân Lương, Nha Quân Cụ, Nha Quân Y, v.v.

Lệnh tổng động viên được ban hành theo dụ số 26, ngày 15 tháng 7 năm 1951, gọi các sinh viên sĩ quan nhập ngũ khóa trừ bị đầu tiên và 60,000 thanh niên thi hành quân dịch. Cuối năm 1951, quân số dưới cờ lên tới 110,000 người. Các đơn vị nòng cốt được thành lập trong thời kỳ này là:

- Tiểu Ðoàn Nhẩy Dù
- Ðại Ðội 1 & 3 Truyền Tin
- Ðệ Nhất (I) Chi Ðoàn Thám Thính Xa
- Tiểu Ðoàn Pháo Binh
- Ðại Ðội 2 & 3 Công Binh

Qua năm 1952, để gia tăng nỗ lực chiến tranh, Bộ Tổng Tham Mưu được tách riêng khỏi trụ sở Bộ Quốc Phòng và đặt tổng hành dinh tại tòa nhà lầu góc đại lộ Trần Hưng Ðạo và Trần Bình Trọng (Chợ Quán). Vị tổng tham mưu trưởng đầu tiên là thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, con trai của thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, nguyên là cựu trung tá Không Quân Pháp.

Vào tháng 7 năm 1952, Bộ Chỉ Huy các quân khu được thành lập như sau:

- Ðệ Nhất Quân Khu gồm Nam Việt
- Ðệ Nhị Quân Khu gồm Trung Việt
- Ðệ Tam Quân Khu gồm Bắc Việt

Cuối năm 1952, Quân Ðội Quốc Gia có 148,000 người, gồm 95,000 quân chánh qui và 53,000 bảo an địa phương. Các đơn vị gồm có:

- 59 tiểu đoàn bộ binh
- 2 tiểu đoàn nhẩy dù
- 2 tiểu đoàn ngự lâm quân
- 8 tiểu đoàn sơn cước

Về cơ giới có:

- 6 chi đoàn thám thính xa
- 1 tiểu đoàn pháo binh và 8 pháo đội biệt lập
- 6 đại đội vận tải
- 6 đại đội truyền tin
- 2 liên đoàn tuần giang

Cũng trong thời kỳ này, các quân chủng không quân và hải quân đã bắt đầu đặt nền móng tại Nha Trang, là nơi có thời tiết lý tưởng cho việc huấn luyện. Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân được thành lập vào tháng 4 năm 1952 (sẽ nói rõ hơn trong phần lược sử binh chủng Không Quân và Hải Quân).
Thời kỳ phát triển (1953-1954)

Theo đà phát triển, kể từ đầu năm 1953 cho tới khi ký kết hiệp định Geneve (ngày 20 tháng 7 năm 1954), có 4 sự kiện sau đây đáng được ghi nhận:

1. Phát triển các bộ tham mưu, các cơ sở chỉ huy từ trung ương đến các quân khu, tiểu khu theo một hệ thống của quân đội có qui uớc hẳn hoi.

2. Thành lập thêm Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và 54 tiểu đoàn khinh quân để hành quân vùng đồng ruộng thay thế quân đội Pháp.

3. Thành lập 15 liên đoàn bộ binh và 1 liên đoàn nhẩy dù.

4. Tiến hành công việc Việt hóa bằng cách chuyển dần các lãnh thổ và công tác hành quân cho người Việt, khởi đầu là các tiểu khu Mỹ Tho (Nam Việt), Hưng Yên, và Bùi Chu (Bắc Việt).

Ngày 12 tháng 4 năm 1954, thủ tướng Bửu Lộc ban hành lệnh tổng động viên, ấn định rằng mọi thanh niên Việt Nam sanh từ ngày 1 tháng 1 năm 1929 đến ngày 31 tháng 12 năm 1933 đều phải nhập ngũ. Ngoài ra, mọi thanh niên tuổi từ 18 đến 45 cũng không được phép xuất ngoại trong thời kỳ chiến tranh. Tòa án quân sự được thành lập để xét xử các thanh phần bất phục tòng hay đào ngũ.
Thời kỳ độc lập (1954 trở về sau)

Sau cuộc ngưng bắn do hiệp ước Geneve ấn định, các đơn vị của Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam đồn trú tại phía bắc vĩ tuyến 17 được lần lượt di chuyển vào Nam kể từ tháng 8 năm 1954. Phần lớn các đơn vị đóng chung quanh Hà Nội và Hải Phòng được đưa vào vùng Ðà Nẵng, Nha Trang, và các tỉnh miền Trung. Các tiểu đoàn Nùng (sơn cước) được đưa vào Cam Ranh để sau này thành lập sư đoàn Nùng tại sông Mao do đại tá Wòng A Sáng chỉ huy. Bộ Tư Lệnh Ðệ Tam Quân Khu dời vào Nha Trang. Riêng các trung tâm huấn luyện Hà Nội và Quảng Yên được sát nhập vào Trung Tâm Quán Tre thuộc tỉnh Gia Ðịnh.

Cũng trong thời gian này, các lực lượng võ trang giáo phái như Cao Ðài, Hoà Hảo, được sát nhập vào Quân Ðội Quốc Gia để thành lập một quân lực có sự chỉ huy thống nhất trên toàn quốc. Riêng có một nhóm Hòa Hảo ly khai chừng vài ngàn người, dưới quyền chỉ huy của trung tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, rút vào Cao Miên để chống lại chính phủ.

Ngày 26 tháng 10 năm 1955, khi cử hành lễ đăng quan của tổng thống Ngô Ðình Diệm và cũng là ngày khai sinh nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Quân Ðội Quốc Gia được đổi tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó, quân số hiện diện dưới cờ là 167,000 người.
Thời kỳ hiện đại hóa (1961-1975)

Kể từ lúc mang danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), quân đội là lực lượng nồng cốt bảo vệ an ninh và bình định lãnh thỗ miền Nam từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau. Trong thời kỳ này, quân lực Việt Nam chú trọng đến việc gia tăng khả năng tác chién, đặt vấn đề huấn luyện lên hàng đầu. Nhiều đợt sĩ quan Hải Lục Không quân được gởi đi tu nghiệp tại ngoại quốc, nhất là tại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho việc hiện đại hóa quân đội.

Lúc này, người Mỹ cũng đã có mặt khá đông đảo tại miền Nam và viện trợ quân sự Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không muốn nói là quyết định trong vấn đề hiện đại hóa. Phái bộ cố vấn quân sự Hoa Kỳ (Military Assistance & Advisory Group, gọi tắt là MAAG) được đổi thành MAC-V và đặt dưới quyền điều khiển của tướng 4 sao William Wesmoreland.

Về bộ binh, bảng cấp số được tăng lên đến 11 sư đoàn bộ binh, một lực lượng tổng trừ bị gồm Sư Ðoàn Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). Ngoài ra, còn có nhiều Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân (BÐQ) được đặt dưới quyền xử dụng của các quân khu.

Riêng các quân chủng Không Quân và Hải Quân cũng được bành trướng tối đa trong thời kỳ này. Ðây là giai đoạn chuyển mình của QLVNCH, biết đổi từ một lực lượng phụ thuộc vào lực lượng viễn chinh Pháp, để trở thành một quân đội hiện đại và được trang bị tối tân nhất vùng Ðông Nam Á.

Vì thời kỳ này là giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử hình thành QLVNCH, chúng tôi sẽ lược duyệt lý do và đi sâu vào chi tiết tiến trình hiện đại hóa của những quân binh chủng quan trọng nòng cốt trong quân lực.

Trong những năm từ 1961 đến 1975, Cộng Sản Bắc Việt đã công khai xua quân xâm chiếm miền Nam. Nấp dưới tấm bình phong giả tạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), hàng sư đoàn quân chính qui cộng sản dùng đường mòn Hồ Chí Minh vượt vĩ tuyến 17 vào Nam. Những sư đoàn này được trang bị bằng đủ loại vũ khí tối tân với chiến xa và đại pháo yểm trợ. Nhưng dù ở thế bị động, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã giáng cho bọn cộng sản xâm lược những đòn quyết liệt, điển hình là trận thảm bại trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân vào 1968.

Tuy nhiên sau khi đã dùng chính sách "ngoại giao bóng bàn" để bắt tay được với Trung Cộng, và cũng vì bị dân chúng phản đối dữ dội, chính phủ Nixon chuẩn bị kế hoạch rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chương trình này được gọi là "Việt hóa cuộc chiến" (Vietnamization).

Nguồn gốc của danh từ "Việt hóa" chỉ là một sự ngẫu nhiên. Nguyên vào khoảng tháng 3 năm 1971, lúc tổng thống Nixon mới đắc cử, tướng Andrew Goodpaster lúc đó là phụ tá của tướng Abrams (tướng Abrams là tổng tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam) có tham dự một buổi thuyết trình của Hội Ðồng An Ninh Hoa Kỳ. Trong buổi thuyết trình, tướng Goodpaster loan báo rằng Quân Lực VNCH bây giờ đã đủ mạnh, đến độ Hoa Kỳ có thể "không cần Mỹ hóa" (de-Americanizing) cuộc chiến tại Việt Nam nữa. Lúc đó, tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Melvin Laird, một nhà chính trị già đời, cho rằng nếu nói "không còn Mỹ hóa" tức là gián tiếp công nhận trước đây Hoa Kỳ đã biến chiến tranh Việt Nam thành chiến tranh xâm lược giữa đế quốc Mỹ và nhân dân Việt Nam. Như vậy sẽ rơi vào chiêu bài "chống Mỹ cứu nước" của Cộng Sản. Bộ trưởng Laird đề nghị chỉ nên dùng một danh từ nào đó gián tiếp có ý nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rút chân khỏi Việt Nam, nhưng tránh không đả động gì tới vấn đề Mỹ hóa. Thí dụ như thay vì nói "de-Americanizing" chẳng hạn. Tổng thống Nixon, cùng là một con cáo già chính trị, lập tức đồng ý: "Bộ trưởng Laird nói có lý." Thế là danh từ "Việt hóa" (Vietnamization) được ra đời trong tự điển Hoa Kỳ.

Thực tế, quân đội Hoa Kỳ tuy đã muốn rút chân khỏi Việt Nam, tức là không còn tham chiến nữa, nhưng lại không muốn bị mất mặt vì đã bỏ rơi đồng minh và bị bọn cộng sản của một tiểu quốc đánh bại. Vì danh từ "de-Americanizing" bao hàm ý nghĩa Hoa Kỳ tháo chạy và bỏ rơi đồng minh, nên danh từ "Việt hóa" được xử dụng. Thật ra, Việt hóa tức là chuyển gánh nặng quân sự sang cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa, như vậy quân đội Hoa Kỳ sẽ không còn phải tham chiến nữa, tức là "không Mỹ hóa" vậy.

Chương trình "Việt hóa" hay hiện đại hóa QLVNCH được chia ra làm 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Huấn luyện và trang bị QLVNCH để chuyển giao dần trách nhiệm bộ chiến.
Giai đoạn 2: Phát triển khả năng yểm trợ của QLVNCH.
Giai đoạn 3: Các quân nhân Hoa Kỳ nếu còn lại ở Việt Nam, sẽ chỉ giữ vai trò cố vấn.

Tuy mãi đến khoảng đầu thập niên 1970 vấn đề Việt hóa, tức là giao trọng trách trên chiến trường cho QLVNCH, mới được đề cập tới, nhưng trên thực tế, trước khi có chương trình này, QLVNCH cũng đã đảm đương phần lớn gánh nặng của chiến cuộc. Tuy quân lực Hoa Kỳ có tham dự những trận đánh lớn với cộng quân, nhưng các lực lượng QLVNCH đã luôn luôn đụng độ với địch nhiều hơn, và thiệt hại bao giờ cũng cao hơn lực lượng đồng minh.

Mặc dù có nhiều ý kiến chống đối tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, công cuộc "Việt hóa" được tiến triển rất nhanh qua kế hoạch "Hiện Ðại Hóa QLVNCH" (gọi tắt là CRIMP - Consolidated RVNAF Improvement and Modernization Program). Tính đến năm 1972, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho QLVNCH:

- Trên 800,000 vũ khí cá nhân và cộng đồng.
- Khoảng 2,000 chiến xa và đại bác.
- Khoảng 44,000 máy truyền tin.

So với năm 1968, QLVNCH có khoảng 700,00, vào cuối năm 1971 tăng lên trên 1 triệu người. Như vậy, QLVNCH đã được canh tân và cải tiến trong đầu thập niên 1970 để có thể thay thế quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường miền Nam. Sau đây, chúng tôi sẽ đi sâu vào thời kỳ hiện đại hóa rất quan trọng của từng quân chủng: Lục Quân, Không Quân, và Hải Quân.

Ðể giúp quý độc giả, nhất là những bạn trẻ không có dịp chiến đấu trong QLVNCH, dễ dàng nắm vững được những phần nồng cốt trong bài biên khảo này, chúng tôi xin mạn phép được đề câp sơ qua về cơ cấu tổ chức của QLVNCH.

Tổng quát, Quân Lực VNCH được phân chia làm 3 quân chủng: Hải Quân, Không Quân, và Lục Quân, thường được gọi tắt là Hải, Lục, Không Quân. Cũng như đa số các quân đội trên thế giới, Lục Quân bao giờ cũng phải đảm đương phần lớn trách nhiệm trong các cuộc chiến, nên quân chủng này quan trọng nhất và có đông quân nhất.

Theo định nghĩa khái quát, Lục Quân gồm các quân nhân đánh giặc "trên mặt đất". Không Quân dùng phi cơ để bay trên trời, và Hải Quân xử dụng các chiến hạm chiến đĩnh trên sông ngòi hay biển cả. Có nhiều người thường xử dụng lẫn lộn danh từ "quân chủng" và "binh chủng", thí dụ như "binh chủng" Không Quân, "binh chủng" Hải Quân"... Ðiều này cũng không lấy gì làm lạ, vì "quân" hay "binh" cũng đều là lính cả! Tuy nhiên, nếu phân biệt rõ ràng, một binh chủng chỉ là thành phần của một quân chủng, cũng như tiểu đoàn là thành phần của một trung đoàn. Lục Quân là một quân chủng lớn với gần nửa triệu quân dưới cờ, nên được chia thành nhiều binh chủng như: Bộ Binh, Công Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp Binh, v.v. Còn hai Quân Chủng Không Quân và Hải Quân không được chia thành những binh chủng riêng biệt. Nếu chỉ kể riêng về quân số, binh chủng Bộ Binh còn đông hơn cả quân chủng Không Quân và Hải Quân hợp lại.

Ðối với các binh chủng đặt biệt như Nhẩy Dù hay Thủy Quân Lục Chiến, tuy có dùng chiếm hạm của Hải Quân hay phi cơ của Không Quân khi đi hành quân, nhưng đều được kể là những binh chủng của Lục Quân...


QUÂN CHỦNG LỤC QUÂN:

Nhìn chung, Lục Quân được gia tăng lên đến 450,000 người, chia ra 13 sư đoàn, gồm 171 tiểu đoàn lưu động được phối trí như sau: Sư Ðoàn 1, 2, và 3 trấn đóng tại Vùng 1 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 22 và 23 trấn đóng tại vùng 2 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 5, 18, và 25 trấn đóng tại Vùng 3 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 7, 9, và 21 trấn đóng tại Vùng 4 Chiến Thuật.

Ngoài ra, còn có hai sư đoàn tổng trừ bị là Sư Ðoàn Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Bốn mươi lăm (45) tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân được chia ra thành những liên đoàn đặt trực thuộc các Vùng Chiến Thuật. Năm mươi tám (58) tiểu đoàn Pháo Binh. Trong số những tiểu đoàn này, chỉ có mỗi một tiểu đoàn được trang bị đại bác 175 ly có tầm bắc xa tương đương với đại bác 130 ly của cộng quân. Các đại bác khác đều thuộc loại 105 ly hay 155 ly có tầm bắc ngắn hơn đại pháo của địch tới mươi cây số. Mười chính (19) thiết đoàn Kỵ Binh.

Lực lượng Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân tại các tiểu khu và chi khu cũng gia tăng đáng kể, lên đến 550,000 người vào năm 1972. Quan trọng hơn nữa, lực lượng này được trang bị vũ khí tối tân M-16 và M-60 để thay thế các vũ khí lỗi thời như M-1 và trung liên BAR. Lục Quân có Lục Quân Công Xưởng tại Gò Vấp để sửa chữa và bảo trì những chiến cụ nặng như chiến xa và đại bác, v.v.

BINH CHỦNG THIẾT GIÁP

Vào năm 1950, người Pháp thành lập một đơn vị Thám Thính Xa cho Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam. Ðến khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, binh chủng Thiết Giáp gồm Lữ Ðoàn 3 Thiết Giáp và 4 thiết đoàn biệt lập. Cho tới đầu năm 1955, Bổ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh mới được chính thức thành lập cùng với nền đệ nhất Cộng Hòa.

Những chiến xa đầu tiên của binh chủng Thiết Giáp đều thuộc loại M-24 Chaffees nhẹ, thiết xa M8 loại nửa bánh nửa xích. Vào năm 1956, Thiết Giáp Binh được tổ chức theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, gồm những thiết đoàn kỵ binh, mỗi thiết đoàn gồm 2 chi đoàn trang bị chiến xa M-8, M-3, và M-24.

Trong thời gian từ 1957 đến 1962, Thiết Giáp Binh chỉ giữ một vai trò khiêm nhường trên chiến trường miền Nam vì các nhà quân sự cho rằng Việt Nam với nhiều rừng rú và sông rạch ruộng vườn lầy lội, không phải là chiến trường thích hợp cho chiến xa di chuyển. Tuy nhiên, cùng với sự sôi động của chiến trường, những thiết vận xa hay thiết quân vận M-113 được mang ra xử dụng thành công trong các cuộc hành quân tại Vùng 4. Sau đó, các thiết quân vận M-113 được trang bị hỏa lực mạnh hơn và lá chắn để trở thành một loại "chiến xa" đa dụng của Thiết Giáp Binh (xin phân biệt chiến xa hay xe tăng có nhiệm vụ chính là dùng hỏa lực tiêu diệt địch quân, còn thiết quân vận có mục đích nguyên thủy là dùng để chở quân đổ vào mục tiêu). Ðến năm 1964, các chiến xa Chaffees cũ kỹ được thay thế bằng loại M-41A3 "Walker Bulldog" tối tân hơn. Chiến xa M-41 chẳng bao lâu đã trở thành xương sống của Thiết Giáp Binh với 5 chi đoàn và rất được các chiến sĩ mũ đen ưa chuộng. Loại này tuy bị coi là nhỏ bé chật chội đối với người tây phương cồng kềnh, nhưng đối với người Việt Nam nhỏ tác thì lại rất vừa vặn và hữu hiệu.

Vào những năm cuối cùng của cuộc chiến, khi Cộng Sản Bắc Việt dùng các loại chiến xa T-54 và PT-76 để yểm trợ cho bộ binh xung trận, Thiết Giáp Binh QLVNCH lại được canh tân qua chương trình Việt Nam hóa với các chiến xa tối tân hơn như M-48 có máy nhắm bằng Xenon. Trong các cuộc hành quân lớn như vượt biên qua Cam Bốt năm 1970, Hạ Lào năm 1971, và trận chiến Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972, các chiến xa của ta đã tỏ ra trội vượt so với thiết giáp của đối phương và gây cho chúng những thiệt hại nặng nề. Riêng trong trận xa chiến đầu tiên với chiến xa cộng sản tại Hạ Lào vào năm 1971, các chiến xa M-41 của Lữ Ðoàn 1 Thiết Kỵ (do đại tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy) đã bắn hạ 6 chiến xa T-54 và 16 PT-76 của địch mà không bị một tổn thất nào.

Vị tư lệnh cuối cùng của binh chủng Thiết Giáp là chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp.

BINH CHỦNG PHÁO BINH

Pháo binh Việt Nam xuất hiện trên chiến trường vào cuối năm 1951 với các đơn vị đầu tiên được gọi là Pháo Ðội Biệt Lập (Batterie de tir autonome). Sau đó, vào các năm 1952-1953, các pháo đội này được tập trung thành các tiểu đoàn pháo binh (Group d'artillerie). Các tiểu đoàn pháo binh Việt Nam, Pháo gọi là GAVN, gồm 3 pháo đội với 12 khẩu đại bác 105 ly. Sau đây là danh sách các tiểu đoàn pháo binh đầu tiên với ngày thành lập:

- Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 11 năm 1952 tại Bắc Việt.

- Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1953 tại Trung Việt.

- Tiểu Ðoàn 4 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1953 tại Cao Nguyên.

- Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1953 tại Nam Việt.

Tuy được thành lập đã lâu, nhưng mãi tới tháng 10 năm 1954, các sĩ quan pháo binh Việt Nam mới đảm nhiệm chức vụ tiểu đoàn trưởng. Và mãi đến tháng 3 năm 1955, binh chủng Pháo Binh mới có vị chỉ huy trưởng đầu tiên. Một trong những vị chỉ huy trưởng lúc ban đầu rất nổi tiếng của Pháo Binh là tướng Nguyễn Ðức Thắng.

Về sau, cùng với sự bành trướng của QLVNCH, binh chủng Pháo Binh cũng gia tăng nhanh chóng với các đơn vị pháo binh diện địa và di động đi theo các sư đoàn tổng trừ bị Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Vào năm 1972, khi chương trình hiện đại hoá QLVCH lên tới cao độ, có tới 58 tiểu đoàn Pháo Binh đồn trú khắp nơi trên các vùng Chiến Thuật.

Pháo Binh, cùng với Không Quân và Hải Quân, được coi như là những vị cứu tinh của các tiền đồn bị cô lập hay các đơn vị bộ binh đang chạm địch. Với những khẩu đội pháo bắn tập trung và tiêu diệt, lợi điểm của Pháo Binh là có thể tác xạ yểm trợ lâu dài và hữu hiệu dưới mọi thời tiết.

Nhưng rất tiếc khi chiến cuộc Việt Nam gần tàn vào những năm 1973-1974, khả năng hoạt động của Pháo Binh không còn được hữu hiệu như trước vì tình trạng đạn dược bị hạn chế. Hơn nữa, cả binh chủng Pháo Binh chỉ có một tiểu đoàn được trang bị đại pháo 175 ly có tầm bắn tương đương với trọng pháo 130 ly của địch quân lúc đó đang đầy rẫy khắp chiến trường. Ða số đại bác của ta là loại 105 ly và 155 ly với tầm bắn ngắn hơn trọng pháo của địch. Do đó, địch có thể pháo kích những căn cứ hỏa lực hay nơi đặt pháo mà ta không phản pháo được vì ngoài tầm tác xạ.

ÐOÀN NỮ QUÂN NHÂN

Thiết tưởng khi đề cập đến lịch sử của QLVNCH mà không nhắc đến Ðoàn Nữ Quân Nhân, có thể là một thiếu sót đáng trách. Những "đóa hoa nở trên đầu súng" này, tuy không trực tiếp xông pha nơi tuyến đầu, nhưng cũng đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đại gia đình quân đội.

Vào lúc cuộc chiến giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đang thời sôi động nhất, khi "lời sông núi giục vang bốn phương trời," đã có khá đông phụ nữa đi theo bước chân "Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời," gia nhập quân ngũ để đảm nhiệm những công tác xã hội.

Sở xã hội được thành lập vào tháng 7 năm 1952 với khóa huấn luyện Nữ Trợ Tá đầu tiên được tổ chức vào ngày 21 tháng 8 năm 1952 tại trường Hồng Thập Tự Pháp. Từ đó, bóng dáng người phụ nữ Việt Nam trong quân phục đã trở thành khá quen thuộc trong một tập thể trước đây được coi là độc quyền của nam giới. Ðoàn Nữ Quân Nhân được chia làm hai thành phần chính: Nữ Phụ Tá (Personnel Auxilliaire Feminin, gọi tắt là PAF) đảm nhiệm những công tác văn phòng để nam quân nhân có thể cầm súng ra trận. Nữ Trợ Tá Xã Hội (Assistance Sociale hay Auxiliaire Sociale) chuyên lo công tác xã hội như cứu trợ gia đình hay săn sóc thương bệnh binh.

Sở Xã Hội khi mới thành lập do phu nhân của thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh là một người Pháp điều khiển. Ðến tháng 4 năm 1954, Sở Xã Hội được mở rộng thành Nha Xã Hội và Văn Hóa. Về sau này, các Nữ Trợ Tá trở thành các Nữ Quân Nhân có mặt hầu hết trong các Quân Binh Chủng. Trong binh chủng Nhẩy Dù, thoạt đầu các Nữ Quân Nhân đảm trách việc xếp dù, sau đó họ học nhẩy dù và thành lập một toán Nữ Quân Nhân chuyên biểu diễn nhẩy dù rất thành thạo và ngoạn mục.

Ðoàn Nữ Quân Nhân QLVNCH có nhiều cấp chỉ huy rất nổi tiếng như bà trung tá Vẽ, bà trung tá Hương, bà thiếu tá Hằng. Trường Nữ Quân Nhân sau này được thiết lập tại Phú Thọ. Khi tham dự các cuộc diễn binh hay lễ lớn, đoàn Nữ Quân Nhân thường diễn hành rất hùng dũng và nhịp nhàng, luôn luôn được hoan hô và tán thưởng nhiều nhất.

QUÂN CHỦNG KHÔNG QUÂN

Quân chủng Không Quân Việt Nam (KQVN) được thành lập bởi Dụ Số 9 ngày 25 tháng 6 năm 1951, nhưng mãi tới tháng 6 năm 1952 mới bắt đầu chính thức hoạt động tại Nha Trang, nơi được xem như là cái nôi của Không Quân.

Thoạt tiên, KQVN được nảy sinh ra từ lực lượng Không Quân Viễn Ðông Pháp (Forces Aeriennes en Extreme Orient), bắt đầu từ một trung tâm huấn luyện đặt tại bờ biển Nha Trang để huấn luyện phi công và quan sát viên trên phi cơ Morane 500 (máy bay Bà Già!). Lúc đầu, hầu hết các hoa tiêu và cơ khí viên đều được gửi đi thụ huấn tại các trường Không Quân ở Pháp và Bắc Phi Châu như Salon, Fes, Marrakech, Rochefort. Quân số Không Quân lúc thành lập chỉ độ 3,000 người.

Bước sang năm 1961, vì nhu cầu chiến trường gia tăng để chống lại các cuộc tấn công của Cộng Sản, Không Quân Việt Nam được trang bị một cách tích cực bằng những loại phi cơ tối tân hơn và quân số đã gia tăng gấp 10 lần so với lúc thành lập. Nhiều phi trường cũng được cải tiến để tiếp nhận các oanh tạc cơ hạng nặng. Phi đạo tại các phi trường lớn như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Ðà Nẵng được nối dài thành 10,000 bộ để trở thành phi trường quốc tế hạng A.

Trong đợt đầu, vào năm 1962, KQVN đã có những phi đoàn sau đây: Phi Ðoàn Khu Trục trang bị phi cơ A-1H đồn trú tại Ðà Nẵng, Biên Hòa, và Bình Thủy. Ba (3) phi đoàn vận tải cơ C-47 cùng 2 phi đoàn C-119 và C-123 đồn trú tại Tân Sơn Nhất. Năm (5) phi đoàn Quan Sát. Ba (3) phi đoàn Trực Thăng. Và nhiều phi đoàn cho những phi vụ đặc biệt.

Sau này, các phi cơ cánh quạt được thay thế bằng phi cơ phản lực tối tân, cùng hàng trăm phi cơ trực thăng UH-1H và Chinook CH-47. Vào tháng 7 năm 1964, Phi Ðoàn Khu Trục 524 tại Nha Trang là phi đoàn đầu tiên tiếp nhận phi cơ A-37, là loại chiến đấu phản lực 2 động cơ, đánh dấu KQVN tiến thêm một bước nữa vào "thời đại phản lực." Trong những năm kế tiếp, căn cứ Không Quân Biên Hòa thành lập thêm 3 phi đoàn chiến đấu cơ siêu thanh (supersonic fighter) F-5, là một trong những loại hiện đại nhất vào thời điểm này. Về ngành vận tải, Sư Ðoàn 5 Không Quân tại Tân Sơn Nhất cũng được trang bị thêm 2 phi đoàn vận tải bán phản lực với loại phi cơ C-130 Hercules.

Ðể bảo trì và sửa chữa các loại phi cơ, một Không Quân Công Xưởng cũng được thiết lập tại Biên Hòa. Không Quân Công Xưởng này được trang bị rất tối tân với những chuyên viên bảo trì thuộc vào hàng giỏi nhất vùng Ðông Nam Á.

Vào lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, Không Lực Việt Nam có quân số lên đến 60,000 người với khoảng 1,860 phi cơ kể cả trực thăng. Không Quân Việt Nam đã có lúc được coi là hùng hậu nhất Ðông Nam Á và đứng vào hàng thứ tư trên thế giới, được tổ chức thành 6 Sư Ðoàn Không Quân Chiến Thuật, phối trí như sau: Sư Ðoàn 1 Không Quân: Vùng 1 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 2 và Sư Ðoàn 6 Không Quân: Vùng 2 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 3 và Sư Ðoàn 5 Không Quân: Vùng 3 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 4 Không Quân: Vùng 4 Chiến Thuật.

.QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN

Vào khoảng đầu năm 1951, tuy Hải Quân Việt Nam chưa chính thức ra đời, nhưng đã có nhiều Liên Ðoàn Tuần Giang (tiếng Pháp gọi là Garde Auxiliaire Escadrille Fluviale, gọi tắt là GAEF) được thành lập để đáp ứng như cầu hành quân trên sông ngòi toàn lãnh thổ Việt Nam. Các Liên Ðoàn Tuần Giang (LÐTG) này được phân phối như sau:

LÐTG số 1, đồn trú tại Sài Gòn, gồm có 4 Ðoàn Tuần Giang (ÐTG):

ÐTG 1 đóng tại Cần Thơ.
ÐTG 2 đóng tại Mỹ Tho.
ÐTG 3 đóng tại Vĩng Long.
ÐTG 4 đóng tại Sài Gòn.

- LÐTG số 2, đồn rú tại Huế, chỉ có một ÐTG độc nhất cũng đóng tại Huế.

- LÐTG số 3, đồn trú tại Hà Nội, gồm có 3 ÐTG:

ÐTG 1 đóng tại Hà Nội.
ÐTG 2 đóng tại Hải Phòng.
ÐTG 3 đóng tại Nam Ðịnh.

Trên lý thuyết, mỗi Bộ Chỉ Huy LÐTG gồm 2 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan, 9 binh sĩ, và có một tàu chỉ huy. Mỗi ÐTG có 1 sĩ quan, 15 hạ sĩ quan, 76 binh sĩ, và 6 tầu Vedettes. Tuy nhiên, quân số và chiến đĩnh thuộc mỗi ÐTG được du di tùy theo nhu cầu chiến trường. Quân số tổng cộng của các LÐTG là 920 người. Vì lúc đó Hải Quân chưa được thành lập nên những LÐTG được đặt dưới quyền của Vệ Binh Quốc Gia (GA). Có thể nói những LÐTG là thủy tổ của Hải Quân Việt Nam lúc chưa thành hình.

Tưởng cũng nên nhắc lại vào thời gian đó cũng có những đại đội Commando chuyên đánh thủy như các đại đội Ouragan, Tempete, Jaubert, Montfort. Ta cũng có thể nói những đại đội "lính bộ đánh thủy" này là tiền thân của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến sau này.

Trước đó, vào năm 1950, đã có một số thanh niên Việt Nam được gửi sang Pháp thụ huấn các khóa ngắn hạn tại trường Hải Quân Brest. Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân (TTHLHQ) Nha Trang được khởi công xây cất vào tháng 11 năm 1951. Sau đây là những thơi điểm chính trong lịch sử hình thành Hải Quân Việt Nam (HQVN).

- Ngày 6 tháng 3 năm 1952: Hải Quân Việt Nam được chính thức thành lâp bởi Dụ Số 2.
- Ngày 20 tháng 5 năm 1952: Thành lập Bộ Tư Lệnh HQVN.
- Ngày 12 tháng 7 năm 1952: Khánh thành TTHLHQ. Ðô đốc Ortoli (Pháp) chủ tọa.
- Tháng 9 năm 1952: Khóa 1 SQHQ Nha Trang ra trường, gồm 9 sĩ quan.
- Tháng 10 năm 1952: sáu người được tuyển chọn đi học khóa SQHQ tại Brest (Pháp).

- Ðầu năm 1953: Hai đoàn tiểu đĩnh được biến cải thành hai Hải Ðoàn Xung Phong đầu tiên đóng tại Cần Thơ và Vĩnh Long. Hải Ðoàn Xung Phong Cần Thơ là đơn vị Hải Quân đầu tiên có chiến đĩnh mang quốc kỳ Việt Nam trên kỳ đài. Mãi đến đầu năm 1954, một Hải Ðoàn Xung Phong thứ ba mới được thành lập để tham chiến tại vùng trung châu Bắc Việt.

Tháng 4 năm 1953: Pháp chuyển giao cho HQVN một Giang Pháo Hạm (Landing Ship Infantry Large, gọi tắt là LSIL). Chiến hạm này vẫn mang cờ Pháp.

- Ðầu năm 1954: Quân số HQVN gồm có 22 sĩ quan và 984 hạ sĩ quan và đoàn viên.

- Ngày 30 tháng 6 năm 1955, thủ tướng Ngô Ðình Diệm chỉ định tướng Trần Văn Ðôn chỉ huy HQVN. Như vậy, tuy đã chuyển gia một số đơn vị cho HQVN, sĩ quan Pháp vẫn tiếp tục chỉ huy HQVN cho đến đầu năm 1955.

- Vào năm 1950 đã có 8 sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ trong phái bộ MAAG (Military Assistance Advisory Group) nhưng mãi đến năm 1954 mới có cố vấn Hoa Kỳ trong Hải Quân Việt Nam.

- Ngày 20 tháng 8 năm 1955: Quân đội Pháp chính thức chuyển giao quân chủng Hải Quân cho QLVNCH (cùng ngày với Không Quân). Hải Quân Thiếu Tá Lê Quang Mỹ được thủ tướng Ngô Ðình Diệm bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Hải Quân đầu tiên (kiêm tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến).

- Ngày 7 tháng 11 năm 1955: Pháp chuyển giao TTHL/HQ Nha Trang cho HQVN. Tính cho đến cuối năm 1955, Pháp đã chuyển giao cho HQVN những đơn vị sau đây:

-- 4 Hải Ðoàn Xung Phong: HDXP 21 đóng tại Mỹ Tho, 23 đóng tại Vĩnh Long, 24 đóng tại Sài Gòn, 25 đóng tại Cần Thơ.

-- 3 căn cứ Hải Quân: Sài Gòn, Cát Lái, và Ðà Nẵng.

-- 4 đồn Hải Quân tại Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, và Long Xuyên.

-- Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.

-- Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn (Ba Son).

-- Kho đạn Thành Tuy Hạ.

Lúc đó, HDXP 22 đã được thành lập và di chuyển từ miền Bắc vào, nhưng giang đĩnh bị thiệt hại khá nặng nên phải giải tán và sát nhập vào HDXP 21.

- Tháng 7 năm 1955: Bảng cấp số lý thuyết của Hải Quân được chấp thuận, tăng quân số lên 4,250 người. Lúc đó, quân số Hải Quân đã có 3,858 người phân chia như sau:

-- Hải Quân chính thức: 2,567 người gồm 190 sĩ quan, 2,377 hạ sĩ quan và đoàn viên.

-- Thủy Quân Lục Chiến: 1,291 người, gồm 43 sĩ quan, 257 hạ sĩ quan và 991 binh sĩ.

Sau khi được chuyển giao, HQVN chia thành ba lực lượng chính sau đây:

1. Hải Trấn: Gồm 4 Duyên Khu (Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tầu, Ðà Nẵng). TTHL/HQ Nha Trang và ba Thủy Xưởng (miền đông: Sài Gòn, miền tây: Cần Thơ, miền trung: Ðà Nẵng).

2. Hải Lực: Gồm có các chiến hạm tuần tiễu hay yểm trợ ven biển:

- 5 tuần duyên hạm (PC - Patrol Craft): HQ 01 Chi Lăng, HQ 02 Vạn Kiếp, HQ 04 Tụy Ðộng, HQ 05 Tây Kết, HQ 06 Vân Ðồn.

- 3 trục lôi hạm (YMS - Yatch Mine Sweeper - tàu rà mìn): HQ 111 Hàm Tử, HQ 112 Chương Dương, HQ 113 Bạch Ðằng.

- 2 Trợ Chiến Hạm (LSSL - Landing Ship Support Large): HQ 225 Nỏ Thần, HQ 226 Linh Kiếm.

- 5 Giang Pháo Hạm (LSIL - Landing Ship Infantry Large): HQ 327 Long Ðao, HQ 328 Thần Tiễn, HQ 329 Thiên Kích, HQ 330 Lôi Công, HQ 331 Tầm Sét.

- 4 Hải Vận Hạm (LSM - Landing Ship Medium): HQ 400 Hát Giang, HQ 401 Hàn Giang, HQ 402 Lam Giang, HQ 403 Ninh Giang.

3. Giang Lực: gồm một số tầu trục vớt trong sông và quân vận đĩnh (LCU - Landing Craft Utility) và năm Hải Ðoàn Xung Phong được phân phối như sau:

- HDXP 21 đóng tại Mỹ Tho.
- HDXP 23 đóng tại Vĩnh Long.
- HDXP 24 đóng tại Sài Gòn.
- HDXP 25 đóng tại Cần Thơ.
- HDXP 26 đóng tại Long Xuyên.

(Lúc đó vì HDXP 22 bị thiệt hại nặng ngoài Bắc Việt, nên khi di chuyển vào Nam được sát nhập vào HDXP 21).

Tháng 5 năm 1957: Các sĩ quan HQ Pháp cuối cùng rời khỏi TTHL/HQ Nha Trang. SQHQ Việt Nam hoàn toàn đảm trách việc huấn luyện.

Năm 1958: Khóa 8 Ðệ Nhất Hổ Cáp là khóa SVSQ/HQ đầu tiên được chính SQ Hải Quân VN tuyển mộ và huấn luyện.

Trong khoảng 10 năm từ 1958 tới 1968, Hải Quân Việt Nam tiếp tục bành trướng mạnh mẽ, cả về quân số lẫn chiến hạm. Nhiều nhân viên được gửi đi thụ huấn tại ngoại quốc và Hoa Kỳ cũng chuyển giao nhiều chiến hạm. Vào tháng 11 năm 1969, trong khuôn khổ kế hoạch "Việt Hóa Cuộc Chiến" (Vietnamization) và "Chuyển Giao Cấp Tốc" (Accelerated Turn Over to the Vietnamese - ACTOV), chỉ trong một thời gian ngắn, HQVN nhận được trên 500 chiếnhạm và chiến đỉnh đủ loại. Cho tới tháng 4 năm 1975, quân số của Hải Quân lên đến gần 43,000 người với khoảng 1,600 chiến hạm và chiến đỉnh đủ loại.

Tưởng cũng nên nhắc nhở là Hải Quân Công Xưởng (còn được gọi là Sở Ba Son) là môt thủy xưởng được thiết lập ngay trên bờ sông Sài Gòn từ thế kỷ thứ 19, trên một khu đất rộng chừng 53 mẫu tây. Thủy xưởng này có nhiều ụ nổi đủ sức tân trang và đại kỳ những chiến hạm cỡ lớn.

Các đại đơn vị thuộc quân chủng Hải Quân được tổ chức như sau.

Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sông, gồm có:

1. Vùng III Sông Ngòi đóng tại Sài Gòn, chỉ huy các Giang Ðoàn Xung Phong.

2. Vùng IV Sông Ngòi đóng tại Cần Thơ, chỉ huy các Giang Ðoàn Xung Phong.

3. Lực Lượng Thủy Bộ (LL Ðặc Nhiệm 211) đóng tại Bình Thủy, chỉ huy các Giang Ðoàn Thủy Bộ.

4. Lực Lượng Tuần Thám (LL Ðặc Nhiệm 212) đóng tại Châu Ðốc, chỉ huy các Giang Ðoàn Tuần Thám.

5. Lực Lượng Trung Ương (LL Ðặc Nhiệm 214) đóng tại Ðồng Tâm, chỉ huy các Giang Ðoàn Ngăn Chận.

Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biển, gồm có:

1. Hạm Ðội: Chia thành Hải Ðội I Tuần Duyên, Hải Ðội II Chuyển Vận, và Hải Ðội III Tuần Dương, gồm nhiều chiến hạm đủ loại, đủ cỡ hoạt động trong sông cũng như ngoài biển, từ vĩ tuyến 17 đến Vịnh Thái Lan.

2. Các vùng duyên hải: Chỉ huy các Duyên Ðoàn, Giang Ðoàn, Ðài Kiểm Báo, Hải Ðội Duyên Phòng, Tiền Doanh Yểm Trợ. Mỗi vùng duyên hải chịu trách nhiệm một vùng bờ biển.

- Vùng I Duyên Hải, đóng tại Ðà Nẵng, chịu trách nhiệm từ vĩ tuyến 17 đến Quảng Ngãi.

- Vùng II Duyên Hải, đóng tại Cam Ranh, chịu trách nhiệm từ Bình Ðịnh đến Phan Thiết.

- Vùng III Duyên Hải, đóng tại Vũng Tàu, chịu trách nhiệm từ Phước Tuy tới Kiến Hòa.

- Vùng IV Duyên Hải, đóng tại Phú Quốc, chịu trách nhiệm từ Mũi Cà Mau đến biên giới Miên-Việt trong vịnh Thái Lan.

- Vùng V Duyên Hải, đóng tại Năm Căn, chịu trách nhiệm vùng biển Ba Xuyên, An Xuyên, một phần tỉnh Kiên Giang và các hải đảo như Poulo Obi.
Kết luận

Khi đề cập đến chiến tranh là nói đến tàn phá và chết chóc (nhất tướng công thành vạn cốt khô!), nhưng ngoài việc hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, QLVNCH cũng đã đóng góp đắc lực vào việc xây dựng đất nước. Các doanh trại hàng hàng lớp lớp, các hải cảng, giang cảng tối tân có thể đón nhận những thương thuyền cỡ lớn, những phi trường quốc tế hạng A, những cầu cống tối tân do Công Binh xây cất đã từng thay đổi hẳn bộ mặt quê hương Việt Nam, tự một thuộc địa nghèo nàn dưới sự cai trị của thực dân Pháp gần 100 năm, thành một quốc gia tiến bộ vào bậc nhất trong vùng Ðông Nam Á.

Riêng Quân Lực VNCH, thoát thai từ một đội quân phụ thuộc vào lực lượng viễn chinh Pháp, không có chính nghĩa quốc gia, nhưng sau này đã trở thành một quân lực hùng mạnh dưới thời đệ nhất Cộng Hòa vào năm 1955 cho tới khi tàn cuộc chiến. Biến cố đau thương vào tháng 4 năm 1975 đã bức tử quân đội miền Nam, nhưng dư âm và hình ảnh oai hùng của người lính chiến VNCH vì dân trừ bạo vẫn còn ghi sâu vào tâm khảm mọi người.

Cuộc đời như "như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao," như "bóng câu qua cửa sổ". Mười mấy tám năm trôi qua như gió thoảng ngoài hiên, nhưng đối với người lính chiến Việt Nam, dù lưu lạc nơi đâu vẫn tưởng như đêm nào còn ôm súng chờ giặc nơi tuyến đầu. Mỗi khi nhắc đến quá khứ, người ta cho đó chỉ là "vang bóng một thời." Nhưng đối với những chiến sĩ QLVNCH, những người trong cuộc, những người đã từng cầm súng đánh lại bọn Cộng Sản vong nô, những chứng nhân hào hùng và đau thương của cuộc chiến, sẽ không thể nào quên được một tập thể trong đó họ đã đóng góp biết bao xương máu và cả tuổi hoa niên. Mỗi khi nhắc đến lịch sử oai hùng của QLVNCH, những người lính chiến Việt Nam tưởng như nhắc lại chính cuộc đời mình và những trách nhiệm cũng như bổn phận đối với đất nước chưa làm tròn.

Vì vậy, dù không còn được cầm súng giết giặc ngoài sa trường, nhưng người lính QLVNCH vẫn bền gan đấu tranh trên các mặt trận chính trị, văn hóa, kinh tế, cho đến khi nào gót thù không còn giầy xéo trên quê hương và thanh bình thịnh vượng thật sự trở về với quốc gia dân tộc. Nếu vì hoàn cảnh bó buộc không thể trực diện đấu tranh với bọn Cộng Sản bạo tàn, ít ra chúng ta cũng không hèn nhát, không phản bội quê hương hay đâm sau lưng đồng đội bằng cách bắt tay với giặc thù dù dưới chiêu bài đẹp đẽ đến đâu đi nữa.

Mọi ý đồ, tham vọng đen tối, ngông cuồng và man rợ của bất cứ cá nhân, đoàn thể hay đảng phái nào đi ngược lại với quyền lợi tối thượng của dân tộc trước sau thế nào cũng bị thất bại. Những chiến sĩ QLVNCH chân chính và xứng đáng luôn luôn sáng suốt để phục vụ cho chính nghĩa quốc gia dân tộc./.

TRẦN HỘI - TRẦN ĐỖ CẨM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét