Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

BẬT DẬY VÀ GIẾT LIỀN : Hồ Sơ Mật các Vụ Ám sát Có Mục Tiêu của Israel- Bài 1

 

Ronen Bergman

Trần Quang Nghĩa dịch

GHI CHÚ VỀ CÁC NGUỒN TIN

Cộng đồng tình báo Israel giữ các bí mật của họ một cách nghiêm ngặt. Tình trạng gần như mù tịt về họ được bảo vệ bởi một mạng lưới phức tạp gồm các sắc luật và giao thức, sự kiểm duyệt quân sự chặt chẽ,  và tiến trình răn đe, thẩm vấn,  và truy tố các nhà báo và các nguồn tin của họ,  cũng như tình đoàn kết và trung thành tự nhiên của nhân sự trong các cục gián điệp. 

Đến tận hôm nay  mọi cái nhìn thoáng qua phía sau khung cảnh  cùng lắm chỉ là một phần nhỏ nhặt. Thế thì, bạn có thể hỏi một cách hợp lý, làm cách nào để viết một cuốn sách về một trong các tổ chức bí mật nhất trên mặt đất này?

Những nỗ lực để thuyết phục cơ quan quốc phòng Israel hợp tác cho việc nghiên cứu dự án viết không đi đến đâu. Yêu cầu của tôi đến cộng đồng tình báo thỏa điều kiện của sắc luật cho phép chuyển các tài liệu lịch sử đến Cục Lưu trữ Nhà nước và cho phép in ấn những tài liệu đã qua ít nhất 50 năm cũng đón nhận sự câm lặng như đá. Đơn thỉnh nguyện được gửi đến Tối cao Pháp viện xin lệnh cưỡng bách thi hành luật này kéo dài nhiều năm, qua các phiên toà phức tạp,  và không có kết quả gì trừ một tu chính án: Các điều khoản về việc giữ gìn bí mật được kéo dài từ 50 đến 70 năm, lâu hơn cả lịch sử của nhà nước Israel.

Cơ quan quốc phòng không chỉ khoanh tay ngồi. Ngay từ năm 2010, trước khi hợp đồng của quyển sách này được ký,  một phiên họp đặc biệt được tổ chức tại phòng tác chiến của Mossad, Caesarea, để bàn luận các cách thức phá vỡ việc nghiên cứu của tôi. Nhiều bức thư được viết và gửi đến tất cả  nhân viên Mossad trước đây cảnh báo họ không cho tôi phỏng vấn, và các cuộc đối thoại cá nhân với một vài cựu nhân viên được xem là có vấn đề nhất. Sau đó vào năm 2011, Tham mưu trưởng IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel), Trung tướng Gabi Ashkenazi, yêu cầu Shin Bet (Cơ quan An ninh Nội địa) tiến hành các bước gây hấn đối với tác giả, cho rằng tôi đã thâm nhập ” hoạt động gián điệp nghiêm trọng” vì tôi đã sở hữu các bí mật được phân loại và “sử dụng tài liệu được phân loại để gièm pha tôi [Ashkenazi] với tư cách cá nhân.” Từ đó,  một số hành động đã được thực hiện bởi một vài người để ngăn cản việc xuất bản quyển sách này, hoặc ít ra phần lớn nội dung của sách.

 Ban kiểm tra quân sự yêu cầu giới truyền thông Israel phải thêm cụm từ “theo ấn phẩm nước ngoài” bất kì khi nào họ đề cập đến tình báo Israel,  nhất là các vụ ám sát có mục tiêu. Viết ra điều này để làm rõ là sự tồn tại của ấn phẩm này không được chính quyền chính thức nhìn nhận. Thế thì,  theo nghĩa này, quyển sách này phải được xem như “ấn phẩm nước ngoài” mà nội dung của nó không được Israel chính thức khẳng định.

Trong số cả ngàn cuộc phỏng vấn được thực hiện cho quyển sách này – với các nguồn tin trải dài từ các nhà lãnh đạo chính trị và các cục trưởng tình báo đến chính các đặc vụ,  không cuộc phỏng vấn nào được cơ quan quốc phòng thừa nhận.  Phần đông các nguồn tin được nhận diện bởi các tên của họ.  Một số khác có thể hiểu được là sợ bị nhận diện và do đó được nêu ra bằng các tên viết tắt hoặc biệt danh, thêm bất kì chi tiết nào về họ mà tôi có thể cung cấp trong khi còn giữ được bí mật nhân thân của họ.

Tôi cũng sử dụng hàng ngàn tài liệu được các nguồn tin này cung cấp, tất cả đều được tham khảo ở đây lần đầu tiên.  Các nguồn tin của tôi không hề được phép chuyển đi các tài liệu này khỏi nơi làm việc, và chắc chắn không được phép chuyền chúng cho tôi. Vì vậy quyển sách này là nỗ lực tốt như có thể để giới thiệu một lịch sử có uy tín về tình báo của Israel. 

Thế thì tại sao  những nguồn tin này chịu hé răng với tôi  và cung cấp cho tôi các tài liệu này? Mỗi người đều có các động lực riêng,  và đôi khi câu chuyện phía sau khung cảnh chỉ hơi kém hứng thú so với nội dung của cuộc phỏng vấn.  Rõ ràng một số chính trị gia và nhân viên tình báo  – hai nghề nghiệp có kỹ năng cao trong việc thao túng và lừa dối  – đang muốn sử dụng tôi như kênh cho phiên bản được ưa thích về các sự kiện xảy ra, hoặc để tạo hình lịch sử theo ý họ. Tôi đã cố gắng ngăn chặn những toan tính như thế bằng cách kiểm tra chéo với nhiều nguồn tin viết tay hay nói miệng nhiều như có thể.

Nhưng theo tôi dường như thường có một động lực khác, vốn liên can nhiều đến một tính nghịch lý đặc thù Israel: Một mặt, gần như mọi thứ trong xứ sở có liên quan đến tình báo và an ninh quốc gia đều được xếp loại “tối mật.” Mặt khác,  mọi người lại muốn nói về những việc mình đã làm. Hành động mà những người ở xứ sở khác có thể xấu hổ nhìn nhận thì đối với người Israel lại là nguồn tự hào, vì chúng được mọi người nhận thức như là mệnh lệnh của nền an ninh quốc gia, cần thiết để bảo vệ cuộc sống luôn bị đe dọa của người Israel, nếu không muốn nói là chính sự tồn vong của nhà nước bị bao vây này.

Sau một thời gian,  cơ quan Mossad xoay sở để phong tỏa việc tiếp cận của tôi với một số nguồn tin của tôi (trong nhiều trường hợp chỉ sau khi họ đã nói chuyện với tôi). Nhiều người hơn đã chết kể từ khi tôi gặp họ,  hầu hết vì nguyên nhân tự nhiên.  Vì vậy,  những lời kể trực tiếp mà các ông bà này đã cung cấp cho tôi trong quyển sách này – những ông bà đã chứng kiến và tham gia vào các sự kiện lịch sử quan trọng  – đúng ra là những người duy nhất tồn tại bên ngoài các hầm lưu trữ hồ sơ mật của cơ quan quốc phòng.

Đôi khi, họ là người duy nhất còn tồn tại. 

LỜI NÓI ĐẦU

Meir Dagan, xếp cơ quan mật vụ Mossad của Israel, gián điệp và sát thủ huyền thoại, rảo bước vào phòng, dựa người vào cây gậy chống.

Ông đã sử dụng nó kể từ khi bị thương do mìn của bọn khủng bố Palestine gài khi ông chiến đấu tại Dải Gaza lúc còn là một sĩ quan đặc nhiệm trẻ vào những năm 1970. Dagan, người biết ít nhiều về quyền lực của huyền thoại và biểu tượng,  thận trọng không cải chính tin đồn cho rằng trong cây gậy chống có dấu một lưỡi dao,  mà ông chỉ cần bấm nút là nó bay phụt ra.

Dagan là một người thấp, nước da đậm đến nỗi người ta luôn ngạc nhiên khi nghe nói ông gốc người Ba Lan, và ông có cái bụng to dáng vẻ bệ vệ. Trong dịp này ông vận một áo sơ mi hở cổ, giản dị,  quần xám nhạt, và mang giày đen, và có vẻ như là ông không mấy quan tâm đến vẻ ngoài của mình.  Có điều gì đó về ông biểu lộ một sự tự tin trực tiếp và dứt khoát , đôi khi một sự thu hút răn đe.

Phòng họp mà Dagan bước vào chiều hôm đó, ngày 8 tháng giêng 2011, là trong Học viện Mossad,  phía bắc Tel Aviv.  Đây là lần đầu tiên mà người đứng đầu cục gián điệp gặp gỡ các nhà báo ngay trung tâm của các cơ sở bí mật được phòng vệ cẩn mật nhất Israel. 

Dagan không ưa gì giới truyền thông. “Tôi đã đi đến kết luận rằng giới truyền thông là một con quái vật không hề biết thỏa mãn,” ông nói tôi sau này, “vì thế duy trì mối quan hệ với họ chả ích lợi gì.” Dù sao thì trước buổi họp 3 ngày, tôi và một số các thông tín viên khác đã nhận được lời mời kín đáo.  Tôi ngạc nhiên. Trong một thập niên tôi đã chĩa mũi chỉ trích nghiêm khắc cơ quan Mossad,  và đặc biệt cá nhân Dagan,  khiến ông ta giận dữ.

Mossad làm mọi thứ có thể để khoác cho sự kiện một bộ mặt áo choàng-và-dao găm. Chúng tôi được căn dặn đến đỗ tại bãi đậu xe của Rạp Chiếu Phim Thành phố, không xa Sở Chỉ huy Mossad,  và bỏ lại mọi thứ trong xe, trừ sổ tay và bút. ‘Các ông sẽ bị khám xét cẩn thận,  và chúng tôi không muốn các ông phải phiền lòng,” các người hộ tống chúng tôi bảo. Từ đó chúng tôi được chở bằng xe buýt với cửa sổ kính tối đến phức hợp bộ chỉ huy Mossad.  Chúng tôi đi qua một số cổng điện và các bảng báo điện tử cảnh báo những ai bước vào những gì được phép và bị cấm bên trong vành đai. Rồi đến tiến trình quét khắp người bằng máy dò kim loại để bảo đảm chúng tôi không mang theo các thiết bị ghi hình hoặc thu âm nào. Chúng tôi bước vào phòng họp, và sau vài phút Dagan xuất hiện, đi quanh và bắt tay mọi người.  Khi đến lượt tôi, ông siết tay tôi một lúc và mỉm cười nói, ‘Anh đúng là một loại kẻ cướp.”

Đoạn ông ngồi xuống. Hai bên ông là phát ngôn viên của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và trưởng ban kiểm duyệt quân sự, một nữ chuẩn tướng (Mossad là một đơn vị của văn phòng thủ tướng, và, theo luật quốc gia,  báo cáo về mọi hoạt động của nó phải chịu sự kiểm duyệt.) Cả hai quan chức này tưởng rằng Dagan triệu tập cuộc họp chỉ là để chính thức  giã từ với những người đã viết bài về hoạt động trong nhiệm kỳ của ông, và rằng ông sẽ không phát biểu gì linh tinh.

Họ đã sai. Rõ ràng sự ngạc nhiên hiện lên trên gương mặt của phát ngôn viên thủ tướng, khi mắt ông ta cứ to dần lên khi Dagan tiếp tục nói.

“Có một lợi thế khi bị chấn thương ở lưng, ” Dagan nói, mở đầu bài nói chuyên của ông. “Bạn được giấy chứng nhận của bác sĩ là mình không phải là không có xương sống.” Rất nhanh chóng, chúng tôi nhận ra rằng đây không chỉ là câu đùa cợt, khi Dagan lao vào việc công kích kịch liệt vị thủ tướng của Israel. Benjamin Netanyahu, Dagan tuyên bố,  đang xử sự một cách vô trách nhiệm và, vì những lý do ích kỷ của mình, đang dẫn dắt đất nước vào thảm họa. “Việc ai đó được bầu không có nghĩa là y thông minh” là một câu chế nhạo của ông.

Đây là ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Dagan với chức vụ giám đốc Mossad. Netanyahu đang đuổi ông ra cửa, và Dagan, vốn người mà ước mơ cả đời mình là nắm chức vụ trùm gián điệp của Israel, sẽ không chịu đứng yên mà khoanh tay. Khủng hoảng sâu sắc giữa hai người đã bùng lên quanh hai vấn đề,  và cả hai đều liền quan mật thiết đến vũ khí mà Meir Dagan ưa chuộng: ám sát.

 Tám năm trước, Ariel Sharon đã bổ nhiệm Dagan vào chức vụ ở Mossad và giao ông nhiệm vụ phá hỏng dự án vũ khí hạt nhân của Iran, mà hai người coi là mối đe dọa cho sự tồn vong của Israel. Dagan tiến hành một số phương pháp để hoàn thành nhiệm vụ này. Cách khó khăn nhất, và cũng là hiệu quả nhất, Dagan tin tưởng, là nhận điện các nhà khoa học tên lửa và hạt nhân chủ chốt của Iran, rồi giết họ. Mossad chỉ đích danh 15 mục tiêu như thế, trong đó Mossad đã khử được 6, phần đông khi họ đang trên đường đi làm vào buổi sáng,  bằng cách đặt bom nổ nhanh, do một tay lái mô tô ép sát và gắn vào xe nạn nhân. Thêm vào đó, một tướng lĩnh của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, người chỉ huy dự án tên lứa, bị nổ tung trong bộ chỉ huy cùng với 17 nhân viên của ông.

Những chiến dịch này và nhiều chiến dịch khác đều do một tay Mossad phát động, một số có sự hợp tác của Hoa Kỳ, tất cả đều thành công, nhưng Netanyahu và bộ trưởng quốc phòng của ông, Ehud Barak, đã bắt đầu cảm thấy tính hữu ích của chúng đang suy giảm. Họ quyết định rằng các biện pháp lén lút không còn có thể đình hoãn được dự án hạt nhân của Iran một cách hiệu quả nữa, và chỉ có việc oanh tạc rầm rộ các cơ sở hạt nhân của Iran mới có thể ngăn chặn thành công việc Iran thụ đắc thứ vũ khí đó.

Dagan cực lực chống đối ý tưởng này. Đúng ra, nó hoàn toàn đi ngược với mọi điều mà ông tin tưởng: rằng chiến tranh công khai chỉ nên tiến hành khi ta bị “gươm lề tận cổ”, hoặc như một biện pháp cuối cùng, trong những tình thế trong đó ta không còn có sự lựa chọn nào khác. Mọi tình huống khác có thể và nên được xử lý qua các phương tiện lén lút.

“Ám sát”, ông nói,  “tạo một hiệu quả về tinh thần,  cũng như hiệu quả thực tiễn.  Tôi không nghĩ có nhiều người có thể thay thế Napoleon,  hoặc một tổng thống như  Roosevelt hoặc một thủ tướng như Churchill. Khía cạnh cá nhân chắc chắn đóng một vai trò. Đúng là ai cũng có thể được thay thế,  nhưng có sự khác biệt giữa sự thay thế một người quả cảm và một tên vô hồn nào đó.”

Hơn nữa,  sử dụng việc ám sát,  theo quan điểm của Dagan, “thì hợp đạo lý hơn nhiều ” so với chiến tranh toàn diện. Thủ tiêu một ít nhân vật chủ chốt là đủ để vô hiệu hóa giải pháp sau và cứu được sinh mạng vô số binh sĩ và dân chúng ở cả hai bên. Một cuộc tấn công quy mô vào Iran sẽ đưa đến xung đột trên khắp Trung Đông,  và thậm chí lúc đó chưa chắc nó gây đủ thiệt hại cho các cơ sở của Iran. 

Cuối cùng,  theo quan điểm của Dagan,  nếu Israel phát động một cuộc chiến với Iran, nó sẽ là  bản cáo trạng cho toàn bộ sự nghiệp của ông.  Các sử sách sẽ chứng minh rằng ông đã không hoàn thành nhiệm vụ mà Sharon đã giao phó: kết liễu việc Iran thụ đắc vũ khí hạt nhân bằng phương thức được che đậy, không cần đến một cuộc tấn công công giữa thanh thiên bạch nhật.

Sự chống đối của Dagan,  và sức ép tương tự nặng nề từ phía các chóp bu quân sự lẫn các chỉ huy tình báo,  buộc phải đình hoãn nhiều lần việc tấn công vào Iran.  Dagan thậm chí vạch cho Giám đốc CIA Leon Panetta biết về kế hoạch của Israel (thủ tướng cho rằng ông ta làm thế mà không được phép), và lập tức Tổng thống Obama cũng cảnh báo Netanyahu không được tấn công.

Căng thẳng giữa hai người thậm chí càng lên cao vào năm 2010, 7 năm trong nhiệm kỳ của Dagan.  Dagan đã phái một đội sát thủ 27 đặc vụ Mossad đến Dubai để trừ khử một viên chức cao cấp của nhóm khủng bố Hamas của Palestine.  Họ đã hoàn thành công việc: các sát thủ đã tiêm mục tiêu một liều thuốc gây tê liệt trong phòng khách sạn của ông ta và tẩu thoát khỏi xứ sở trước khi thi thể được phát hiện. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi họ thoát đi, do một loạt các sai sót thô thiển phạm phải – quên tính đến việc Dubai đặt vô số camera giám sát; sử dụng các hộ chiếu giả mà các đặc vụ trước đây đã dùng để vào Dubai nhằm theo dõi mục tiêu; và cài đặt điện thoại mà cảnh sát địa phương không khó để lần ra— chẳng bao lâu toàn thế giới nhìn thấy được đoạn băng ghi hình các gương mặt của họ và ghi lại toàn bộ hành tung của họ. Việc phát hiện ra đây là tác phẩm của Mossad gây ra tổn thất hoạt động nghiêm trọng cho Cục, cũng như sự bối rối và bẽ mặt sâu sắc cho Nhà nước Israel, thêm một lần nữa bị bắt tại trận trong việc sử dụng hộ chiếu giả của các quốc gia Tây phương thân thiện cho các đặc vụ của họ. “Nhưng ông đã bảo là sẽ dễ dàng và đơn giản mà, rằng nguy cơ sự việc hỏng hóc gần như là số không,”  Netanyahu hùng hổ với Dagan,  và ra lệnh ông đình lại nhiều kế hoạch ám sát đang dự trù và các hoạt động khác cho đến khi có lệnh mới.

Việc đối đầu giữa Dagan và Netanyahu trở nên nhức nhối hơn cho đến khi Netanyahu (theo phiên bản của ông ta) quyết định không kéo dài nhiệm kỳ của Dagan hơn nữa, hoặc (theo lời của Dagan) “Tôi chỉ đơn giản chán ngấy ông ta và quyết định nghỉ hưu.”

Tại buổi họp đó tại Học viện Mossad và trong một số buổi phỏng vấn sau đó cho quyển sách này, Dagan phơi bày niềm tin mãnh liệt vào Mossad, dưới sự lãnh đạo của ông,  hẳn đã có thể ngăn chặn người Iran chế tạo được vũ khí hạt nhân bằng cách ám sát và các biện pháp chính xác khác – chẳng hạn,  hợp tác với  Mỹ nhằm ngăn không cho Iran nhập khẩu các chi tiết quan trọng cho dự án hạt nhân của mình mà họ không tự sản xuất được.  “Nếu chúng ta xoay sở ngăn chặn được Iran không thể có được một số bộ phận,  dự án của họ sẽ thiệt hại nghiêm trọng.  Trong một ô tô trung bình có đến 25,000 bộ phận. Tưởng tượng nếu nó thiếu mất 100 bộ phận. Nó sẽ rất khó mà vận hành được

“Ngược lại,” Dagan nói thêm với một nụ cười,  quay lại với  modus operandi (cách thức hoạt động quen thuộc) ưa chuộng của mình, “đôi khi việc hiệu quả nhất là giết đi tài xế,  có phải không nào.”

Trong tất cả các phương tiện mà các nền dân chủ sử dụng để bảo vệ an ninh cho mình, không có gì gian lận và gây tranh cãi hơn là “việc giết người tài xế” – hành động mưu sát.

Một số người, muốn diễn tả mỹ miều,  gọi đó là “thủ tiêu”. Cộng đồng tình báo Mỹ gọi nó, vì các lý do pháp lý,  là “giết người có mục tiêu”.  Trong thực tế,  các từ này đưa đến cùng một thứ: giết một cá nhân đặc biệt nào đó để đạt được một mục đích đặc biệt nào đó – cứu vớt sinh mạng dân chúng mà mục tiêu định sát hại, tránh được một hành động nguy hiểm mà y sắp sửa vi phạm, và đôi khi loại bỏ một lãnh đạo để thay đổi hướng đi của lịch sử.

Việc một nhà nước sử dụng phương thức ám sát chạm đến hai vấn đề vô cùng nan giải.  Trước tiên,  nó có hiệu quả không? Việc trừ khử một cá nhân, hoặc một số cá nhân, có thể làm thế giới bình yên hơn không? Thứ hai, nó có được biện minh về mặt đạo lý và pháp lý  không? Nó có hợp pháp,  về mặt đạo đức lẫn tư pháp, cho một đất nước sử dụng tội ác nghiêm trọng nhất trong mọi tội ác được ghi trong bất kì bộ luật đạo đức hay hình pháp nào – việc tước lấy có mưu tính mạng sống của một con người – để bảo vệ công dân mình hay không?

Quyển sách này chủ yếu viết về các vụ ám sát và giết người có mục tiêu thực hiện bởi Mossad và bởi các lực lượng khác của chính quyền Israel, trong cả thời bình lẫn thời chiến – cũng như, trong các chương đầu,  bởi các dân quân hoạt động ngầm vào thời kỳ trước khi nhà nước Israel ra đời, các tổ chức mà sau này sẽ trở thành quân đội và cơ quan tình báo của nhà nước,  một khi nó được thành lập. 

Kể từ Thế Chiến II,  Israel đã ám sát nhiều người hơn bất kì đất nước nào khác trong thế giới Tây phương.  Trong vô số dịp, các lãnh đạo của nó đã cân nhắc đâu sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh lãnh thổ và, trong số tất cả lựa chọn,  lần này và lần nữa quyết định chọn hoạt động lén lút,  với ám sát là phương thức được chọn lựa. Phương thức này, họ tin tưởng,  sẽ giải quyết những vấn đề khó khăn mà nhà nước đương đầu, và đôi khi làm lệch tiến trình của lịch sử. Trong nhiều trường hợp,  các lãnh đạo Israel thậm chí đã quyết định rằng để giết được mục tiêu định trước, việc giết nhầm những thường dân vô tội vô tình đứng ngay trong làn đạn là điều hợp đạo đức và hợp pháp. Làm hại những người như thế,  họ tin tưởng, là một điều ác cần thiết.

Con số tự nó nói lên tất cả.  Cho đến thời điểm khởi phát Intifada Palestine Lần 2 (Phong trào bạo loạn dữ dội chống người Israel chiếm Bờ Tây và Dải Gaza), vào tháng 9 2000, khi Israel bắt đầu đáp trả những vụ nổ bom tự sát bằng cách sử dụng hàng ngày các máy bay không người lái trang bị vũ khí để thực hiện các vụ mưu sát,  nhà nước đã tiến hành khoảng 500 hoạt động giết có mục tiêu. Trong các vụ này, ít nhất 1 000 người bị thiệt mạng, dân thường lẫn chiến binh. Trong thời kỳ Intifada Thứ 2, Israel thực hiện khoảng 1,000 vụ nữa, trong đó có 168 vụ thành công.  Kể từ đó đến khi viết quyển sách này,  Israel đã thi hành khoảng 800 vụ ám sát có mục tiêu, gần như tất cả đều là một phần trong các đợt đáp trả chống Hamas (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo) ở Dải Gaza vào những năm 2008, 2012, và 2014 hoặc các hoạt động của Mossad trên khắp Trung Đông chống các mục tiêu Palestine,  Syria, và Iran. Ngược lại, trong thời tổng thống George W. Bush, Hoa Kỳ đã thực hiện 48 vụ ám sát có mục tiêu,  theo một ước tính,  và dưới thời Tổng thống Barack Obama có đến 353 vụ. 

Sở dĩ Israel tin cậy vào hành động ám sát như một vũ khí quân sự không phải là việc ngẫu nhiên tình cờ, mà đúng ra xuất phát từ các cội nguồn cách mạng và vận động của phong trào Zionism (Phong trào Phúc quốc Do Thái), từ nỗi thống khổ của nạn Holocaust (Khủng bố và Diệt chủng người Do Thái), và từ ý thức trong số giới lãnh đạo và công dân Israel cho rằng xứ sở và dân tộc họ vĩnh viễn nằm trong nguy cơ bị hủy diệt và rằng, như trong vụ Holocaust,  sẽ không có ai đến cứu giúp mình khi điều đó xảy ra.

Vì kích cỡ nhỏ xíu của đất nước Israel,  những nỗ lực của các nhà nước Ả Rập nhằm xóa bỏ nó ngay cả trước khi nó được thành lập,  các mối đe dọa liên tục sẽ làm thế, và mối đe dọa thường xuyên của chủ nghĩa khủng bố Ả Rập, đã thúc đẩy đất nước tiến hóa thành một cộng đồng quân sự hiệu quả cao và, có thể cho rằng, một cộng đồng tình báo tốt nhất thế giới.  Đến lượt họ đã phát triển một bộ máy ám sát hùng mạnh,  hợp lý hoá nhất trong lịch sử. 

Các trang sau đây chi tiết hóa những bí ẩn của bộ máy đó  – thành quả của cuộc hôn phối giữa lối chiến tranh du kích và sức  mạnh quân sự của cường quốc công nghệ  – các nhân viên,  lãnh đạo,  phương pháp, tính toán,  các thành công và thất bại,  cũng như giá phải trả về mặt đạo đức.  Chúng sẽ minh họa cách thức hai hệ thống pháp lý riêng biệt đã nổi lên ở Israel  – một cho công dân bình thường,  và một cho cộng đồng tình báo và cơ sở quốc phòng.  Hệ thống sau này đã cho phép, bằng cái gật đầu và nháy mắt từ chính quyền, các hành tung ám sát gây rắc rối, mà không có sự soi mói của nghị viện hoặc công luận., hậu quả là tổn thất của nhiều sinh mạng vô tội.

Mặt khác, vũ khí ám sát, dựa trên tình báo, theo lời của người đứng đầu trước đây của NSA và CIA là Tướng Michael Hayde, là “không khi nào là kém tinh tế” là điều đã khiến cho cuộc chiến chống khủng bố của Israel là cuộc chiến hiệu quả nhất từng được một nước Tây phương tiến hành.  Trong nhiều trường hợp, chính việc ám sát có mục tiêu đã cúu Israel khỏi những khủng hoảng rất to lớn.

Mossad và lực lượng tình báo khác của Israel đã loại ra các cá nhân được nhận diện như là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia,  và việc giết họ cũng gửi đi thông điệp lớn hơn: Nếu anh là một kẻ thù của Israel,  chúng tôi sẽ lần ra anh và giết anh, dù anh ở bất cứ nơi đâu. Thông điệp này thực ra đã được lắng nghe trên toàn thế giới. Thỉnh thoảng có sai sót chỉ làm thăng hoa tiếng tăm hung hăng và không thương xót của Mossad – không phải là điều tồi tệ, khi mục đích của việc ngăn cản cũng quan trọng như mục đích ngăn ngừa các hành động thù địch cụ thể.

Không phải mọi vụ ám sát đều được tiến hành bởi các nhóm khép kín và ít người.  Các vụ càng phức tạp,  càng có nhiều người tham gia  – đội khi đến hàng trăm, đa số đều dưới tuổi 25. Thỉnh thoảng các chàng trai trẻ này đi cùng các chỉ huy đến gặp thủ tướng – người duy nhất có quyền bật đèn xanh cho vụ ám sát  – để giải thích hoạt động và được chấp thuận tối hậu. Các diễn đàn như thế,  trong đó phần đông người tham gia tán thành cho cái chết của ai đó đều dưới tuổi 30, ắt hẳn là độc đáo đối với Israel. Một số sĩ quan cấp thấp có mặt trong các buổi họp này đã thăng tiến qua năm tháng để trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia  và thậm chí thủ tướng.  Dấu ắn nào vẫn còn hằn lên họ từ các thời kỳ họ tham gia các hoạt động sát thủ?

Hoa Kỳ đã bắt chước sự thu thập tình báo và các kỹ thuật ám sát được phát triển ở Israel làm kiểu mẫu cho mình, và sau ngày 11/9 và quyết định của Tổng thống Bush phát động chiến dịch giết có mục tiêu chống lại Al Qaeda, nó cấy ghép một số phương thức này vào các hệ thống tình báo và chiến tranh chống khủng bố của riêng mình.  Các hệ thống chỉ huy-và-kiểm soát , phòng tác chiến, các phương thức thu thập thông tin,  và công nghệ máy bay không người lái, mà bây giờ phục vụ cho Mỹ và các đồng minh phần lớn đều được phát triển ở Israel.

Ngày này, khi cùng một loại ám sát ngoại pháp lý mà Israel đã sử dụng hàng thập niên rồi đang được Mỹ sử dụng hàng ngày chống lại kẻ thù,  thật thích hợp để  không những ngưỡng mộ  các năng lực hoạt động ấn tượng mà Israel đã xây dựng,  mà còn phải nghiên cứu giá trả đạo đức cao  Israel đã phải trả, và còn phải trả, cho việc sử dụng loại bạo lực như thế.

RONEN BERGMAN

Tel Aviv

CHƯƠNG 1 :  TRONG MÁU VÀ

Vào ngày 29 tháng 9, David Shomron giấu mình trong bóng tối của Phố St. George,  không xa Thánh đường La Mã tại Jerusalem.  Cơ sở nhà thờ được sử dụng làm nơi cư ngụ của các sĩ quan theo lệnh của giới cầm quyền Anh trị vì Palestine,  và Shomron đang đợi một trong các sĩ quan này, một người có tên Tom Wilkin, bước ra.

Wilkin là chỉ huy đơn vị Do Thái tại Phòng Điều tra Hình sự (CID) của Chính quyền Ủy trị  Anh cho Palestine, và ông rất giỏi giang trong nhiệm vụ được giao,  nhất là phần công việc liên quan đến xâm nhập và phá vỡ hoạt động ngầm của người Do Thái bất kham.  Hung hăng, nhưng cũng nhẫn nại và biết tính toán cực kì, Wilkin nói trôi chảy tiếng Do Thái, và sau 13 năm công tác tại Palestine,  ông đã hình thành một mạng lưới người đưa tin rộng khắp. Nhờ tin tình báo họ cung cấp, các chiến binh hoạt động ngầm Do Thái bị bắt, nơi cất giấu vũ khí bị tịch thu, và các chiến dịch được lên kế hoạch, nhắm vào việc cưỡng bách người Anh rời bỏ Palestine,  bị phá hỏng. Đó là lý do tại sao Shomron phải giết ông. 

Shomron và người cộng tác của ông đêm đó,  Yaakov Banai (mật danh Mazal – “May mắn “), là những nhân viên của nhóm Levi, phong trào Zionism hoạt động ngầm cực đoan nhất, chiến đấu chống người Anh vào đầu những năm 1940. Mặc dù Levi là chữ viết tắt của cụm từ Do Thái “chiến binh vì tự do của Israel, ” người Anh xem nó là một tổ chức khủng bố, gọi nó một cách miệt thị là Băng đảng Stern, theo tên của người sáng lập nó, Avraham Stern theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.  Stern và băng nhỏ bé của ông sử dụng phương thức ám sát và đánh bom có mục tiêu  – chiến dịch “khủng bố cá nhân,” theo cách trưởng ban tác chiến của Lehi (sau nay là thủ tướng của Israel), Yitzhak Shamir, gọi nó.

Wilkin biết rằng mình là mục tiêu.  Lehi đã ra sức ám sát ông và xếp ông, Geoffrey Morton, gần ba năm trước, trong chiến dịch đầu tiên vụng về của mình. Vào ngày 20 tháng giêng, 1942, bọn sát thủ gài bom trên mái nhà và bên trong tòa nhà số 8 Đường Yael, ở Tel Aviv. Nhưng cuối cùng họ chỉ giết được ba sĩ quan cảnh sát  – hai Do Thái và một Anh  – đã đến trước Wilkin và Morton và kích nổ bom. Sau đó, Morton chuồn khỏi Palestine sau khi bị thương trong một vụ ám sát khác – vụ ám sát để trừng phạt Morton đã bắn Stern chết.

Không có chi tiết nào trong số vụ đó, việc giết qua giết lại và ai giết ai, thành vấn đề với Shomron. Người Anh chiếm đóng lãnh thổ mà người Zionist coi là thuộc sở hữu hợp pháp của họ – đó là mới là vấn đề,  và thủ lĩnh Shamir đã phát đi một án tử cho Wilkin. 

Đối với Shomron và các đồng chí mình, Wilkin không phải là một con người mà là một mục tiêu,  nổi tiếng và có giá trị cao. “Chúng tôi quá bận bịu và đói khổ để có thể nghĩ đến người Anh và gia đình họ,” Shomron nói những thập niên sau đó.

 Sau khi phát hiện Wilkin đang cư ngụ tại khu nhà phụ của Thánh đường La Mã,  các sát thủ dựng lên kế hoạch của mình. Shomron và  Banai vận súng lục và lựu đạn tay trong túi. Những nhân viên Lehi yểm trợ đứng gần đó, áo quần bảnh bao và đội nón để trông giống người Anh.

 Wilkin rời khu cư trú của sĩ quan trông nhà thờ và hướng về phía cơ sở CID trong Phức hợp Nga, nơi các nghi can hoạt động ngầm bị giam giữ và thẩm vấn.  Như thường lệ,  ông cảnh giác, mắt quét qua đường phố khi ông bước đi và lúc nào cũng đút một tay vào túi. Khi ông băng qua góc đường St. George và Mea Shearim, một thiếu niên đang ngồi bên ngoài một cửa hàng rau quả gần đó đứng lên và đánh rơi chiếc nón. Đấy là tín hiệu,  và hai sát thủ bắt đầu tiến bước về phía Wilkin,  nhận diện ra ông dựa theo các bức ảnh họ đã nghiên cứu. Shomron và Banai để ông bước qua, siết chặt súng lục với lòng tay ướt đẫm mồ hôi. 

 Rồi họ quay lại và rút súng.

“Trước khi chúng tôi tiến hành công việc, Mazal [Banai] đã dặn, ‘Để tôi bắn trước,’ ” Shomron nhớ lại. “Nhưng khi thấy y, tôi biết mình không thể kiềm chế được.  Tôi bắn trước. “

Cả hai, Banai và Shomron bắn tất cả 14 phát. 11 viên đạn trúng Wilkin.  “Y ráng sức quay lại và rút súng lục,” Shomron nói,  “nhưng rồi y ngã sấp xuống đất. Một tia máu phụt ra từ trán y,  như một vòi nước. Trông không đẹp cho lắm.”

Shomron và Banai vọt trở lại vào bóng tối và phóng đi trong một chiếc taxi mà một nhân viên Lehi đã chờ sẵn.

” Điều duy nhất làm tôi bứt rứt là chúng tôi quên lấy đi xách tay của y trong đó đựng tất cả tài liệu mật của y,” Shomron nói. Ngoài việc đó ra, “tôi không cảm thấy bứt rứt gì cả, một chút cắn rứt cũng không. Chúng tôi tin tưởng càng có nhiều hòm chở về London, thì ngày tự do sẽ càng đến gần. “

___

Ý tưởng cho rằng việc nhân dân Israel trở về Miền Đất Hứa chỉ có thể thành tựu bằng sức mạnh không phải do Stern và các đồng chí ông khai sinh.

Căn nguyên của chiến lược đó có thể truy ra đến 8 người tụ họp trong một căn hộ một phòng ngột ngạt nhìn qua một vườn cam ở Jaffa vào ngày 29 tháng 9, 1907, đúng 37 năm tính từ khi một vòi máu phun ra từ trán Wilkin,  lúc ấy Palestine còn là một phần đất của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Căn hộ do Yitzhak Ben-Zvi thuê, đó là một thanh niên Nga đã di cư đến Palestine Ottoman vào đầu năm đó. Như những người khác trong căn hộ của anh đêm hôm đó  – tất cả đều là di dân từ đế chế Nga, ngồi trên một tấm đệm rơm trải trên sàn căn phòng chiếu sáng bằng nến — anh là một người theo chủ nghĩa Zionism tận tụy, mặc dù là thành viên của một giáo phái vụn vặt đã từng đe dọa phá hủy phong trào.

 Chủ nghĩa phục quốc Do Thái với tư cách là một hệ tư tưởng chính trị đã được thành lập vào năm 1896 khi nhà báo người Do Thái xứ  Viên (Áo) Theodor Herzl xuất bản tờ Der Judenstaat (Nhà nước Do Thái).  Ông đã bị ảnh hưởng sâu sắc khi đưa tin về phiên tòa xét xử Alfred Dreyfus ở Paris, một sĩ quan quân đội gốc Do Thái bị buộc tội vô cớ và bị kết tội phản quốc.

 Trong cuốn sách của mình, Herzl lập luận rằng chủ nghĩa bài Do Thái đã ăn sâu vào văn hóa châu Âu đến mức người Do Thái chỉ có thể đạt được tự do và an toàn thực sự trong một quốc gia-nhà nước của riêng mình.  Giới thượng lưu Do Thái ở Tây Âu, những người đã cố gắng tạo ra cuộc sống thoải mái cho bản thân, hầu hết đều từ khước Herzl.  Nhưng ý tưởng của ông đã gây được tiếng vang trong giới người Do Thái nghèo khó thuộc tầng lớp lao động ở Đông Âu, những người phải chịu đựng các cuộc bạo động bức hại lặp đi lặp lại và bị áp bức liên tục và một số người đã phản ứng bằng cách tự liên kết với các cuộc nổi dậy cánh tả.

Bản thân Herzl coi Palestine, quê hương tổ tiên của người Do Thái, là địa điểm lý tưởng cho một nhà nước Do Thái trong tương lai, nhưng ông khẳng định rằng bất kỳ khu định cư nào ở đó sẽ phải được xử lý một cách thận trọng và tế nhị, thông qua các kênh ngoại giao thích hợp và được sự thừa nhận của quốc tế, nếu quốc gia Do Thái muốn tồn tại trong hòa bình.  Quan điểm của Herzl đã được biết đến với cái tên Chủ nghĩa Zionism chính trị.

Trái lại, Ben-Zvi và bảy đồng đội của anh ta – giống như hầu hết những người Do Thái khác ở Nga – là những người theo chủ nghĩa Phục quốc thực tiễn.  Thay vì chờ đợi phần còn lại của thế giới cho họ một quê hương, họ tin vào việc tự tạo ra một quê hương —bằng việc đi đến Palestine, lao động trên mảnh đất thiêng, làm cho sa mạc nở hoa.  Họ sẽ lấy những gì họ tin đúng là của họ, và họ sẽ bảo vệ những gì họ đã lấy.

Điều này khiến những người theo chủ nghĩa Zionism thực tiễn gây xung đột ngay lập tức với hầu hết những người Do Thái đã sống ở Palestine.  Là một dân tộc thiểu số nhỏ bé ở một vùng đất Ả Rập — nhiều người trong số họ là kẻ bán rong và các học giả tôn giáo và các viên chức  dưới chế độ Ottoman — họ thích giữ một lý lịch thấp hèn.  Thông qua sự tuân phục, thỏa hiệp và hối lộ, những cư dân Do Thái gốc Palestine này đã cố gắng mua cho mình một nền hòa bình tương đối và một biện pháp an ninh.

Nhưng Ben-Zvi và những người mới đến khác đã kinh hoàng trước các điều kiện mà người Do Thái của họ phải chịu đựng.  Nhiều người sống trong cảnh nghèo đói khủng khiếp và không có cách nào để tự vệ, hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương xót của đa số người Ả Rập và các quan chức chuyên quyền của Đế chế Ottoman tham nhũng.  Đám đông Ả Rập tấn công và cướp bóc các khu định cư của người Do Thái, hiếm khi có kết quả.  Tệ hơn nữa, như Ben-Zvi và những người khác đã nhìn thấy, chính những khu định cư đó đã giao quyền bảo vệ họ cho các vệ binh Ả Rập, mà đến lượt chúng cũng đôi khi hùa theo với đám đông Ả Rập tấn công cướp bóc.

 Ben-Zvi và những người bạn của anh nhận thấy tình trạng này là không bền vững và không thể chịu đựng được.  Một số người từng là thành viên của các phong trào cách mạng cánh tả của Nga được truyền cảm hứng bởi Ý chí của Nhân dân (Narodnaya Volya), một phong trào du kích chống Nga hoàng tích cực sử dụng các chiến thuật khủng bố, bao gồm cả các vụ ám sát.

 Thất vọng vì cuộc cách mạng năm 1905 bị thất bại ở Nga, cuối cùng chỉ tạo ra những cải cách hiến pháp tối thiểu, một số nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa, những người dân chủ xã hội và những người theo chủ nghĩa tự do đã chuyển đến Ottoman Palestine để tái lập một nhà nước Do Thái.

 Tất cả họ đều nghèo đến cùng cực, hầu như không kiếm được đồng nào bằng công việc dạy học hoặc lao động chân tay trên cánh đồng và vườn cam, thường xuyên bị đói.  Nhưng họ là những người theo chủ nghĩa Zionism đầy tự hào.  Nếu họ định tạo ra một quốc gia, trước tiên họ phải tự vệ.  Vì vậy, họ luồn qua các con phố của Jaffa từng cặp hoặc một mình, tìm đường đến dự cuộc họp bí mật trong căn hộ của Ben-Zvi.  Đêm đó, tám người đã thành lập lực lượng chiến đấu Do Thái đầu tiên của thời hiện đại.  Họ quyết định rằng, kể từ đó trở đi, mọi thứ sẽ khác với hình ảnh của những người Do Thái yếu ớt và bị đàn áp trên toàn cầu.  Chỉ có người Do Thái mới bảo vệ được người Do Thái ở Palestine.

 Họ đặt tên cho đội quân non trẻ của mình là Bar-Giora, theo tên một trong những thủ lĩnh của cuộc nổi dậy vĩ đại của người Do Thái chống lại Đế chế La Mã, vào thế kỷ thứ nhất.  Trên biểu ngữ của họ, họ bày tỏ sự tôn kính đối với cuộc nổi loạn cổ xưa đó và dự đoán tương lai của họ.  “Trong máu và lửa, Giu-đê đã ngã xuống,” biểu ngữ viết.  “Trong máu và lửa, Giu-₫ê sẽ trỗi dậy.”

 Giu-đê thực sự sẽ trỗi dậy.  Một ngày nào đó Ben-Zvi sẽ là tổng thống thứ hai của quốc gia Do Thái.  Tuy nhiên, trước tiên sẽ có nhiều lửa và nhiều máu.

__

BAN ĐẦU, BAR-GIORA KHÔNG PHẢI là một phong trào phổ biến.  Nhưng rồi có nhiều người Do Thái hơn đến Palestine từ Nga và Đông Âu mỗi năm — 35.000 người từ năm 1905 đến năm 1914 — mang theo cùng triết lý kiên định về chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

 Với nhiều người Do Thái cùng chí hướng tràn vào Yishuv, tên mà cộng đồng Do Thái ở Palestine được gọi, Bar-Giora vào năm 1909 đã được củng cố để trở thành Hashomer lớn hơn và hung hãn hơn (tiếng Do Thái có nghĩa là “Người bảo vệ”).  Đến năm 1912, Hashomer đang bảo vệ mười bốn khu định cư.  Tuy nhiên, nó cũng đang phát triển các khả năng tấn công, mặc dù bí mật, chuẩn bị cho điều mà những người theo chủ nghĩa Zionism thực tiễn coi là một cuộc chiến cuối cùng không thể tránh khỏi để giành quyền kiểm soát Palestine.  Do đó, Hashomer tự coi mình là hạt nhân cho một quân đội và cơ quan tình báo Do Thái trong tương lai.

 Ngồi trên lưng ngựa, những người cảnh vệ Hashomer đột kích vào một số khu định cư Ả Rập để trừng phạt những cư dân đã làm hại người Do Thái, đôi khi đánh đập họ, đôi khi hành quyết họ.  Trong một trường hợp, một hội đồng bí mật đặc biệt các thành viên Hashomer đã quyết định loại bỏ một cảnh sát Bedouin, Aref al-Arsan, người đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và tra tấn các tù nhân Do Thái.  Y bị bắn chết bởi Hashomer vào tháng 6 năm 1916.

 Hashomer cũng không từ chối sử dụng vũ lực để khẳng định quyền lực của mình đối với những người Do Thái khác.  Trong Thế chiến thứ nhất, Hashomer đã phản đối dữ dội NILI, một mạng lưới gián điệp Do Thái làm việc cho người Anh ở Ottoman Palestine.  Hashomer lo sợ rằng người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát hiện ra những tên gián điệp và gây thù chuốc oán với toàn thể cộng đồng Do Thái.  Khi họ không thể khiến NILI ngừng hoạt động hoặc giao nộp một khoản tiền vàng mà chúng nhận được từ người Anh, họ đã tìm cách giết chết Yosef Lishansky, một trong những thành viên của NILI, nhưng chỉ  làm y bị thương.

Năm 1920, Hashomer lại phát triển thành Haganah (tiếng Do Thái có nghĩa là “Phòng thủ”).  Mặc dù nó không hợp pháp, các nhà chức trách Anh, những người đã cai trị đất nước trong khoảng ba năm, đã chấp nhận Haganah là cánh tay phòng thủ bán quân sự của khu định cư Do Thái Yishuv.  Histadrut, liên đoàn lao động xã hội chủ nghĩa của người Do Thái ở Israel được thành lập cùng năm và Cơ quan Do Thái, cơ quan quản lý tự trị của Yishuv, được thành lập vài năm sau, cả hai đều do David Ben-Gurion đứng đầu, nắm giữ quyền chỉ huy tổ chức bí mật.

 Ben-Gurion tên khai sinh là David Yosef Grün tại Pło´nsk, Ba Lan, vào năm 1886. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã theo bước chân cha với tư cách là một nhà hoạt động theo chủ nghĩa Phục quốc.  Năm 1906, ông di cư đến Palestine và nhờ sức thu hút và lòng quyết tâm, ông nhanh chóng trở thành một trong những thủ lĩnh của Yishuv, dù tuổi còn trẻ.  Sau đó, ông đổi tên thành Ben-Gurion, theo tên một trong những thủ lĩnh khác của cuộc nổi dậy chống lại người La Mã.

 Haganah trong những năm đầu bị ảnh hưởng bởi tinh thần và thái độ hiếu chiến của Hashomer.  Vào ngày 1 tháng 5 năm 1921, một đám đông Ả Rập đã tàn sát mười bốn người Do Thái trong một nhà trọ dành cho người nhập cư ở Jaffa.  Sau khi biết rằng một sĩ quan cảnh sát Ả Rập tên là Tewfik Bey đã giúp đám đông vào được nhà trọ, Haganah đã cử một đội đi tấn công nhằm tiêu diệt y, và vào ngày 17 tháng 1 năm 1923, y bị bắn chết ngay giữa thành phố Tel Aviv.  “Vì danh dự,” y được bắn hạ từ phía trước chứ không phải từ phía sau, theo một trong những người có dính líu cho biết, và mục đích là “cho người Ả Rập thấy rằng những việc làm của họ sẽ không bị lãng quên và ngày của họ sẽ đến, cho dù  muộn màng ”.

 Các thành viên của Hashomer, những người lãnh đạo Haganah, ngay từ đầu thậm chí sẵn sàng thực hiện các hành động bạo lực đối với đồng bào Do Thái.  Jacob de Haan là một người Haredi gốc Hà Lan — một người Do Thái chính thống cực đoan — sống ở Jerusalem vào đầu những năm 1920.  Ông là người tuyên truyền cho niềm tin của giáo phái Haredi rằng chỉ có Đấng Tiên Tri mới có thể thành lập một nhà nước Do Thái, rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời sẽ quyết định thời điểm đưa người Do Thái trở về quê hương tổ phụ của mình, và người nào cố gắng xúc tiến quá trình này là phạm một tội trọng.  Nói cách khác, de Haan là một người kiên định chống lại chủ nghĩa Zionism, và ông ta rất giỏi trong việc gây chấn động dư luận quốc tế.  Đối với Yitzhak Ben-Zvi, lúc này là một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Haganah, việc đó đã khiến de Haan trở thành phần tử nguy hiểm.  Vì vậy, ông đã tuyên án tử cho y.

 Vào ngày 30 tháng 6 năm 1924 — chỉ một ngày trước khi de Haan tới London để yêu cầu chính phủ Anh xem xét lại lời hứa thành lập một quốc gia Do Thái ở Palestine — hai sát thủ đã bắn ông ba phát khi ông bước ra từ một giáo đường Do Thái trên đường Jaffa ở  Jerusalem.

Ben-Gurion, tuy nhiên, có một cái nhìn không mấy thiện cảm về những hành vi như vậy.  Ông nhận ra rằng để giành được sự công nhận thậm chí một phần từ người Anh đối với các mục tiêu của Chủ nghĩa Phục quốc, ông sẽ phải thực thi các quy tắc có trật tự và ôn hòa hơn đối với lực lượng dân quân bán ngầm dưới quyền chỉ huy của mình.  Những tay đua đơn độc táo tợn và hiếu sát của Hashomer đã bị thay thế sau vụ giết chết de Haan bởi một lực lượng vũ trang có tổ chức, có thứ bậc.  Ben-Gurion ra lệnh cho Haganah từ bỏ việc sử dụng các mục tiêu giết người.  “Đối với phương thức khủng bố có mục tiêu, đường lối của Ben-Gurion là chống lại nó một cách nhất quán và liên tục,” chỉ huy Haganah Yisrael Galili làm chứng sau đó và ông kể lại một số trường hợp trong đó Ben-Gurion đã từ chối phê duyệt đề xuất tấn công từng người Ả Rập.  Những người này bao gồm nhà lãnh đạo Palestine Hajj Amin al-Husseini và các thành viên khác của Ủy ban Cao cấp Ả Rập và viên chức cao cấp  Anh, chẳng hạn như một quan chức cấp cao trong cơ quan quản lý đất đai của chính quyền Ủy trị Anh ở Palestine, đang ráo riết cản trở các dự án định cư của người Do Thái.

 Không phải ai cũng đồng  thuận với Ben-Gurion.  Avraham Tehomi, người đã bắn de Haan, coi thường đường lối ôn hòa mà Ben-Gurion sử dụng chống lại người Anh và người Ả Rập, và cùng với một số nhân vật hàng đầu khác, ông ta bỏ Haganah và năm 1931 thành lập Irgun Zvai Leumi, “Tổ chức Quân sự quốc gia” viết tắt tiếng Do Thái là Etzel, thường được gọi bằng tiếng Anh là IZL hoặc Irgun.  Nhóm hữu cực đoan này được Menachem Begin chỉ huy vào những năm 1940, người sẽ trở thành thủ tướng của Israel vào năm 1977.  Bên trong Irgun cũng vậy, có những cuộc đụng độ, cá nhân và ý thức hệ.  Những người phản đối thỏa thuận hợp tác với Anh trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã của Begin đã ly khai và thành lập Lehi.  Đối với nhóm người  này, bất kỳ sự hợp tác nào với Anh đều là đáng nguyền rủa.

 Cả hai nhóm bất đồng chính kiến ​​này đều ủng hộ, ở các mức độ khác nhau, việc sử dụng các vụ giết người có mục tiêu chống lại kẻ thù Ả Rập và Anh, cũng như chống lại người Do Thái mà họ coi là nguy hiểm cho chính nghĩa của họ.  Ben-Gurion vẫn kiên quyết rằng những vụ giết người có mục tiêu sẽ không được sử dụng làm vũ khí và thậm chí ông còn thi hành các biện pháp gây hấn với những kẻ không tuân theo mệnh lệnh của mình.

 Nhưng sau đó Thế chiến thứ hai kết thúc, và mọi thứ, ngay cả quan điểm của Ben-Gurion cố chấp, đã thay đổi.

___

TRONG CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI II, khoảng 38.000 người Do Thái từ Palestine đã tình nguyện giúp đỡ và phục vụ trong Quân đội Anh ở Châu Âu.  Người Anh thành lập cái gọi là Lữ đoàn Do Thái, mặc dù hơi miễn cưỡng và chỉ sau khi bị áp lực bởi giới lãnh đạo dân sự của Yishuv.

Không biết chính xác phải làm gì với Lữ đoàn, người Anh thoạt đầu gửi Lữ đoàn đi huấn luyện ở Ai Cập.  Chính tại đó, vào giữa năm 1944, các thành viên của tổ chức lần đầu tiên nghe nói về Holocaust, chiến dịch tiêu diệt người Do Thái của Đức Quốc xã.  Cuối cùng, khi họ được cử đến châu Âu để chiến đấu ở Ý và Áo, họ đã tận mắt chứng kiến ​​sự khủng khiếp của Holocaust và là một trong những người đầu tiên gửi báo cáo chi tiết cho Ben-Gurion và các thủ lĩnh khác của Yishuv.

 Một trong những người lính đó là Mordechai Gichon, người sau này là một trong những người sáng lập ra tình báo quân sự Israel.  Sinh ra ở Berlin năm 1922, Gichon có cha là người Nga và mẹ là con nối dõi của một gia đình Do Thái gốc Đức nổi tiếng, cháu gái của Giáo sĩ Leo Baeck, một nhà lãnh đạo nhóm  Do Thái Tự do (Cải cách) của Đức.  Gia đình của Gichon chuyển đến Palestine vào năm 1933, sau khi tại một trường học ở Đức anh bị bắt buộc phải chào theo kiểu Quốc xã và hát quốc ca của đảng.

 Ông trở lại với tư cách một người lính đến một châu Âu đổ nát, người dân của ông gần như bị hủy diệt, cộng đồng của họ chỉ âm ỉ tàn tích.  Ông nói: “Người Do Thái đã bị sỉ nhục, bị chà đạp, bị sát hại.  “Bây giờ là lúc để phản công, để trả thù.  Trong giấc mơ của tôi, khi tôi nhập ngũ, sự trả thù thể hiện là bắt giữ người bạn thân nhất của mình từ Đức, tên là Detlef, con trai của một thiếu tá cảnh sát.  Đó là cách tôi khôi phục danh dự đã mất của người Do Thái. “

Chính cảm giác bị mất danh dự, dân tộc bị sỉ nhục, cũng như cơn thịnh nộ với Đức Quốc xã, đã thúc giục những người như Gichon.  Trước tiên ông gặp những người tị nạn Do Thái ở biên giới giữa Áo và Ý.  Những người của Lữ đoàn cho họ ăn, cởi đồng phục mình cho họ mặc để chống lại cái lạnh. Họ kể lại  cho Lữ đoàn chi tiết về những hành động tàn bạo mà họ đã phải trải qua.  Ông nhớ lại một cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 1945, khi đó một phụ nữ tị nạn đến gặp ông.

“Cô ấy đã tách khỏi nhóm của mình và nói chuyện với tôi bằng tiếng Đức,” ông nói.  “Cô ấy nói, ‘Các bạn, những người lính của Lữ đoàn, là con trai của Bar Kokhba ’” – vị anh hùng vĩ đại của Cuộc nổi dậy Do Thái thứ hai chống lại người La Mã, vào năm 132–135 sau Công nguyên.  “Cô ấy nói,” Tôi sẽ luôn nhớ phù hiệu của các bạn và những gì các bạn đã làm cho chúng tôi.’ “

Gichon lấy làm tự hào khi được so sánh với Bar Kokhba, nhưng đối với lời khen ngợi và lòng biết ơn của cô, Gichon chỉ cảm thấy thương xót và hổ thẹn.  Nếu những người Do Thái trong Lữ đoàn là con trai của Bar Kokhba, thì những người Do Thái này là ai?  Những người lính đến từ Vùng đất Israel, đứng thẳng, cứng rắn và mạnh mẽ, coi những người sống sót sau thảm sát Holocaust là những nạn nhân cần được giúp đỡ, nhưng cũng là một phần của người Do Thái châu Âu, những người đã tự cho phép mình bị thảm sát.  Họ là hiện thân của khuôn mẫu hèn nhát, nhu nhược của người Do Thái Diaspora – Người lưu vong, theo cách nói truyền thống của người Do Thái và người Zionist – những người đầu hàng thay vì chiến đấu, những người không biết bắn giết hoặc sử dụng vũ khí.  Đó là hình ảnh — trong phiên bản cực đoan nhất của nó, của người Do Thái bị dán nhãn Muselmann, tiếng lóng trong nhà tù để chỉ những tù nhân hốc hác, giống như thây ma lượn lờ sắp chết trong các trại tập trung của Đức Quốc xã — mà những người Do Thái mới ở Yishuv đã bác bỏ.  “Bộ não của tôi không thể nắm bắt được, ngay lúc đó và đến tận bây giờ, làm sao có thể có tình huống hàng chục ngàn người Do Thái bị nhốt trong một trại tập trung chỉ có vài lính canh Đức, mà họ không nổi dậy, họ đơn giản đi như những con cừu non đến lò sát sinh,” Gichon nói hơn sáu mươi năm sau,.  “Tại sao họ không xé [người Đức] thành trăm ngàn mảnh?  Tôi đã luôn nói rằng không có điều gì như vậy có thể xảy ra ở Vùng đất của Israel.  Nếu những cộng đồng đó có những nhà lãnh đạo xứng đáng với cái tên đó, thì toàn bộ tình hình sẽ trông hoàn toàn khác ”.

Trong những năm sau chiến tranh, những người theo chủ nghĩa Zionism của Yishuv sẽ chứng minh, cho cả thế giới và quan trọng hơn, với chính họ, rằng người Do Thái sẽ không bao giờ trở lại với tình trạng bị thảm sát như vậy — và máu của người Do Thái sẽ không hề rẻ.  Sáu triệu dân Do Thái sẽ được trả thù.

Hanoch Bartov, một tiểu thuyết gia người Israel được đánh giá cao, đã nhập ngũ vào Lữ đoàn một tháng trước sinh nhật lần thứ mười bảy của mình, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng mình không thể nghỉ ngơi cho đến khi đã đổ máu cho máu đổ, giết cho bị giết.”

 Tuy nhiên, sự báo thù như vậy — hành động tàn bạo đáp trả hành động bạo tàn — sẽ vi phạm các quy tắc của chiến tranh và có thể là thảm họa cho chính nghĩa của Chủ nghĩa Phục quốc.  Ben-Gurion, thực tế như mọi khi, công khai nói nhiều như sau: “Trả thù bây giờ là một hành động không có giá trị quốc gia.  Nó không thể khôi phục sự sống cho hàng triệu người đã bị sát hại ”.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Haganah đều hiểu rõ sự cần thiết phải đón nhận một số hình phạt, vừa để thỏa mãn binh sĩ đã phải đối mặt với những hành động tàn bạo, vừa để đạt được một số mức độ công lý lịch sử và ngăn chặn những nỗ lực tàn sát người Do Thái trong tương lai.  Do đó, họ đã tiến hành trừng phạt trả thù một số người Đức Quốc xã và đồng bọn của chúng.  Ngay sau chiến tranh, một đơn vị bí mật, được ủy quyền và kiểm soát bởi bộ chỉ huy tối cao Haganah và không được biết đến với các chỉ huy người Anh, đã được thành lập trong Lữ đoàn.  Nó được gọi là Gmul, tiếng Do Thái có nghĩa là “Làm lại.”  Nhiệm vụ của đơn vị là “trả thù, nhưng không phải là lối trả thù của một tên cướp”, như một bản ghi nhớ bí mật vào thời điểm đó cho biết.  “Hãy trả thù những tên SS, những tên đã tham gia vào cuộc tàn sát.”

“Chúng tôi tìm kiếm những con cá lớn,” Mordechai Gichon nói, phá vỡ lời thề im lặng của các chỉ huy Gmul mà ông đã giữ trong hơn sáu mươi năm.  “Những tên Quốc xã cấp cao đã cố gắng trút bỏ quân phục và trở về nhà của họ.”

 Các đặc vụ Gmul hoạt động bí mật ngay cả khi họ thực hiện nhiệm vụ Lữ đoàn thông thường của mình.  Bản thân Gichon đã giả mạo hai danh tính – một là dân thường Đức, một là thiếu tá người Anh – khi hắn truy lùng bọn Đức Quốc xã.  Trong các chuyến truy lùng dưới sự che chở của người Đức, Gichon đã phục hồi các kho lưu trữ của Gestapo ở Tarvisio, Villach và Klagenfurt, nơi những tên Đức Quốc xã chạy trốn đã phóng hỏa nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó bị cháy rụi.  Hoạt động với tư cách là thiếu tá người Anh, ông thu thập được nhiều tên tuổi hơn từ những người Cộng sản Nam Tư, những người vẫn sợ hãi không dám tự mình thực hiện các cuộc tấn công trả thù.  Một số người Do Thái trong lực lượng tình báo Mỹ cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách chuyển giao thông tin mà họ có được về những tên Đức Quốc xã trốn thoát, mà họ tin rằng người Do Thái Palestine sẽ sử dụng hiệu quả hơn quân đội Mỹ.

 Sự ép buộc cũng có hiệu quả.  Vào tháng 6 năm 1945, các đặc vụ Gmul tìm thấy một cặp vợ chồng người Đức gốc Ba Lan sống ở Tarvisio.  Người vợ đã tham gia vào việc chuyển tài sản Do Thái bị đánh cắp từ Áo và Ý sang Đức, và chồng cô đã giúp điều hành văn phòng Gestapo trong khu vực.  Những người lính Do Thái Palestine đề nghị họ một lựa chọn trần trụi: hợp tác hoặc chết.

 Yisrael Karmi, người đã thẩm vấn cặp vợ chồng này, cho biết: “Tên này bị khuất phục và nói rằng mình sẵn sàng hợp tác.” Sau khi Israel ra đời, Yisrael Karmi sẽ trở thành chỉ huy lực lượng quân cảnh của Quân đội Israel.  “Tôi đã giao cho ông ta chuẩn bị danh sách tất cả các quan chức cấp cao mà ông ta biết và những người đã làm việc với Gestapo và SS.  Tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn và chức vụ. “

Kết quả là một cuộc đột phá tình báo ngoạn mục, một danh sách hàng chục cái tên.  Người của Gmul đã lần ra từng tên Đức Quốc xã mất tích — tìm thấy một số tên bị thương trong một bệnh viện địa phương, nơi họ đang được điều trị dưới những bí danh bị đánh cắp — và sau đó gây áp lực buộc những tên đó cung cấp thêm thông tin.  Họ hứa với mỗi người Đức rằng anh ta sẽ không bị hại nếu anh ta hợp tác, vì vậy hầu hết đã làm.  Sau đó, khi chúng không còn hữu dụng, các đặc vụ Gmul đã bắn chúng và vứt xác.  Không có ích lợi gì khi để họ sống sót và tiết lộ cho các chỉ huy người Anh về những hành tung bí mật của Gmul.

 Sau khi một tên tuổi cụ thể đã được xác minh, giai đoạn thứ hai bắt đầu: xác định vị trí mục tiêu và thu thập thông tin cho nhiệm vụ tiêu diệt cuối cùng.  Gichon, người sinh ra ở Đức, thường được giao công việc đó.  “Không ai nghi ngờ tôi,” anh nói.  “Dây thanh quản của tôi là của Berlin.  Tôi sẽ đến cửa hàng tạp hóa hoặc quán rượu ở góc phố hoặc thậm chí chỉ cần gõ cửa để chuyển lời chào từ ai đó.  Hầu hết thời gian, mọi người sẽ trả lời [tên thật của họ] hoặc chìm vào im lặng mơ hồ, điều này không khác một sự xác nhận.”  Sau khi nhân dạng được xác định, Gichon sẽ theo dõi đường đi nước bước của tên Đức và cung cấp bản phác thảo chi tiết về ngôi nhà nơi y sống hoặc khu vực được chọn để thực hiện vụ bắt cóc.

 Bản thân những kẻ giết người đã làm việc theo nhóm không quá năm người.  Khi gặp mục tiêu, họ thường mặc quân phục quân cảnh Anh, và họ thường nói với mục tiêu rằng họ đến để bắt một người tên là như vậy để thẩm vấn.  Hầu hết thời gian, người Đức đến mà không phản đối.  Là một trong những người lính của đơn vị, Shalom Giladi, theo lời khai của ông với Văn khố Haganah, bọn Đức quốc xã đôi khi bị giết ngay lập tức, và những lần khác được đưa đến một địa điểm xa xôi nào đó trước khi bị giết.  Ông nói: “Theo thời gian, chúng tôi đã phát triển các phương pháp yên tĩnh, nhanh chóng và hiệu quả để “chăm sóc” những tên lính SS rơi vào tay chúng tôi.

Như bất cứ ai đã từng bước vào một chiếc xe bán tải đều biết, một người đang rướn mình lên bằng một chân trên thanh chắn phía sau, nghiêng người về phía trước dưới vòm bạt và gần như cuộn người vào trong xe. Người đàn ông nằm chờ bên trong xe tải sẽ  tận dụng độ nghiêng tự nhiên này của cơ thể.

Ngay lúc mà người Đức nhô đầu vào bóng tối, kẻ phục kích sẽ cúi xuống và vòng tay dưới cằm – quanh cổ họng anh ta – trong một kiểu giữ chặt ngược, và, siết y vào một vòng tay quanh yết hầu, kẻ phục kích sẽ ngã ngửa trên chiếc nệm, hấp thu mọi âm thanh.  Cú ngã về phía sau, trong khi kẹp chặt đầu tên Đức, sẽ khiến tên Đức chết ngạt và gãy cổ ngay lập tức.

Một ngày nọ, một nữ sĩ quan SS trốn thoát khỏi một trại giam người Anh bên cạnh căn cứ của chúng tôi.  Sau khi người Anh phát hiện ra rằng viên nữ sĩ quan đã trốn thoát, họ đã gửi những bức ảnh chụp cô ấy trong thời gian bị giam giữ — mặt trước và mặt sau — cho tất cả các đồn quân cảnh.  Chúng tôi đã lùng sục trại tị nạn và nhận diện cô ấy.  Khi chúng tôi nói chuyện với cô ấy bằng tiếng Đức, cô ấy đã chơi khăm và nói rằng cô ấy chỉ biết tiếng Hungary.  Đó không phải là một vấn đề.  Một đứa trẻ người Hungary đến gần cô và nói: “Một con tàu chở những người nhập cư bất hợp pháp từ Hungary chuẩn bị đi đến Palestine.  Hãy lặng lẽ thu dọn đồ đạc và đến với chúng tôi ”.  Cô ấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắn câu và đi cùng chúng tôi trong xe tải.  Trong cuộc hành quân này, tôi ngồi cùng Zaro [Meir Zorea, sau này là tướng IDF] ở phía sau trong khi Karmi lái xe.  Mệnh lệnh mà Karmi đưa ra cho chúng tôi là: “Khi tôi đi được một khoảng đến một nơi vắng vẻ thích hợp, tôi sẽ bấm còi.  Đó sẽ là tín hiệu để loại bỏ cô ấy ”.

 Đó là những gì đã xảy ra.  Tiếng hét cuối cùng của cô ấy bằng tiếng Đức là: “Was ist los?”  (“Chuyện gì đang xảy ra vậy?”).  Để chắc chắn rằng cô ấy đã chết, Karmi đã bắn cô ấy và chúng tôi cho cơ thể cô ấy và hiện trường xung quanh giống như một vụ cưỡng hiếp bạo lực.

 Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi đã đưa bọn Đức Quốc xã đến một tuyến công sự nhỏ trên núi.  Có những hang động kiên cố ở đó, bị bỏ hoang.  Hầu hết những tên đối mặt với vụ hành quyết đều mất đi tính kiêu ngạo Đức Quốc xã khi họ nghe chúng tôi xưng mình là người Do Thái.  “Xin thương xót cho vợ con tôi!”  Chúng tôi sẽ hỏi y rằng Đức Quốc xã đã nghe thấy bao nhiêu tiếng la hét như vậy trong các trại tiêu diệt nạn nhân Do Thái của chúng.

 Chiến dịch chỉ kéo dài ba tháng, từ tháng năm đến tháng bảy, trong thời gian đó Gmul đã giết một trăm đến hai trăm người.  Một số nhà sử học đã nghiên cứu các hoạt động của Gmul cho rằng các phương pháp được sử dụng để xác định mục tiêu là không đủ và nhiều người vô tội đã bị giết.  Trong nhiều trường hợp, những người chỉ trích lập luận rằng, các nhóm Gmul đã bị các nguồn tin của minh lợi dụng để  thực hiện các vụ trả thù cá nhân;  trong những trường hợp khác, các nhân viên chỉ đơn giản là xác định sai người.

Gmul đã bị đóng cửa khi người Anh, vốn đã nghe những lời phàn nàn về những vụ mất tích từ các gia đình người Đức, biết được chuyện gì đang xảy ra.  Họ quyết định không điều tra thêm mà chuyển Lữ đoàn Do Thái đến Bỉ và Hà Lan, tránh xa quân Đức, và chỉ huy Haganah đã ban hành một mệnh lệnh dứt khoát ngừng các hoạt động trả thù.  Các ưu tiên mới của Lữ đoàn — theo Haganah, không phải của Anh — là chăm sóc những người sống sót sau thảm họa Holocaust, giúp tổ chức việc di dân những người tị nạn đến Palestine trước sự phản đối của Anh và trưng dụng vũ khí  cho quân Yishuv.

___

 TUY  HỌ ĐÃ RA LỆNH Gmul ngừng giết người Đức ở Châu Âu, các thủ lĩnh của Haganah không từ bỏ việc trừng trị.  Sự báo thù bị dừng lại ở châu Âu, họ quyết định, sẽ được thực hiện ở chính Palestine.

 Các thành viên của Tempelgesellschaft (giáo phái Templer) Đức đã bị người Anh trục xuất khỏi Palestine vào đầu cuộc chiến vì quốc tịch của họ và vì họ là cảm tình viên của Đức Quốc xã.  Nhiều người xung phong vào nỗ lực chiến tranh của Đức và tham gia tích cực vào cuộc đàn áp và tiêu diệt người Do Thái.  Khi chiến tranh kết thúc, một số người họ trở về ngôi nhà cũ  ở Sarona, trung tâm của Tel Aviv, và các địa điểm khác.

Lãnh đạo của các Templers ở Palestine là một người tên là Gotthilf Wagner, một nhà công nghiệp giàu có đã hỗ trợ Wehrmacht và Gestapo trong chiến tranh.  Một người sống sót sau thảm họa Holocaust tên là Shalom Friedman, người đang đóng giả là một linh mục Hungary, kể rằng vào năm 1944, ông ta đã gặp Wagner, và y “khoe rằng y đã ở Auschwitz và Buchenwald hai lần.  Khi y ở trại Auschwitz, bọn SS dẫn ra một nhóm lớn người Do Thái, những người trẻ nhất, và đổ chất lỏng dễ cháy lên họ. ‘Tôi hỏi họ liệu họ có biết địa ngục trần gian là gì không, và khi họ bị thiêu đốt, tôi nói với họ rằng đây là số phận đang chờ đợi những người anh em của họ ở Palestine.’ “

Rafi Eitan, con trai của những người tiên phong Do Thái đến từ Nga, lúc đó mới mười bảy tuổi.  “Ở đây có những người Đức hào sảng, từng là thành viên của Đảng Quốc xã, những người đã gia nhập Wehrmacht và SS, và họ muốn trở về tài sản của mình khi tất cả tài sản của Do Thái bên ngoài đều bị phá hủy,” ông nói.

Eitan là một thành viên của lực lượng mười bảy người từ “đại đội đặc biệt” của Haganah được cử đến để khử Wagner, theo lệnh trực tiếp của chỉ huy tối cao Haganah.  Tham mưu trưởng Haganah, Yitzhak Sadeh, nhận ra rằng đây không phải là một hoạt động quân sự thông thường và triệu tập hai người đã được chọn để bóp cò.  Để khuyến khích họ, ông ta kể cho họ nghe về một người đàn ông mà ông đã bắn bằng súng lục của mình ở Nga để trả thù cho một vụ pogrom (vụ bức hại dân Do Thái sống lưu vong tại các nước Au châu).

 Vào ngày 22 tháng 3 năm 1946, sau khi tích cực thu thập thông tin tình báo, đội tấn công mai phục Wagner ở Tel Aviv.  Họ áp giải y ra khỏi đường lộ vào một lô đất ở 123 đường Levinsky và bắn y.  Đài phát thành lực lượng hoạt động ngầm của Haganah, Kol Yisrael Galili. (Đài tiếng nói Israel), đã thông báo vào ngày hôm sau, “Gotthilf Wagner của Đức Quốc xã nổi tiếng, người đứng đầu cộng đồng người Đức ở Palestine, đã bị hành quyết bởi người Do Thái hoạt động ngầm hôm qua.  Hãy cho mọi người biết rằng sẽ không có tên Đức Quốc xã nào được đặt chân lên Vùng Đất của Israel ”.

Ngay sau đó, Haganah đã ám sát hai người khác của Templers ở Galilê và hai người khác ở Haifa, nơi giáo phái Đức này cũng đã thành lập cộng đồng.

 “Nó có tác dụng tức thì,” Eitan nói.  “Các Templers đã biến mất khỏi đất nước, bỏ lại tất cả mọi thứ, và không bao giờ được nhìn thấy nữa.”  Khu phố của Templers ở Tel Aviv, Sarona, sẽ trở thành trụ sở của các lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo của Israel.  Và Eitan, một sát thủ ở tuổi mười bảy, sẽ giúp thành lập đơn vị giết người có mục tiêu của Mossad.

Việc giết hại  các Templers không chỉ đơn thuần là sự tiếp nối các hành động trả thù chống lại Đức quốc xã ở châu Âu, mà là dấu hiệu của một sự thay đổi lớn trong chính sách.  Bài học mà những người Do Thái mới của Palestine học được từ Holocaust là người Do Thái luôn luôn bị đe dọa hủy diệt, không thể dựa vào những người khác để bảo vệ người Do Thái, và cách duy nhất để làm như vậy là phải có tư thế độc lập.  Một người sống với cảm giác có nguy cơ bị tiêu diệt vĩnh viễn này sẽ thực hiện bất kỳ và tất cả các biện pháp, dù cực đoan, để đạt được an ninh, và chỉ tuân theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế theo một cách thức hời hợt, nếu có.

 Kể từ bây giờ, Ben-Gurion và Haganah sẽ áp dụng các vụ giết người có mục tiêu, chiến tranh du kích và tấn công khủng bố làm công cụ bổ sung — bên trên và bên ngoài các biện pháp tuyên truyền và chính trị luôn được sử dụng — trong nỗ lực đạt được mục tiêu của một nhà nước và  để bảo quản nó.  Thứ chỉ vài năm trước đây là phương tiện chỉ được sử dụng bởi những phần tử cực đoan bị ruồng bỏ của nhóm Lehi và Irgun giờ đây đã được giới chính thống coi như một vũ khí khả thi.

Lúc đầu, các đơn vị Haganah ám sát những người Ả Rập đã sát hại thường dân Do Thái.  Sau đó, chỉ huy cấp cao của lực lượng dân quân đã ra lệnh cho một “đại đội đặc biệt” bắt đầu “hoạt động khủng bố cá nhân”, một thuật ngữ được sử dụng vào thời điểm đó để chỉ các vụ giết người có mục tiêu là các sĩ quan của CID Anh, những người đã đàn áp người Do Thái hoạt động ngầm và có những hành động chống lại công cuộc  di dân của người Do Thái đến Vùng Đất của Israel.  Họ được lệnh “cho nổ tung các trung tâm tình báo của Anh hoạt động chống lại việc mua vũ khí của người Do Thái” và “thực hiện hành động trả đũa trong trường hợp tòa án quân sự Anh kết án tử hình các thành viên Haganah.”

Ben-Gurion đã thấy trước rằng một nhà nước Do Thái sẽ sớm được thành lập ở Palestine và quốc gia mới sẽ ngay lập tức bị buộc phải tiến hành một cuộc chiến chống lại người Ả Rập ở Palestine và đẩy lùi các cuộc xâm lược của quân đội các quốc gia Ả Rập láng giềng.  Bộ chỉ huy Haganah do đó cũng bắt đầu bí mật chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện này, và như một phần của quá trình chuẩn bị, một mệnh lệnh mang tên Zarzir (hay Starling) đã được ban hành, thi hành việc ám sát những người Ả Rập đứng đầu của Palestine.

__

TRONG KHI HAGANAH từ từ đẩy mạnh việc sử dụng các vụ giết người có mục tiêu, thì lực lượng hoạt động bí mật tăng tốc toàn diện chiến dịch giết chóc nhằm đẩy người Anh ra khỏi Palestine.

Yitzhak Shamir, hiện chỉ huy Lehi, quyết tâm không chỉ loại bỏ các nhân vật chủ chốt của Ủy ban Anh tại địa phương — giết nhân viên CID và thực hiện nhiều nỗ lực để làm điều tương tự với cảnh sát trưởng Jerusalem, Michael Joseph McConnell, và Cao ủy, Ngài Harold  MacMichael — cũng như những người Anh ở các quốc gia khác, những người gây ra mối đe dọa cho mục tiêu chính trị của ông ta.  Chẳng hạn, Walter Edward Guinness, chính thức được gọi là Lord Moyne, là Bộ trưởng thường trú của Anh tại Cairo, cũng nằm dưới sự cai trị của Anh.  Người Do Thái ở Palestine coi Moyne là một kẻ bài Do Thái trắng trợn, người đã cố tình sử dụng vị trí của mình để hạn chế quyền lực của Yishuv bằng cách giảm đáng kể hạn ngạch nhập cư cho những người sống sót sau thảm sát Holocaust.

Shamir ra lệnh giết Moyne.  Anh ta cử hai đặc vụ của Lehi, Eliyahu Hakim và Eliyahu Bet-Zuri, đến Cairo, nơi họ đợi ở cửa nhà Moyne.  Khi Moyne dừng xe, thư ký của ông trong xe cùng với ông, Hakim và Bet-Zuri chạy nhanh đến xe.  Một người thọc khẩu súng lục qua cửa sổ, nhắm vào đầu Moyne và bắn ba phát.  Moyne nắm chặt cổ họng mình.  “Ôi, họ đã bắn chúng ta!”  Ông ta kêu lên, và sau đó gục xuống tại chỗ.  Tuy nhiên, đó là một hoạt động nghiệp dư.  Shamir đã khuyên những kẻ giết người trẻ tuổi của mình sắp xếp để tẩu thoát trong một chiếc ô tô, nhưng thay vào đó, họ tẩu thoát trên những chiếc xe đạp chạy chậm.  Cảnh sát Ai Cập nhanh chóng tóm gọn họ, Hakim và Bet-Zuri bị xét xử, kết án và 6 tháng sau bị treo cổ.

Vụ ám sát có ảnh hưởng quyết định đến các quan chức Anh, mặc dù không phải là điều mà Shamir đã hình dung.  Như Israel sẽ học hỏi nhiều lần trong những năm tới, rất khó để dự đoán lịch sử sẽ diễn ra như thế nào sau khi ai đó bị bắn vào đầu.

Sau hành động tàn ác không thương xót thể hiện trong Holocaust, nhằm tiêu diệt toàn bộ dân tộc Do Thái ở châu Âu, ngày càng có nhiều người phương Tây tỏ ra thiện cảm đối với chính nghĩa Zionism.  Theo một số lời kể, cho đến tuần đầu tiên của tháng 11 năm 1944, thủ tướng Anh, Winston Churchill, đã thúc đẩy nội các của mình ủng hộ việc thành lập một nhà nước Do Thái ở Palestine.  Ông đã tập hợp một số nhân vật có ảnh hưởng để ủng hộ sáng kiến ​​- bao gồm cả Lord Moyne.  Do đó, không có gì khó để giả định rằng Churchill có thể đã đến hội nghị thượng đỉnh Yalta với Franklin Roosevelt và Joseph Stalin với một chính sách rõ ràng, tích cực về tương lai của một quốc gia Do Thái, nếu Lehi không can thiệp.  Thay vào đó, sau vụ giết người ở Cairo, Churchill đã dán nhãn những kẻ tấn công là “một nhóm xã hội đen mới” và tuyên bố rằng ông ta đang xem xét lại lập trường của mình.

Và cuộc giết chóc vẫn tiếp tục.  Vào ngày 22 tháng 7 năm 1946, các thành viên Irgun của Menachem Begin đã gài 350 kg thuốc nổ ở cánh phía nam của Khách sạn King David, ở Jerusalem, nơi đặt trụ sở của cơ quan hành chính, quân đội và tình báo của Ủy ban Anh.  Một cuộc gọi cảnh báo từ Irgun rõ ràng đã bị bác bỏ như một trò lừa bịp;  tòa nhà đã không được sơ tán trước khi một vụ nổ lớn xé toạc nó.  Chín mươi mốt người thiệt mạng và 45 người bị thương.

Đây không phải là vụ giết hại có mục tiêu nhắm vào các quan chức Anh bị thù ghét hay một cuộc tấn công du kích vào đồn cảnh sát.  Thay vào đó, đây rõ ràng là một hành động khủng bố, nhằm vào một mục tiêu có nhiều thường dân bên trong.  Tệ hại nhất là nhiều dân Do Thái nằm trong số những người bị thương vong.

Vụ đánh bom khách sạn King David đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt ở Yishuv.  Ben-Gurion ngay lập tức tố cáo Irgun và gọi nó là “kẻ thù của dân tộc Do Thái” Nhưng những kẻ quá khích không hề bị nhụt chí.

 Ba tháng sau cuộc tấn công vào Khách sạn Vua David, vào ngày 31 tháng 10, một tổ của Lehi, một lần nữa tự hành động mà không có sự chấp thuận hoặc biết trước của Ben-Gurion, đã đánh bom đại sứ quán Anh ở Rome.  Tòa nhà đại sứ quán bị hư hại nghiêm trọng, nhưng nhờ hoạt động diễn ra vào ban đêm nên chỉ có một nhân viên bảo vệ và hai bộ hành Ý bị thương.

Gần như ngay lập tức sau đó, Lehi đã gửi bom thư tới mọi thành viên cấp cao trong nội các Anh ở London.  Ở một mức độ, nỗ lực này là một thất bại ngoạn mục – không một bức thư nào phát nổ – nhưng ở một mức độ khác, Lehi đã đưa ra quan điểm và tầm với của nó, rất rõ ràng.  Các hồ sơ của MI5, cơ quan an ninh của Anh, cho thấy chủ nghĩa khủng bố Zionism được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia Anh vào thời điểm đó – thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả Liên Xô.  Theo một bản ghi nhớ của MI5, các phòng giam Irgun ở Anh được thành lập “để đánh bại con chó trong cũi của chính nó”.  Các nguồn tin tình báo của Anh đã cảnh báo về một làn sóng tấn công vào “những nhân vật VIP được chọn”, trong số đó có Ngoại trưởng Ernest Bevin và thậm chí cả chính Thủ tướng Clement Attlee.  Vào cuối năm 1947, một báo cáo gửi cho cao ủy Anh thống kê số thương vong của hai năm trước đó: 176 nhân viên và dân thường của Ủy ban Anh thiệt mạng.

 “Chỉ những hành động này, những vụ hành quyết này, mới khiến người Anh bỏ đi,” David Shomron nói, nhiều thập kỷ sau khi anh ta bắn chết Tom Wilkin trên đường phố Jerusalem.  “Nếu [Avraham] Stern không bắt đầu cuộc chiến, Nhà nước Israel sẽ không ra đời.”

Người ta có thể tranh luận với lời tuyên bố này.  Đế chế Anh đang bị thu hẹp đã nhượng lại quyền kiểm soát phần lớn các thuộc địa của mình, bao gồm nhiều quốc gia nơi các chiến thuật khủng bố chưa được sử dụng, vì lý do kinh tế và yêu cầu ngày càng tăng muốn giành độc lập của các dân tộc bản địa.  Ví dụ, Ấn Độ đã giành được độc lập ngay trong khoảng thời gian đó.  Tuy nhiên, Shomron và các đồng sự của ông tin chắc rằng lòng quả cảm của chính họ và các thủ đoạn cực đoan của họ đã buộc người Anh ra đi.

 Và chính những người đã chiến đấu trong cuộc chiến ngầm đẫm máu đó — du kích, sát thủ, khủng bố — sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng nhà nước mới của các lực lượng vũ trang và cộng đồng tình báo Israel.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét