Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015
TRUNG CỘNG LẠM DỤNG QUY ĐỊNH CỦA WTO ĐỂ KIỂM SOÁT CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI
Ảnh chụp tại ngày khai trương cửa hàng Apple thứ 12 tại Trung Quốc (Ảnh: ChinaFotoPress/Getty Images)
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra một luật mới cho phép họ cấm có lựa chọn hàng nhập khẩu từ nước ngoài trong khi chống đỡ cho các công ty trong nước. Điều luật mới đã sử dụng kẽ hở của thương mại thế giới. Nó có thể đẩy các công ty công nghệ của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Được đưa vào trong “luật an ninh quốc gia” mới, điều luật này đã được nhất trí thông qua bởi Đại hội Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội), cơ quan lập pháp không có thực quyền của Trung Quốc. Bộ Luật này bao trùm gần như mọi mặt của xã hội Trung Quốc, cũng như lợi ích quân sự ở vùng biển sâu, các vùng cực của Trái đất và không gian.
Tuy nhiên, điều khoản được chú ý nhất là nhắm vào các công ty công nghệ nước ngoài. Điều luật nói rằng tất cả các cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin chủ chốt ở Trung Quốc cần phải “an toàn và có thể kiểm soát được”.
Các quy định mới “sẽ yêu cầu bất kỳ công ty nào hoạt động ở Trung Quốc phải chuyển giao cho chính phủ các mã máy tính và khóa giải mã hóa, cũng như cung cấp quyền truy cập từ cổng sau vào mạng máy tính thương mại”, theo chuyên gia phân tích từ Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung.
“Tôi nghĩ không còn phải nghi ngờ gì về mục đích của điều luật ”, Robert Atkinson, chủ tịch Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washinton cho biết.
“Mục đích của điều luật là để thay thế hoàn toàn công nghệ thông tin của nước ngoài bằng công nghệ thông tin Trung Quốc ”, ông Atkinson nói, đồng thời lưu ý việc này bao gồm toàn bộ thị trường công nghệ, từ thiết kế và sản xuất chất bán dẫn đến máy chủ, phần mềm, và cơ sở hạ tầng Internet.
KẺ HỞ PHÁP LÝ
Điều này chỉ có thể xảy ra bởi các nhà chức trách đã tìm thấy một lỗ hổng trong quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chủ nghĩa bảo hộ, ông nói.
Chủ nghĩa bảo hộ, là khi các nước sử dụng biện pháp của chính phủ để bảo vệ ngành công nghiệp của họ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Điều này bị cấm bởi WTO, nhưng có một ngoại lệ quan trọng: Các quốc gia được phép cấm nhập khẩu một số mặt hàng nhất định nếu việc nhập khẩu những mặt hàng này đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
“Về cơ bản, WTO có một bộ quy tắc, theo đó, bạn không thể phân biệt đối xử đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo tự do thương mại, nhưng nếu bạn nghĩ rằng một mặt hàng nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia, thì điều này được miễn trừ theo quy định của WTO”, ông Atkinson nói.
Các quy tắc cũng không có dụng ý sẽ được sử dụng rộng rãi, nhưng ông như ông Atkinson lưu ý, “Chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều rất nhiều thời gian tìm hiểu các quy tắc và luật lệ hiện hành của WTO, vì vậy bất kỳ điều gì họ làm đều không vi phạm các quy định của WTO”.
SẢN XUẤT TRONG NƯỚC
Chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực đẩy các công ty công nghệ nước ngoài ra khỏi đất nước nếu họ tin là doanh nghiệp trong nước có thể thay thế được . Chính quyền đã cấm sử dụng các sản phẩm từ các công ty như Microsoft, Apple, và Cisco trong các văn phòng chính phủ – thuộc hệ thống các công ty quốc doanh và chiếm một phần lớn thị trường Trung Quốc.
“Người Trung Quốc về cơ bản muốn hình thành một vòng tròn khép kín, trong đó các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ra sản phẩm cho thị trường Trung Quốc”, Atkinson nói, “và các quy định về an ninh trong luật an ninh quốc gia là một trong số nhiều, rất nhiều công cụ mà chính phủ Trung Quốc đang dùng để đạt được mục tiêu này”.
Điều này gắn vào một hệ thống bao gồm các hacker quân sự chuyên đi ăn cắp các thiết kế sản phẩm và bí mật thương mại từ các công ty của Mỹ, cũng như các chương trình khác nhằm xây dựng một nền kinh tế công nghệ cao ở Trung Quốc.
Một số hành động đã diễn ra trong nhiều năm qua. Lấy ví dụ vào năm 2006, các nhà chức trách đã triển khai Kế hoạch Trung-Dài hạn Quốc gia về Phát triển Khoa học và Kỹ thuật.
Chương trình năm 2006 lúc đó “yêu cầu rằng để bán sản phẩm ở Trung Quốc, bạn phải chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc”, ông Atkinson nói. Có rất nhiều các chương trình khác đã tồn tại với mục đích tương tự, bao gồm cả Dự án 863 và Chương trình Ngọn đuốc.
Luật an ninh quốc gia mới tăng cường những hệ thống loại này, và là một trong ba văn bản pháp luật tương tự – hai trong số đó vẫn đang chờ và dự kiến sẽ được thông qua sớm. Một là về đặt các tổ chức phi chính phủ nước ngoài dưới sự quản lý của Bộ Công an, hai là “luật chống khủng bố” với các chương trình tương tự để điều chỉnh các công ty nước ngoài.
“Sự kết thúc của trò chơi khá rõ ràng”, ông Atkinson nói thêm. Mục đích của chính quyền là cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc thống trị “tất cả các phương diện của hệ sinh thái công nghệ (thuật ngữ bắt nguồn từ nhận định của Micheal Rothschild đầu thập niên 90 khi ví một nền kinh tế cũng như một hệ sinh thái) ở Trung Quốc”, và hậu thuẫn các doanh nghiệp Trung Quốc “tìm kiếm thị phần” trên toàn cầu.
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI
Các tác động tới việc kinh doanh của luật an ninh quốc gia mới nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu, theo ông Greg Autry, đồng tác giả của cuốn “Death by China“ (Tạm dịch: Cái chết bởi Trung Quốc ), đồng thời là chuyên gia kinh tế cao cấp của Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng.
“Điều này chắc chắn sẽ làm giảm kim ngạch thương mại, chắn chắn sẽ gây thiệt hại cho tất cả mọi người trên toàn thế giới”, ông Autry nói, và ông cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nhiều khả năng ĐCSTQ sẽ liệt họ vào danh sách những mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Nhiều công ty có khả năng sẽ có chỉ có hai lựa chọn: một là tuân theo các quy định mới, hai là rời khỏi Trung Quốc.
Thật không may cho các công ty Mỹ, họ sẽ chẳng làm được gì mấy để đối phó. Mỹ và các nước khác cũng sử dụng các quy tắc an ninh quốc gia của WTO để từ chối việc xâm nhập thị trường của các quốc gia khác, mặc dù trên phạm vi nhỏ hơn rất nhiều.
Ông Autry cũng lưu ý rằng Mỹ đã từng sử dụng mối đe dọa đối với an ninh quốc gia như là cái cớ để từ chối cho các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia thị trường, với lý do là rủi ro về an ninh. Cũng tương tự như vậy, Mỹ đã từng ngăn chặn Trung Quốc mua các doanh nghiệp, cũng với lý do là rủi ro về an ninh.
Trong khi các động thái của Mỹ có thể được biện hộ, do tính chất mập mờ của việc Đảng kiểm soát các ngành công nghiệp Trung Quốc, thì chính quyền Trung Quốc cũng nắm con át chủ bài tương tự, nhờ thông tin rò rỉ về chương trình gián điệp của Mỹ do NSA thực hiện.
“Tất cả mọi người đều làm như vậy”, ông Autry nói. “Người Trung Quốc chỉ làm một cách có chiến lược hơn mà thôi”.
Các tiêu chuẩn mới có thể sẽ vực dậy các doanh nghiệp Trung Quốc và khiến họ có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế
Tuy nhiên, ông Autry lưu ý rằng hệ thống cách ly mà chính quyền Trung Quốc tạo ra cho các doanh nghiệp trong nước có thể gây thiệt hại cho chính họ trong dài hạn.
Các quy định mới cũng nói lên nhiều điều về sự ổn định của chế độ cai trị một đảng. Ông Autry nói các bộ luật về an ninh nội địa cho thấy chính quyền tin rằng sự thống trị của họ đang gặp nguy hiểm, và các bộ luật về kinh tế cũng cho thấy “nền kinh tế đang yếu hơn rất nhiều so với những gì họ nói”.
“Tôi nghĩ đó là dấu hiệu của sự suy yếu”, ông Autry nói./.
Joshua Philipp, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Thu Hiền biên dịch
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét