Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

LÔI-HỔ và Chiến Dịch Ðột Kích sang Lào và Cam Bốt




Tác giả: Vương Hồng Anh


Lực lượng Lôi Hổ ( The Thunder Tiger - Liaisons Service Commandos ) lên đường cho một chuyến công tác tạI Lào
Như đã trình bày trong bài viết về đơn vị Nghiên Cứu và Quan Sát "SOG," [1] một đơn vị thống thuộc Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV, hay Military Assistance Command Vietnam) được thành lâp vào đầu năm 1964 với cái tên gọi tắt là MACV-SOG, từ khi khởi sự hoạt động vào tháng 2 năm 1964, các toán tình báo chiến lược của đơn vị này đã xâm nhập vào nhiều khu vực quân sự của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại Miền Bắc, và thu thập được nhiều thông tin có giá trị.
[1] SOG là viết tắt của các chữ Studies and Observation Group, dịch sang Việt ngữ là "Nhóm Nghiên Cứu và Quan Sát." Ðây là những toán biệt-kích được huấn luyện để tự mình riêng-rẽ hoạt động trong lòng địch. Mọi công tác của họ đều thuộc loại kín đáo, bảo-mật, bao gồm những cuộc hành quân nguy hiểm như đột kích, dọ thám, và quan sát địa hình .
Ngoài hoạt động của đơn vị SOG trong lòng địch, từ năm 1966, Ðại Tướng Williams Westmoreland đã nhận xét rằng cần phải có các cuộc hành quân quy mô để triệt hạ các căn cứ địa của Bắc Việt tại Lào và bên kia giới Việt Nam - Cam Bốt. Do đó vị tướng này đã ra chỉ thị cho bộ tham mưu của ông nghiên cứu kế hoạch thực hiện các cuộc hành quân nới rộng hoạt động hành quân ngoại biên khi được Hoa Thịnh Đốn (Washington, D.C.) cho phép. Có tất cả ba kế hoạch đã được soạn thảo trong các năm 1966 cho đến 1968 nhưng không tiến hành được (chi tiết về các kế hoạch này sẽ được trình bày trong bài viết Liên Quân Việt Mỹ, 3 kế hoạch tấn công mật khu CSBV tại Lào). Theo tài liệu của Ðại Tướng Westmoreland, khi ông Henry Cabot Lodge trở lại Việt Nam vào mùa hè 1965 để đảm nhận chức vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa lần thứ hai, ông rất hăng hái muốn xúc tiến ngay kế hoạch này nhưng Tổng Thống Johnson và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ còn ngần ngạị
CHIẾN DỊCH SHINING BRASS VÀ KẾ HOẠCH PHÙ ÐỔNG Trong thời gian chưa được phép tiến hành những cuộc hành quân quy mô bằng các đại đơn vị bộ chiến để tấn công quân Bắc Việt trên đất Lào, Ðại Tướng Westmoreland đã xin Hoa Thịnh Đốn cho phép lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với quân đội VNCH tiến hành các cuộc hành quân trinh sát thu nhập tin tức địch quân ở phía bên kia biên giới (Việt-Lào). Sau khi đề nghị này được chấp thuận, vào tháng 9/1965, liên quân Việt-Mỹ khởi động chiến dịch quân sự mang tên Shining Brass với các cuộc hành quân tình báo trinh sát xâm nhập vào các căn cứ địa của Cộng Sản Bắc Việt trong đất Lào. Trong chiến dịch này, các toán Lực Lượng Đặc Biệt Việt-Mỹ đã trực tiếp giao chiến với quân Bắc Việt và Cộng Sản Pathet Lào. Luôn cả các pháp đài B- 52 cũng đã được gọi đến oanh tạc. Kế hoạch này là quy mô hóa, hệ thống hóa các hoạt động thám kích, tấn công, oanh-tạc, nhằm ngăn chận các đơn vị Bắc Việt xâm nhập qua ngã Lào vào miền Nam Việt Nam mà trước đó bộ phận SOG chỉ có những hoạt động ở tầm mức nhỏ, không đáng kể.

 
Đến năm 1967, chiến dịch Shining Brass được gọi là Prairie Fire, và sau đó được gọi là cuộc hành quân Phù Đổng. Ngày 26 tháng 1 năm 1967, Ðại Tướng Westmoreland cho tiến hành thêm kế hoạch mở rộng hơn với các cuộc hành quân trinh-sát nhằm xâm nhập sâu và ở lâu tại Lào để gầy dựng một tổ chức kháng chiến trong nội bộ một số người sắc tộc. Đến giữa tháng 3, ông Ellsworth Bunker, 74 tuổi, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Dương được cử sang thay đại sứ Cabot xin từ chức.
Vị tân đại sứ này ngần ngại nên kế hoạch mở rộng chiến dịch Prairie Fire bị khựng lại, nhưng các cuộc hành quân trinh sát dọc theo biên giới do các đơn vị Lực Lượng Ðặc Biệt Việt-Mỹ làm nỗ lực chính vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên các đơn vị Mỹ bị Quốc Hội Hoa Kỳ cấm không cho vượt biên qua Lào như trước đây.

CHIẾN DỊCH DANIEL BOONE CỦA LỰC LƯỢNG ÐẶC BIỆT VIỆT-MỸ
Cùng với cuộc hành quân Prairie Fire tiến hành trên đất Lào, từ tháng 6 năm 1966, Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn cho phép Ðại Tướng Westmoreland lập kế hoạch mở rộng chiến dịch hành quân trinh sát ngoại biên sang khu vực bên kia biên giới Việt Nam - Cam Bốt bằng việc sử dụng Lực Lượng Đặc Biệt. Ngày 27 tháng 6 năm 1966, kế hoạch này được thi hành qua chiến dịch bí mật mang tên Daniel Boone.
Theo lệnh của Đại Tướng Westmoreland, các đơn vị tham dự cuộc hành quân không được hoạt động bao trùm cả khu biên giới, chỉ quanh quẩn ở khu sông Se San mãi cho đến tháng 5 năm 1967. Đến tháng 10 năm 1967, chiến dịch Daniel Boone mới tiến hành các cuộc tuần thám đi sâu vào đất Cam Bốt 20 km dọc theo biên giới, và sau đó được phép đi sâu vào 30 km. Đường biên giới chia thành 2 vùng: Vùng Alpha từ Lào chạy xuống Snoul, vùng Bravo chạy dài từ Snoul xuống tới Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên các hoạt động thám báo tại vùng Bravo đặc biệt phải được sự chấp thuận của Tổng Thống Hoa Kỳ.
Theo tài liệu của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ thì các tin tức tình báo gửi về cho MACV-SOG đã không được khai thác và sử dụng. Suốt năm 1967, các toán Lực Lượng Đặc Biệt tham dự cuộc hành quân Daniel Boone đã báo cáo rằng quân Bắc Việt đã tăng cường lực lượng phòng thủ để biến khu Lưỡi Câu nằm giữa Cam Bốt và Nam Việt Nam thành một hậu cần mạnh để sau đó trở thành nơi xuất phát và chỉ huy cuộc tổng tấn công của họ trong Tết Mậu Thân 1968.
Sau khi nhận được báo cáo của Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Việt Nam (Liên Đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt), Đại Tướng Westmoreland đã xin phép Hoa Thịnh Đốn cho ông được điều động khẩn cấp Lực Lượng Đặc Biệt vượt biên sang tiêu diệt khu hậu cần Lưỡi Câu của Cộng Sản Bắc Việt nhưng đã bị từ chối. Sau đó, kế hoạch Daniel Boone được đổi tên là Salem House và đến tháng 12 năm 1968, mọi giới hạn công tác của kế hoạch được giải tỏa. Khu biên giới Cam Bốt được chia thành 3 vùng, trong đó vùng Bravo được chia làm hai. Vùng mới được gọi là Charlie, hoặc là miền Trung Salem House, chạy dài từ Snoul đến thị xã Prey Veng, trong khi khu Bravo, hoặc miền Nam Salem House, chạy dài từ Prey Veng xuống tới Vịnh Thái Lan.
Lực Lượng Đặc Biệt được tự do hoạt động ở khu Alpha phía bắc giáp ranh Lào nhưng ở khu Bravo phải được phép của Tổng Thống Hoa Kỳ như đã trình bày ở trên. Trong năm 1969, Tổng Thống Nixon đã cho phép Lực Lượng Đặc Biệt một lần hành quân vào khu vực này.
Ngày 8 tháng 4 năm 1971, kế hoạch Salem House được đổi thành kế hoạch Thốt Nốt. Ngoài hai kế hoạch Salem House và Prairie Fire, Lực Lượng Đặc Biệt còn gửi các toán xâm nhập Vùng Phi Quân Sự gần Bến Hải với các kế hoạch Nickel Steel và kế hoạch Bright Light có toán chuyên cứu tù binh và tìm người thất lạc, vượt ngục.

CÁC CUỘC HÀNH QUÂN DO MACV-SOG ĐIỀU HÀNH


Để tiến hành các kế hoạch tình báo chiến lược, Bộ Chỉ Huy MACV-SOG sử dụng các trại biên giới do Lực Lượng Đặc Biệt phụ trách để xuất phát các cuộc hành-quân mật, ngoài ra còn một số nơi khác như Nakhon Phanom bên Thái Lan cũng được dùng để chuẩn bị đưa người xâm nhập. Các trung tâm huấn luyện tại Khâm Đức và Long Thành huấn luyện Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam và người sắc tộc thiểu số để sử dụng trong các chuyến công tác cảm tử. Trong khi đó, người địa phương được tuyển chọn theo quy chuẩn trung thành và tác chiến rừng rậm xuất sắc, một số đại đội phòng thủ và phản công đều chọn từ lực lượng Mike Force [2] đưa qua.

[2] Mike Force là ám danh của chữ Mobile Strike Force, dịch sang Việt ngữ là "Lực Lượng Đột-Kích Lưu Động" (có tài liệu dịch là "lực lượng viễn-thám đặc biệt"). Đây là những đơn vị được thành lập từ năm 1965 với đa số các binh sĩ được tuyển mộ từ những bộ-tộc sắc dân thiểu số (người Thượng). Nhiệm vụ chánh-yếu là yểm trợ cho các trại Lực Lượng Đặc Biệt gần biên giới. Trong trường hợp một trại nào đó bị tấn công, lực lượng Mike Force sẽ được huy động để truy-kích địch quân. Từ năm 1965, các lực lượng Mike Force đều do phía Hoa Kỳ điều hành. Năm 1970, Hoa Kỳ giảm bớt mức độ chinh-chiến. Lực lượng Mike Force được chuyển giao cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả đều được sát nhập vào binh chủng Biệt Động Quân, và thường được gọi là Biệt Động Quân Biên-Phòng.

Ngày 1-11-1967, hai kế hoạch Omega và Sigma được sát nhập làm một và tái cấu trúc lại với ba bộ chỉ huy phụ trách ba vùng biên giớ. Một ở Đà Nẵng, một ở Kontum và một ở Ban Mê Thuột.
Các toán công tác đặc nhiệm thuộc quyền điều động của MACV-SOG thường được giao những nhiệm vụ như sau: dò đường bộ, đường sông, đặt mìn, quấy rối và phục kích, bắt tù binh, gài bom, chụp hình, gài giây truyền tin, hướng dẫn pháo binh và phi cơ oanh kích, hạn chế giao tranh với Cộng quân. Mỗi toán gồm 3 binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, 9 Biệt kích quân người Thượng Việt Nam, mỗi chuyến công tác, toán được bốn trực thăng hỏa lực và một phi cơ quan sát yểm trợ. Về chuyển vận có 4 trực thăng đổ quân gồm một trực thăng CNC, một trực thăng đổ quân, hai trực thăng trừ bị sử dụng để bốc phi hành đoàn và toán đổ quân trong trường hợp trực thăng đổ quân bị rớt hoặc gặp phải hỏa lực mạnh của đối phương.

Tuy nhiên khi cần, bộ chỉ huy MACV-SOG cũng có thể điều động các toán thành một đơn vị tác chiến, từ một đến ba trung đội, để tấn công và phục kích địch, an ninh tuần tiểu giữ an ninh cho các căn cứ, tiếp cứu các toán tình báo khi nhận được sự yêu cầu yểm trợ khẩn cấp. MACV-SOG cũng còn một bộ phận Nhảy Dù mang tên SOG-36 thi hành các nguyên tắc công tác vượt biên tình báo. Đến ngày 23-2-1970, Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ quyết định chấm dứt chương trình này, nên ra lệnh cho MACV-SOG ngưng các chuyến công tác nói trên.
Nhận định về hoạt động của các chuyến công tác và tình báo của các đơn vị nói trên, Đại Tá Roger M.Pezzelle, một sĩ quan cao cấp của MACV-SOG đã phát biểu như sau: "Sự thật là suốt lịch sử MACV-SOG, cuộc chiến tranh không quy ước đã không được thi hành trọn vẹn vì một số lý do. Lý do quan trọng nhất là thời hạn phục vụ một năm quá ngắn gây hậu quả không tốt khó tránh khỏi cho lối chiến tranh quy ước này. Đại diện cho MACV-SOG, tôi phải nói rằng các chuyến công tác tình báo và các nhiệm vụ khác tuy chưa được công bố nhưng bảo đảm thành công mỹ mãn."
MACV-SOG là một mô thức áp dụng Lực Lượng Đặc Biệt lần đầu tiên vào công tác tình báo chiến lược trên bộ và phá hoại địch. Thành công của Lực Lượng Đặc Biệt trong mô thức này được các phối hợp với các kế hoạch phòng thủ trong và ngoài với quan niệm mở rộng phạm vi thám báo càng xa căn cứ thì càng an toàn bấy nhiêu./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét