Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

Nguyễn Văn Tuấn - Nhạc sĩ của hòa hợp dân tộc

 

 

Nhạc sĩ Xuân Tiên, tác giả của những câu nhạc như "Ơi tình Bắc duyên Nam là duyên / Tình chung muôn đời ta đắp xây", mới qua đời ở Sydney ngày 02/06/2023, thọ 102 tuổi.

Ông tên thật là Phạm Xuân Tiên, sanh năm 1921 tại Hà Nội, trong một gia đình 6 anh em đều được học nhạc. Nhạc sĩ Xuân Lôi, từng nổi tiếng trong làng nhạc thời trước 1975 ở miền Nam, chính là anh của ông. Năm 1952, ông di cư vào Nam vì thấy "miền Nam khí hậu ấm áp, dân tình hiền hòa, trong khi Hà Nội lạnh lắm không thích." (trích hồi ký "Những mẩu chuyện giữa hai thế kỷ"của ông). Và, ở trong Nam ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng.

Thật ra, ông tự xem mình là một nhạc công hơn là một nhạc sĩ. Ông cho biết rằng sáng tác nhạc chỉ là 'nghề tay trái', còn chơi nhạc trong các ban nhạc mới là nghề nghiệp chánh. 

Ông từng là trưởng ban nhạc tại các phòng trà nổi tiếng trước 1975 như Kim Sơn, Văn Cảnh, Mỹ Phụng, Blue Diamond, Maxim's. Ông cho biết là có khả năng sử dụng thành thạo hơn 20 nhạc cụ, có khi chính ông còn chế tạo ra nhạc cụ mới dựa trên những gì đang có. Ông nghĩ rằng khi đã thành thạo nhạc cụ thì việc sáng tác không quá khó.

Ông sáng tác không nhiều (vì là 'nghề tay trái'), nhưng ca khúc nào cũng hay và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nói đến ông là dân thưởng thức nhạc nhớ đến những ca khúc như 'Khúc hát ân tình' (còn có tưa đề là 'Duyên tình') và 'Hận Đồ Bàn'. Nhưng sau này tôi mới biết những ca khúc mình hay nghêu ngao như 'Mong chờ' và 'Về dưới mái nhà' cũng là do ông sáng tác.

Một đặc điểm rất dễ nhận ra trong các ca khúc của Xuân Tiên là giai điệu vui tươi (Valse, Rumba, Tango), có khi mang nét dân ca của ba miền đất nước. Chẳng hạn như 'Khúc hát ân tình' (sáng tác năm 1958) có giai điệu mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ, còn 'Chung một mái nhà' thì mang âm hưởng Nam Bộ. Sở dĩ như vậy là vì ông hay đi đây đó biểu diễn và đi đến đâu ông tìm hiểu văn hóa địa phương và kết quả là những giai điệu ba miền. Ra ngoài Trung ông tìm hiểu về người Chàm (Chăm) và lịch sử Chàm, rồi cám cảnh, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng 'Hận Đồ Bàn'.

Còn lời ca trong các ca khúc của ông thì đậm tình dân tộc và lúc nào cũng yêu đời, kêu gọi mọi người yêu thương nhau, lạc quan nhìn về tương lai. Tôi hay nói đùa, nhạc của ông là loại 'hòa hợp dân tộc'. Chẳng hạn như trong bài 'Khúc hát đồng xanh' ông viết những câu chan chứa tình dân tộc như "Nước dù Nam Bắc / nhưng chung một giống dân Lạc Hồng / Chung tình thương / chung một quê hương".

Một trong những sáng tác nổi tiếng nhứt của ông có lẽ là 'Khúc hát ân tình' (có khi biết đến là 'Duyên Bắc Tình Nam' và 'Duyên tình'). Ông cho biết ca khúc này ông viết sau Hiệp định Geneve 1954, khi có cả triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam, và lúc đầu cũng có những ngộ nhận và kỳ thị, nên ông viết ca khúc đó "như là một lời kêu gọi mọi người con của đất nước hãy sống thân ái với nhau và ca ngợi tình yêu không phân biệt Nam – Bắc.". Bởi vậy mới có những câu thiệt hay:

Người từ là từ phương Bắc

đã qua dòng sông, sông dài.

Tìm đến phương này

một nhà thân ái

Ơi! Tình Bắc duyên Nam

Là duyên

tình chung muôn đời ta đắp xây.

Nhưng những câu sau còn thấm thía hơn:

Ngày mai hạnh phúc nơi nơi reo cười

Quê hương thôi đau sầu

ngăn sông núi cách chia

Ta đem yêu thương về cho Phương Bắc ...

Ca khúc 'Duyên tình' sau 1975 có nhà sản xuất đề tác giả là Y Vân! Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí ở Sydney, Nhạc sĩ Xuân Tiên giải thích và khẳng định rằng ông là tác giả của ca khúc 'Duyên tình'. Ông cho biết ông và Nhạc sĩ Y Vân (nhỏ tuổi hơn ông) là bạn rất thân, và ông có nhờ Y Vân chép nhạc bằng tay để bán cho các nhà xuất bản. Riêng bài 'Khúc hát ân tình' khi Y Vân đem đến nhà xuất bản để lấy nhuận bút, nhà xuất bản yêu cầu Y Vân phải ký tên chung trên bản nhạc thì mới lãnh tiền được, và đó chính là lý do mà trên giấy nhạc thì Xuân Tiên và Y Vân là đồng tác giả!

Về cá nhân, ông là một nhạc sĩ có tuổi thọ cao nhứt trong làng nhạc sĩ Việt Nam. Ông cho biết là lập gia đình năm 19 tuổi, và phu nhân của ông cũng 19 tuổi lúc đó. Điều kỳ diệu là cả hai người đều sống qua tuổi 100! Khi bà cụ yếu và không thể tự mình chăm sóc nên phải vào viện dưỡng lão, ông cũng quyết định đi theo sống chung vì ông nói 'sợ bả cô  đơn'. Vài năm trước, Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị tặng bằng khen cho hai ông bà đã sống chung với nhau 75 năm. 

Trong hồi ký, ông tiết lộ rằng trong thời gian ở Sài Gòn ông đã ba lần thoát chết từ những cuộc đánh bom. Sau 1975, ông cũng có đi 'học tập cải tạo' nhưng chỉ 21 ngày, và có thời cộng tác với ban kịch nói Kim Cương. Ông cho biết:

"Đi trình diễn khắp trong nước, rất được công chúng hoan nghênh nhưng đồng lương thì rẻ lắm. Cố gượng gạo làm để sống qua ngày. Làm nhiều mà không đủ tiền nuôi gia đình, may mà vợ tôi buôn bán tạm để nuôi gia đình. Vậy mà ban nhạc chúng tôi cũng kéo dài được 5 năm mới nghỉ được gánh Kim Cương."

Năm 1986 ông sang Sydney (Úc) đoàn tụ cùng con cháu và tiếp tục sự nghiệp nhạc. Từ đó đến ngày qua đời (2023), chưa một lần ông về thăm Việt Nam. Vĩnh việt người nhạc sĩ của hòa hợp dân tộc!

NGUYỄN VĂN TUẤN 04.06.2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét